Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng khi nào là dấu hiệu nguy hiểm, không nên tự chữa ở nhà?

Đau bụng là triệu chứng thường gặp, một số trường hợp có thể tự chữa ở nhà nhưng có nhiều tình huống đau bụng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm, thậm chí một số bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao. Đó là những bệnh tiêu hóa nào?

Do đau bụng là triệu chứng thường gặp nên nhiều người thường quyết định là tự chữa ở nhà xem có đỡ không, đỡ rồi thì khỏi đi bệnh viện. Nhất là trong đại dịch COVID-19 hay tết nhất tâm lý “ngại đến bệnh viện” có vẻ ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều tình huống đau bụng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm, thậm chí một số bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao.

  • Vậy làm sao nhận ra dấu hiệu quan trọng trong bệnh lý tiêu hóa cần đi khám?
  • Các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tiêu hóa hiện nay có gì mới?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Gia An 115, ThS.BS Nguyễn Thế Toàn - Phó Trưởng khoa Ngoại và BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Bác sĩ Khoa khám bệnh giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bệnh lý nội tiêu hóa và điều trị bằng kỹ thuật cao”.

1. Vì sao nguyên nhân gây đau bụng rất phong phú?

Đau bụng là triệu chứng mà ai cũng gặp không chỉ một mà nhiều lần trong đời. Xin hỏi BS, vì sao nguyên nhân gây đau bụng rất phong phú?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Trong dân gian có câu nói “lục phủ ngũ tạng”, hầu hết các tạng phủ của cơ thể nằm ở phần bụng. Như vậy, lục phủ ngũ tạng cộng lại cũng đã 11 cơ quan. Theo quan điểm của Tây y và giải phẫu học, trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, từ mạch máu, ống tiêu hóa, hệ thống gan mật tụy tiết các men tiêu hóa và cuối cùng là hệ thống bài xuất nước tiểu, phần cuối của tiêu hóa mà không tiêu hóa hết được. Vì có rất nhiều các cơ quan và hệ thống như thế nên nó có thể gây ra nhiều bệnh với các triệu chứng khác nhau.

2. Trường hợp đau bụng tự chữa khỏi ở nhà thường do nguyên nhân gì?

Các biện pháp chữa đau bụng tại nhà được mọi người áp dụng đó là: uống nước gừng, ăn lá mơ, ăn sữa chua, uống Phosphalugel… Một số trường hợp cũng có hiệu quả. Xin hỏi BS: các trường hợp tự chữa ở nhà hết đau bụng thường là đau bụng do nguyên nhân gì?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Đau bụng là một trong những triệu chứng của rất nhiều bệnh lý liên quan đến các cơ quan, đa phần ở vùng bụng. Trong đó có những nguyên nhân “nhẹ” gây đau bụng, ví dụ như do sử dụng đồ ăn nhiễm khuẩn, thực phẩm cũ, hoặc sau một bữa tiệc, ăn hàng quán bên ngoài. Những trường hợp này, bên cạnh đau bụng còn kèm theo triệu chứng tiêu chảy, nhưng thường sau một vài lần đi ngoài sẽ khỏi. Những đau bụng được xem là thông thường này có thể sử dụng các phương pháp dân gian đã nêu ra ở câu hỏi, ví dụ như dùng nước gừng, trà gừng hoặc lá mơ…

Còn đối với Phosphalugel, đây là loại thuốc không cần kê toa và đã quen thuộc với nhiều người bị bệnh dạ dày, có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày, nó sẽ tráng một lớp lên niêm mạc dạ dày làm giảm bớt cơn đau. Đó là đối với những cơn đau thông thường, chúng ta có thể chấp nhận được.

alobacsi BS.CK1 Đoàn Thị LiễuBS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Bác sĩ Khoa khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Ông cha ta đã đúc kết “họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng vào”, những thứ chúng ta ăn uống có thể gây bệnh cho chính chúng ta. Đó là quan niệm thứ nhất.

Thứ hai là “bách bệnh giai sinh vu khí”, tức là đau bụng thoáng qua trong ngày có thể tự hết, cảm mạo, thương hàn, đi cầu lỏng, quan điểm đông y cho rằng nguyên nhân là do khí không thông không thuận, vì thế nếu làm ấm cơ thể, đi ngoài được hết, áp dụng những bài thuốc dân gian làm ổn định lại hệ thống khí của cơ thể thì sẽ hết bệnh.

Nhưng theo tôi, quan niệm này vừa đúng vừa sai. Khoảng 50% trường hợp có thể tự hết là do không thuận hòa của các thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc thức ăn lạ gây ra triệu chứng đau bụng thông thường, đi ngoài xong rồi hết hoặc sinh hơi một khoảng thời gian và cơ thể sẽ tự sắp xếp được. Còn hơn 50% thực sự đó là bệnh và để biết chính xác nó như thế nào thì cần phải đến gặp bác sĩ.

Với việc tra cứu thông tin trên internet thuận lợi như hiện nay, nhiều người hay bị đau bụng, đi cầu đã tự chẩn đoán mình bị “hội chứng ruột kích thích” và cũng tự tra cứu thuốc uống luôn. Theo BS cho biết điều này nguy hại như thế nào?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Như BS Toàn đã chia sẻ, việc tự chẩn đoán cũng như “tự tra cứu thuốc uống” như câu hỏi đặt ra thì rất nguy hiểm. Nếu chúng ta bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, đi ngoài phân lỏng một vài lần, thải hết độc tố ra thì bệnh tự ổn định. Hoặc cơn đau nhẹ của viêm dạ dày thì uống Phosphalugel có thể tự hết.

Nhưng có những triệu chứng là cảnh báo khởi đầu của một bệnh cấp tính ngoại khoa. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là khi chúng ta đau bụng hãy đến với thầy thuốc để được chăm sóc, điều trị trọn vẹn nhất.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Đối với hội chứng ruột kích thích tôi cũng mong các bạn hiểu rõ. Hội chứng không phải là bệnh. Bệnh thì có thể có một triệu chứng, hội chứng hoặc là nhiều hội chứng nữa. Thành ra nếu uống thuốc để điều trị hội chứng thì chưa đúng, mà để tìm ra bệnh thì cần phải đi đến bác sĩ.

3. Đau bụng có thể cảnh báo sớm những bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm nào?

BS có thể kể những trường hợp nào đến khám với triệu chứng đau bụng tưởng như thông thường nhưng khi khám mới phát hiện ra bệnh lý nguy hiểm?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Đau là một phản ứng cơ thể từ thời thủy tổ loài người rồi. Đau là dấu hiệu cảnh báo cơ thể không được khỏe và vấn đề không khỏe ở đâu thì cần phải tìm hiểu kỹ, nhất là ổ bụng có nhiều cơ quan từ mạch máu, ống tiêu hóa, hệ thống gan mật, hệ thống ngoại tiết, bài tiết đều có thể bị bệnh.

Ví dụ ở bụng có động mạch chủ bụng là mạch máu lớn nhất ở cơ thể, từ đó phân nhánh nuôi các cơ quan khác trong ổ bụng, xuống tay chân, lên đầu, tim, phổi…, bạn có thể bị tắc mạch máu nuôi ruột - đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

Hay với viêm ruột thừa, biểu hiện ban đầu cũng là đau bụng mơ hồ. Viêm dạ dày cũng vậy, nhưng với căn bệnh này cần phải xem xét liệu có loét hay chưa, nếu loét thì có bị thủng không, vì nếu thủng thì dịch tiêu hóa sẽ tràn vào khoang bụng rồi tắc ruột do thắt.

Một căn bệnh khác cũng nguy hiểm không kém, đó là viêm tụy cấp, nguyên nhân có thể do biến chứng của sỏi mật.

Như vậy, các bạn cũng thấy rằng tất cả đều biểu hiện bằng cơn đau nên rất phức tạp. Vì thế, nếu chúng ta không biết rõ mình bị bệnh gì thì hãy đi khám bác sĩ, đưa ra giải pháp để chẩn đoán, xử trí phù hợp, kịp thời.

4. Những trường hợp đau bụng do bệnh lý nguy hiểm nhưng đến bệnh viện muộn?

Hẳn là có một số trường hợp bệnh nhân đau bụng đến với Bệnh viện Gia An 115 mà BS cảm thấy đáng tiếc, giá mà họ đến Bệnh viện sớm hơn thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn nhiều?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Thực tế là rất đa dạng và phức tạp. Với một cơn đau bụng kéo dài trên 2 giờ hoặc đau bụng kèm những triệu chứng như đi cầu ra máu, nôn ra máu, vã mồ hôi lạnh không rõ nguyên nhân, đau quặn thắt đến mức muốn ngất xỉu thì đừng nghĩ đơn giản.

Tại Bệnh viện Gia An 115 tôi đã từng gặp bệnh nhân đến bệnh viện với thủng ổ loét dạ dày tá tràng sau hậu cung mạc nối để muộn, khi nhập viện bệnh nhân vừa lớn tuổi cùng với suy các cơ quan dẫn đến nhiễm trùng huyết, đây là trường hợp rất đáng tiếc.

Một trường hợp khác do biến chứng sỏi mật gây nhiễm trùng đường mật, có nhiễm trùng huyết và suy đa tạng, lúc đó bệnh nhân đã suy chức năng gan, rối loạn đông máu, mọi can thiệp ngoại khoa và nội khoa hồi sức không có nhiều kết quả.

Một trường hợp tắc động mạch mạc treo may mắn không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên vẫn phải cắt bỏ phần ruột bị tắc mạch máu nuôi quá thời gian. Đây là trường hợp bệnh nhân ngại đến bệnh viện do lo ngại dịch COVID-19 nên trễ 2 ngày, phần ruột hoại tử phải cắt bỏ. Còn rất nhiều trường hợp khác nữa, vì thế tôi mong người bệnh khi có triệu chứng bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.

alobacsi ThS.BS Nguyễn Thế ToànThS.BS Nguyễn Thế Toàn - Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115

5. Người bệnh đến khám thường có các triệu chứng và vị trí đau bụng như thế nào?

Được biết BS là chuyên nghiên cứu và khám về Nội tiêu hóa. Vậy thường người bệnh đến khám bệnh có các triệu chứng và vị trí đau bụng, hay khó chịu như thế nào?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Mỗi vị trí trong vùng bụng sẽ tương ứng với một cơ quan. Chẳng hạn như một người bị đau dưới mũi xương ức (vùng thượng vị) thì đa phần là do dạ dày hoặc một phần túi mật hoặc của hành tá tràng (đoạn đầu của ruột non).

Nếu đau lệch qua màn sườn bên phải thì đó là vị trí gan; còn thấp hơn một chút bên phải đó là vị trí của ruột thừa; còn đau dưới mạn sườn bên trái thường nghĩ đến tụy; thấp hơn nữa đau hướng lan ra sau lưng, hai bên hố thắt lưng thì đó có thể là cơn đau do sỏi mật.

Nếu đau ở đường giữa thấp xuống phía dưới nhưng cao hơn xương mu, người ta gọi đó là vùng hạ vị, thường có thể là viêm nhiễm trùng tiểu; đối với phụ nữ nếu đau vùng thấp ở 2 bên hố chậu đó là vị trí của buồng trứng, tử cung.

Mặc dù mỗi vị trí đau trên vùng bụng là cảnh báo cho một cơ quan tương ứng bị mắc bệnh, nhưng việc chẩn đoán hoàn toàn không đơn giản. Những thông tin BS cung cấp chỉ là định hướng, còn khi vào bệnh viện với triệu chứng đau bụng bao giờ bác sĩ cũng phải thăm khám rất kỹ lưỡng, từ hỏi bệnh, nhìn, sờ, gõ, nghe, thậm chí nếu chưa ra bệnh thì phải dùng đến phương tiện cao cấp hơn, chẳng hạn như siêu âm, xét nghiệm nước tiểu…, với những trường hợp khó khăn hơn thì phải chụp CT cắt lớp vùng bụng…

Tóm lại, đau bụng chỉ là một triệu chứng nhỏ, trong đó có thể còn kèm theo rất nhiều biểu hiện khác, chỉ khi bác sĩ thăm khám kỹ càng, làm các cận lâm sàng cần thiết mới chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đi khám bác sĩ, đó là điều cần làm tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Vùng bụng phức tạp vô cùng. Ví dụ để phân khu vùng bụng, đau ở vùng nào, có thể tương ứng với cơ quan nào đang không khỏe thì trong Tây y chia đến 9 vùng bụng. Quanh vùng rốn (trên rốn, dưới xương ức) người ta gọi là thượng vị, xung quanh rốn là trung vị, phía dưới rốn gần chỗ bài xuất gọi là hạ vị. Sau nhiều năm tôi hoạt động ngoại khoa, mổ xẻ thì tôi còn thấy một vùng nữa, nó nằm dưới vùng hạ vị, tôi gọi nó là vùng thú vị.

Mặc dù phức tạp như vậy, nhưng các bạn yên tâm, ngoài siêu âm, CT-Scan, các xét nghiệm máu, nước tiểu và thăm khám với bác sĩ chuyên môn tốt hiện nay còn có phương tiện nội soi ổ bụng chẩn đoán sẽ giúp tìm ra đúng căn bệnh và điều trị tốt hơn.

6. Hiện tượng đi cầu ra máu, đi cầu phân đen là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Có người bị đi cầu ra máu sau một bữa nhậu rồi hết nên họ không đi khám. Nhân dịp này, BS có thể cho biết đi cầu ra máu, đi cầu phân đen là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì, và những bệnh đó điều trị có khó khăn không ạ?

ThS.BS Nguyễn Thế Toàn:

Đi cầu ra máu là triệu chứng báo động, chứ không phải là dấu hiệu bình thường. Lúc này, bác sĩ đều sẽ yêu cầu xác định đây là máu của người bệnh hay là máu của động vật khác do ăn vào. Bởi vì có nhiều người ăn huyết, tiết canh, hoặc trong bữa ăn uống nào đó có máu động vật thì sau đó đi cầu ra máu thì không phân biệt được máu của chính mình hay do việc ăn uống.

Máu tươi xuất phát từ ống tiêu hóa dưới, còn máu đã đi qua ống tiêu hóa một đoạn dài thì có thể sẽ có màu đen. Tuy nhiên, nếu máu chảy lượng nhiều không kịp biến tính (xuất huyết tiêu hóa trên) thì vẫn có thể đi cầu ra máu đỏ tươi.

Do đó, đi cầu ra máu dù đen hay đỏ thì đó cũng là triệu chứng báo động của cơ thể và chúng ta cần phải đi khám.

Mời quý bạn đọc xem tiếp phần 2: Bệnh lý nội tiêu hóa nào phải điều trị bằng kỹ thuật cao?


Ánh Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X