Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao mùa lạnh người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD nhập viện nhiều hơn?

Khi thời tiết trở lạnh, số bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD nhập viện nhiều hơn. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên giải thích lý do vì sao mùa đông bệnh COPD trở nặng hơn và các dấu hiệu nguy hiểm bệnh nhân cần nhập viện.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng như thế nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng các đường dẫn khí trong phổi bị viêm mạn tính và hẹp lại, các túi phế nang nơi trao đổi khí bị phá huỷ. Bệnh hình thành trên những người hít phải khí độc hoặc hạt độc kéo dài nhiều năm, trong đó, hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất.

Tình trạng phổi tiến triển xấu dần đi theo thời gian sẽ dẫn tới triệu chứng khó thở, ho khạc đàm mạn tính và giới hạn vận động.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - chuyên gia tư vấn bệnh Hô hấp của AloBacsi

2. Những bệnh nào có triệu chứng giống COPD?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây nên triệu chứng khó thở mạn tính hoặc ho khạc đàm mạn như dãn phế quản, hen, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, lao phổi, suy tim...

3. Để chẩn đoán COPD, bệnh nhân được thăm khám, đánh giá như thế nào ạ?

Để chẩn đoán xác định COPD, bác sĩ cần thực hiện việc hỏi bệnh cẩn thận, tỉ mỉ để xác định yếu tố nguy cơ và triệu chứng nghi ngờ bệnh, thăm khám lâm sàng có thể phát hiện dấu hiệu của ứ khí phế nang như tăng đường kính trước sau lồng ngực, gõ vang, giảm âm phế bào và kéo dài thời gian thở ra.

Một số xét nghiệm thường được chỉ định để xác định chẩn đoán bệnh như đo chức năng hô hấp, Xquang phổi và xét nghiệm men alpha-1 antitrypsin.

Xét nghiệm đánh giá chức năng hô hấp thường được sử dụng là hô hấp ký, bệnh nhân được yêu cầu hít thở bình thường và gắng sức nhanh để đánh giá thể tích và lưu lượng dòng khí thở. Nếu kết quả bất thường, bệnh nhân sẽ được xịt thuốc dãn phế quản và tiến hành đo lại để xem xét đáp ứng với thuốc.

Kết quả tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục sau thử thuốc giúp khẳng định chẩn đoán COPD.

Các xét nghiệm hình ảnh học như Xquang ngực, CT scan giúp loại trừ các nguyên nhân gây ho đàm và khó thở mạn tính khác, trên phim chụp cũng có thể thấy được dấu hiệu ứ khí phế nang do COPD.

4. COPD được điều trị bằng những phương pháp nào? Thuốc điều trị là những thuốc gì?

Điều trị COPD cần kết hợp cả phương pháp dùng thuốc lẫn không thuốc. Quan trọng nhất là cai thuốc lá, giúp ngăn ngừa sự tiến triển nặng hơn của bệnh. Tập phục hồi chức năng giúp cải thiện triệu chứng và tăng khả năng gắng sức, ngoài ra, tiêm ngừa cúm hàng năm và tiêm ngừa phế cầu giúp ngăn ngừa các đợt cấp, là nguyên nhân làm suy giảm nhanh chức năng phổi ở bệnh nhân COPD.

Đối với điều trị dùng thuốc, bệnh nhân thường được kê toa các thuốc đường hít hoặc phun khí dung, có tác dụng giãn phế quản, kháng viêm. Việc lựa chọn thuốc sẽ phụ thuộc vào mức độ biểu hiện triệu chứng, nguy cơ của đợt vấp trong tương lai và mức độ tắc nghẽn đường thở trên hô hấp ký.

Điều trị COPD ngày càng có nhiều tiến bộ, nhiều loại thuốc và dụng cụ hít mới, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm tối đa các tác dụng phụ do sử dụng đường uống. Đối với bệnh nhân có suy hô hấp mạn, bác sĩ có thể chỉ định thở oxy hoặc thở máy khôgn xâm lấn tại nhà, một số trường hợp có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bóng khí hoặc đặt van một chiều phế quản, đặc biệt với các trường hợp không đáp ứng với thuốc và tập phục hồi chức năng.

Cuối cùng, ghép phổi là điều trị hứa hẹn cho những bệnh nhân COPD nặng, tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân COPD không phải là ứng viên tốt để ghép phổi do nguy cơ của những biến chứng nghiêm trọng.

5. Bệnh COPD có thể chữa khỏi được không?

COPD là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là ngăn ngừa diễn tiến,  giảm triệu chứng của bệnh, giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn được.

6. Bệnh nhân COPD phun khí dung tại nhà cần lưu ý gì?

Hiện nay, việc điều trị COPD chủ yếu bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào phổi qua các dụng cụ xịt - hút, tuy nhiên, phun khí dung vẫn còn là biện pháp điều trị hiệu quả trên một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt và trong những hoàn cảnh nhất định.

Bệnh nhân COPD có thể tự phun khí dung tại nhà nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Sau phun khí dung các thuốc kháng viêm, bệnh nhân cần súc miệng thật kỹ để thuốc không đọng lại, gúp phòng ngừa nấm miệng, điều này cũng thường được các bác sĩ nhấn mạnh khi kê toa.

Cũng không nên để thuốc dây vào mắt vì sẽ làm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

7. Triệu chứng nguy hiểm mà bệnh nhân COPD cần đến bệnh viện ngay?

Bệnh nhân COPD thường được kê toa kèm theo một thuốc cắt cơn, có thể sử dụng khi lên cơn khó thở sau gắng sức hoặc những đợt cấp nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, những cơn khó thở đột ngột, dữ dội, không đáp ứng với thuốc cắt cơn cần thăm khám bác sĩ để thêm thuốc điều trị. Một số dấu hiệu cho thấy cần phải khám hoặc nhập cấp cứu ngay bao gồm:

  • Khó thở nhiều, không đáp ứng thuốc dãn phế quản
  • Khó thở tới mức không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Tăng lượng đàm, đàm mủ, ho ra máu, sốt cao
  • Tím tái, phù chân, đau nặng ngực
  • Thức dậy ban đêm do khó thở
  • Rối loạn ý thức (ngủ gà, lơ mơ, hôn mê)

8. Những sai lầm thường gặp khi bệnh nhân điều trị COPD là gì?

Điều trị COPD không khó khăn, và nếu thực hiện tốt, người bệnh có thể ngăn ngừa được tiến triển của bệnh, cải thiện được triệu chứng, nâng cao chất lượng sống.

Tuy nhiên, có một số sai lầm thường gặp khiến cho quản lý bệnh trở nên khó khăn như:

  • Không tuân thủ điều trị,
  • Chưa thực hiện đúng kỹ thuật sử dụng các dụng cụ hít,
  • Không tái khám, lối sống tĩnh tại, ít vận động dù chỉ khó thở nhẹ,
  • Còn hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với yếu tố nguy cơ làm nặng thêm diễn tiến bệnh,
  • Lạm dụng các thuốc corticosteroid đường uống hoặc thuốc dãn phế quản toàn thân dẫn tới tác dụng phụ,
  • Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý,...

9. Vì sao vào mùa lạnh thì việc điều trị COPD trở nên khó khăn?

Thời tiết lạnh thường làm gia tăng triệu chứng và kích hoạt đợt cấp COPD. Không khí lạnh đi vào phổi có thể gây ra co hẹp đường thở, vốn đã khá nhạy cảm của bệnh nhân, gây tăng tiết đàm, tăng phản xạ ho khạc và khó thở cũng tăng theo. Thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan các bệnh nhiễm siêu vi hô hấp, đặc biệt là cúm, làm cho COPD khó quản lý hơn.

10. Những ai có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?

COPD thường gặp ở những người tiếp xúc với khí độc hoặc hạt độc trong thời gian dài, trong đó quan trọng nhất là hút thuốc lá. Số lượng hút càng nhiều với thời gian càng lâu thì càng gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Người hút thuốc lào, xì gà, cần sa và kể cả hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Một yếu tố tiếp xúc khác là ô nhiễm không khí tại nơi làm việc bao gồm bụi và hoá chất hoặc kể cả khí đốt do các hoạt động hàng ngày như nấu ăn, sưởi ấm nếu kéo dài cũng có thể gây ra bệnh.

Yếu tố di truyền đóng vai trò một phần trong sự hình thành và tiến triển bệnh, bệnh nhân khiếm khuyết gien liên quan tới alpha-1-antitrypsin thường mắc COPD sớm và nặng nề.

Bệnh nhân hen hoặc sau lao phổi cũng có thể diễn tiến tới COPD.

11. Làm gì để phòng tránh bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?

Cách tốt nhất để phòng ngừa COPD là không bao giờ hút thuốc lá, nếu đã lỡ hút thì nên cai hoàn toàn. Nên tránh xa những người hút thuốc và những nơi khói bụi, nhiều hoá chất, nhất là tiếp xúc kéo dài.

Nếu do yếu tố công việc thì nên sử dụng đầy đủ các dụng cụ bảo hộ và khám sức khoẻ nghề nghiệp định kỳ để phát hiện sớm bệnh phổi và điều trị. B

ệnh nhân hen nên tuân thủ, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp để phòng ngừa tắc nghẽn cố định đường dẫn khí.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X