Hotline 24/7
08983-08983

Tình trạng nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ nghiêm trọng ra sao?

Nếu áp lực mỗi ngày một nhiều sẽ dẫn đến stress, tế bào thần kinh bị căng thẳng hoặc khi quá lo lắng chúng ta không đảm bảo được công việc. Trường hợp các vấn đề này lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến mất trí nhớ. Nội dung này là một trong những chia sẻ của TS.BS Mai Đức Thảo - Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Hữu Nghị trong bài viết dưới đây.

1. Có phải nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ liên quan đến trí nhớ ngắn hạn?

Có phải trí nhớ ngắn hạn sẽ liên quan đến những vấn đề như công việc, hoạt động hằng ngày? Tình trạng nhớ nhớ quên quên của người trẻ nằm trong phần trí nhớ ngắn hạn đúng không thưa BS?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Về cơ chế của trí nhớ, để nhớ một sự việc chúng ta phải tiếp xúc với sự việc đó, truyền tải thông tin đưa đến bộ não, phân tích và ghi nhớ trong não trở thành ký ức. Sau đó, chúng ta sẽ lấy thông tin từ trong não để xử lý và đáp ứng lại thông tin so với bên ngoài.

Trong trí nhớ gồm:

- Trí nhớ ngắn hạn: Là những trí nhớ trong vòng 1 - 2 phút chúng ta đã nhớ được.

- Trí nhớ dài hạn: Là trí nhớ chúng ta tiếp xúc thông tin và ghi nhớ trong não mà sau 1 năm, 2 năm hoặc rất lâu sau đó vẫn có thể lấy ra được.

Người trẻ thông thường bị rối loạn trí nhớ ngắn hạn. Nguyên nhân do rối loạn về chức năng, rối loạn về tổn thương các cơ quan dẫn truyền thần kinh, cũng như lưu giữ thông tin dẫn đến rối loạn trí nhớ.

2. Biểu hiện nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ là gì?

Một số bạn trẻ có tình trạng sáng đi làm quên chìa khóa, đi một đoạn không biết đã khóa cửa chưa hoặc quên tắt nước,… Thưa BS, trong quá trình thăm khám những dấu hiệu, biểu hiện nào thường gặp nhất ở người trẻ về tình trạng nhớ nhớ quên quên?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Đối với người trẻ về tình trạng nhớ nhớ quên quên có các biểu hiện như không nhớ đã khóa cửa chưa, không biết điện thoại để đâu hay bút cầm trên tay nhưng lại đi tìm,…

Thông thường các bệnh nhân đến khám rất lo lắng. Ngoài các dấu hiệu trên phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này như căng thẳng, mất ngủ, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt hoặc trong gia đình có mâu thuẫn,… Từ đó, chẩn đoán, theo dõi điều trị, cũng như định hướng để thực hiện các bước tiếp theo.

3. Những vấn nào gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ?

Về nhóm người trẻ, những người chịu nhiều áp lực công việc, căng thẳng sẽ dẫn đến vấn đề gì trên bộ não và gây ra suy giảm trí nhớ thưa BS?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Bộ não của người trẻ hoạt động rất tốt nhưng vì công việc, deadline phải hoàn thành,… nên đôi khi dẫn đến tình trạng nhớ nhớ quên quên. Trong cuộc sống, ai cũng phải trải qua những va vấp và dần dần rút ra kinh nghiệm để giải quyết áp lực. Ví dụ, khi nhận công việc chúng ta hãy xem công việc đó dài bao nhiêu, ở lĩnh vực nào và lên kế hoạch cụ thể, giải quyết từng phần một, thực hiện sớm không dồn đến cuối buổi để giảm deadline.

Trong quá trình làm việc, đã lên kế hoạch rõ ràng nhưng những điều không mong muốn do đối tác hay nguyên nhân khách quan nào đó xảy ra thì chúng ta không nên nghĩ quá nhiều mà hãy nhận lỗi về mình để không bị áp lực. Nếu áp lực mỗi ngày một nhiều sẽ dẫn đến stress, tế bào thần kinh bị căng thẳng hoặc khi quá lo lắng sẽ không đảm bảo được công việc. Khi các vấn đề này lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến mất trí nhớ.

4. Giấc ngủ ảnh hưởng đến suy giảm trí nhớ như thế nào?

Không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng than phiền về vấn đề thiếu ngủ hay rối loạn giấc ngủ. Thực tế, nhịp sinh học của người trẻ đang thay đổi, một số bạn thức khuya đến 12 giờ, 1 giờ đêm và ngày hôm sau 9, 10 giờ mới thức dậy. Giấc ngủ ảnh hưởng đến tế bào thần kinh, suy giảm trí nhớ như thế nào thưa BS?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Rối loạn giấc ngủ có thể là một triệu chứng gây ra rối loạn trí nhớ. Cơ thể chúng ta có nhịp sinh học, phải có giờ ăn, giờ nghỉ và cho tế bào nghỉ ngơi (trong đó có tế bào thần kinh). Giấc ngủ đối với người bình thường khoảng 7, 8 tiếng/ngày, tùy vào công việc có thể ngủ ban đêm nhiều hơn hoặc buổi trưa chợp mắt một chút, quan trọng là tế bào thần kinh phải được nghỉ ngơi và bản thân cảm thấy dễ chịu.

Khi chúng ta buồn ngủ là lúc tế bào bắt đầu báo hiệu cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên có một số trường hợp vì công việc bắt buộc chúng ta phải uống cà phê hay nước trà để tỉnh táo, chống lại vấn đề sinh lý. Nếu lặp đi lặp lại tế bào sẽ quen và đến giờ bắt buộc phải uống cà phê, uống trà. Thói quen đó làm giấc ngủ không đủ, dẫn dến tế bào thần kinh và các tế bào trong toàn cơ thể không được nghỉ ngơi, làm cho các thông tin và việc xử lý thông tin không đúng, không chuẩn, từ đó gây mất ngủ, rối loạn trí nhớ.

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, khi tế bào thần kinh căng thẳng sẽ sản xuất ra các chất trung gian, chất oxi hóa. Tế bào thần kinh rất nhạy cảm, mong manh dễ vỡ khi gặp sang chấn tinh thần, sang chấn tâm lý làm cho các chất trung gian tăng lên và bị nhiễm độc tế bào. Tình trạng này không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà thông qua các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, rối loạn trí nhớ, thậm chí rối loạn nhận thức tăng dần lên.

5. Nhớ nhớ, quên quên, trường hợp nào chỉ thoáng qua và trường hợp nào là bệnh lý?

Nhờ BS giải thích, trong trường hợp nào việc nhớ nhớ quên quên chỉ là một vấn đề thoáng qua và trong trường hợp nào là vấn đề của bệnh lý?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Khi các dấu hiệu mà trước đây không có nhưng bây giờ lại xuất hiện càng ngày càng nhiều và tăng nhanh như không khóa cửa, chưa tắt nước, quên rút điện bàn ủi,… hoặc các triệu chứng lặp đi lặp lại trên 2 tuần phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa để biết bệnh đang ở mức độ nào và cần kiểm tra những gì.

Rối loạn trí nhớ do rất nhiều nguyên nhân:

- Nguyên nhân có thể giải quyết: Do lối sống, căng thẳng gia đình hoặc do chế độ ăn uống, giấc ngủ,…

- Nguyên nhân không thể giải quyết: Do tuổi tác, ngoài 30 tuổi các tế bào thần kinh tự bị hỏng hoặc thiếu hụt dẫn đến không hoàn chỉnh, từ đó việc truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh không được trọn vẹn, gây ảnh hưởng trí nhớ. Bên cạnh đó, có thể do giới tính, ví dụ nữ bị stress nhiều hơn hoặc nam sử dụng rượu bia nhiều hơn,…

- Một số vấn đề phải thăm khám và điều trị để phân biệt với những bệnh gây rối loạn trí nhớ: Gồm các nguyên nhân gây tổn thương não như viêm não, u não, dị dạng mạch não,…

- Bệnh toàn thân như đái tháo đường (ở người trẻ rất nhiều), tăng huyết áp, mỡ máu, tăng axit uric, suy giáp, bệnh tuyến giáp cũng gây rối loạn trí nhớ.

6. Nhớ nhớ, quên quên ảnh hưởng đến thần kinh người trẻ ra sao?

BS thường ghi nhận được những vấn đề gì trên các bệnh nhân trẻ suy giảm trí nhớ? Vấn đề quên nhớ để lại những hệ lụy gì trên sức khỏe, đặc biệt là thần kinh của các bạn trẻ thưa BS?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời: Khi trí nhớ càng kém dần đi thì hệ thống thần kinh chức năng và thần kinh ghi nhớ sẽ kém, dẫn đến mất trí nhớ, không chỉ trí nhớ ngắn hạn mà ảnh hưởng cả trí nhớ dài hạn. Khi mất trí nhớ kèm theo các bệnh khác mà chúng ta không phát hiện như mất trí nhớ trong bệnh alzheimer, sa sút trí tuệ hoặc mất trí nhớ trong u não nếu không có cơ hội khám hay điều trị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và càng ngày càng nặng, trở về con số 0.

Rối loạn trí nhớ, quên quên nhớ nhớ có thể nhìn thấy được nhưng các nguyên nhân sâu xa bên trong nếu chúng ta không giải quyết sẽ liên quan đến nhận thức, tính cách, tâm thần kinh sau này, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc không cao. Nếu không chuẩn đoán, điều trị sẽ làm bệnh nhân dần đi vào bế tắc, đối với các bạn trẻ đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực, có các hành động không tốt gây ra rất nhiều phiền toái khác. Khi có các dấu hiệu phải đi kiểm ra và điều chỉnh để trở về cuộc sống hiện tại.

7. Có phải nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ là tạm thời và sẽ tự khỏi?

Người trẻ đôi khi dễ chủ quan, cho rằng do công việc căng thẳng nên bị quên hoặc khi người thân đề nghị đi khám thì dễ bỏ qua, nghĩ rằng tình trạng nhớ nhớ quên quên này là tạm thời và sẽ tự hết. Trên thực tế suy nghĩ như vậy có đúng không thưa BS?

TS.BS Mai Đức Thảo trả lời:

- Một số nguyên nhân có thể điều chỉnh được: Bản thân biết rằng hôm qua mất ngủ do uống cà phê hoặc do uống trà thì hôm nay không uống nữa, hay nam giới uống rượu nhiều thì phải giảm bớt,…

- Trường hợp không rõ nguyên nhân: Không uống rượu, không uống cà phê, ngủ nhiều nhưng vẫn quên quên nhớ nhớ thì phải cảnh giác xem có bệnh hoặc rối loạn nào khác hay không. Để biết được điều này, chúng ta cần lời khuyên, sự tham vấn, chỉ dẫn của bác sĩ. Có thể do não gặp vấn đề hoặc toàn thân rối loạn chuyển hóa hay nguyên nhân tuyến giáp, bệnh nội tiết,…

>>> Có nên sử dụng sản phẩm hỗ trợ khắc phục tình trạng sa sút trí tuệ?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X