Giải đáp 12 câu hỏi thường gặp về thuốc chống lao
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - chuyên gia tư vấn về Hô hấp - Lao của AloBacsi sẽ giải đáp 12 thắc mắc thường gặp của bạn đọc về thuốc chống lao trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc đón xem.
Trước kia, bệnh lao, nhất là lao phổi là căn bệnh vô cùng đáng sợ, người mắc bệnh dường như đã nhận “án tử”. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền y học, thuốc điều trị bệnh lao đã ra đời, kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt hơn, hiệu quả hơn.
Song, khi sử dụng thuốc nhiều người vẫn rất lo lắng:
- Liệu quên thuốc có ảnh hưởng đến quá trình điều trị?
- Nên xử trí thế nào trước các tác dụng phụ của thuốc chống lao?
Tất cả những thắc mắc về thuốc chống lao sẽ được ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Bệnh viện Thống Nhất TPHCM; Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giải đáp trong chương trình tư vấn.
1. Vì sao thuốc chống lao phải uống khi bụng đói?
Thưa BS, vì sao uống thuốc chống lao phải uống khi bụng đói, uống nhiều nước và không được ăn sáng? Tôi bị đau dạ dày, có thể ăn nhẹ một chút trước khi uống thuốc chống lao được không?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Các thuốc kháng lao, đặc biệt Isoniazid, được khuyến cáo nên được sử dụng lúc bụng đói, 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Nếu dùng chung với thức ăn sẽ làm giảm hấp thu dẫn tới giảm hiệu quả của thuốc. Nếu có vấn đề dạ dày, người bệnh có thể dùng thuốc sau ăn 2 giờ và nên khám thêm chuyên khoa tiêu hoá để xử lý ổn định bệnh lý dạ dày.
2. Điều gì xảy ra nếu uống thuốc chống lao sai giờ hoặc quên không uống?
Vì sao uống thuốc chống lao phải uống đúng giờ? Nếu lỡ có 1-2 ngày quên uống, hay uống sai giờ thì có ảnh hưởng gì không?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Thuốc kháng lao cần được sử dụng cố định vào một giờ nhất định trong ngày, để đảm bảo nồng độ thuốc trong máu được ổn định. Nếu thường xuyên quên uống thuốc hoặc uống trễ, nồng độ thuốc trong máu sẽ sụt giảm, giảm hiệu quả điều trị và có nguy cơ gây xuất hiện chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.
Nguy cơ này chưa thể ước đoán một cách chính xác là bao nhiêu ngày thì kháng thuốc hay bao nhiêu ngày thì mất hiệu quả của thuốc, do đó, người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc đúng giờ, đều đặn hàng ngày.
Uống thuốc kháng lao đúng giờ để đảm bảo hiệu quả điều trị (Ảnh minh họa)
3. Muốn tự túc các chi phí điều trị lao, đến đâu để mua thuốc?
Tôi ngại đi ra trạm y tế để uống thuốc chống lao vì không muốn người quen biết tôi bị bệnh lao. Nhưng khi mua thuốc thì không thấy bán, vậy tôi phải làm sao?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Bệnh lao hiện nay được khuyến cáo điều trị theo Chương trình Chống lao Quốc gia, đảm bảo cung cấp thuốc chống lao miễn phí nhưng thuốc vẫn đảm bảo chất lượng, đầy đủ và đều đặn.
Nếu không muốn nhận thuốc lao của Chương trình Chống lao Quốc gia, bạn có thể điều trị tự túc tại các bệnh viện chuyên khoa Lao, để đảm bảo chất lượng thuốc và trình độ chuyên môn của bác sĩ, bác sĩ được tập huấn theo hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia và báo cáo theo đúng quy định.
4. Đi công tác dài ngày, làm sao để có đủ thuốc kháng lao?
Tôi đang điều trị lao tại địa phương nhưng có chuyến công tác 2 tuần, làm cách nào để có thể uống thuốc đều đặn?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Đối với lao mới điều trị, thuốc kháng lao được sử dụng dưới dạng uống và phát cho người bệnh hàng tháng, bạn có thể trình bày với Tổ Chống lao để được phát đủ thuốc dùng trong 2 tuần và mang theo khi đi công tác. Việc sử dụng thuốc lao vào sáng sớm ngay khi vừa ngủ dậy sẽ giúp ghi nhớ thời gian dùng thuốc hàng ngày bạn nhé!
5. Mờ mắt sau khi uống thuốc chống lao, nên tiếp tục hay dừng lại?
Tôi bị mờ mắt sau khi uống thuốc chống lao, có thể đổi thuốc được không? Tôi phải đến bệnh viện hay trạm y tế có thể đổi thuốc cho tôi?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Phác đồ hiện nay đối với lao mới mắc lần đầu và không kháng thuốc bao gồm các thuốc Rifampicin, Isoniazid, Pyrazynamid, Ethambutol.
Trong các thuốc này, Ethambutol có tác dụng phụ gây giảm thị lực. Khi có biểu hiện nhìn mờ trong quá trình điều trị thì chỉ cần dừng thuốc Ethambutol, các thuốc còn lại ít hoặc không ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, hiện tượng mờ mắt còn có thể do các nguyên nhân khác nữa, do đó trước tiên nên khám chuyên khoa Mắt trước để đánh giá thị lực, tìm nguyên nhân.
Trong trường hợp bác sĩ chuyên khoa Mắt nghi ngờ nhìn mờ do Ethambutol thì có thể ngưng loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Lao bạn nhé!
Ethambutol - một trong các thuốc kháng lao có tác dụng phụ gây giảm thị lực (Ảnh minh họa)
6. Nước tiểu đổi màu đỏ cam khi uống thuốc chống lao, do đâu?
Nước tiểu đổi qua màu đỏ cam khi uống thuốc chống lao là hiện tượng gì? Sao có người nước tiểu đổi màu, có người không bị?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Thành phần thuốc kháng lao có Rifampicin, là kháng sinh phổ rộng, có tác dụng tốt với các vi khuẩn gram dương và âm. Rifampicin có tác dụng tốt với các chủng vi khuẩn Mycobacterium, đặc biệt là Mycobarterium tuberculosis, là vi khuẩn gây bệnh lao, do đó được xem là thuốc chủ lực trong phác đồ điều trị lao.
Thuốc thải trừ khoảng 65% qua phân và khoảng 30% qua nước tiểu, phần còn lại thải qua mồ hôi, nước bọt, nước mắt. Sản phẩm thải trừ có màu đỏ, do đó làm cho nước tiểu, phân và nước mắt có màu đỏ da cam. Nếu thuốc thải trừ qua nước tiểu ít hơn hoặc uống nhiều nước, pha loãng thì có thể không thấy rõ màu đỏ hay da cam nữa.
7. Mỏi người, mất ngủ do thuốc chống lao, làm sao khắc phục?
Chân tay nhức mỏi, mệt mỏi rã rời, mất ngủ... khi uống thuốc chống lao, làm sao khắc phục?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Đau nhức các khớp xương, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, vả mồ hôi đêm... là những triệu chứng toàn thân thường gặp khi mắc bệnh lao, các triệu chứng này sẽ giảm dần và khỏi sau điều trị lao từ 2-4 tuần.
Thuốc kháng lao ít khi gây ra các tác dụng phụ này, trong khoảng 1-2 tuần đầu sau dùng thuốc, một số bệnh nhân có thể dung nạp kém, cảm giác khó chịu, nhưng sẽ nhanh chóng trở về bình thường nếu dùng thuốc đều đặn và nâng thể trạng, bổ sung đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, vận động phù hợp.
Nếu xuất hiện các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt ngày càng nhiều thì nên tái khám chuyên khoa sớm để đánh giá lại chức năng gan, xem xét có viêm gan do thuốc hay không bạn nhé!
8. Người có cơ địa dị ứng bị ngứa da khi dùng thuốc chống lao, cần làm gì?
Tôi có cơ địa dị ứng, bây giờ thuốc chống lao bị ngứa da, tôi cần làm gì? Liệu tôi có bị kháng thuốc không?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Ngứa, phát bạn nhẹ ngoài da do thuốc kháng lao là biểu hiện khá thường gặp, không có chỉ định ngưng thuốc nên không lo ngại kháng thuốc. Đối với các trường hợp dị ứng nhẹ, người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc kháng histamin cùng với thuốc kháng lao để giảm bớt triệu chứng khó chịu, bác sĩ chuyên khoa Lao sẽ theo dõi, đánh giá lại và xem xét đổi thuốc khi cần.
9. Điều trị bệnh lao và dạ dày cùng lúc, có gây tương tác thuốc?
Vừa bị bệnh lao, vừa bị bệnh dạ dày, điều trị cả 2 bệnh có bị tương tác thuốc không?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Việc sử dùng cùng lúc thuốc kháng lao và thuốc điều trị dạ dày có thể gây giảm hấp thu lẫn nhau, do đó, khi phải vừa điều trị hai bệnh, nên sử dụng thuốc giãn cách thời gian ít nhất 2 giờ. Cụ thể là sử dụng thuốc lao vào sáng sớm, trước bữa ăn sáng 1 giờ và có thể chuyển thuốc điều trị bệnh dạ dày vào buổi chiều tối, trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn tối 2 giờ.
10. Làm sao để kinh nguyệt đều đặn khi uống thuốc trị lao?
Thuốc chống lao có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không? Kinh nguyệt thất thường khi uống thuốc chống lao, làm sao cho đều trở lại?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Thuốc điều trị lao không ảnh hưởng trực tiếp lên chu kỳ kinh nguyệt và hormon sinh dục trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh lao là bệnh lý có triệu chứng toàn thân, gây khó chịu, căng thẳng nên dễ ảnh hưởng tới chu kỳ kinh.
Nếu rối loạn ít, chu kỳ chỉ dài ngắn không đều, người bệnh sẽ trở lại bình thường sau một thời gian điều trị ổn định. Trường hợp rối loạn nhiều, cường kinh, rong kinh, đau bụng nhiều... ảnh hưởng sức khoẻ chung, người bệnh nên khám Phụ khoa để tìm nguyên nhân khác gây rối loạn kinh nguyệt.
11. Các phương pháp tránh thai khi đang điều trị lao?
Đang uống thuốc chống lao thì nên dùng biện pháp tránh thai nào? Sau khi ngưng thuốc chống lao bao lâu mới nên có thai?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Thuốc kháng lao Rifampicin làm giảm hiệu quả của viên uống tránh thai, do đó khi đang điều trị lao, có hai lựa chọn cho người bệnh, hoặc phải tăng liều thuốc tránh thai hoặc nên sử dụng biện pháp tránh thai không phải hormon khác.
Việc tăng liều thuốc tránh thai phải do bác sĩ chuyên khoa đánh giá, quyết định và có nhiều nguy cơ gặp tác dụng phụ. Do đó, việc sử dụng phương pháp tránh thai khác không phải hormon như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng... sẽ được ưu tiên hơn.
Thời gian bán huỷ của thuốc kháng lao ngắn, thuốc không ảnh hưởng đến chất lượng của trứng nên có thể mang thai ngay sau khi ngưng điều trị và được bác sĩ chuyên khoa xác định là khỏi bệnh lao, tốt nhất là khi cơ thể đã hồi phục tốt về thể trạng.
12. Phẫu thuật thẩm mỹ khi đang điều trị lao phổi, nên hay không?
Đang điều trị lao phổi có phẫu thuật thẩm mỹ được không?
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời: Khi thực hiện những hoạt động thẩm mỹ liên quan tới dao kéo, có thể phải sử dụng các thuốc kháng viêm, kháng sinh và giảm đau; có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng lao hoặc gây thêm tác dụng phụ không mong muốn.
Do đó, bạn nên tránh can thiệp quá nhiều trong lúc đang điều trị. Bạn nên tiếp tục tuân thủ, dùng thuốc đúng giờ, đều đặn để bệnh mau khỏi, bạn nhé!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình