Ung thư đại trực tràng trẻ hóa chóng mặt: Đừng để nội soi muộn trở thành bản án
Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa nhanh chóng, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã mắc bệnh. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 16.800 ca mắc mới, nhưng gần 1/3 phát hiện khi đã di căn. Trong khi đó, nếu tầm soát sớm, cơ hội chữa khỏi có thể vượt 90%. Vậy đâu là phương pháp sàng lọc hiệu quả nhất hiện nay?
Theo lời khẳng định từ PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, phát hiện sớm thông qua tầm soát định kỳ có thể giúp nâng tỷ lệ chữa khỏi ung thư đại trực tràng lên đến trên 90%.
Bài viết sau đây sẽ hé lộ phương pháp sàng lọc hiệu quả nhất hiện nay, chia sẻ những lời khuyên vàng từ chuyên gia hàng đầu, cùng cập nhật những hy vọng mới từ liệu pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch, những vũ khí tiên tiến giúp hàng ngàn bệnh nhân vượt qua “án tử” của căn bệnh thầm lặng này.
Tại sao phải phát hiện sớm ung thư đại trực tràng?
Theo số liệu từ GLOBOCAN 2022, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đứng thứ 3 về số ca mắc mới và thứ 2 về tỷ lệ tử vong do các bệnh lý ung thư trên toàn cầu, bệnh với xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa.
Theo GLOBOCAN 2022, mỗi năm Việt Nam có khoảng 16.835 ca mắc mới và hơn 8.454 ca tử vong. Đáng lo ngại, 20-30% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn đã di căn xa, khiến việc điều trị trở nên phức tạp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống 5 năm có thể lên tới trên 90%.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, tầm soát định kỳ là cách duy nhất để đánh bại căn bệnh này từ khi chưa kịp phát triển.
UTĐTT hình thành từ polyp tuyến, quá trình này kéo dài 10-15 năm. Nếu cắt bỏ polyp sớm, nguy cơ ung thư giảm tới 90%. Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, polyp đại trực tràng giống như “hạt giống” của ung thư. Khi còn nhỏ, việc loại bỏ polyp qua nội soi rất đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu để polyp phát triển thành khối u ác tính, quá trình điều trị sẽ phức tạp, tốn kém và nguy cơ biến chứng cao hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, UTĐTT đang trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi được chẩn đoán, phá vỡ quan niệm "chỉ người già mới mắc bệnh". Lối sống hiện đại với chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, lười vận động, hút thuốc, uống rượu... là yếu tố thúc đẩy nguy cơ.
Các phương pháp sàng lọc hiệu quả
1. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FIT/FOBT)
Đây là phương pháp đơn giản, không xâm lấn, có thể thực hiện tại nhà. FIT phát hiện lượng máu vi thể trong phân - dấu hiệu sớm của polyp hoặc ung thư. Chia sẻ từ PGS.TS Phạm Cẩm Phương. FIT như "vệ sĩ thầm lặng", giúp phát hiện bất thường trước khi triệu chứng xuất hiện. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân cần nội soi đại tràng để xác định chính xác.
2. Nội soi đại tràng
Là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán UTĐTT. Nội soi không chỉ phát hiện polyp mà còn có thể cắt bỏ ngay trong quá trình thực hiện. Nhiều người e ngại nội soi vì sợ đau, nhưng với kỹ thuật gây mê hiện đại, quá trình này diễn ra nhẹ nhàng và chỉ mất 15-30 phút.

Nội soi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng (ảnh: BVCC)
3. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng
Phù hợp với người không thể nội soi do sức khỏe hoặc tâm lý. Chụp cắt lớp tạo hình ảnh 3D của đại tràng, giúp phát hiện khối u hoặc polyp. Tuy nhiên, phương pháp này không thể sinh thiết hoặc cắt bỏ tổn thương.
4. Xét nghiệm đánh giá methyl hóa DNA trong phân
Xét nghiệm đánh giá methyl hóa DNA trong phân là phương pháp sàng lọc sớm ung thư đại trực tràng không xâm lấn, dựa trên việc phát hiện các gene bị methyl hóa bất thường (như gen SDC2, NDRG4, BMP3...) ở các tế bào u được bong ra từ niêm mạc đại trực tràng và đào thải ra ngoài theo phân.
Với độ nhạy cao trong phát hiện ung thư giai đoạn sớm và tổn thương tiền ung thư, xét nghiệm này được xem là lựa chọn thay thế phù hợp cho những người không muốn hoặc không thể nội soi. Nếu kết quả dương tính, người bệnh cần được nội soi để chẩn đoán xác định.
5. Xét nghiệm methyl hóa gen SEPTIN9
Gen SEPTIN9 được dùng để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng thông qua xét nghiệm máu. Khi bị ung thư, gen này thường bị methyl hóa - đây là một dạng bất thường của gen. Dựa vào đó, xét nghiệm có thể tìm thấy dấu vết của ung thư trong máu mà không cần nội soi.
Phương pháp này đơn giản, ít xâm lấn và phù hợp cho người không muốn hoặc không thể tiến hành nội soi. Mặc dù độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm này chưa vượt trội so với nội soi, nhưng nó vẫn là một công cụ hỗ trợ giá trị trong tầm soát UTĐTT, nhất là trong nhóm có nguy cơ trung bình mắc UTĐTT.
6. Xét nghiệm chỉ dấu khối u
PGS.TS Phạm Cẩm Phương lưu ý, chất chỉ điểm u như CEA, CA 19-9 được sử dụng trong theo dõi tái phát và đáp ứng trong điều trị. CEA tăng cao có liên quan đến tiên lượng xấu, nhưng không dùng để sàng lọc. Khi kết hợp với các phương pháp khác, nó giúp đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sớm.
Ai cần sàng lọc và khi nào nên bắt đầu?
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, người từ 45 tuổi trở lên, dù không có triệu chứng, nên làm FIT hàng năm và nội soi 10 năm/lần nếu nội soi không có gì bất thường, nếu có bất thường thì lịch hẹn nội soi lần 2,3 sẽ theo chỉ định của bác sĩ.
Người có tiền sử gia đình mắc UTĐTT: Bắt đầu sàng lọc sớm hơn 10 năm so với tuổi chẩn đoán của người thân (thường từ 35-40 tuổi).
Người có polyp hoặc bệnh viêm ruột mạn tính: Tầm soát định kỳ 1-3 năm/lần tùy mức độ.
Bác sĩ cảnh báo, không nên đợi đến khi có triệu chứng như đau bụng, đi ngoài ra máu, sụt cân mới đi khám. Lúc đó, bệnh có thể đã tiến triển nặng.
Không chủ quan với ung thư đại trực tràng!
PGS.TS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh, UTĐTT là bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đừng để nỗi sợ nội soi hay tâm lý chủ quan cướp đi cơ hội sống của bạn. Hãy coi tầm soát như một phần của lối sống lành mạnh.
Phó giáo sư cũng khuyến nghị:
- Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, hạn chế thịt đỏ và đồ chế biến sẵn
- Tập thể dục 30 phút/ngày để kích thích nhu động ruột
- Tránh thuốc lá và rượu bia
- Tuân thủ lịch sàng lọc dựa trên nhóm nguy cơ
Hy vọng mới từ điều trị đích, điều trị miễn dịch
Hóa trị đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn, đem lại lợi ích cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Đã có nhiều nghiên cứu đưa ra một số phác đồ mới trong điều trị ung thư giai đoạn di căn, cùng với sự xuất hiện của những thuốc điều trị nhắm trúng đích đã góp phần cải thiện đáng kể thời gian sống thêm cho người bệnh.
Thuốc kháng thể đơn dòng (Bevacizumab), thuốc kháng EGFR (Cetuximab) là các thuốc điều trị nhắm trúng đích có tác động đặc hiệu lên các thụ thể khác nhau (VEGF, EGFR). Kể từ khi được phê duyệt, nhóm thuốc này đã trở thành một lựa chọn điều trị tiêu chuẩn kết hợp với hóa trị liệu cho bệnh nhân giai đoạn muộn. Qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của các thuốc kháng thể đơn dòng có thể giúp cải thiện thời gian sống còn toàn bộ của người bệnh giai đoạn di căn.
Thuốc điều trị miễn dịch cũng đã và đang mở ra thêm hướng điều trị mới, được Bộ Y Tế Việt Nam phê duyệt cho chỉ định điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn. Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, người bệnh mang tình trạng mất biểu hiện protein MMR được phát hiện qua xét nghiệm hóa mô miễn dịch hoặc tình trạng bất ổn định vi vệ tinh cao được phát hiện qua xét nghiệm PCR hoặc giải trình tự gen thế hệ mới (NGS).
UTĐTT không phải "án tử" nếu được phát hiện sớm. Sàng lọc định kỳ kết hợp lối sống khoa học là vũ khí mạnh nhất chống lại căn bệnh này. Hãy hành động ngay hôm nay - vì sức khỏe không chờ đợi ai!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình