Sốc sốt xuất huyết: Ai có nguy cơ cao hơn, làm sao để phòng tránh?
Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM, không thể biết trước được ai có nguy cơ sốc sốt xuất huyết cao hơn, tuy nhiên những trẻ béo phì hoặc nhũ nhi hoặc người lớn miễn dịch kém có khả năng sốc nhiều hơn những người khác.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sốc sốt xuất huyết?
Xin hỏi BS, các nguyên nhân đưa đến tình trạng sốc sốt xuất huyết là gì? Tình trạng này thường xảy ra vào ngày thứ mấy kể từ khi mắc bệnh ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốc sốt xuất huyết không đoán trước được. Tuy nhiên ở những người có cơ địa đặc biệt như thừa cân, béo phì, trẻ nhỏ hoặc người có tình trạng miễn dịch kém (lớn tuổi, mắc bệnh nền) có khả năng khi sốc sẽ nặng hơn.
Đa số từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sẽ có nguy cơ xuất hiện sốc sốt xuất huyết. Một số trường hợp sau ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 vẫn có thể sốc vì vậy khi quá 7 ngày mới được coi là an toàn.
2. Sốc sốt xuất huyết nguy hiểm ra sao?
Sốc sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào ạ? Các nguy cơ nào người bệnh sẽ phải đối diện nếu rơi vào tình trạng này, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhìn chung trong y khoa sốc thuộc loại nặng. Sốc là áp lực của mạch máu giảm và không thể đưa máu đến các cơ quan, cuối cùng các cơ quan sẽ chết.
Sốc sốt xuất huyết cũng tương tự, khi bác sĩ đo huyết áp sẽ thấy không còn đủ áp lực như thông thường (trong chuyên môn gọi là huyết áp bằng 0 hay huyết áp thấp, huyết áp kẹp), mạch nhanh và nhẹ.
Khi bệnh sốt xuất huyết lượng dung dịch trong mạch máu thoát ra ngoài mô làm áp lực thấp đi nên thường gọi là sốc giảm thể tích (nghĩa là thể tích trong lòng mạch bị giảm đi, áp lực không còn).
Tuy nhiên, sốt xuất huyết ngoài sốc còn rất nhiều yếu tố khác làm người bệnh nặng hơn như xuất huyết, tổn thương nhiều cơ quan.
3. Những ai có nguy cơ rơi vào sốc sốt xuất huyết cao hơn?
Những ai có nguy cơ rơi vào sốc sốt xuất huyết hơn, thưa BS? Nhiều người cho rằng, những trẻ sinh non, trẻ đã mắc bệnh lần 1… sẽ có nguy cơ rơi vào tình huống này hơn, thực hư như thế nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không thể biết trước trẻ nào sẽ có nguy cơ bệnh nặng hơn. Tuy nhiên những trẻ béo phì hoặc nhũ nhi hoặc người lớn miễn dịch kém (có bệnh nền) có khả năng sốc nhiều hơn những người khác.
Bên cạnh đó cũng không đoán trước được nguy cơ, quan trọng là phát hiện sớm. Ngoài cơ địa thì những người sốc nặng là do phát hiện trễ, khi đó áp lực trong mạch máu giảm quá lâu sẽ tổn thương nhiều cơ quan và làm tình trạng sốc nặng hơn.
4. Quan trọng nhất trong sốt xuất huyết là phát hiện sớm
Các dấu hiệu nào cảnh báo sốc sốt xuất huyết mà chúng ta không được xem nhẹ ạ? Triệu chứng giữa trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn liệu có khác nhau, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất trong sốt xuất huyết là phát hiện sớm. Sốt xuất huyết có nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ cảnh báo (người bệnh có khả năng sốc) như đau bụng vùng gan, nôn ói hoặc xuất huyết dưới da nhiều người bệnh cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Nếu sốc có thể choáng váng, tay chân lạnh, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp không ổn định (huyết áp kẹp hay huyết áp thấp, huyết áp không đo được). Từ lúc bắt đầu sốt đến 48 giờ sau rất có khả năng sốc và sốc có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào cho đến ngày thứ 7.
Mọi người thường nhầm lẫn rằng hết sốt sẽ không còn nguy hiểm, tuy nhiên sốt xuất huyết không giống các bệnh khác khi hết sốt vẫn có khả năng sốc. Vì vậy, chỉ cần ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 an toàn, triệu chứng sốt không quan trọng. Bên cạnh đó, cần lưu ý phải đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo.
5. Hướng dẫn xử trí đúng cách khi có các biểu hiện sốc sốt xuất huyết
Nhờ BS hướng dẫn xử trí đúng cách khi có các biểu hiện sốc sốt xuất huyết ạ? Đâu là điều nên làm và đâu là sai lầm cần tránh, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời:
- Khi nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến bệnh viện, không nên tự điều trị tại nhà.
- Trong quá trình di chuyển đến bệnh viện phải uống đủ nước để lượng nước hấp thu vào mạch máu giúp bớt sốc.
- Tránh cắt lể hoặc uống nước có màu đỏ vì khi nôn sẽ không phân biệt được với máu.
6. Cần làm gì để phòng ngừa sốc sốt xuất huyết?
Để phòng ngừa sốc sốt xuất huyết và các biến chứng khi mắc sốt xuất huyết, chúng ta cần làm gì, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Muốn phòng ngừa phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Tái khám theo đúng lịch hẹn
- Uống đủ nước
- Xét nghiệm máu theo yêu cầu của bác sĩ
- Nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh
- Lắng nghe cơ thể, khi thấy triệu chứng nguy hiểm phải đến bệnh viện ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình