Phân biệt cơn đau ngực do bệnh tim và bệnh khác?
Đau ngực là tình trạng nhiều người từng gặp, từ trẻ tới già. Hầu hết mọi người khi bị đau ngực thường lo lắng nghĩ đến bệnh tim. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp: đau ngực có thể liên quan đến những bệnh gì? Đau tim có biểu hiện thế nào?
1. Đau ngực là biểu hiện bệnh gì?
Đau ngực được định nghĩa là cảm giác đau ở vùng ngực từ phía trên cơ hoành, mũi ức đến ngang vai. Triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hay tái diễn, biểu hiện với nhiều mức độ từ âm ỉ đến đau thắt như dao đâm, có thể đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi... Đau ngực rất thường gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, từ trẻ đến già, và không chỉ do mỗi bệnh tim gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực, trong đó có các nguyên nhân là nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Các nguyên nhân gây đau ngực bao gồm:
- Nguyên nhân liên quan đến tim: Các nguyên nhân gây đau ngực liên quan đến tim bao gồm: nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực ổn định trong bệnh mạch vành mạn, bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim...
- Nguyên nhân liên quan đến phổi: Nhiều bệnh lí ở phổi có thể gây đau ngực, bao gồm: thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi màng phổi, ung thư phổi...
- Nguyên nhân tiêu hóa: Đau ngực có thể do rối loạn hệ thống tiêu hóa, bao gồm: bệnh lí thực quản, dạ dày, các rối loạn nuốt, các vấn đề về túi mật hoặc tuyến tụy cũng có thể gây đau bụng lan tỏa lên ngực của bạn...
- Nguyên nhân cơ và xương: Một số loại đau ngực có liên quan đến chấn thương và các vấn đề khác ảnh hưởng đến các cấu trúc tạo nên thành ngực, bao gồm: viêm khớp sụn sườn, đau cơ thành ngực, bị chấn thương ở ngực, gãy xương sườn...
- Nguyên nhân khác: Đau ngực cũng có thể được gây ra bởi: bệnh Zona (một dạng hoạt động khác của virus thủy đậu) và cũng có thể do sự lo âu của chính bạn.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM
2. Cách nhận biết cơn đau ở ngực liên quan tới bệnh tim?
Cơn đau ở ngực liên quan đến bệnh tim hay được gọi là cơn đau thắt ngực. Đây là một cụm từ chuyên môn chỉ điểm đau ngực gây ra do thiếu máu cục bộ cơ tim, vì đây là bệnh lý thường gặp nhất trong nhóm nguyên nhân bệnh tim.
Cơn đau thắt ngực điển hình biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay, triệu chứng gia tăng khi gắng sức hoặc stress tình cảm, biến mất khi ngậm nitroglycerin. Cơn đau thắt ngực gọi là ổn định khi các đặc điểm của cơn đau (tần suất, độ nặng, thời gian đau, giờ xuất hiện và yếu tố làm nặng) không thay đổi trong 60 ngày trước.
Bệnh nhân có thể không có cảm giác đau, mà mô tả cảm giác khác ở ngực như: đè nặng, bóp nghẹt, khó chịu, nóng bỏng, khó tiêu, xiết chặt, tức, đầy đầy, nặng ngực… vị trí đau thường ở sau xương ức hay ngực trái, có thể kèm hoặc chỉ đau thượng vị, có thể lan tới cánh tay, ít hơn tới 2 vai, hàm dưới, bụng nhưng không lan xuống dưới rốn.
Cơn đau thường xuất hiện ban ngày, lúc gắng sức hoặc xúc động, đang ăn hoặc thời tiết lạnh, kéo dài vài phút đến 10-15 phút, hiếm khi trên 30 phút.
Những bệnh lý khác ở tim ngoài bệnh thiếu máu cơ tim và các bệnh lý khác ngoài tim gây ra cơn đau ngực sẽ biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực không điển hình, trong đó, cơn đau có thể kéo dài nhiều hơn 30 phút và không giảm với nghỉ ngơi, như trong bệnh viêm màng ngoài tim cấp.
3. Những ai có nguy cơ xuất hiện cơn đau ngực liên quan đến bệnh tim?
“Nguy cơ xuất hiện cơn đau ngực liên quan đến bệnh tim” còn được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh tim mạch. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó chứ không phải bắt buộc là chắc chắn sẽ bị bệnh.
Thường thì các yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh tăng theo cấp số nhân. Các yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh tim mạch:
- Yếu tố không thể thay đổi được
- Tuổi
- Giới
- Di truyền (gia đình có người bị bệnh tim mạch khá sớm)
- Yếu tố có thể thay đổi được
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid (mỡ) máu
- Hút thuốc lá
- Thừa cân, béo phì
- Giảm dung nạp đường/ Đái tháo đường
- Lười vận động
4. Cơn đau ngực do bệnh dạ dày có đặc điểm gì?
Bệnh lý thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý tiêu hóa gây ra cơn đau ngực là trào ngược dạ dày thực quản. Gọi là đau ngực do trào ngược axit. Để phân biệt đau ngực do tim và đau ngực do trào ngược axit (không do tim), chúng ta cần xem xét ba yếu tố sau:
- Vị trí của cơn đau
- Cảm giác đau như thế nào
- Các triệu chứng kèm theo
a. Vị trí của cơn đau ngực do trào ngược và do tim
Cả hai cơn đau ngực do tim và không do tim (đau ngực do trào ngược) đều có thể xảy ra ở trung tâm của ngực phía sau xương ức.
Tuy nhiên, đau ngực do tim có thể lan khắp ngực và thậm chí ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như: cánh tay, lưng, vai, cổ hoặc cổ họng, hàm, răng…
Nếu bệnh nhân có ợ nóng thì có xu hướng vẫn còn cục bộ, có nghĩa là nó không lan sang các khu vực khác. Chứng ợ nóng thường diễn ra phía sau hoặc bên dưới xương ức.
b. Cảm nhận của cơn đau
Một số từ mà mọi người sử dụng để mô tả đau ngực do tim gồm: Cảm giác có một sức ép đè lên ngực, quặn thắt vùng ngực, nặng ngực, tức ngực, lồng ngực bị bóp chẹt, đau ngực.
Ngược lại, đau ngực do trào ngược có xu hướng cảm giác nóng rát ngay bên dưới bề mặt da.
c. Các biểu hiện khác
Các triệu chứng kèm theo đau ngực có thể là một dấu hiệu quan trọng đối với cả đau ngực do tim hoặc không do tim. Các triệu chứng có thể xảy ra cùng với đau ngực do tim có thể bao gồm:
- Khó thở
- Nhịp tim không đều
- Chóng mặt hoặc đau đầu
Các triệu chứng chỉ ra rằng đau ngực là do ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản có thể bao gồm:
- Khó nuốt
- Đầy hơi
- Ợ hoặc nấc
- Hôi miệng
- Đau họng hoặc bị kích thích
- Vị khó chịu hoặc chua trong miệng
5. Đặc điểm của cơn đau ngực do đau thần kinh liên sườn?
Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh hay gặp ở người trưởng thành. Đau dây thần kinh liên sườn là một cơn đau do nguyên nhân thần kinh, bắt nguồn từ tủy sống, dưới xương sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn thường chỉ gây đau ở một bên (trái hoặc phải) từ trước ngực (xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Bạn có thể cảm thấy đau nặng hơn khi ấn, sờ vào. Cơn đau thường được mô tả như dao đâm, đau nhói, âm ỉ, nóng rát và/ hoặc đau từng cơn.
Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn có thể bao phủ toàn bộ vùng ngực hoặc lan từ lưng về phía ngực. Một số người cảm thấy đau dọc theo các xương sườn. Mức độ đau thường dữ dội hơn khi hoạt động như nâng đồ vật, xoay/ vặn người hay khi ho, hắt hơi, cười.
Các triệu chứng khác có thể xuất hiện là:
- Đau bụng
- Sốt
- Ngứa
- Tê
- Châm chích
- Hạn chế khả năng vận động ở vai, lưng
- Đau ở cánh tay, vai hoặc lưng
6. Đau thốn ở mạn sườn mỗi khi hít thở hoặc ho, hắt hơi có thể là biểu hiện của bệnh gì?
Triệu chứng đau vùng mạn sườn mỗi khi hít thở hoặc ho, hắt hơi có thể gặp trong bệnh lý phổi - màng phổi vùng đáy, do bệnh gan (như u gan, áp xe gan dưới cơ hoành), do bệnh lách (như lách to), do thần kinh liên sườn, đau cơ liên sườn và một số nguyên nhân ít gặp khác.
7. Cơn đau ngực do rối loạn thần kinh thực vật có dấu hiệu nào để nhận biết?
Rối loạn thần kinh thực vật là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết, tiêu hóa nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu ở nhiều cơ quan. Cảm giác khó chịu này có thể bao gồm cả những cơn đau ngực, khó thở, hít vào không sâu...
Đau ngực do rối loạn thần kinh thực vật thường có liên quan đến yếu tố tâm lý, mỗi khi gặp stress căng thẳng hay buồn lo nhiều thì lại xuất hiện những cơn đau ngực, và triệu chứng của nó không điển hình cho một cơn đau ngực do tim hay cơn đau ngực do các bệnh khác.
Nói cách khác, đau ngực do rối loạn thần kinh thực vật không có dấu hiệu điển hình nào để nhận diện hết, bác sĩ sẽ dùng tiêu chuẩn loại trừ cơn đau ngực do các bệnh lý khác để nghĩ đến cơn đau ngực do rối loạn thần kinh thực vật.
Do đó, để đi đến kết luận này thì người bệnh phải qua thăm khám, làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý và kết quả mọi thứ đều bình thường thì mới chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật được.
8. Trường hợp nào đau ngực có thể dùng thuốc giảm đau không cần kê toa?
Những trường hợp đau cơ liên sườn điển hình thì người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không cần kê toa trong 24 giờ để theo dõi.
Đau cơ liên sườn là tình trạng đau nhói ở nhóm cơ chạy dọc 2 bên xương sườn chủ yếu liên quan đến những chuyển động mạnh đột ngột, chẳng hạn như các bài tập bụng Crunch hay Sit-up, một số môn thể thao như bóng chày, quần vợt và đánh golf, hay do lao động chân tay quá sức, do va đập nhẹ vào vùng thành ngực, do ho quá nhiều.
Những trường hợp đau cơ liên sườn có thể theo dõi tại nhà là khi không có đi kèm các triệu chứng của sốt, khó thở, vùng chấn thương sưng tấy và đau nhức. Nếu sau 24 giờ nghỉ ngơi tại nhà và dùng giảm đau thông thường mà triệu chứng không cải thiện thì bạn cũng cần đến bệnh viện để kiểm tra đánh giá lại.
9. Tình trạng đau ngực như thế nào là phải đi cấp cứu?
Tình trạng đau ngực cần phải đi cấp cứu bao gồm:
Cơn đau ngực có xu hướng lan tỏa kéo dài trên 20 phút, không giảm với nghỉ ngơi.
Cơn đau ngực có kèm theo các biểu hiện đổ nhiều mồ hôi, mặt tái xanh, tim đập không đều, tim đập quá nhanh hay quá chậm, khó thở, đầu óc choáng váng, lơ mơ, buồn nôn - nôn, sốt.
10. Các xét nghiệm mà bệnh nhân có thể làm khi bị đau ngực là gì?
Các xét nghiệm thường quy đối với 1 bệnh nhân đau ngực khi đến kiểm tra tại bệnh viện bao gồm:
- Xét nghiệm máu cơ bản
- Chụp phim Xquang ngực
- Đo điện tim
- Siêu âm tim
Tùy mỗi đối tượng khác nhau và tình huống đến khám khác nhau mà bác sĩ sẽ hướng đến các nguyên nhân đau ngực khác nhau, từ đó sẽ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác, như chụp mạch vành, chụp CTscan ngực, nội soi thực quản dạ dày tá tràng, xét nghiệm men tim....
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình