Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Những cơn sóng cuộn trào trong dạ dày khiến bạn mất ngủ, tình trạng ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn làm bạn khó xử trong giao tiếp kéo theo đó là tình trạng đau rát họng liên miên, cảm giác vướng víu ở cổ, những bữa ăn ngon lành trở nên vô vị… Đây có thể là những triệu chứng cảnh báo bạn đã bị trào ngược dạ dày thực quản.
1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày (Gastroesophageal reflux disease/ GERD) còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản hoặc trào ngược axit. Cấu tạo của dạ dày có cơ vòng tại tâm vị với chức năng ngăn cách dạ dày và thực quản, giúp thức ăn không bị đẩy ngược lên trên. Khi cơ vòng trở nên suy yếu, dịch nhầy cùng axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản gây nên tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản.
Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115, bình thường đây có thể là hoạt động chức năng của dạ dày, biểu hiện sinh lý bình thường của con người, không gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển thể chất hoặc sinh hoạt, nhưng trong 1 giờ số lần bị trào ngược dạ dày thực quản sinh lý khoảng 2-3 lần. Ngược lại, trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý có thể lên tới 7, 8 lần trong 1 giờ.
2. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Có thể hiểu một cách đơn giản dạ dày được ví như “cái thùng”, còn cơ thắt thực quản dưới (bộ phận ngăn giữa dạ dày và thực quản) được hiểu là “nắp đậy”.
Thông thường khi nuốt thức ăn, thực quản sẽ mở ra và sau đó sẽ đóng lại để ngăn không cho thức ăn trào ngược lên. Với cơ chế như trên, nguyên nhân trào ngược dạ dày xuất hiện khi xuất hiện “nắp yếu” hoặc “thùng đầy”.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày do “nắp yếu”: Một số nguyên nhân dẫn đến cơ thắt thực quản dưới bị tổn thương gây trào ngược như rối loạn nhu động thực quản, giảm tiết nước bọt (hút thuốc lá,..), các thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết choline, theophylline; các chất cafein, rượu, thuốc lá, chocolate hay thức ăn nhiều mỡ.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày do “thùng đầy”: Đây là hiện tượng dạ dày bị suy giảm chức năng, quá tải không thể tiêu hóa và tống thức ăn xuống đến ruột non.
Một số nguyên nhân trào ngược dạ dày do “thùng đầy” phải kể đến: Bệnh lý tại dạ dày, điển hình như ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày (viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị… làm cho các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày); Áp lực ổ bụng tăng đột ngột khi ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản khác, ví dụ như:
- Stress làm tăng tiết cortisol: Cortisol làm tăng axit trong dạ dày, làm tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Stress làm rối loạn nhu động thực quản khiến cho cơ thắt thực quản trở nên nhạy cảm, việc giãn mở cơ xảy ra thường xuyên và kéo dài làm dịch vị trào ngược lên thực quản.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit (cam, chanh…) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán… gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản, dẫn đến cơ này bị yếu, đóng mở bất thường, gây chứng trào ngược.
- Những yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, bệnh nhân bị sa dạ dày, hay có thoát vị cơ hoành, chấn thương tai nạn… Ở trẻ nhỏ, trào ngược dạ dày thường được cho là sinh lý bình thường với triệu chứng điển hình là nôn trớ. Triệu chứng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và sẽ mất hẳn khi trưởng thành.
- Béo phì , mang thai: Cân nặng gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến trương lực yếu đi, vì thế axit dạ dày và các chất dễ trào ngược hơn.
3. Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản rất đa dạng. Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, đa pần bệnh nhân đến khám bác sĩ có rất nhiều triệu chứng như nóng rát vùng trước ngực, đau thượng vị, ợ hơi… Tuy nhiên trong 10 ca trào ngược dạ dày thực quản chỉ có 2 ca có triệu chứng điển hình, 8 ca còn lại có triệu chứng không điển hình, hay còn gọi là những triệu chứng ngoài thực quản.
“Ví dụ, các bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản trước đây đi khám rất nhiều chuyên khoa khác nhau như Tai Mũi Họng với biểu hiện là khàn tiếng, ho, ngứa họng… nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.
Hoặc một số em bé có tình trạng viêm mũi, viêm họng,viêm tai giữa cũng có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Những biểu hiện như hôi miệng, hư răng và một bệnh cảnh đặc biệt làm cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản vô cùng lo lắng đó là đau ngực, khiến bệnh nhân hiểu lầm mình bị bệnh tim mạch, thiếu máu cơ tim, hô hấp…” - TS Tuyết Phượng cho biết.
Ợ chua, ợ hơi, cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực... là những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản (Ảnh minh họa)
Chính vì sự đa dạng này nên nhiều người bệnh rất dễ nhầm lẫn và thường đi “lòng vòng” các chuyên khoa khác nhau. Song, nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây, hãy nghĩ đến đây có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản:
- Ợ chua, ợ nóng, ợ hơi: Ợ chua hay chướng bụng đầy hơi là các là triệu chứng thường gặp khi bị chứng trào ngược. Cụ thể người bệnh bị ợ hơi những khi đói kèm với ợ chua, có cảm giác nóng rát lan từ dạ dày hoặc vùng ngực dưới lên đến cổ (ợ nóng). Trong khi đó ợ chua xuất hiện nhiều khi đánh răng vào buổi sáng. Triệu chứng này tăng lên khi ăn no, lúc cúi gập người về phía trước, khó tiêu, hoặc khi ngủ vào ban đêm.
- Cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, hay xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước, hoặc lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên... Ban đêm bị đau, khó chịu, nếu ngồi dậy hoặc nâng cao đầu thì đỡ. Giảm triệu chứng khi uống các thuốc chống acid.
- Các biểu hiện về tai mũi họng: họng mất cảm giác; cảm giác nuốt nghẹn như có dị vật, hoặc vướng, sau xương ức hay sau yết hầu; viêm họng hay tái phát; khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh...
- Các biểu hiện ở phổi: khó thở ban đêm do hít phải dịch vị acid vào phế quản ít gặp, nhưng nặng. Có khi có cơn như hen suyễn.
- Đau ngực: Trào ngược thực quản là nguyên nhân thông thường nhất của đau ngực không do bệnh tim. Đau thường sau bữa ăn hoặc ban đêm; đau kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên. Đau giảm sau khi uống thuốc chống acid; khởi phát đau có liên quan tới một đợt trào ngược dịch vị acid. Có khi đau rõ rệt ở ngực do trào ngược chứ không phải chỉ là cảm giác nóng. Đau giống như cơn đau thắt ngực dễ lầm với bệnh lý động mạch vành.
- Đắng miệng: Van môn vị mở quá lớn khiến dịch trong mật tràn ra ngoài, khi đó axit dạ dày trào lên thực quản kèm theo dịch mật gây nên triệu chứng đắng miệng.
- Tiết nhiều nước bọt: Axit chua trào ngược từ dạ dày lên miệng sau khi ợ chua kích thích miệng tiết nước bọt để trung hòa được lượng axit.
- Triệu chứng ít gặp hơn là ợ từng đợt, nấc, thiếu máu nhược sắc do viêm thực quản chảy máu rỉ rả…
>>> Đau bụng khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, không nên tự chữa ở nhà?
4. Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày không phải là tình trạng quá nguy hiểm và có thể kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều trị thì có thể gây ra các hệ lụy xấu với sức khỏe.
Cơ bản nhất là người mắc sẽ phải đối mặt với các triệu chứng của bệnh như tức ngực, ợ hơi, ợ chua, các cơn đau vùng thượng vị, tình trạng nóng rát dạ dày... Nhưng về lâu dài, axit dịch vị trào ngược lâu ngày sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở vùng hầu họng, thực quản… hoặc phát triển thành nhiều biến chứng như:
- Viêm đường hô hấp kèm theo chứng viêm xoang, hen suyễn hoặc viêm họng, viêm phế quản...
- Hẹp thực quản với triệu chứng buồn nôn, nôn, đau họng, căng tức vùng ngực,...
- Viêm loét thực quản khiến người bệnh đau, khó chịu khi nuốt, tức ngực, đau rát thực quản hoặc bị khó thở,...
- Barrett thực quản làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản - biến chứng khó phát hiện sớm, mặc dù tỷ lệ này không cao. “Khi bệnh nhân có những biến chứng gọi là thực quản Barrett mà không ghi nhận được chuyển sản, nghịch sản, loạn sản thì tỷ lệ ung thư chiếm 0.5%. Tuy nhiên, nếu trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng Barrett nhưng ghi nhận có tình trạng nghịch sản, loạn sản, chuyển sản thì nguy cơ ung thư lên 10%, thậm chí 40%.
5. Vì sao trào ngược dạ dày thực quản hay tái phát?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, tuy nhiên bệnh dễ tái phát. 68% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản bị tái phát trong vòng 1 năm.
Theo ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 90% bệnh này tái phát là do trong cuộc sống sinh hoạt không điều độ. Đó có thể là do bạn ăn đồ chua cay, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh; Ăn quá muộn, ăn đêm; Ăn không đúng bữa, hay bỏ bữa; Vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn; Thường xuyên thức khuya; Hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê; Thường xuyên lo lắng, căng thẳng thần kinh.
Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày tái phát có thể là do các thuốc giảm tiết axit không có tác dụng lâu dài hoặc do ảnh hưởng của thời tiết. Trào ngược dạ dày thực quản thường tái phát vào mùa thu - đông. Nguyên nhân vì thời tiết chuyển lạnh làm giảm độ dày của lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc, khiến dạ dày dễ bị tác động và tổn thương.
Bên cạnh đó, không khí lạnh làm tăng hàm lượng histamin trong máu, tăng tiết dịch axit dạ dày, dẫn tới dạ dày co bóp mạnh, khiến người bị viêm loét dạ dày dễ bị đau bụng tái phát. Tình trạng ợ hơi, ợ nóng và đầy bụng tăng lên, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động của bệnh nhân.
6. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết: “Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là đo pH trong lòng thực quản, nhưng đây là khảo sát tương đối khó thực hiện và hiện tại không phổ biến ở Việt Nam”.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, để chẩn đoán bác sĩ thường dựa vào triệu chứng điển hình của bệnh nhân như ợ nóng, trớ, ợ hơi, đau vùng thượng vị hoặc các biểu hiện ngoài thực quản. Do đó, có 20% biểu hiện trong thực quản, nhưng lại đến 80% biểu hiện ngoài thực quản như ho kéo dài, khàn tiếng, đau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hay cơn đau ngực… Sau đó bác sĩ sẽ một số test để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không.
Trong một số trường hợp bệnh nhân loại trừ được những yếu tố nguy hiểm thì thường bệnh nhân sẽ được điều trị thử để vừa chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Cần lưu ý rằng, trào ngược dạ dày thực quản là thức ăn đi từ dạ dày lên thực quản. Vì thế, nếu không gây ra các biến chứng thì nội soi không thể chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản.
Như vậy có nghĩa là chỉ trong một số trường hợp bác sĩ mới chỉ định nội soi, chẳng hạn như những triệu chứng không điển hình để loại trừ hoặc chẩn đoán xác định những bệnh lý khác như tổn thương ở dạ dày tá tràng,...; Những triệu chứng báo động nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến biến chứng trào ngược dạ dày thực quản như sụt ký, thiếu máu (mệt, chóng mặt), nuốt nghẹn, ho kéo dài…
Hoặc trong một số trường hợp, trào ngược dạ dày thực quản điều trị khó, thất bại hoặc tái phát nhiều lần thì lúc này mới có chỉ định nội soi.
>>> Nội soi dạ dày có mấy cách, được thực hiện như thế nào?
7. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao lâu?
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Biểu hiện lâm sàng mỗi người một khác, có người triệu chứng thì rầm rộ nhưng lại không có tổn thương thực thể, có người không có triệu chứng lại có thực quản ngắn Barrett, hoặc hẹp.
Thông thường bệnh nhân hay có viêm trợt thực quản ở đoạn nối tâm vị - thực quản. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Như vậy, các biện pháp điều trị sẽ bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.
Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, nguyên tắc đầu tiên khi điều trị trào ngược dạ dày thực quản là loại bỏ các yếu tố thuận lợi cũng như nguy cơ gây ra bệnh như ăn quá cay, quá chua, rượu bia, thuốc lá, cà phê, dùng chất kích thích…. Bởi khi không có nguyên nhân thì trào ngược dạ dày thực quản có thể tự hồi phục hoặc điều trị dễ dàng hơn.
Đồng thời, cần kiểm soát lối sống tốt hơn, nên giảm dần và ăn có kiểm soát, không nên ăn quá no, nhịn đói quá lâu, hoặc ăn khuya…. nên đi ngủ sau khi ăn được 3-4 tiếng. Ngoài ra, khi nằm ngủ chúng ta nâng đầu cao để hạn chế trào ngược xảy ra.
Sau khi đã thay đổi lối sống, hạn chế bớt yếu tố thuận lợi gây trào ngược thì vấn đề kế tiếp là sử dụng thuốc. Thuốc điều trị chính phải ức chế tiết axit của dạ dày như thuốc trung hòa axit, làm giảm giảm hoặc ức chế sự tiết axit. Ngày nay, loại thuốc được chọn lựa điều trị là thuốc ức chế bơm proton (PPI).
Thời gian sử dụng thuốc thường 4-8 tuần. Đôi khi điều trị 7-10 ngày khỏi, nhưng chuyện tái phát rất nhanh. Vậy nên cần lưu ý những thuốc như PPI nếu sử dụng mà ngưng đột ngột có thể gây tăng tiết axit bộc phát và khiến bệnh trở lại nhanh chóng.
Theo nghiên cứu, trong các loại PPI thì Rabeprazole là thuốc tương đối tiết axit khá nhanh và duy trì nồng độ pH kéo dài do đó triệu chứng bệnh nhân sẽ giảm nhanh và ít tái phát lại. Ngoài ra còn có các loại thuốc khác như Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Esomeprazole...
Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rằng trên thị trường có rất nhiều sản phẩm PPI, nhưng sự chọn lựa loại nào bác sĩ sẽ dựa vào hiệu quả ức chế axit của thuốc, thời gian ức chết axit của thuốc và tương tác của thuốc với thuốc khác. Vì có thể bệnh nhân sẽ kèm theo nhiều bệnh lý khác như huyết áp, đái tháo đường… Do đó, nếu sử dụng mà thuốc tương tác với nhau sẽ gây tăng độc tính hoặc mất tác dụng.
Những trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, có thể xét điều trị phẫu thuật, làm một cái van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp. Hiện nhiều nhà phẫu thuật ưa dùng phương pháp “Nissen mềm” qua soi ổ bụng. Kết quả cũng tương tự như phẫu thuật mở, đạt hiệu quả chống trào ngược 80 - 90%. Song phẫu thuật cũng có nguy cơ tử vong và cũng có tới 30% số người sau mổ có triệu chứng nặng nề như chướng hơi, nuốt khó, không ợ được.
>>> Phẫu thuật Nissen có hết bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
8. Cần lưu ý gì để trào ngược dạ dày không tái phát?
- Trong quá trình điều trị bệnh nhân cần tuân thủ thời gian và liều lượng uống từ chỉ định của bác sĩ. Việc tuân thủ sẽ góp phần làm cho thành công điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
- Khi sử dụng PPI cần có axit dạ dày, vì vậy chúng ta nên uống 30 phút trước bữa ăn.
- Tránh một số yếu tố nguy cơ, thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Rượu bia, thuốc an thần, cà phê, sôcôla, bữa ăn nhiều chất béo.
- Bệnh nhân cần thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); tránh tư thế cúi lâu, tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn và trong khoảng 3 giờ;
- Giảm chênh lệch áp lực bụng - thực quản bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no, không mặc quần áo chật.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì và duy trì cân nặng hợp lý.
- Ngưng các thuốc kích thích dạ dày.
- Không thức khuya, làm việc khuya.
- Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng viêm thực quản, thực quản Barrett thì cần điều trị tích cực, theo dõi sát theo chỉ định của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
- Nên tăng cường tập thể dục thể thao.
Thay đổi lối sống giảm triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản
9. Thực phẩm nên và không nên ăn khi bị trào ngược dạ dày thực quản?
Những thực phẩm không nên ăn khi bị trào ngược
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ. Những thức ăn này làm sức co của cơ vòng dưới thực quản giảm, làm cho thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày, do đó làm trào ngược dễ xuất hiện.
- Trái cây tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng có một số trái cây làm cho trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm: cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me... các loại trái cây này có thành phần acid nhiều. Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế ăn, đặc biệt là trái cây chua.
- Chocolate: có chứa chất là methyxanthine chất này làm giảm co thắt cơ vòng dưới thực quản, do đó trào ngược dịch dạ dày vào thực quản.
- Tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà... gây kích thích dạ dày làm tăng khả năng trào ngược.
- Rượu bia, nước ngọt: Đồ uống chứa cồn và ga như vậy không chỉ làm giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày mà còn gây tăng tiết acid HCL, pepsin, khiến cho tình trạng trào ngược thêm trầm trọng.
- Muối và đường: Muối và đường làm tăng sự sản xuất dịch dạ dày, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh mà khi bị trào ngược dạ dày không nên ăn. Bởi vậy khi nấu ăn, bạn nên tiết chế khi sử dụng 2 loại gia vị này. Bên cạnh đó, hãy hạn chế tiêu thụ các thực phẩm quá ngọt như trà sữa, bánh kẹo…
Những thực phẩm có thể làm bớt triệu chứng trào ngược:
Bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, chất béo lành mạnh có trong các loại hạt... (Ảnh minh họa)
- Các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Thực phẩm giàu chất xơ có thể kể đến như đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso...
- Rau xanh: Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh vì chúng chứa rất nhiều vitamin và chất xơ rất tốt cho dạ dày, đồng thời hỗ trợ giảm axit cực tốt. Khẩu phần rau xanh nên chiếm khoảng 50% bữa ăn hàng ngày. Một số loại rau xanh mà bạn có thể tham khảo bao gồm dưa chuột, súp lơ, bắp cải, rau bí…
- Các loại đậu đỗ: Ngoài rau xanh thì đậu đỗ là một trong những lựa chọn tốt nhất mà người bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn. Một số loại phổ biến như đậu đen, đậu xanh, đậu tương… chứa rất nhiều amino acid và chất xơ, giúp trung hòa dịch vị trong dạ dày. Trước khi chế biến, bạn nên ngâm hạt đậu qua đêm để làm mềm nguyên liệu.
- Thịt nạc: Lựa chọn các loại thịt nạc màu nhạt, ít béo như thịt vịt, thịt gà, thịt lợn… là cách bổ sung nguồn đạm cần thiết và an toàn cho cơ thể. Lưu ý lựa chọn phần thịt nạc, loại bỏ mỡ và da để tránh tăng áp lực cho dạ dày.
- Trái cây: Trái cây tươi cung cấp nguồn chất xơ, vitamin C và đường lành mạnh, từ đó giúp trung hòa acid dư thừa trong dạ dày, cải thiện tình trạng ợ nóng, ợ chua của người bệnh. Hầu hết các loại hoa quả tươi đều tốt cho dạ dày, ngoại trừ đu đủ xanh, chanh, quất…
- Chất béo lành mạnh: Nguồn chất béo lành mạnh có nhiều trong các loại hạt như hạt lanh, quả óc chó, bơ… Để giảm lượng chất béo chuyển hóa và bão hòa, bệnh nhân có thể thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật trong việc chế biến các món ăn hàng ngày.
- Một số thực phẩm khác: Lòng trắng trứng, bột yến mạch, bánh mì, sữa… là những thực phẩm rất tốt mà người bệnh nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
10. Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
- Duy trì cân nặng hợp lý. Béo phì gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày cao lên và là nguyên nhân khiến axit trào ngược lên thực quản.
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản.
- Nâng cao đầu giường. Nếu người bệnh thường xuyên bị ợ nóng trong khi cố gắng ngủ, hãy đặt các khối gỗ hoặc xi măng dưới chân giường để phần đầu được nâng lên từ 15cm đến 23cm. Nếu không thể nâng giường lên, người bệnh có thể đặt thêm gối để nâng cơ thể của bạn từ thắt lưng trở lên.
- Không nằm xuống ngay sau ăn. Đợi ít nhất ba giờ sau khi ăn trước khi nằm hoặc đi ngủ.
- Ăn thức ăn từ từ và nhai kỹ. Đặt nĩa/đũa/muỗng xuống sau mỗi lần gắp và nhai thức ăn, sau khi nhai hết miếng đó thì mới tiếp tục gắp thêm thức ăn.
- Tránh thực phẩm và đồ uống gây ra trào ngược. Các tác nhân phổ biến bao gồm thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và caffeine.
- Tránh quần áo bó sát. Quần áo quá chật gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản.
>>> Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em: Khi nào là sinh lý, khi nào là bệnh lý?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình