Hotline 24/7
08983-08983

Mùa hè đau thương trong đại dịch COVID-19

Không có vòng hoa, không kèn trống, những lễ tang giữa đại dịch COVID-19 tại TPHCM cứ diễn ra lặng lẽ. Những gia đình có người mất do COVID-19 không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mai táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về.

TPHCM giữa những ngày giữa tháng 11/2021, đường sá đã đông đúc trở lại nhưng khó mà tìm thấy những nụ cười sau những lớp khẩu trang. COVID-19 như một cơn bão đã quét qua thành phố năng động và hiện đại này suốt 5 tháng qua. Và cơn bão ấy vẫn đang ở lại nơi này, lẩn quẩn, đe dọa hàng triệu người dân.

Đợt dịch COVID-19 thứ tư ập vào Việt Nam có dấu mốc từ ngày 27/4/2021, khi cơ quan chức năng phát hiện một ca nhiễm tại Yên Bái là một nhân viên khách sạn. Ca mắc này đã nhiễm một biến thể từ Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh; mà sau này người ta gọi là biến thể Delta. Sau 3 đợt dịch, nhiều người có thể không nghĩ rằng đợt dịch thứ tư lại nguy hiểm đến thế.

Kỳ nghỉ lễ đông đúc khi ngày 1/5/2021, một lượng xe và người đã ùn ùn đổ về TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). CSGT Công an TP.Đà Lạt phải mướt mồ hôi điều tiết. Thời điểm đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn đề nghị người dân hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân khi chưa thật sự cần thiết trong những ngày lễ để ưu tiên không gian lưu thông cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cũng thời điểm đó, vào chiều 1/5/2021, một số lượng lớn người dân và du khách đổ xô tắm biển khiến các bãi biển tại TP.Đà Nẵng trở nên quá đông đúc trong giờ cao điểm. Cuộc sống bình thường mới cứ thế diễn ra dẫu còn nhiều bất ổn, bất ổn một cách bình thường. Thế nhưng, chứng kiến cảnh biển đông nghịt khiến nhiều người không khỏi lo lắng trước dịch bệnh COVID-19 đang chực chờ tái bùng phát.

Gần một tháng sau đó, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tràn đến TPHCM. Ngày 18/5/2021, nhiều người ở chung cư Sunview Town (nằm trên đường Gò Dưa, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TPHCM) đột ngột trở về nhà lúc giữa trưa. Dịch bệnh COVID-19 chưa bao giờ gần với người dân chung cư này đến vậy khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông báo thông tin về một người đàn ông 35 tuổi có kết quả dương tính COVID-19.

Ở thời điểm tháng 5/2021, một loạt chuỗi lây nhiễm mà đặc biệt là tại điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng đã khiến nhiều người vô cùng lo lắng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, kể từ ngày 31/5/2021, chính quyền TPHCM đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng chính phủ, không tụ tập trên 5 người trở lên ngoài công sở, bệnh viện, trường học. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (thuộc quận 12) thì phong tỏa toàn bộ trong vòng 15 ngày kể từ 31/5 đồng thời phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Kể từ thời điểm này, TPHCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội suốt nhiều tháng trời với nhiều lần thay đổi biện pháp. Từ Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM, Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM, và các biện pháp tăng cường mạnh mẽ được thực hiện đến ngày 30/9.

Cho đến trước khi Chỉ thị 18 của UBND TPHCM được ban hành thì các quy định về mức độ giãn cách xã hội trước đó mỗi lúc một gia tăng khiến cho cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn và bất tiện. Thật khó tin khi thành phố năng động và hiện đại nhất cả nước lại có những ngày vắng lặng như thời điểm ấy.

Đến nay, dù cuộc sống đang từng bước bắt nhịp trở lại sau nhiều tháng tất cả gồng mình chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 tàn khốc nhưng khó ai có thể nguôi ngoai trước mất mát, nỗi đau dịch bệnh để lại.

Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có 23.000 người qua đời vì COVID-19, riêng ở TPHCM đã hơn 17.200 người. Đây là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% số ca tử vong do COVID-19 trên cả nước. 86,5% ca tử vong trên 50 tuổi. Trong các trường hợp tử vong có khoảng 100 trẻ em và phụ nữ mang thai.

Những con số thật vô hồn, thế nhưng phía sau đó là hàng vạn gia đình mất đi người thân, hàng ngàn đứa trẻ phải mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả mẹ và cha. Mỗi sinh mạng mất đi để lại thêm những bi kịch và sự sợ hãi vì tính khốc liệt của dịch bệnh.

Đã là nỗi đau thì không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào, chỉ khác cách người ta đón nhận và bước qua. Mất mát đó, nỗi đau đó không còn của riêng ai, của riêng người nào mà là của cả dân tộc. Khoảng trống của hơn 23.000 đồng bào Việt Nam, không thể nói thành lời. Tối nay (19/11), khi tiếng chuông, tiếng còi tàu ngân lên, hàng ngàn ngọn nến thắp sáng hoa đăng… chúng ta dừng lại mọi công việc, cùng nhau cúi đầu tưởng nhớ người ra đi do COVID-19 để biết rằng chúng ta rất may mắn khi trái tim nóng vẫn đập nơi lồng ngực.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X