Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để cải thiện trí nhớ cho người lớn tuổi?

Để phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần tập thể dục thường xuyên, cân bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập ghi nhớ và đặc biệt không để stress,... Đó là những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Trí - PCT Hội Lão khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM về chủ đề “Cải thiện trí nhớ được không?” trong bài viết dưới đây.

1. Stress ở người lớn tuổi nguyên nhân do đâu và có những dạng nào?

Ở người cao tuổi, 50% yếu tố ảnh hưởng đến não bộ, trí nhớ là stress. Vậy stress ở người lớn tuổi bắt đầu từ đâu và có những dạng nào thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trả lời: Nếu còn đi làm, nguyên nhân gây stress là do công việc và ngược lại do không có việc làm. Với những người không có công việc, nguyên nhân trực tiếp gây stress là do con cái. Chính vì vậy, con cái cần chú ý hành vi, lời nói để tránh gây stress cho người lớn tuổi.

Vấn đề quan trọng là con cái không nhận ra những hành vi khiến cha mẹ buồn lòng. Còn cha mẹ có tâm lý lựa chọn im lặng khi gặp các vấn đề về sức khỏe hoặc phiền lòng vì sợ con không vui, tốn kém chi phí, mất thời gian,…từ đó dẫn đến stress.

Thứ hai, người lớn tuổi không nên cố chấp, một mặt con cái phải hiểu cha mẹ, mặt khác người lớn tuổi phải tự hiểu mình. Người ta nói “tâm tĩnh, thân động” là khỏe, cần đơn giản mọi chuyển để tránh gây stress cho bản thân.

Trước kia, tại trường đại học có những người thầy được gọi là “sát thủ”, người được gọi là “Bao Công” nhưng điều đó chỉ ở thời điểm họ còn trẻ, khi đã có tuổi họ sẽ rất dễ. Hiện nay, khi đi thi sinh viên thường có xu hướng chọn các thầy lớn tuổi vì họ dễ, những thầy trẻ sẽ khó hơn. Vì trẻ có tâm lý đòi hỏi cao còn người già đã giác ngộ, mọi chuyện với họ đều vô nghĩa, không sân si nhiều. Vì vậy những học trò học dở sẽ được sắp cho các thầy lớn tuổi để họ cho qua, còn những học trò có lực học giỏi sẽ sắp với những người thầy trẻ để biết được học lực của bản thân giỏi đến mức nào.

Nói theo đạo Phật, điều đó cho thấy càng lớn tuổi càng nên “bớt tham sân si”, cái gì bỏ qua được thì cho qua, thấy người ta thành công thì mình vui, không nên bực mình, có nhiều người thấy người khác thành công thì bực mình. Từ đó bản thân mất sức khỏe vì đó là stress vô hình. Cho nên, ta thấy những những người tu chân chính không màng đến thế sự, họ rất khỏe, sống lâu, thần thái xuất hiện ngay từ cái nhìn đầu tiên họ nhìn mình.

Tóm lại, muốn tránh stress thì đừng tạo stress cho người khác, bớt sân si, tập luyện thường xuyên.

2. Làm sao để não bộ của người lớn tuổi không suy giảm theo thời gian?

Thưa BS, làm sao để não bộ của người lớn tuổi hoạt động một cách xuyên suốt, không suy giảm theo thời gian và các vấn đề khác ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trả lời: Đầu tiên, không để mắc bệnh, trường hợp mắc bệnh phải điều trị “tới nơi tới chốn”. Một người lớn tuổi tại Việt Nam mắc ba bệnh trở lên chiếm đến 70%. Thực tế, những người này có thể sống khỏe với điều kiện là không có bệnh.

Trong các bệnh, quan trọng nhất là bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn, tạo nên hệ tuần hoàn tốt để máu đi nuôi các tế bào trong đó có não. Tế bào não không thể sống nếu không có chất dinh dưỡng. Vì vậy, hệ tuần hoàn có vai trò quan trọng trong việc đưa chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào não.

Tuần hoàn không chỉ có tim, máu mà phải có hô hấp tạo ra oxy. Oxy rất quan trọng, đóng vai trò giải tỏa các chất oxy hóa có trong cơ thể. Nếu oxy hóa chuyển thành chất độc nó sẽ hình thành tế bào ung thư.

Cuối cùng, thể dục giúp hô hấp gia tăng, vì khi thể dục sẽ khiến chúng ta thở “hổn hển” từ đó giúp hô hấp, oxy gia tăng, tim đập nhanh,...cho thấy dòng máu đang chảy với tốc độ rất tốt. Từ đó đem chất dinh dưỡng tới cho tế bào.

Tuần toàn còn đóng vai trò lấy đi những sản phẩm do tế bào thải ra đi ra ngoài. Nếu dòng tuần hoàn kẹt, chất thải ứ lại, tế bào sẽ chết.

Do đó, thể dục vẫn là nền tảng, kiểm soát bệnh nếu có bệnh nền, xây dựng chế độ ăn uống lạnh mạnh. Đặc biệt, cần có thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ chất lượng để phục hồi sau thời gian hoạt động.

Với những người có giấc ngủ không tốt, bản thân nên nghỉ ngơi hoặc tập thiền. Những người tập thiền, họ không ngủ nhưng vẫn được nghỉ ngơi, không nghĩ về quá khứ, tương lai, chỉ nghĩ hiện tại. Trong thời gian thiền chỉ cảm nhận hơi thở, hít vào, thở ra giúp tinh thần thư giãn nếu không được ngủ hoặc ngủ được sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Ngủ ngon, ăn cân bằng, thể dục, không để bị stress,... là những điều rất cơ bản mỗi ngày nhưng không phải ai và lúc nào cũng làm được.

3. Những sản phẩm nào giúp cải thiện trí nhớ của người lớn tuổi?

Với người cao tuổi, họ sẽ lưu tâm đến những sản phẩm giúp cải thiện trí nhớ được tốt hơn cùng với xu hướng ngày nay là các sản phẩm thảo dược, sản phẩm tự nhiên. Mời thầy hướng dẫn thêm về điều này ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trả lời: Nguyên tắc cơ bản là tế bào phải khỏe để có được trí nhớ tốt. Để làm được điều đó cần thể dục thường xuyên, tạo ra hormone khỏe mạnh, hormone vui vẻ, chống được chất độc.

Có hai loại chất độc khiến toàn cơ thể đều bị ảnh hưởng gồm: chất gây viêm và chất oxy hóa. Như vậy, cần có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để chống được hai loại chất này. Đó là lý do có nhiều thực phẩm chức năng tồn tại, chưa được công nhận là thuốc. Vì chưa có công trình nghiên cứu chứng minh rằng tất cả mọi người người sử dụng đều có kết quả giống nhau. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của nhiều thế hệ, nhận biết được có nhiều loại cây, lá thực hiện được điều đó như cây bạch quả có thể tinh chế thành một chất Gingko tác động vào viêm và chất oxy hóa, từ đó làm cải thiện trí nhớ.

Điều này trong thực hành lâm sàng đối với điều trị người cao tuổi được các bác sĩ lão khoa sử dụng nhiều. Có những loại bạch quả chưa tinh chế sẽ được sử dụng như thức ăn, đó gọi là thực phẩm chức năng. Còn bạch quả đã tinh chế ra một chất như Gingko, hiện đã có khoảng trên 20 nghiên cứu về loại chất này, cho thấy nó cải thiện được chức năng của não bộ. Vì vậy một số cây bạch quả đã được công nhận là thuốc, còn một số chưa được công nhận.

Trên thị trường sản phẩm có mặt xấu, mặt tốt nhưng mong đợi của thực phẩm chức năng nói chung là mang lại sức khỏe lâu dài cho người cao tuổi. Vì “bệnh” cao tuổi là bệnh lâu dài, không phải bệnh cấp tính nên không thể sử dụng thuốc tây để điều trị.

Không chỉ cây bạch quả mà nghệ, trà xanh,...cũng có thể chống viêm. Những loại thực phẩm này đã có nghiên cứu, người sử dụng trà xanh và nghệ nhiều như một loại thức ăn thường xuyên có khả năng chống viêm và oxy hóa rất tốt, tuổi thọ của họ sống lâu hơn, khỏe hơn những người không sử dụng.

4. Hậu COVID-19 có gây suy giảm trí nhớ?

Thưa BS, đối với COVID-19 và đặc biệt là đã nhiễm COVID-19 rồi thì có gây suy giảm trí nhớ hay không. Tôi rất hoang mang vì trước đó tôi đã nhiễm COVID-19, từ đó tôi thấy bản thân quên rất nhiều, một vài người thân trong gia đình tôi cũng than phiền về điều này. Không biết có sợi dây liên kết nào giữa vấn đề nhiễm COVID-19 ở giai đoạn hậu COVID-19 và vấn đề suy giảm trí nhớ hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trả lời: COVID-19 gây ảnh hưởng đến cả não bộ và các cơ quan khác, mỗi người sẽ chịu ảnh hưởng một cơ quan khác nhau gọi là thời kỳ hậu COVID-19. Sau khi COVID-19 rút lui, cơ thể bắt đầu tự phản ứng và tự điều chỉnh, chính sự điều chỉnh đó gây ra nhiều vấn đề.

Ví dụ, nhiều người sau COVID-19 mới có biểu hiện khó thở. Ngoài ra, có bệnh nhân còn than phiền về tình trạng hay quên hậu COVID-19, đi bán hàng nhưng không nhớ khách đưa tiền hay chưa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của suy giảm trí nhớ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn ở người rất trẻ đang hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi mắc COVID-19 sẽ nặng hơn, nhưng điều đó được che lấp vì lý do tuổi tác.

COVID-19 làm gia tăng hiện tượng viêm, hiện tượng này như cơn bão Cytokine, viêm nhiễm tràn lan trong mạch máu, làm cho mạch máu bị sưng lên cộng với máu đông gây ra hiện tượng “kẹt xe” do không có chất dinh dưỡng chuyển tới nuôi tế bào, kể cả khi cơ thể được nạp đầy đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến tế bào não bị chết. Tế bào não thay thế không kịp gây suy giảm trí nhớ, điều này sẽ kéo dài khá lâu. Nếu là người trẻ, sức khỏe không có vấn đề thì phải mất một khoảng thời gian rất lâu để hồi phục với điều kiện phải tập luyện. Điều này có nghĩa với sinh viên đang đi học, họ sẽ nhớ lại nhanh hơn, ngược lại với những người không vận động trí óc nhiều thì việc nhớ sẽ càng khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, cần tập thể dục để làm tăng tuần hoàn, như vậy sẽ loại bỏ các chất độc làm tổn thương mạch máu, các vòng tuần hoàn được lưu thông, tế bào dần phục hồi. Trong điều trị sẽ phục hồi các tế bào yếu sống lại, các tế bào này phải thực hiện gấp đôi nhiệm vụ cho các tế bào đã chết

Bác sĩ sẽ đánh giá hiện tượng viêm để xem xét việc sử dụng thuốc kháng viêm hoặc chất chống đông để làm thông mạch máu, đó là nhiệm vụ của thầy thuốc. Người bệnh cần tập thói quen thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi, chống stress,... tạo nên những chất kháng viêm tự thân, kháng đông tự thân. Nếu liên quan đến não phải học hỏi, rèn luyện và vận động não bộ để cải thiện suy giảm trí nhớ.

5. Làm cách nào để hỗ trợ tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi?

Năm nay mẹ em 68 tuổi, những chuyện xảy ra gần thì mẹ em sẽ quên nhưng lại nhớ những chuyện từ rất xa xưa. Không biết như vậy suy giảm trí nhớ đã bắt đầu ở tuổi của mẹ em chưa? Em có nên đưa mẹ đi khám từ bây giờ để xác định vấn trí nhớ của mẹ đang bị suy giảm, và có cách nào để hỗ trợ cho vấn đề suy giảm trí nhớ ở độ tuổi 68 như của mẹ em không thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí trả lời: Trí nhớ có 2 loại: Nhớ gần và nhớ xa. Người lớn tuổi thường có tình trạng quên gần, nhớ xa. Nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ về những kỷ niệm hai người yêu đương, nhưng nhiều khi cái tên của cháu lại quên, đó là quên gần. Đây là điều đáng mừng vì không phải bệnh lý mà do quá trình lão hóa sinh ra. Vấn đề người bệnh cần là giảm tình trạng suy giảm trí nhớ do lão hóa.

Ngoài những điều đã nói trên, người lớn tuổi cần phải “nề nếp”, sống có tổ chức. Chỉ nên đặt đồ vật tại một vị trí, trật tự về thời khóa biểu mỗi ngày, ngủ đúng giờ, ăn đúng giờ, làm đúng với mức độ sức khỏe, rèn luyện thể dục, rèn luyện trí nhớ. Đàn ông có thể chơi cờ, phụ nữ đọc báo hoặc mỗi ngày thuộc một câu thơ. Đó cũng là cách cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X