Hotline 24/7
08983-08983

11 câu hỏi liên quan đến vấn đề stress ở người trẻ hiện nay

Khi ăn các thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất phụ gia độc hại kéo dài, liên tục sẽ gây ra rất nhiều gốc tự do nếu kết hợp với các yếu tố khác như lối sống, ăn ngủ không điều độ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của người trẻ. Đây là những chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thanh Bình - Khoa Thần kinh và Alzheimer - Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong bài viết này.

1. Stress có giúp kích thích tập trung, phán đoán tốt hơn?

Theo thống kê từ Bộ Y tế năm 2017 cho thấy, có khoảng 15% dân số Việt Nam mắc những rối loạn liên quan đến stress. Những vấn đề stress chúng ta đang đối diện nếu dưới góc nhìn lạc quan thì stress giúp kích thích tập trung tốt hơn, phán đoán tốt hơn có đúng không thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Stress là một phản ứng của cơ thể thông qua tinh thần và thể chất, chống lại các tác nhân căng thẳng từ bên ngoài. Đa phần các tác nhân gây stress sẽ gây hại đến cơ thể, cả về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên dưới góc nhìn lạc quan, đôi khi sẽ có lợi vì khi cơ thể trong tình trạng stress giúp khả năng tập trung cao hơn, tăng khả năng lao động và học tập. Ví dụ, đứng trước một kỳ thi quan trọng, một bài kiểm tra quan trọng hay nói trước đám đông sẽ tạo ra stress nhưng khi đó sẽ giúp cơ thể tăng khả năng tập trung, hoàn thiện bản thân để đạt được mục tiêu. Các stress này được gọi là stress tích cực.

2. Yếu tố bên trong cơ thể tác động đến nguy cơ bị stress ra sao?

Thưa BS, khi gặp phải stress những yếu tố nào từ bên trong sẽ tác động đến chúng ta và có thể làm cơ thể xảy ra các vấn đề gì?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Có 2 nhóm nguyên nhân gây ra stress: nguyên nhân từ bên trong và nguyên nhân từ bên ngoài. Mức độ của stress phụ thuộc vào mức độ căng thẳng và khả năng chịu đựng stress của mỗi người.

Nguyên nhân stress từ bên trong:

- Nguyên nhân về thể chất: Cá thể đang có khó chịu về thể chất như mang bệnh tật, ung thư, đang mang thai, đang đau yếu, suy dinh dưỡng,…

- Cá thể đang có những bất thường, khó chịu về mặt tinh thần như: Người đặt kỳ vọng vào bản thân quá cao hoặc thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực.

- Do thói quen của bản thân: Ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý, sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Khi đó, sẽ thường xuyên nhìn những cảnh tích cực người khác đăng tải và đôi khi phản ứng bằng cách tự ti, tự giận dỗi, trách móc bản thân, ghen tị vì không được như vậy, từ đó dẫn đến stress.

3. Yếu tố bên ngoài tác động như thế nào đến vấn đề stress của mỗi người?

Yếu tố từ bên ngoài cũng là yếu tố tác động rất nhiều và trực tiếp đến vấn đề stress của mỗi người. Trên thực tế vấn đề này diễn ra như thế nào thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Có 2 nhóm nguyên nhân gây ra stress: nguyên nhân từ bên trong và nguyên nhân từ bên ngoài.

Nguyên nhân từ bên ngoài được chia thành nhiều nhóm:

- Nhóm về môi trường: Sống trong môi trường ô nhiễm, tiếng ồn, khói bụi, nơi ở chật chội,…

- Nguyên nhân từ gia đình: Áp lực học hành, áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn với những người xung quanh, gặp các biến cố trong cuộc đời như ly hôn, mất người thân,…

- Nguyên nhân từ môi trường làm việc: Mẫu thuẫn với đồng nghiệp xung quanh, những biến cố như thay đổi chỗ làm, mất việc, khó khăn về tài chính, nợ nần,…

4. Căng thẳng, lo lắng kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy gì?

Khi bị stress, sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần ở thời điểm đó sẽ như thế nào? Với rất nhiều những căng thẳng, lo lắng, về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy gì?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Stress có rất nhiều hệ quả cả về tinh thần và thể chất của mỗi cá nhân.

Về thể chất, khi cơ thể trong trạng thái stress sẽ tiết ra một số nội tiết như cortisol, adrenaline để chống lại stress. Trong điều kiện bình thường, khi stress qua đi các hormone này sẽ trở về bình thường. Nếu stress kéo dài, dẫn theo nồng độ cortisol, adrenaline tăng kéo dài liên tục dẫn đến hệ lụy của thể chất. Ngoài ra cortisol, adrenaline sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể:

- Trên hệ tim mạch: Nội tiết này sẽ gây rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực,…

- Trên hệ tiêu hóa: Sẽ dẫn đến những hệ lụy như dễ gây viêm dạ dày, hội chứng đại tràng kích thích,…

- Trên hệ miễn dịch: Sẽ làm cơ thể dễ suy yếu, dễ dị ứng, mắc các bệnh vi khuẩn, virus hơn.

- Trên hệ sinh dục: Có thể gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh,…

- Trên hệ cơ xương khớp: Sẽ dẫn đến các tình trạng như mệt mỏi, chuột rút, đau cơ, đau thắt lưng,…

Về mặt trí não, nếu stress kéo dài sẽ gây ra những triệu chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm chú ý, tệ nhất là dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ.

5. Vì sao căng thẳng lại thấy nhớ nhớ quên quên, suy giảm trí nhớ?

Tại sao mỗi lần chúng ta căng thẳng trong công việc, cuộc sống,… lại cảm thấy nhớ nhớ quên quên, suy giảm trí nhớ hơn thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời:

Về sức khỏe trí não: Sẽ ảnh hưởng nhận thức, gây giảm tập trung, giảm chú ý, suy giảm trí nhớ,…

- Về cảm xúc: Đôi khi sẽ gây ra lo âu, trầm cảm kéo dài hoặc rối loạn cảm xúc khác như dễ buồn, dễ khóc, làm hại bản thân, cáu giận, nóng tính, dễ bực mình, lúc nào cũng cảm thấy khó chịu, có thể gây nên rối loạn hành vi như nghiện mua sắm hoặc tự làm đau bản thân.

Các vấn đề này đều liên quan đến nhau, ví dụ stress kéo dài dẫn đến lo âu, mà lo âu kéo dài sẽ dẫn đến stress. Stress và lo âu là mối quan hệ tương hỗ, là nguyên nhân, hệ quả và tồn tại cũng với nhau.

Về cơ chế, khi kích hoạt hệ thần kinh có 2 nguyên nhân:

- Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng sẽ có cơ chế Fight-or-Flight (chống lại hoặc bỏ chạy). Cơ chế này làm tăng lên các nội tiết như cortisol, adrenaline. Cortisol nồng độ vừa phải có tác dụng giúp cơ thể tập trung và trí nhớ tốt hơn, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ gây phá hủy tế bào não. Một số nghiên cứu cho thấy, khi nồng độ cortisol tăng mãn tính (trong tình trạng stress mãn tính) tốc độ teo não sẽ nhanh hơn so với người bình thường. Adrenaline khi kéo dài gây co mạch, khi đó sẽ ảnh hưởng toàn thân và dẫn đến thiếu máu não, gây giảm trí nhớ hoặc co mạch tim sẽ gây thiếu máu cơ tim, co mạch cơ xương khớp gây đau mỏi khớp.

- Ngoài ra, khi rơi vào tình trạng stress cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế như khi chúng ta đứng trước mối đe dọa, đó là chỉ ưu tiên trí nhớ cho mối đe dọa đó, còn những vấn đề khác sẽ tạm thời quên. Đây là lý do gây suy giảm trí nhớ.

6. Xu hướng “chống lại” hoặc “bỏ chạy” khi gặp stress phụ thuộc vào yếu tố nào?

Khi gặp phải vấn đề căng thẳng hay stress sẽ có 2 xu hướng diễn ra chống lại hoặc bỏ chạy. Vậy việc bỏ chạy hay chống lại trước “kẻ thù” - stress sẽ phụ thuộc vào cảm xúc, tâm lý, độ tuổi hay phụ thuộc vào cá tính của mỗi người?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố:

- Yếu tố nguyên nhân: Tùy thuộc vào mức độ căng thẳng, nặng nề của stress.

- Phản ứng của cá thể: Đây là lựa chọn của mỗi cá thể và sẽ có những phản ứng khác nhau như phụ thuộc vào độ tuổi, các bạn trẻ không đủ năng lực xử lý stress so với người trưởng thành hoặc người tính cách yếu sẽ đáp ứng với stress kém hơn người nhân cách mạnh mẽ; cơ thể có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, cơ thể vững vàng về mặt thể chất, tâm lý sẽ đáp ứng với stress nhẹ nhàng hơn so với cá thể chưa chuẩn bị.

7. Nguyên nhân nào gây suy giảm trí nhớ ở những người trẻ?

Trước đây, khi nói đến suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức mọi người thường nghĩ đến người cao tuổi. Trên thực tế, có rất nhiều người trẻ đã gặp phải vấn đề về trí não. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này đối với những người trẻ thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Trước đây, khi nói đến suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức mọi người thường nghĩ đến người cao tuổi (độ tuổi từ 60 trở lên). Đối với người cao tuổi, suy giảm nhận thức thường do bệnh lý tuy nhiên đối với người trẻ cũng có hiện tượng suy giảm trí nhớ.

Nguyên nhân do các yếu tố nguy cơ khác:

- Vai trò của của gốc tự do, oxy hóa ảnh hưởng đến não bộ: Người trẻ thường có chế độ ăn uống không hợp lý ăn các thức ăn nhanh, có chứa nhiều phụ gia, dầu mỡ làm sản sinh gốc tự do và chất oxy hóa.

- Người trẻ chịu nhiều áp lực hơn so với người cao tuổi: Áp lực về công việc, gia đình, xã hội.

- Chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi đôi khi không điều độ bằng người cao tuổi: Chế độ ăn không đủ bữa; không đủ cá, rau xanh; đôi khi sử dụng rượu bia; chế độ ngủ không đủ giấc, thức quá khuya; quá lạm dụng mạng xã hội.

Chuyển hóa của người trẻ mạnh hơn người cao tuổi nên khi hấp thu chất dinh dưỡng không hợp lý, thức ăn không hợp lý sẽ dễ chuyển hóa thành các chất gây hại cho não hơn.

8. Ngủ trễ và thức trễ có ảnh hưởng đến suy giảm trí nhớ không?

Nhiều người cho rằng, bác sĩ khuyên nên ngủ 7-8 tiếng/ngày, vậy nếu ngủ trễ sẽ dậy trễ vẫn đủ 7-8 tiếng. Với chế độ nghỉ ngơi như vậy có bình thường không và có ảnh hưởng đến yếu tố mà người trẻ cần phải lưu ý là nhận thức, suy giảm trí nhớ?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Xét về thời lượng ngủ vẫn đủ nhưng xét về đồng hồ sinh học sẽ không đúng vì chúng ta đang ở Việt Nam và sống theo múi giờ Việt Nam. Ví dụ, buổi sáng 8 giờ, là lúc cortisol cao, cơ thể đang tỉnh táo nhất nhưng lúc đó chúng ta đang ngủ sẽ làm xáo trộn chuyển hóa về nội tiết, mất cân bằng hoạt chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể.

9. Xét về góc độ dinh dưỡng và trí não người trẻ cần lưu ý gì?

Nhiều người lấy lý do công việc nhiều, không có thời gian để có thể chăm sóc vấn đề dinh dưỡng, cũng không có thời gian để ăn đầy đủ dưỡng chất với 4 nhóm như bác sĩ phân tích hoặc không có thời gian để ăn đúng giờ. Xét về góc độ dinh dưỡng và trí não trong xã hội hiện đại ngày nay thì cần phải lưu ý gì thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Bản chất vần đề này do sự tham gia của gốc tự do. Gốc tự do là chất lưu hành trong cơ thể con người và có thể đi đến bất kỳ đâu trong cơ thể. Ví dụ gắn vào tế bào có nhiều mỡ, trong khi não là tế bào chứa nhiều mỡ nhất (60% là mỡ). Vì vậy các gốc tự do thường lên não, khi đó sẽ phá hủy các tế bào não và phá hủy mạch máu nuôi não. Khi chúng ta ăn các thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất phụ gia độc hại kéo dài, liên tục sẽ gây ra rất nhiều gốc tự do nếu kết hợp với các yếu tố khác như lối sống, ăn ngủ không điều độ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của người trẻ.

10. Rối loạn lo âu do stress là gì?

Một trong những hệ lụy của stress là rối loạn lo âu. Tuy nhiên nhiều người chưa hình dung được hết rối loạn lo âu là gì và cụ thể ra sao. Nhờ BS phân tích thêm về vấn đề này ạ?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Stress kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn về cảm xúc và lo âu là một trong những rối loạn về cảm xúc. Lo âu có thể thoáng qua, ví dụ có những điều cần phải lo trong vài ngày, vài giờ sẽ qua đi nhưng nếu lo âu kéo dài hàng tuần, hàng tháng và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày được gọi là rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu, đôi khi triệu chứng chỉ là những lo lắng mơ hồ (lo bị bệnh, lo tương lai,…) nhưng cũng có thể lo âu biểu hiện bằng những cơn hoảng loạn thực sự, khi đó đã trở thành bệnh lý. Rối loạn lo âu do hệ quả của stress khi kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn cảm xúc khác như trầm cảm. Trầm cảm, lo âu, stress, căng thẳng thường là nguyên nhân, hậu quả của nhau và đi cùng với nhau.

11. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương ghi nhận rối loạn lo âu, stress như thế nào?

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, việc ghi nhận về vấn đề của bệnh nhân gặp rối loạn lo âu, đặc biệt là có liên quan đến stress, áp lực như thế nào thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thanh Bình trả lời: Rối loạn lo âu ở người trẻ và cả người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày đang ngày càng tăng. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, mỗi ngày vẫn tiếp nhận người cao tuổi và người trẻ đến khám và điều trị rối loạn lo âu.

Người cao tuổi bị rối loạn lo âu thường kèm theo các bệnh lý khác mà bản thân đang mắc như parkinson, thoái hóa khớp, bệnh mạch vành. Ở người trẻ, đa phần do áp lực công việc, áp lực học hành nên không nằm ở khoa thần kinh mà điều trị ở khoa sức khỏe tâm thần.

>>> Điều trị và khắc phục rối loạn lo âu như thế nào?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X