Hotline 24/7
08983-08983

Có phải khi lớn tuổi trí nhớ sẽ giảm?

Suy giảm trí nhớ phụ thuộc vào từng người, tuy nhiên quá trình lão hóa càng nhanh thì tốc độ suy giảm trí nhớ càng nhiều. Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Trí về vấn đề này.

1. Sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam so với thế giới như thế nào?

Sức khỏe của người cao tuổi, từ 60 trở lên ở Việt Nam so với thế giới như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Ở thế giới, đặc biệt là phương tây, người cao tuổi ≥ 65 tuổi và Việt Nam là ≥ 60 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây tuổi thọ Việt Nam tăng khá nhanh. Những năm trước tuổi thọ chỉ khoảng 60 tuổi, nhưng hiện nay nữ gần 80 tuổi, nam trung bình 77 tuổi. Con số này chứng minh người lớn tuổi rất nhiều, đây là điều đáng mừng vì tỷ lệ người sống thọ tăng, tuy nhiên tồn tại 2 thực trạng:

- Người lớn tuổi ở Việt Nam không khỏe: Theo thống kê, ở nước ngoài có 70% người lớn tuổi mắc 2 bệnh trở lên. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gần nhất của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định trên 300 bệnh nhân cao tuổi ở khoa lão có trên 70% mắc 3 bệnh (nếu tính 2 bệnh như phương Tây sẽ là 90%).

- Người cao tuổi ở Việt Nam không giàu có như phương Tây, phần lớn phụ thuộc vào các con nhưng thế hệ trẻ của Việt Nam thu nhập thấp hơn phương Tây.

2. Trí nhớ và lão hóa có liên quan thế nào?

Thưa BS, như chúng ta đã biết người cao tuổi có rất nhiều vấn đề bệnh lý. Trong đó vấn đề mà không chỉ người cao tuổi mà con cháu trong nhà khi chăm sóc cũng quan tâm đó là trí nhớ. Vậy có phải trí nhớ của người cao tuổi sẽ đi cùng với thời gian và sự lão hóa?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Lão hóa là sự diễn tiến xấu đi theo thời gian, suy giảm trí nhớ là biểu hiện của lão hóa. Vì vậy suy giảm trí nhớ nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào quá trình lão hóa, nếu lớn tuổi mà trí nhớ vẫn minh mẫn là dấu hiệu của lão hóa khỏe mạnh.

3. Có phải khi lớn tuổi trí nhớ sẽ giảm?

Ngoài câu chuyện về độ tuổi, thời gian như một quy luật ai cũng phải trải qua thì trí nhớ ở người cao tuổi còn phụ thuộc vào những yếu tố nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Có những người lớn tuổi, 90 tuổi vẫn chơi piano bình thường, trí não rất tốt, tai nghe rõ, nhớ được những chuyện trong quá khứ và cả những chuyện gần đây mới vừa xảy ra rất chi tiết. Có những người người trẻ đôi khi sẽ quên như quên tên bạn của mình và phải ngồi lục lại trí nhớ, đây là chuyện bình thường nhưng chứng tỏ tốc độ lão hóa đang xảy ra nhanh hơn so với người khác.

4. Khi tế bào thần kinh chết đi sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ?

Theo thống kê, tế bào não có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, nhưng chỉ sau 25, 30 tuổi, hằng năm tế bào não sẽ chết đi và không phục hồi trở lại. Có phải đây là một trong những lý do cùng với tuổi tác làm người cao tuổi chịu nhiều ảnh hưởng không?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Có hàng tỷ tế bào não nhưng con người chúng ta không sử dụng hết, ví dụ 100 tỷ tế bào chia thành 10 ngăn thì chúng ta chỉ sử dụng 1 ngăn. Suy giảm trí nhớ do những tế bào dự trữ chưa sử dụng đến không chết nhưng ngăn đang sử dụng lại có tế bào bị chết đi. Tế bào phải làm nhiều mới có thể ghi nhớ nhưng sẽ mau mệt dẫn đến nhanh chết. Theo thời gian các tế bào được học tập chết càng nhiều thì lão hóa càng nhanh.

Gầy đây, nghiên cứu thấy rằng tế bào não khi chết đi vẫn sinh sản mới, nhưng khi sinh ra lại “nhảy” vào ngăn không sử dụng hoặc tham gia bù đắp vào ngăn đang làm việc bị thiếu. Điều này cho thấy lão hóa nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào số lượng tế bào mà còn phụ thuộc vào số lượng tế bào hoạt động thực sự.

5. Làm thế nào để sử dụng hết tất cả các tế bào thần kinh?

Giả sử có 10 ngăn nhưng chúng ta chỉ sử dụng 1 ngăn và 9 ngăn còn lại gần như không sử dụng. Nếu như vậy có cách nào để sử dụng cả 9 ngăn còn lại để không gặp phải vấn đề nhớ nhớ quên quên không thưa BS?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Thế giới ngày nay nói rằng phải tận dụng hết 10 ngăn, nếu làm được điều này sẽ không bị suy giảm trí nhớ. Chúng ta có 2 bán cầu đại não (nửa bên phải, nửa bên trái), khi thuận tay phải não bên trái sẽ hoạt động nhiều hơn, đồng nghĩa với việc não phải không hoạt động.

Các nghiên cứu đang tìm cách làm sao để bộ não không thuận hoạt động. Ví dụ nếu thuận tay phải sẽ tập làm bằng tay trái và khi đó sẽ kích thích não bên phải và ngược lại. Những người làm 2 tay là những người rất thông minh và trí nhớ tốt vì cả 2 não cùng hoạt động.

Qua MRI cho thấy, những người hoạt động 2 tay não sáng như ngọn đèn, cả 2 não đều sáng tuy nhiên người hoạt động tay trái, não bên phải sẽ sáng và ngược lại. Trong tương lai, con người sẽ có cơ sở giúp trí nhớ tốt hơn, thông minh hơn để theo kịp tiến bộ của robot.

6. Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi tập trung vào độ tuổi nào?

Chúng ta nói người cao tuổi tính từ cột mốc 60, 65 trở lên, tuy nhiên việc suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi thường tập trung vào độ tuổi nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Suy giảm trí nhớ phụ thuộc vào từng người, tuy nhiên nhìn chung quá trình lão hóa càng nhanh thì tốc độ suy giảm trí nhớ càng nhiều. Ngày xưa căn cứ theo tuổi thọ, tuổi thọ ngắn thì tuổi của người cao tuổi khoảng 60 nhưng hiện nay so với thế giới tuổi thọ Việt Nam không ngắn, về mặt sinh lý tuổi của người cao tuổi ở Việt Nam phải ≥ 65 (nhưng do chưa sửa đổi nên vẫn công nhận người cao tuổi ≥ 60). Vậy 60 - 65 tuổi là người cao tuổi trong nhóm còn trẻ.

Suy giảm trí nhớ rõ nhất ở người cao tuổi của Việt Nam là từ 75 tuổi trở lên, đặc biệt lên đến 80 tuổi tỷ lệ suy giảm trí nhớ khá nhiều. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào từng người, có những người 90, 100 tuổi vẫn nhớ rất tốt, điều này có thể do gen hoặc quá trình sống bảo vệ bộ não tốt. Những người có trình độ học vấn cao nghĩa là trong quá trình sống họ phải học và ghi nhớ, khi ghi càng nhiều sẽ nhớ càng nhiều.

Trí nhớ phụ thuộc vào tuổi, trình độ học vấn và tình trạng sức khỏe. Nếu bệnh nhiều, cơ thể sẽ lo đối phó với bệnh và không nhớ được, vì vậy người khỏe mạnh sẽ nhớ tốt hơn. Người lão hóa khỏe mạnh không chỉ khỏe về trí nhớ mà khỏe cả tim, thận hoặc tất cả các cơ quan khác. Đặc biệt dòng máu nuôi não, nếu đến não tốt sẽ giúp não sống khỏe mạnh hơn, thải những chất độc do não sản xuất ra.

Muốn nhớ tốt phải học mà muốn học thì phải thích, ví dụ người thích âm nhạc sẽ nhớ từng nốt nhạc, 90 tuổi vẫn nhớ, vẫn đánh piano được, đối với những người không có năng khiếu (không thích) không thể bắt họ nhớ được. Bên cạnh đó, việc học phải diễn ra từ khi còn trẻ, không phải đến già mới bắt đầu ghi nhớ.

7. Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi có những cấp độ nào?

Suy giảm trí nhớ không chỉ phụ thuộc vào tuổi mà còn rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu phải phân theo cấp độ thì suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi sẽ diễn ra như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Suy giảm trí nhớ được chia thành 2 loại:

- Suy giảm trí nhớ do tuổi tác (lão hóa): Khi nói về hoạt động của não ở người lớn tuổi, chúng ta sử dụng từ “trí nhớ” để đơn giản nhưng chính xác hơn đó là “nhận thức”. Rối loạn trí nhớ đối với người cao tuổi là bước đầu, bước thứ 2 là hình thành suy nghĩ dẫn đến lời nói, nếu suy giảm trí nhớ do bệnh lý sẽ nghĩ được nhưng nói không được. Người cao tuổi chỉ suy giảm trí nhớ còn suy nghĩ, nói chuyện vẫn bình thường. Mặc dù quên do lão hóa nhưng một số người lớn tuổi có nhận thức tốt, suy nghĩ, tính toán kế hoạch rõ ràng hơn người trẻ.

- Suy giảm trí nhớ do bệnh: Ví dụ như bị tai biến, liệt nửa người (nửa bên não bị tổn thương) chắc chắn sẽ suy giảm trí nhớ hoặc bệnh alzheimer do bệnh lý gây tổn thương tế bào thần kinh. Từ đó làm rối loạn những tư duy cao cấp hơn như ảnh hưởng đến nhận thức về phát biểu, tính toán, quyết định không còn chính xác như khi còn trẻ.

8. Có thể hạn chế suy giảm trí nhớ bằng cách nào?

Có đến 40% các yếu tố tác động xấu đến bộ não con người, tuy nhiên người cao tuổi có thể điều chỉnh được đúng không thưa BS?

PGS.TS Nguyễn Văn Trí trả lời: Tuổi không thay đổi được nhưng có thể thay đổi các yếu tố khác để làm giảm sự suy giảm trí nhớ.

Một nghiên cứu nước ngoài cho thấy, trong số những người khỏe mạnh thì không bị stress chiếm 50%, 30% là thể dục và 20% do ăn uống cân bằng. Khi đầu óc căng thẳng sẽ rất khó ghi nhớ vì vậy chống stress là quan trọng nhất.

Khi gặp căng thẳng hãy chơi một môn thể thao yêu thích sẽ thay đổi tâm trạng. Thể dục tạo ra các hormone cực kỳ quan trọng là:

- Hormone vui vẻ (happy hormone) chỉ thể dục mới có giúp kích thích hứng phấn, yêu đời hơn và dễ vượt qua những bất lợi trong cuộc sống.

- Endorphin, có tác dụng giống morphine nhưng do thể dục tạo ra và không gây nghiện, tạo cảm giác êm dịu. Buổi chiều về cơ thể mệt mỏi muốn nằm trên giường nhưng tập thể dục nhẹ nhàng sẽ khỏe hơn nằm trên giường ngay và giúp ngủ ngon.

Chế độ ăn uống phải ăn cân bằng. Không giống với người trẻ, người cao tuổi sẽ tăng mỡ, giảm cơ và mất nước. Vì vậy người cao tuổi nên:

- Giảm năng lượng nhưng không để suy dinh dưỡng: Hạn chế đường, các chất bột, không ăn quá mặn, ăn nhiều rau, quả, hạt. Ăn để không đói, không nên ăn để đã nếu ăn những món như chè, bánh kem, đồ ngọt quá nhiều sẽ gây bệnh.

- Ăn uống làm sao để không bị teo cơ: Người cao tuổi thường có xu hướng không ăn đạm và sẽ gây teo cơ, suy yếu dẫn đến bệnh tật. Nên bổ sung đạm từ cá sẽ tốt hơn thịt và thịt trắng tốt hơn thịt đỏ.

- Người cao tuổi thường không khát nước, quên uống nước trong khi nước là thành phần quan trọng của vòng tuần hoàn: nước tạo thành máu mà máu sẽ dẫn oxi, chất dinh dưỡng đến tế bào, nếu không có nước sẽ không lưu thông được. Giống như không có cao tốc sẽ bị kẹt xe dẫn đến kinh tế đình trệ.

Muốn giữ não khỏe đòi hỏi nhiều phương thức đơn giản nhưng để thực hiện thì không đơn giản.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X