Hotline 24/7
08983-08983

Tổng đài 1022 nhánh sản - nhi: Giúp thai phụ đi đẻ kịp thời, cứu em bé đau bụng sau 3 ngày táo bón

Thai phụ đau đẻ mà anh chồng còn lưỡng lự ngại chốt chặn, em bé 3 tuổi đau bụng vì nhiều ngày liền không đi tiêu được, xoa dịu nỗi lo của người dân khi y tế phường quá tải chưa đến kịp… là những câu chuyện không quên của những bác sĩ trực tổng đài 1022, nhánh Sản phụ khoa và Nhi khoa.

Mùa hè 2021, người Sài Gòn không thể quên tình cảnh: sáng mở mắt thấy rào chắn trước nhà, đặt mua thực phẩm rồi nhấp nhổm đợi giao hàng, việc khám chữa bệnh cũng gian nankhông kém.

Trái ngược với khung cảnh vắng lặng của đường phố Sài Gòn, các tổng đài tư vấn sức khỏe, hỗ trợ an sinh xã hội luôn nóng máy.  Không chỉ túc trực bên giường bệnh, một nhóm bác sĩ của Hội Y học TPHCM xung phong tham gia trực tổng đài 1022.

Alobacsi tổng đài 1022Tháng 7/2021, khi số ca nhiễm tăng cao, để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người dân TPHCM nói riêng và cho cả nước nói chung, tổng đài 1022 đã được thành lập - ảnh: AloBacsi tổng hợp

Khi có chỉ thị người dân không ra đường sau 18 giờ là tổng đài bước vào căng thẳng, bởi người bệnh không đến được với phòng mạch bác sĩ mà trước nay họ đang theo khám. PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM - trưởng nhóm 24 bác sĩ tư vấn nhánh Sản phụ khoa cho biết câu hỏi đổ về là các tình huống: thai nghén ói mửa, có thai đau bụng, hay chị em gặp các vấn đề ngứa ngáy khó chịu, khí hư hôi mà chưa đi khám hoặc không tái khám được. Vài tuần sau đó là câu hỏi thai phụ chích ngừa COVID-19, hay thai phụ trở thành F0.

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tại nhà với trường hợp đã đi khám bệnh rồi, riêng các triệu chứng mới xuất hiện đa phần là phải đến bệnh viện khám chứ qua điện thoại bác sĩ chỉ có nghe mà thiếu nhìn - sờ - gõ, không thể chẩn đoán và kê toa.

Nguyên là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung thuộc nằm lòng đường đi nước bước ở bệnh viện, bà hướng dẫn rành rọt nên đi vào cổng nào để tránh gặp bệnh nhân COVID-19, nhất là với bà bầu chuyển dạ, làm sao để vào phòng sinh nhanh nhất.

Đó là trường hợp một thai phụ, qua điện thoại PGS Nhung đoán mười mươi là sắp sinh tới nơi, nhưng anh chồng vẫn còn lưỡng lự vì e ngại chốt chặn không cho qua. “Tôi bảo rằng: anh đem theo toàn bộ giấy khám thai để chứng minh vợ anh đang cần đến bệnh viện để sanh, mà thật ra chiếc bụng to của chị đã là “giấy thông hành” rõ ràng nhất rồi!” - PGS Nhung kể. Nghe vậy, anh chồng mừng rỡ làm ngay theo hướng dẫn. Dầu dây bên kia cúp máy, đầu dây bên này vị nữ bác sĩ sản khoa ngoài 70 tuổi cũng cầu mong cho họ mẹ tròn con vuông, đến viện kịp thời.

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM - trưởng nhóm 24 bác sĩ tư vấn nhánh Sản phụ khoa, tổng đài 1022

Cũng nhiều khi, công tác tư vấn chỉ có thể san sẻ nỗi lo chứ không thể đưa ra giải pháp theo mong muốn của người gọi đến. Như trường hợp một bà bầu ở TPHCM muốn về Quy Nhơn sinh con, bác sĩ tư vấn cũng không có cách nào, vì khi ấy đang là lúc ai ở đâu ở yên đó, phương tiện giao thông liên tỉnh ngừng hoạt động, mà có về được chăng nữa, chưa chắc ở tỉnh sẵn sàng tiếp nhận hoặc phải đi cách ly theo quy định. Thế nên, PGS Nhung giải thích cho chị hiểu và hướng dẫn các việc cần chuẩn bị để chị thuận lợi sinh bé tại Sài Gòn.

Với trường hợp thai phụ được test nhanh dương tính COVID-19 thì bác sĩ đề nghị cần test PCR để biết chính xác, sau đó mới có hướng điều trị thế nào, vì test nhanh chỉ là bước sàng lọc, cũng có trường hợp test nhanh dương tính nhưng PCR âm tính, người bệnh cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Những câu chuyện tương tự, 24 bác sĩ tư vấn chuyên khoa Phụ sản cũng thường gặp, họ trao đổi kinh nghiệm cho nhau hàng ngày qua group zalo để công tác tư vấn đem lại hiệu quả cho người bệnh.

Đôi khi người gọi đến không chỉ hỏi về sản phụ khoa mà nhân tiện hỏi luôn cho trẻ nhỏ, bác sĩ cũng giải đáp nếu vấn đề đó mình có kinh nghiệm, còn câu hỏi chuyên sâu thì hướng dẫn họ gọi sang nhánh Nhi khoa.

Trưởng nhóm Nhi khoa - PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM nhận định: do đặc điểm bệnh lý trẻ em tương đối đơn giản, hơn 80% các trường hợp chỉ cần khai thác thông tin qua điện thoại là có thể tìm ra vấn đề và tư vấn thích hợp cho phụ huynh. Tuy nhiên có những trường hợp phức tạp hơn thì cần phải thăm khám hoặc có sự hỗ trợ của video call qua điện thoại thông minh để có thể quan sát trực tiếp, từ đó mới có thể chẩn đoán và ra hướng dẫn phù hợp.

Có 2 câu chuyện mà PGS.TS.BS Phạm Văn Quang rất ấn tượng khi tư vấn qua tổng đài 1022 nhánh Nhi khoa, đó là một bà mẹ có con 2 tuổi bị bệnh COVID-19, rất hốt hoảng vì sợ rằng bé sẽ nặng và tử vong. “Tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để trấn an bà mẹ và giải thích rằng hiện tại bé bị COVID-19 nhưng chưa có triệu chứng nặng, có thể theo dõi tại nhà và điều trị hỗ trợ, liên lạc hàng ngày với tôi để theo dõi cho bé. Rất may bé diễn biến thuận lợi và tự khỏi sau 7 ngày”.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đảm nhận vị trí trưởng nhóm Nhi khoa - tổng đài 1022

Trường hợp còn lại là bé 3 tuổi bị đau bụng dữ dội làm cha mẹ rất lo lắng nhưng không dám tới bệnh viện vì sợ COVID-19. Họ gọi ngay tổng đài 1022 nhánh Nhi khoa để tư vấn trong sự hoang mang. “Qua khai thác thông tin cho thấy bé không đi tiêu 3 ngày liền nên tôi nghĩ ngay bé bị đau bụng do táo bón, hướng dẫn người nhà mua thuốc bơm hậu môn cho bé. Sau đó, bé đi tiêu được và hết đau bụng trong sự vui mừng của cha mẹ”.

Bên cạnh những câu hỏi về chuyên môn, thỉnh thoảng các bác sĩ cũng gặp những câu hỏi khó trả lời về vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính… hoặc đôi khi là những tình huống mà chỉ có lực lượng chức năng tại địa phương mới giải quyết được, như phản ánh có nhóm người tụ tập mà không đeo khẩu trang, F0 không ở yên trong nhà mà đi lơn tơn ngoài đường…

Giai đoạn y tế phường quá tải, người dân gọi không đến, họ gọi đến tổng đài 1022 kêu ca, trách móc thì các bác sĩ cũng “bó tay”. Người trực tìm cách trấn an, giúp họ vơi đi cơn bức xúc, rồi hướng dẫn họ cách tự xoay xở, cách dùng thuốc điều trị triệu chứng, dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện... Sau này, khi các bệnh viện dã chiến nhiều hơn, các tổ phản ứng nhanh được thành lập, việc tư vấn cho F0 cũng nhẹ nhàng hơn.

Nhìn lại việc trực tổng đài 1022, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang chia sẻ: “Được đóng góp công sức để giúp đỡ người dân trong đại dịch COVID-19 là niềm vinh dự của đội ngũ thầy thuốc chúng tôi”. PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung cũng cùng ý kiến, mong hoạt động của tổng đài 1022 tư vấn sức khỏe vẫn được duy trì để người bệnh được hỗ trợ về y khoa khi cần.

Quãng thời gian “cháy máy” vào tháng 8, tháng 9 dần qua, từ đầu tháng 10, các bệnh viện mở cửa bình thường trở lại, công việc trực tổng đài cũng “dễ thở” hơn, nhưng các câu chuyện tư vấn trong những ngày Sài Gòn ốm nặng thì đội ngũ bác sĩ trực tổng đài không thể nào quên.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X