Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh: Trẻ bị táo bón, chậm đi cầu, phải làm sao?

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn cách phân biệt tình trạng táo bón của trẻ là sinh lý hay bệnh lý, có nên dùng thuốc bơm hậu môn hay không, dùng thuốc làm mềm phân như thế nào…?

Phụ huynh thấy con mình chậm đi cầu thì rất lo, nhưng em bé dưới 6 tháng thì đa số là chậm đi cầu sinh lý. Những bé bú mẹ hoàn toàn có khi 5-6 ngày, thậm chí có trường hợp trên 10 ngày mới đi cầu. Nếu thấy em bé vẫn bú, vẫn chơi bình thường thì không cần lo lắng lắm đâu. Và nếu là bé đi cầu ra phân mềm thì việc chậm đi cầu này hoàn toàn là sinh lý bình thường.

Trường hợp này mẹ chỉ cần xoa bụng theo chiều kim đồng hồ (từ trái qua phải của em bé), và cho bé làm động tác đạp xe đạp thì sẽ giúp bé dễ đi cầu hơn. Và nếu phụ huynh thấy bé tự nhiên vặn vặn mình cũng không phải do bé không đi cầu được đâu.

Nếu bé bú sữa công thức, việc chậm đi cầu có thể do mẹ pha sữa đặc quá. Khi pha sữa mẹ đừng ép sữa trong muỗng đong, mà phải xới cho sữa tơi xốp, múc đầy muỗng rồi gạt ngang là được.

Với em bé bắt đầu ăn dặm mà đi cầu chậm lại thì coi chừng mình cho ăn dặm sai, cho ăn đặc quá, lúc này chỉ cần làm loãng bột, từ từ bé sẽ quen.

Bé đang ăn bột chuyển qua ăn cháo, nếu cháo nấu nhiều đạm quá cũng có thể làm em bé chậm đi cầu.

Với những bé dưới 6 tháng thì phụ huynh để ý các vấn đề kể trên.

Những bé lớn lên mà chậm đi cầu thì có thể là táo bón, chú ý trường hợp này bé đi phân cứng như phân dê, hoặc phân đầu bãi to và cứng, sau đó mềm một chút thì cũng là biểu hiện bé bị bón.

Nếu để cho em bé bón có thể dẫn đến tình trạng nứt hậu môn, chảy máu. Một số bé bón lâu ngày quá rất sợ đi cầu, mỗi lần đi cầu là nhíu hậu môn lại, càng không dám đi cầu thì càng bón. Trường hợp này phụ huynh lại dùng thuốc bơm hậu môn cho bé đi cầu, mỗi lần như vậy bé rất đau, lại càng sợ đi cầu, tạo thành cái vòng luẩn quẩn.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho rằng không nên dùng thuốc bơm hậu môn khiến cho bé khó chịu, mà nên kiên trì dùng thuốc làm mềm phân - Ảnh: AloBacsi

Chính vì phân cứng làm đau nên bé sợ đi cầu, nên phải cho uống thuốc làm mềm phân. Thuốc làm mềm phân có 2 loại chính là Duphalac và Sorbitol, thỉnh thoảng có thêm loại khác. Sorbitol có thể cho bé uống khi đi cầu chậm một chút, còn những bé bón kinh niên, phân như phân dê thì uống Duphalac.

Thuốc làm mềm phân phải uống lâu dài, phải uống cho đều, không phải 1-2 ngày thấy đỡ là ngưng, thuốc chỉ tác dụng tại ruột thôi, không ngấm vô người nên không có hại gì.

Nếu uống 1 ngày nửa gói mà bé vẫn không đi cầu thì có thể tăng thêm 1 ngày 2 lần, mỗi lần nửa gói. Khi bé đi cầu rồi, hoặc đi phân lỏng thì cũng đừng bỏ ngang, phải giảm liều từ từ. Đừng uống 2-3 bữa rồi ngưng, hay vừa thấy phân lỏng là ngưng thì thuốc sẽ không có hiệu quả.

Song song đó phải cho em bé uống nhiều nước và ăn sữa chua (với bé hơn 12 tháng), tập ăn trái cây, rau xanh cho đủ chất xơ.

Với trẻ bị táo bón kinh niên thì việc điều trị khá bền bỉ, đừng có bỏ ngang, nếu bỏ ngang em bé sẽ bị bón trở lại, đau và rách hậu môn, càng khó đi cầu thêm.

Nếu đã áp dụng hết những cách trên mà bé vẫn không bớt thì có thể đi khám chuyên về tiêu hóa nhi để bác sĩ tìm xem đằng sau táo bón có tình trạng gì khác hay không, đừng cố gắng bơm hậu môn làm gì, vì bơm khiến bé rất khó chịu.

Nếu em bé bị bệnh đại tràng dài cần phải mổ, đây là tình huống đặc biệt, bé sẽ bón kinh niên, bụng chướng lên ngay từ nhỏ.

[HOI]Tóm lại, chúng ta chú ý:

- Táo bón ở em bé có thể là chậm đi cầu sinh lý

- Nếu đúng là táo bón thì phải điều trị kiên trì, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, sữa chua

- Dùng thuốc phải uống đều, khi bớt thì giảm liều chứ đừng bỏ ngang, bởi vì bỏ ngang bé sẽ bị lại

- Nhiều em bé khi lớn sẽ tự điều chỉnh được.[/HOI]

Livestream của BS Trương Hữu Khanh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X