Hotline 24/7
08983-08983

Trong dịch COVID-19, người bệnh mạn tính có triệu chứng nào cần đến bệnh viện ngay?

Người có bệnh lý mạn tính khi mắc COVID-19 rất dễ diễn tiến nặng và tử vong. Vậy, người bệnh mạn tính cần chăm sóc sức khỏe như thế nào trong mùa dịch COVID-19? Thắc mắc này sẽ được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp.

1. Bệnh viện tổ chức thế nào để bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 khi đi khám bệnh?

Sau khi các ca COVID của Việt Nam vượt qua con số 10.000 và TPHCM mỗi ngày đều phát hiện ca dương tính mới, tâm lý bệnh nhân có bệnh nền rất căng thẳng. Đa số đều né tránh việc đi khám bệnh, và hoang mang không biết đến bao giờ mới dám đến bệnh viện tái khám.

Thưa bác sĩ, ngành Y tế nói chung và từng bệnh viện có biện pháp gì để bảo vệ bệnh nhân đi khám bệnh không bị lây nhiễm COVID?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Hiện nay, COVID-19 là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong mọi bản tin của Việt Nam và thế giới. Trong 1 tháng qua, với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, một số ca mắc COVID-19 khi đi khám bệnh khiến bệnh viện bị phong tỏa. Điều này khiến nhiều bệnh nhân ngại đi khám bệnh, nhập viện.

Tuy nhiên, không chỉ có bệnh COVID-19, hiện nay có rất nhiều bệnh khác cũng cần được thăm khám và điều trị. Do vậy, không phải vì COVID-19 mà chúng ta ngại đi khám bệnh.

Vậy cần làm gì để bệnh nhân an toàn khi đi khám bệnh trong mùa dịch COVID-19?

Với sự chỉ đạo từ Bộ y tế và Sở y tế, tất cả các bệnh viện đã phân luồng chặt chẽ hơn, bệnh nhân phải khai báo y tế. Những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ hoặc về từ vùng dịch sẽ đi theo luồng riêng để không ảnh hưởng đến bệnh nhân khác, hạn chế khả năng lây nhiễm.

Tất cả bệnh nhân nhập viện đều được sàng lọc, test nhanh virus SARS-CoV-2.

Đây những bài học kinh nghiệm được ngành y tế rút ra từ thực tế chống 3 đợt dịch trước. Những bước sàng lọc y tế này giúp hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19.

Tóm lại, với sự phòng ngự 3 lớp, vấn đề lây nhiễm trong bệnh viện do bệnh nhân đi khám bệnh mạn tính sẽ giảm đi rất nhiều.

Với những lý giải như trên, tôi mong bệnh nhân không quá lo sợ và yên tâm khi đi khám bệnh mạn tính trong mùa dịch COVID-19.

2. Người bệnh mạn tính có nên trì hoãn việc tái khám theo hẹn không?

Bệnh nhân bệnh mạn tính, khi đến lịch tái khám lấy thuốc có nên đi khám bệnh, hay nên chờ qua đợt cao điểm này hãy đến bệnh viện?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Người bệnh mạn tính là người cao tuổi, độ tuổi thường trên 60. Theo hướng dẫn của Bộ y tế, đây là nhóm người dễ bị tổn thương do COVID-19, nên hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết.

Nếu người bệnh có nhân viên y tế chăm sóc tại nhà là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện, bệnh nhân có thể khám bệnh online. Trong tương lai, bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ cố gắng triển khai theo hình thức này và có kênh để bệnh nhân gọi điện trao đổi với bác sĩ về triệu chứng, toa thuốc.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng nặng, có thể tiếp tục dùng toa thuốc cũ. Hiện nay, Bộ y tế cho phép kéo dài toa thuốc của bệnh nhân mạn tính. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng có hệ thống hẹn giờ khám bệnh, bệnh nhân có thể hẹn giờ đến khám để tránh tình trạng chờ đợi nơi đông người.

Một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính chủ quan, không tái khám rất dễ dẫn đến biến chứng, thậm chí tử vong

Bệnh nhân mạn tính cần lưu ý chế độ ăn uống, sử dụng thuốc đều đặn, khi cần thiết có thể đến bệnh viện. Khi đến bệnh viện tái khám, cần tuân thủ 5K, khai báo y tế để được phân luồng.

3. Bệnh nhân nên trang bị gì khi đi khám bệnh để không mắc COVID-19?

Nếu cần phải đi khám bệnh, bệnh nhân cần trang bị như thế nào để không bị lây bệnh? Bao lâu nên thay khẩu trang 1 lần?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Đối với bệnh nhân, cần tuân thủ 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế). Bệnh nhân không nên sử dụng 1 cái  khẩu trang y tế trong nhiều ngày, thậm chí, khi vào bệnh viện, bệnh nhân chỉ sử dụng trang cho 1 buổi và phải thay cái khác.

Hiện nay, mặt hàng khẩu trang y tế đã bình ổn giá, vì vậy, bệnh nhân nên sử dụng khẩu trang y tế khi đến nơi đông người như bệnh viện, vì nó có khả năng bảo vệ cao hơn khẩu trang vải.

Tiếp theo là vấn đề khử khuẩn. Hiện nay, tất cả những nơi công cộng như bệnh viện, nhà hàng đều có chai nước sát khuẩn. Vì vậy, mọi người nên tuân thủ sát khuẩn tay.

Khi đi khám bệnh, bệnh nhân không nên ngồi gần nhau, phải giữ khoảng cách an toàn.

4. Người nuôi bệnh phải trang bị những gì để không mắc COVID-19?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trường hợp người nhà phải nằm viện, đi nuôi bệnh, cần trang bị như thế nào? Việc nuôi bệnh trong môi trường bệnh viện có an toàn?

Bên cạnh đó, người nuôi bệnh cũng phải thực hiện khâu sàng lọc như trên và kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào bệnh viện. Nếu muốn đổi người nuôi bệnh thì cũng phải đăng ký và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đó là sự chuẩn bị của bệnh viện để ngừa COVID-19 cho bệnh nhân và người nuôi bệnh.

5. Khi có dấu hiệu nào người bệnh cần đến bệnh viện khám gấp?

Triệu chứng báo hiệu biến chứng hoặc bệnh trở nặng của từng loại bệnh cần đi khám gấp: tiểu đường, tim mạch, thận, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm gan mãn tính, sỏi mật? Xin bác sĩ dẫn chứng chi tiết từng loại bệnh có các dấu hiệu gì  cần phải đi khám gấp?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Điểm chung của các bệnh mạn tính như cao huyết áp, suy tim, cường giáp, tiểu đường, viêm phế quản mạn, hen suyễn, viêm gan, xơ gan là bác sĩ có thể kê toa thuốc ít nhất 2 tuần hoặc 1 tháng sau mới tái khám.

Ngoài vấn đề uống thuốc và tái khám theo hướng dẫn, bệnh nhân nên theo dõi những dấu hiệu biến chuyển của bệnh.

Dấu hiệu của 1 một bệnh mạn tính khi theo dõi tại nhà gồm:

- Bệnh thận mạn tính: tiểu ít, mệt, khó thở khi ngủ, mắt sưng phù sau khi ngủ dậy, chán ăn, có cảm giác nôn ói

- Bệnh tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim): thường xuyên nặng ngực, cơn thoáng qua, nhức đầu nhiều hơn.

- Bệnh tiểu đường: ngủ nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân đột ngột hoặc không có cảm giác đau đớn ở chân.

- Bệnh hô hấp (suyễn, viêm phế quản mạn tính): tăng số nhát thuốc trong một lần xịt.

Người có bệnh nền, nhất là bệnh hô hấp, rất nhạy cảm với COVID-19, dễ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, nếu có triệu chứng sốt, ho nhiều, đàm xanh, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Nếu kết quả âm tính thì những triệu chứng đó do bệnh nền diễn tiến nặng và bệnh nhân sẽ được điều trị.

Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị COVID-19, tránh diễn tiến nặng và tử vong.

- Bệnh tiêu hóa: gây khó chịu, ăn uống không ngon miệng, tiêu chảy. Bệnh ít gây biến chứng, bệnh nhân thường tự mua thuốc tại các quầy thuốc tây. Điều này gây chậm trễ việc chẩn đoán và đôi khi không đúng bệnh.

- Bệnh gan: bệnh nhân thường tái khám 2-3 tháng/lần, nên ít bị ảnh hưởng trong mùa dịch. Nếu ngày tái khám đúng vào đợt dịch bùng phát, bệnh nhân vẫn có thể đặt lịch và thăm khám bình thường.

Tối chủ nhật 13/6, BS Lưu Phương đã có buổi livestream giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh việc đi khám bệnh trong mùa dịch COVID-19

6. Theo dõi bệnh mạn tính tại nhà trong mùa COVID-19 thế nào?

Có thể lấy máu tại nhà, để kiểm tra đường huyết, mỡ máu, men gan.... Có thể xét nghiệm máu tại nhà?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp nên có máy đo huyết áp, đo đường huyết tại nhà để đo mỗi ngày và thông báo cho bác sĩ.

Nếu người thân không thể theo dõi cho bệnh nhân thì bệnh viện Nguyễn Tri Phương có nhân viên y tế đến tận nhà để lấy máu xét nghiệm và thông báo kết quả cho gia đình.

7. Súc miệng bằng nước sát khuẩn có tác dụng phòng bệnh COVID-19 không?

Việc súc miệng súc mũi sau khi ra ngoài về có tác dụng trong phòng ngừa bệnh COVID? Nếu lỡ có con virus chui vào mũi hay họng, việc súc này có hiệu quả?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nếu phải gặp gỡ với 3 người trở lên, sau khi tiếp xúc, chúng ta nên súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn để phần nào hạn chế nhiễm virus.

8. Xông tinh dầu có tác dụng diệt khuẩn trong không khí không?

Việc xông tinh dầu tràm, chanh sả có tác dụng diệt virus trong không khí? Nhà em có bán tạp hoá, người ra vào nhiều, có nên mua tinh dầu xông xịt sau mỗi ngày. Làm như vậy có tác dụng diệt khuẩn ngoài không khí?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chúng ta có thể sử dụng biện pháp dân gian như nấu nước chanh sả để bốc hơi hoặc tinh dầu tràm để giúp ức chế virus. Mặc dù khả năng ức chế rất yếu nhưng đó là những biện pháp đơn giản, có thể thực hiện tại nhà.

Đồng thời, phải mở cửa để thông thoáng không khí, tia cực tím trong ánh nắng sẽ giúp tiêu diệt virus.

9. Đeo 2 lớp khẩu trang có tăng tác dụng phòng bệnh COVID-19 không?

Đeo hai lớp khẩu trang có tác dụng bảo vệ  hơn 1 lớp khẩu trang? Nhiều người xịt dầu gió bên ngoài khẩu trang có tác dụng tăng giá trị sát khuẩn không, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Việc đeo 2 khẩu trang y tế không được khuyến cáo. Theo CDC Hoa Kỳ, lớp khẩu trang đầu là khẩu trang y tế, lớp 2 là khẩu trang vải để ép sát khẩu trang y tế vào mặt.

Chúng ta có thể xịt thêm dầu dầu gió ở lớp khẩu trang vải để tăng giá trị sát khuẩn. Tuyệt đối không tẩm dầu ở lớp khẩu trang y tế.

10. Ăn uống và tập luyện thế nào trong mùa dịch COVID-19?

Lời khuyên của bác sĩ cho khán giả để chăm sóc sức khỏe tại nhà và chế độ sinh hoạt phù hợp.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19, mỗi người phải tăng cường sức đề kháng để tránh bị COVID-19 xâm nhập.

Việc ăn uống và sinh hoạt mùa dịch vẫn diễn ra như ngày bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều người. Việc ăn uống và ngủ đúng giờ rất quan trọng để tăng cường sức đề kháng. Ngủ sớm và đúng giờ giúp hệ miễn dịch tái tạo năng lượng mới.

Việc ăn đầy đủ chất dinh dưỡng: đường bột, đạm, béo, chất xơ, ăn nhiều cam, chanh, quýt, bưởi sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Quan trọng hơn là tập thể dục thường xuyên.

Nhiều người sợ COVID-19 nên đóng cửa kín tất cả cửa nhà. Tuy nhiên, Bộ y tế khuyến cáo người dân mở cửa sổ để thông thoáng không khí. Nếu thời tiết không quá nóng thì không cần phải bật máy lạnh. Bởi, virus tồn tại trong giọt bắn, mở cửa sổ sẽ giúp không khí thông thoáng và virus sẽ bay đi.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X