Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng hướng dẫn cách vượt qua cảm giác đắng miệng, buồn nôn khi điều trị Hp

Đắng miệng, buồn nôn, khó ngủ... là những triệu chứng khó chịu khi dùng thuốc điều trị vi trùng Hp. Vậy làm cách nào vượt qua tình trạng này, uống thuốc đủ phác đồ để sớm ngày "tạm biệt" Hp? TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115 đã cho bạn câu giải đáp trong chương trình tư vấn dưới đây.

1. Vì sao uống thuốc điều trị Hp gây ra cảm giác đắng miệng, buồn nôn, khó ngủ?

Rất nhiều bạn đọc than thở với AloBacsi rằng khi uống thuốc điều trị vi trùng Hp, họ bị đắng miệng, buồn nôn, khó ngủ… Xin TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết phác đồ điều trị vi trùng Hp gồm những thuốc gì, vì sao uống vào lại khó chịu như vậy ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Để tiệt trừ vi trùng Helicobacter Pylori (Hp) điều đầu tiên bác sĩ phải làm là tư vấn cho bệnh nhân. Nếu bác sĩ không giải thích kĩ càng, thường bệnh nhân sẽ bỏ thuốc sau khi uống vài ngày, điều này góp phần làm gia tăng tỉ lệ kháng thuốc.

Cho tới thời điểm này, phác đồ điều trị Hp cần sử đụng đủ 2 tuần. Khi điều trị Hp phải phối hợp 2 nhóm thuốc:

  • Thứ nhất là thuốc kháng sinh. Trong phác đồ điều trị Hp hiện nay, cần ít nhất có sự phối hợp của 2 loại kháng sinh. Thường, nếu phải uống kháng sinh dài ngày, đặc biệt những loại kháng sinh được chọn lựa để điều trị vi trùng Hp, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất khó chịu, buồn ói, mệt mỏi. Đặc biệt một vài nhóm kháng sinh có thể khiến bệnh nhân đắng miệng và không muốn ăn.
  • Thứ hai là thuốc ức chế toan (hay nhóm PPI): giúp ức chế axit dạ dày thì hoạt động của kháng sinh mới có hiệu quả.

Khi phối hợp các thuốc uống gây ra tác dụng phụ khiến bệnh nhân mệt mỏi, khó chịu cộng với thời gian điều trị kéo dài. Chính vì lý do này nên nhiều bệnh nhân bỏ dở thuốc giữa chừng, không tuân thủ điều trị.

2. Làm gì để giảm cảm giác khó chịu khi điều trị vi trùng Hp?

Bệnh nhân cần làm gì trong ăn uống sinh hoạt để giảm bớt những khó chịu này, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Khi các bác sĩ chắp bút chỉ định một phác đồ điều trị Helicobacter Pylori thì buộc phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân:

  • Thứ nhất có chỉ định điều trị hay không và việc cần thiết phải điều trị là như thế nào?
  • Thứ 2 phải tuân thủ điều trị và những tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình uống thuốc?
  • Thứ 3 tuân thủ cách sử dụng thuốc.

Đa phần các nhóm kháng sinh nên sử dụng sau bữa ăn, như vậy sẽ bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh và thuốc hấp thu cũng có hiệu quả hơn. Một số loại thuốc nếu bệnh nhân uống trước bữa ăn hoặc lúc bụng đói thì sẽ có cảm thấy rất khó chịu. Chẳng hạn như nhóm metronidazol hoặc tetracyclin, nếu uống lúc bụng đói, một số trường hợp có thể khiến bệnh nhân nôn ói rất dữ dội, thậm chí ra cả mật xanh - mật vàng.

Vì vậy, để người bệnh có sức đề kháng tốt cũng như tuân thủ điều trị, hạn chế những tác dụng phụ do thuốc gây ra, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lí đầy đủ các chất, hạn chế ăn những thức ăn gây tình trạng khó tiêu, khó chịu cho đường tiêu hóa vì sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu của thuốc.

Dù bận rộn trên cương vị Trưởng khoa của bệnh viện lớn tại TPHCM, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng vẫn dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi. Ngoài vấn đề vi trùng Hp, vừa qua vị chuyên gia còn giải đáp cặn kẽ về cách xử trí khi bị viêm ruột thừa cấp

3. Đang điều trị Hp, triệu chứng nào cảnh báo cần quay lại bác sĩ?

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị vi trùng Hp, bệnh nhân có nên quay lại BS điều trị để điều chỉnh thuốc không ạ? Nếu điều chỉnh thuốc, có phải việc điều trị sẽ kéo dài hơn hay không?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Khi tư vấn điều trị, các bác sĩ sẽ giải thích kĩ để bệnh nhân hiểu rõ hơn về những tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc. Thông thường, nếu bệnh nhân nghe tư vấn về điều này thì nếu gặp phải những tác dụng phụ sẽ ít lo lắng hơn và chấp nhận điều trị.

Tuy nhiên không phải ai cũng giống ai, một số trường hợp tác dụng phụ nhiều, dữ dội, hoặc thậm chí là tình huống bệnh nhân bị dị ứng với thuốc. Vì vậy, nếu triệu chứng xảy ra quá nhiều, ảnh hưởng đến cơ thể hoặc có những phản ứng khác bất thường (ngoài vấn đề thường gặp trên phác đồ điều trị), người bệnh nên quay lại với bác sĩ để kiểm tra, tình trạng mình gặp phải là tác dụng phụ của thuốc hay phản ứng dị ứng hoặc do những bệnh lí nào kết hợp để bác sĩ có hướng xử lí kịp thời.

4. Kiểm tra vi trùng Hp còn hay hết sau điều trị bằng xét nghiệm nào?

Việc xét nghiệm tiếp theo sau khi hết thuốc được tiến hành như thế nào, thưa BS? Xét nghiệm Hp sau khi điều trị có thể cho kết quả âm tính giả, dương tính giả hay không? Nếu có thì do những nguyên nhân nào ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Khi đã áp dụng đủ phác đồ tiệt trừ Helicobacter Pylori, chúng ta cần kiểm tra lại xem việc điều trị có hiệu quả hay không. Trong một số trường hợp cũng có thể là rất cần thiết.

Việc kiểm chứng này yêu cầu một số điều kiện.

  • Thứ nhất phải ngưng thuốc ít nhất là 2 - 4 tuần đối với một số loại thuốc. Nếu chúng ta vừa kết thúc liệu trình điều trị mà đi kiểm tra lại ngay đôi khi kết quả sẽ không chính xác.
  • Thứ 2 là lựa chọn phương pháp kiểm tra. Thông thường, nếu bệnh nhân trước điều trị đã được nội soi và khảo sát về những tổn thương của dạ dày thì sau đó bác sĩ có thể dùng phương pháp không can thiệp như test hơi thở để kiểm chứng lại xem bệnh nhân còn Hp hay không. Nếu trường hợp trước đó có tổn thương cần kiểm tra lại thì có thể dùng nội soi dạ dày.

Tuy nhiên, một số trường hợp khi xét nghiệm có thể cho ra kết quả dương tính giả. Chẳng hạn như khi bạn đã uống hết thuốc, ngưng đủ thời gian cần thiết và đi kiểm tra lại bằng xét nghiệm máu thì điều này hoàn toàn không phù hợp.

Bởi xét nghiệm máu là xét nghiệm kháng thể của vi trùng Hp. Kháng thể này có thể tồn tại rất lâu, thậm chí là 1 - 2 năm. Như vậy, nếu người bệnh kiểm tra bằng xét nghiệm máu và kết quả dương tính thì sẽ rất lo lắng và cho rằng việc điều trị không hiệu quả. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, xét nghiệm máu là không phù hợp, có thể lựa chọn 1 trong 2 cách test hơi thở hoặc nội soi dạ dày như tôi đã nói.

Khi quay lại kiểm tra còn Hp hay không, cách ưa chuộng nhất là test Hp hơi thở, không nên xét nghiệm máu vì kết quả dương tính không nói lên được là còn nhiễm hay không. Đối với nội soi dạ dày lại để kiểm tra đã tiệt trừ Hp thành công hay chưa thường chỉ áp dụng trên người có ổ loét do Hp gây ra, nếu không có ổ loét thì test hơi thở sẽ nhẹ nhàng hơn.

5. Hp dương tính sau quá trình điều trị, làm gì tiếp theo?

Nếu sau 1 liệu trình, xét nghiệm Hp vẫn dương tính thì bước tiếp theo cần làm gì, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Đây là điều gây hoang mang cho cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị. Khi bệnh nhân phải điều trị khoảng thời gian rất dài, uống 2 tuần với ít nhất 4 - 5 loại thuốc/ngày nhưng sau đó kết quả xét nghệm vẫn dương tính thì đây là điều vô cùng đáng buồn.

Tuy nhiên khi kết quả sau điều trị vẫn dương tính, chúng ta cần xem lại, liệu đây có phải là một trường hợp kháng thuốc hay do bệnh nhân chưa tuân thủ đúng quy trình điều trị. Từ đó mới có thể lên những phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.

6. Vi trùng Hp kháng thuốc, điều trị bằng cách nào?

Trường hợp nào thì BS kết luận Hp kháng thuốc? Khi đã xác định Hp kháng thuốc thì việc điều trị tiếp theo sẽ như thế nào ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Kháng thuốc là điều có thể xảy ra do loại thuốc sử dụng, do cơ địa bệnh nhân hoặc một vài yếu tố khác.

Để xác định kháng thuốc cần phải dựa trên những cơ sở khoa học, bác sĩ sẽ phải nội soi hoặc lấy mô của bệnh nhân làm xét nghiệm, kiểm tra Hp còn hay hết. Nếu Hp vẫn còn, lúc này mô của bệnh nhân sẽ được nuôi cấy trong môi trường phù hợp để xem với loại kháng sinh đang điều trị trong môi trường đó vi trùng có tiếp tục phát triển hay không. Nếu có thì đồng nghĩa với việc vi trùng này đã kháng với loại kháng sinh đó.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi dương tính cũng sẽ làm như vậy, bởi có một số điều kiện không thuận tiện:

  • Thứ nhất môi trường cấy đòi hỏi rất phức tạp
  • Thứ hai một số cơ sở y tế phải vận chuyển mô bệnh học đến nơi khác để kiểm tra.

Tỷ lệ thành công của phác đồ điều trị Hp tương đối cao khoảng 90%, nhưng ở một số trường hợp phác đồ khác còn khoảng 70 - 80%. Như vậy, điều cần thiết là phải xem lại đây là tình trạng kháng thuốc thực sự hay do quá trình điều trị bệnh nhân không tuân thủ phác đồ. Chẳng hạn, trong quá trình điều trị bệnh nhân không thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc, uống 5-7 ngày thấy khó chịu nên ngưng 1 - 2 ngày, sau đó uống lại hoặc bệnh nhân thấy quá nhiều loại thuốc nên bỏ bớt đi. Những yếu tố này cũng khiến việc điều trị không hiệu quả.

Về vấn đề điều trị tiếp theo:

- Đầu tiên là phác đồ thông thường dành cho những bệnh nhân chưa được sử dụng thuốc.

- Phác đồ điều trị thứ 2 là lựa chọn cho bệnh nhân đã điều trị lần đầu và thất bại.

Nếu ở phác đồ thứ 2 bệnh nhân điều trị thất bại, lúc này chúng ta sẽ phải lựa chọn “phác đồ cứu vãn”. Hoặc lúc này bắt buộc phải tiến hành sử dụng phương pháp cấy kháng sinh đồ để kiểm tra xem bệnh nhân còn nhạy với kháng sinh nào và kháng với kháng sinh nào, từ đó có chọn lựa thích hợp.

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị. Nếu chúng ta lựa chọn thuốc đúng và tuân thủ tốt phác đồ thì gần như điều trị đều thành công.

Để điều trị Hp đạt hiệu quả tốt phải phối hợp cả 2 nhóm thuốc là kháng sinh và thuốc ức chế toan:

  • Thứ nhất kháng sinh. Hiện nay, những kháng sinh để điều trị Hp không nhiều, cụ thể như amoxicillin, tetracyclin, metronidazol,… Đây là những loại thuốc kháng sinh cũng dùng để điều trị rất nhiều cho các bệnh lí khác như viêm mũi họng,… Vì vậy, nó rất dễ tạo nên những dòng kháng thuốc trong cộng đồng.
  • Thứ 2 nên chọn lựa những loại thuốc có khả năng ức chế axit tốt, như vậy mới hỗ trợ tác dụng cho kháng sinh.

7. Các xét nghiệm kiểm tra vi trùng Hp tái nhiễm?

Với những người đã điều trị khỏi Hp thì khả năng tái nhiễm có cao không ạ? Có triệu chứng nào gợi ý tái nhiễm và cần xét nghiệm lại ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Tỉ lệ nhiễm Hp trong cộng đồng, đặc biệt ở nước ta khá cao, bởi vi trùng này lây nhiễm vô cùng dễ dàng qua đường tiêu hóa. Do đó, để phòng tránh lây nhiễm, tái nhiễm, điều đầu tiên cần lưu ý là không dùng chung đũa ăn, ly uống nước với người nhiễm bệnh. Điển hình như:

  • Trên bàn ăn nên sử dụng một muỗng, đũa chung để lấy thức ăn. Không nên dùng muỗng, đũa của mình để gắp, múc thức ăn chung hoặc gắp cho người khác để tránh lây nhiễm vi trùng Hp.
  • Một vấn đề khác cũng thường gặp trên bàn ăn hoặc khi đến nhà hàng, bàn tiệc, đó là lấy nước đá. Nếu bạn muốn sử dụng thêm đá để uống nước thì cần đợi đá tan hết rồi mới lấy thêm. Tránh tình trạng đá chưa tan hết, bạn bỏ đá trong ly của mình vào xô chung rồi sau đó lấy đá mới, như vậy cũng rất dễ lây bệnh cho người khác nếu bạn bị nhiễm khuẩn Hp.
  • Không nên mớm đồ ăn cho trẻ cũng dễ khiến trẻ bị lây nhiễm Hp.

Có các phương pháp kiểm tra tái nhiễm Hp thông dụng nhất:

  • Phương pháp không can thiệp: test hơi thở để chẩn đoán.
  • Phương pháp can thiệp: nội soi dạ dày có thể làm các phương pháp test nhanh

8. Phác đồ điều trị Hp tái nhiễm?

Nếu xảy ra tái nhiễm Hp thì việc điều trị có áp dụng lại phác đồ lần trước được không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Việc điều trị tái nhiễm Hp so với điều trị lần đầu tiên chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

- Trường hợp 1: bệnh nhân điều trị không thành công (phác đồ trước không hiệu quả) bắt buộc phải thay đổi phác đồ.

- Trường hợp 2: bệnh nhân tái nhiễm, nếu phác đồ trước hiệu quả chúng ta vẫn có thể sử dụng được.

Việc tái nhiễm đa phần là do bệnh nhân điều trị không thành công. Vì thế, nếu phác đồ đầu tiên không thành công, bệnh nhân kháng thuốc thì không nên sử dụng lại phác đồ đã điều trị trước mà nên lựa chọn phác đồ thứ 2.

Ở phác đồ thứ 2 có thể lựa chọn một loại kháng sinh khác, có thể tăng phối hợp các loại kháng sinh, tăng thời gian điều trị,… Bên cạnh đó, cần chọn lựa thuốc ức chế toan tốt dựa trên các tiêu chí:

  • Duy trì PH ở mức hiệu quả, lúc đó phác đồ điều trị mới phát huy hết tác dụng;
  • Duy trì, kéo dài tình trạng ức chế toang. Nếu uống thuốc chỉ có tác dụng trong 5 - 7 tiếng sau đó ngừng tác dụng, như vậy hiệu quả sẽ không kéo dài và phác đồ điều trị không thành công
  • Ít tương tác với thuốc khác, ít tác dụng phụ không mong muốn. Ngày nay, song hành cùng xã hội phát triển là những bệnh lý về mạch máu, tim mạch, não khiến người bệnh phải dùng thuốc suốt đời. Trong nhóm ức chế toan, có một vài loại thuốc có thể gây tương tác, khi sử dụng cùng nhau sẽ làm mất hiệu quả. Chính vì vậy, khi điều trị cho người bệnh cần chọn lựa thuốc ức chế toan ít tương tác với thuốc người bệnh đang sử dụng nhất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sử dụng cùng liệu trình điều trị nhưng người hiệu quả, người thất bại. Vì cơ địa của chúng ta có một số gen tạo nên kiểu hình, khi thuốc vào cơ thể được chuyển hóa nhanh và mất thuốc nhanh, dẫn đến không hiệu quả. Đối với trường hợp này, chúng ta cần lựa chọn thuốc ít tương tác, ít bị ảnh hưởng bởi sự chuyển hóa của cơ thể. Điển hình như nhóm thuốc omeprazol ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện chuyển hóa, trong khi đó Rabeprazole lại ít bị ảnh hưởng hơn, vì vậy nó sẽ ít bị ảnh hưởng giữa người này với người khác.

9. Phòng ngừa lây nhiễm và tái nhiễm vi trùng Hp

Nhờ BS đưa ra những hướng dẫn phòng tránh lây nhiễm và tái nhiễm Hp?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Nhiễm Hp trong dân số Việt Nam là khá cao. Năm 1994, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định đây là một yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến ung thư dạ dày. Hiện nay, ung thư dạ dày ở Việt Nam đứng hàng thứ 3 (nam), đứng thứ 5 (nữ) trong các loại ung thư. Tuy nhiên không phải ai nhiễm Hp cũng đều ung thư dạ dày, chỉ có một số Hp liên quan đến những gen độc mới gây nguy hiểm và tồn tại nguy cơ dẫn đến ung thư.

Vì vậy, khi có bất kì triệu chứng nào ở dạ dày như viêm loét hoặc khó chịu, đau kéo dài, sụt kí,… Hoặc những người có tình trạng viêm kéo dài, điều trị không hiệu quả, vẫn tiếp tục tiến triển hoặc những người đã có tổn thương trước đó, người trong gia đình bị ung thư dạ dày,… thì nên đi khám bác sĩ. Bên cạnh những bệnh lí của dạ dày thường có, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cho bạn xem có nhiễm Hp hay không.

Khi đã chấp nhận phác đồ điều trị Hp thì việc tuân thủ là vô cùng quan trọng. Tuân thủ kể cả về thời gian, lựa chọn và cách uống thuốc để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả. Khi kiểm tra lại cần tuân thủ một số điều kiện hạn chế tình trạng cho ra kết quả dương tính giả như tôi đã nói ở trên.

Nên ăn riêng bát, đũa... để tránh lây nhiễm Hp cho mọi người và cho chính bản thân mình

Vì Hp lây qua đường tiêu hóa, rất dễ lây từ người này sang người khác, vì thế việc vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Chúng ta cần thay đổi từ chính những thói quen hàng ngày để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Hp.

Khi nhiễm Hp không cần lo lắng quá, an tâm đến gặp bác sĩ để được tư vấn một cách rõ ràng và chính xác. Đôi khi một số người nhiễm Hp nhưng lại không có triệu chứng hay các vấn đề nguy hiểm khác, bác sĩ cũng không chỉ định điều trị. Vì thế, điều quan trọng là cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

10. Những thắc mắc thường gặp về điều trị vi trùng HP

Thưa TS Tuyết Phượng, có thể xét nghiệm tìm Hp bằng phương pháp nào ngoài nội soi không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Đây là trường hợp rất phổ biến, đa phần chúng ta rất ngại nội soi. Không chỉ bệnh nhân mà ngay cả các bác sĩ, nếu không cần thiết cũng sẽ không tiến hành, vì đã là can thiệp thì vẫn có những nguy cơ xảy ra. Hiện, có 2 nhóm cận lâm sàng để tầm soát Hp, đó là:

- Phương pháp can thiệp là nội soi

- Phương pháp không can thiệp, phổ biến nhất là test hơi thở

Ngoài ra có một số trường hợp sẽ xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân.

Thân mến,

Hôm qua em mới phát hiện trong thuốc Neurocard plus có lượng canxi cao, vậy nếu uống cùng lúc với kháng sinh thì có sợ mất hết tác dụng của kháng sinh với HP không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Trên một toa thuốc bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc ít gây tương tác với nhau nhất. Cho đến thời điểm này, việc canxi phối hợp với các thuốc kháng sinh trong điều trị Hp có sự tương tác hay làm mất tác dụng, tăng độc tính hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Do đó, để cụ thể hơn bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn về cách dùng thuốc.

Ngoài thuốc Pariet còn thuốc nào tác dụng nhanh hơn không thưa BS? Vì em được bác sĩ kê đơn thuốc này ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Trong phác đồ điều trị HP chúng ta phải chọn lựa thứ nhất là kháng sinh, thứ 2 là thuốc ức chế toan. Như đã nói ở trên, việc lựa chọn thuốc ức chế toan cần dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất là ức chế toan mạnh, thứ 2 ức chế toan kéo dài và thứ 3 là ít tương tác thuốc.

Như vậy, với thuốc bạn đang dùng Pariet - đây là nhóm PPI tương đối hiệu quả trong phác đồ điều trị HP, bởi nó kiểm soát axit khá tốt, kéo dài và hoạt chất của Pariet là Rabeprazole nên nó ít tương tác, ít ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của cơ địa người bệnh. Vì vậy, đây là một thuốc tốt để điều trị HP. Bạn nên tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

Tôi thỉnh thoảng bị đau tức xé ở thực quản đây có phải là trào ngược dạ dày thực quản không, nếu có thì tôi nên đi khám ở bệnh viện nào?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào dịch của dạ dày lên thực quản. Khi bạn có những triệu chứng như đau xé trong lồng ngực, đau nóng, rát hoặc ợ,… có khả năng bạn bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng cũng có khả năng là bệnh lý khác.

Vì thế, để điều trị tốt nhất bạn đi nên đi khám ở một chuyên khoa tiêu hóa của bệnh viện đa khoa ở địa phương hoặc nếu thuân tiện bạn có thể đến Bệnh viện Nhân dân 115, bác sĩ ở đây sẵn sàng khám và tư vấn cho bạn một cách chi tiết và cụ thể.

Thưa BS em bị trào ngược dạ dày thực quản, đồ ăn nuốt nghẹn rất đau và rát họng, và bị viêm họng mạn tính đã uống nhiều thuốc bệnh vẫn nặng hơn. Giờ em không biết phải làm sao nhờ BS tư vấn?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Trào ngược dạ dày thực quản là một vấn đề khiến rất nhiều người băn khoăn. Ngoài chuyện tổn thương ở dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản còn liên quan đến yếu tố như thần kinh, áp lực trong công việc, những loại thuốc bạn đang sử dụng,…

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản không phải một sớm một chiều và phác đồ điều trị kéo dài từ 4 - 8 tuần. Thậm chí một số trường hợp kéo dài hơn nữa. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc sẽ phải có những thay đổi trong lối sống thì việc điều trị mới hiệu quả. Tốt nhất nếu cơ thể bạn lên tiếng thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Bác sĩ ơi tôi uống thuốc Nexium mup 40mg tuần đầu 2 lần/ ngày. Tuần 2 uống 1 lần vào 20g và uống trong 4 tuần sau đó giảm còn 20mg trong 4 tuần tiếp theo có được không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:

Nexium là một loại thuốc ức chế toan (ức chế sự tiết axit của dạ dày); thuốc được chỉ định trong điều trị một số bệnh lí đặc biệt. Nếu thời gian điều trị của bạn kéo dài và với liều lượng như vậy thì đây là chỉ định của trào ngược mà kháng trị. Không biết bạn tự uống hay được sự chỉ định của bác sĩ. Theo tôi bạn nên tuân theo sự chỉ định của bác sĩ chứ không phải vì bạn nghe một ai đó uống Nexium thấy đỡ mà bạn uống theo thì không nên bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X