Tràn khí màng phổi khi nào cần đặt ống dẫn lưu?
Tràn khí màng phổi có thể xảy ra trong nhiều bệnh cảnh khác nhau và gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên cho biết tràn khí nặng gây tăng áp lực khoang màng phổi dẫn tới xẹp phổi, đẩy lệch trung thất qua phía đối bên, làm ảnh hưởng lên cả chức năng tim mạch.
1. Tràn khí màng phổi là tình trạng như thế nào, chia ra mấy loại?
Màng phổi gồm có hai lá là lá thành và lá tạng, bao bọc xung quanh phổi. Khoang màng phổi là một khoang ảo giữa hai lá này, chứa một ít dịch có tác dụng giúp phổi thực hiện tốt động tác hô hấp, bình thường không có khí trong khoang màng phổi.
Tràn khí màng phổi (Pneumothorax) là sự xuất hiện khí giữa lá thành và lá tạng của màng phổi. Đây là một tình trạng rối loạn hô hấp khá phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và gặp ở bất cứ lứa tuổi nào.
Tràn khí màng phổi thường được phân loại dựa trên nguyên nhân, bao gồm tràn khí màng phổi tự phát hoặc thứ phát, tràn khí màng phổi do chấn thương hoặc do thủ thuật.
- Tràn khí màng phổi tự phát (nguyên phát) chủ yếu xảy ra ở nam giới trẻ tuổi, cao và gầy nhưng không có bệnh lý phổi hay tiền sử chấn thương ngực từ trước - tình trạng vỡ các kén khí hoặc túi khí nhỏ dưới màng phổi được cho là căn nguyên của các trường hợp này.
- Tràn khí màng phổi thứ phát xảy ra khi có bệnh lý phổi nền, thường gặp nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Tràn khí màng phổi sau chấn thương ngực hoặc do tai biến điều trị (đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, sinh thiết màng phổi, sinh thiết phổi xuyên thành...)
2. Tràn khí màng phổi ảnh hưởng đến các cơ quan nào?
Tràn khí màng phổi làm giảm dung tích sống và giảm oxy máu động mạch, ở bệnh nhân có chức năng phổi bình thường trước đó, tràn khí màng phổi tự phát mức độ nhẹ ít khi ảnh hưởng. Nếu bệnh nhân có bệnh phổi trước đó hoặc tràn khí màng phổi lượng nhiều, xẹp đáng kể nhu mô phổi sẽ dẫn tới suy hô hấp, giảm thông khí phế nang, nhiễm toan hô hấp.
Tràn khí màng phổi áp lực là tình trạng tràn khí nặng gây tăng áp lực khoang màng phổi dẫn tới xẹp phổi, đẩy lệch trung thất qua phía đối bên, làm ảnh hưởng lên cả chức năng tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, áp lực này có thể làm sụt giảm lượng máu tĩnh mạch trở về gây hạ huyết áp, ngưng hô hấp tuần hoàn.
3. Tràn khí màng phổi gây ra triệu chứng gì?
Tràn khí màng phổi ít có thể không triệu chứng. Một số bệnh nhân có thể mô tả khó thở và đau ngực kiểu màng phổi. Khó thở có thể đột ngột hoặc khởi phát dần dần tùy thuộc vào tốc độ tiến triển và độ nặng của tràn khí màng phổi.
Đau thường tăng khi ho hoặc hít sâu, thường là đau chói, có thể lan lên vai, một số trường hợp bệnh nhân mô tả nặng ngực. Ít gặp hơn là các triệu chứng lo lắng, ho, mệt mỏi.
4. Bệnh nhân có thể nhận biết sớm dấu hiệu tràn khí màng phổi không?
Tràn khí màng phổi khó có thể tự nhận biết do triệu chứng cơ năng không đặc hiệu. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng khó thở hoặc đau ngực mới xuất hiện, cần sắp xếp khám ngay, đặc biệt khi có bệnh phổi mạn tính hoặc sau chấn thương. Những trường hợp khó thở hay đau ngực cấp tính nên khám cấp cứu.
5. Bác sĩ thăm khám thế nào để phát hiện tràn khí màng phổi?
Thăm khám lồng ngực có thể phát hiện ra các dấu hiệu của tràn khí màng phổi bao gồm: rung thanh giảm, gõ vang, và giảm rì rào phế nang. Nếu tràn khí màng phổi nhiều có thể tìm thấy dấu hiệu khí quản bị đẩy lệch, nhịp tim nhanh, thở nhanh và tụt huyết áp.
6. Tràn khí màng phổi và tràn dịch màng phổi có thể xảy ra cùng lúc không?
Tràn khí màng phổi và tràn dịch màng phổi có thể xảy ra cùng lúc, thường gặp trong các trường hợp chấn thương ngực, tràn dịch - tràn khí do thủ thuật, có lỗ rò màng phổi - phế quản hoặc màng phổi - thực quản.
7. Tràn khí màng phổi được điều trị bằng phương pháp gì?
Điều trị tràn khí màng phổi tùy thuộc vào độ nặng của triệu chứng, mức độ tràn khí và các bệnh lý phổi nền. Bệnh nhân tràn khí màng phổi thường được thở oxy nhằm mục đích duy trì độ bão hòa oxy máu đầy đủ, thúc đẩy tốc độ tái hấp thu khí từ khoang màng phổi và đẩy nhanh tốc độ tái nở phổi.
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát lượng ít, không có triệu chứng chủ yếu theo dõi lâm sàng và Xquang, không cần can thiệp điều trị.
Tràn khí màng phổi lượng nhiều hoặc có triệu chứng có thể điều trị bằng chọc hút khí hoặc đặt dẫn lưu màng phổi. Tràn khí màng phổi tái phát thường được chỉ định phẫu thuật lồng ngực hoặc gây dính màng phổi.
8. Dẫn lưu lồng ngực được thực hiện như thế nào? Sau điều trị thì vị trí đặt ống sẽ lành trong bao lâu?
Dẫn lưu khoang màng phổi thường được thực hiện để dẫn lưu khí hoặc dịch từ khoang màng phổi đi ra ngoài. Ống dẫn lưu là một ống chuyên dụng thường được đặt ở khoang liên sườn 4-5 đường nách giữa. Đầu ngoài ống dẫn lưu được kết nối với hệ thống bình kín có van nước và thấy được khí sủi tăm qua van.
Trong điều trị tràn khí màng phổi không phức tạp (không có tràn dịch, máu hoặc các tổn thương khác kèm theo) thì thường không cần ống dẫn lưu lồng ngực lớn mà chỉ cần ống có kích thước 10 - 14 F.
Ống dẫn lưu được lưu lại trong khoang màng phổi và theo dõi Xquang ngực đều đặn. Khi thấy phổi đã tái giãn nở trên phim Xquang ngực và không có bằng chứng của rò khí trong vòng tối thiểu 24 giờ thì bác sĩ sẽ chỉ định rút bỏ dẫn lưu lồng ngực.
Vết thương đã có mối khâu chỉ chờ sẽ được cột lại để bít kín lỗ thông vào khoang màng phổi và lành lại trong khoảng vài ngày như các vết thương thông thường khác.
9. Những bệnh nhân nào có nguy cơ tràn khí màng phổi?
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát thường dễ xảy ra ở nam giới, trẻ tuổi, thể trạng cao gầy, có yếu tố gia đình và có thể có một số tình trạng bệnh lý liên quan như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, thiếu alpha-1-antitrypsin, rối loạn chuyển hoá có homocystinuria. Tràn khí màng phổi thứ phát hay gặp ở người có bệnh phổi, trong đó yếu tố nguy cơ quan trọng là hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân thở máy hoặc có tiền căn bản thân, tiền căn gia đình từng tràn khí màng phổi.
10. Tràn khí màng phổi có phòng ngừa được không?
Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc tràn khí màng phổi hoặc vừa hồi phục sau tràn khí màng phổi nên hạn chế di chuyển bằng đường hàng không, tránh chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương ngực hoặc lặn sâu, và nên cai thuốc lá.
Nếu tràn khí màng phổi tái phát, phương pháp phòng ngừa tốt nhất là phẫu thuật lồng ngực hỗ trợ bằng video (VATS), trong đó các vết rách được khâu và gây dính màng phổi được thực hiện bằng cách chà xát màng phổi, cắt bỏ màng phổi thành, hoặc phun bột talc gây dính màng phổi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình