Hotline 24/7
08983-08983

Lấy tủy răng có đau không, khi nào nên thực hiện?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Giám đốc Phòng khám Nha khoa Hạnh Phúc cho biết, không phải tất cả các răng đều lấy tủy được. Lấy tủy răng là bảo tồn và giữ lại những gì răng đang có, còn nhổ răng sẽ bao gồm cả phần tủy răng.

1. Khi nào cần lấy tủy răng?

Đầu tiên xin hỏi BS, những trường hợp nào răng cần lấy tủy và đâu là dấu hiệu cho thấy có thể lấy tủy răng thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Tủy răng là thành phần nằm giữa răng, bao gồm mạch máu và thần kinh, nuôi dưỡng và tạo cảm giác cho răng. Những trường hợp cần lấy tủy:

- Sâu răng rất nhiều và ảnh hưởng đến tủy gây đau nhức kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống.

- Mẻ răng, bị tai nạn gãy răng dẫn đến lộ tủy.

- Mòn răng, ê buốt quá nhiều không chịu được.

- Viêm nha chu gây đau nhức.

Vì tủy răng để nuôi dưỡng răng, khi lấy tủy ra sẽ chết răng nên chỉ lấy tủy răng khi bị viêm mà không thể bảo tồn. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần lấy tủy để bảo tồn các thành phần còn lại.

2. Điều gì xảy ra khi không lấy tủy răng?

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi răng không được điều trị tủy và khi nào được xem là quá trễ đối với điều trị tủy thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Những vấn đề khi không tiến hành lấy tủy răng:

- Nếu đau nhức kéo dài mà không lấy tủy răng thì tình trạng đau nhức răng gần như không chịu được, giảm chất lượng cuộc sống.

- Không lấy tủy có thể làm hoại tử tủy, lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng viêm quanh chóp răng, thành phần xương ổ răng xung quanh, gây rò mủ,… dẫn đến phá hủy xương hàm.

3. Có phải tất cả răng đều có thể lấy tủy?

Thưa BS, giữa lấy tủy răng và nhổ răng thì cách nào tốt hơn và có phải tất cả răng đều lấy tủy được hay không?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Lấy tủy răng và nhổ răng là 2 vấn đề khác nhau. Lấy tủy răng là bảo tồn và giữ lại những gì răng đang có, còn nhổ răng sẽ bao gồm cả phần tủy răng.

Ví dụ, một số trường hợp sâu răng dẫn đến viêm tủy răng nhưng tình trạng sâu răng quá mức, không thể bảo tồn được (chỉ còn chân răng) thì phải tiến hành nhổ răng.

Trường hợp viêm tủy răng còn bảo tồn được sẽ lấy tủy răng để giữ lại phần chân răng, sau này phục hình răng mới mà không cần nhổ răng.

Không phải tất cả các răng đều lấy tủy được. Ví dụ, răng số 8 (răng khôn) khi viêm tủy hoặc sâu răng quá mức… thường không lấy tủy mà sẽ tiến hành nhổ vì bảo tổn tủy không còn chức năng ăn nhai.

Một số trường hợp khác như người cao tuổi có tình trạng canxi hóa quá mức thì việc lấy tủy răng rất khó khăn, một số trường hợp lấy tủy răng không thành công. Theo thống kê tỷ lệ lấy tủy răng thành công cao nhất là 90%. Các bác sĩ vẫn cố gắng lấy tủy răng để bảo tồn răng, trường hợp nằm trong 10% thất bại mới tiến hành nhổ răng.

4. Quy trình điều trị lấy tủy răng gồm những gì?

Quy trình điều trị lấy tủy răng sẽ gồm những bước nào, cũng như trước khi thực hiện có cần lưu ý vấn đề gì hay không, việc ăn uống trước khi lấy tủy sẽ ra sao thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Về quy trình lấy tủy răng, đầu tiên bác sĩ sẽ khám xem tình trạng răng có cần lấy tủy răng không, chụp X-quang xem là viêm tủy răng hoại tử hay viêm quanh chóp.

Sau khi có quyết định lấy tủy răng sẽ tiến hành:

- Khoan để lộ tủy răng, dùng các dụng cụ chuyên biệt để lấy tủy răng.

- Sau khi lấy sạch, bơm rửa phần tủy răng bị chết, bị viêm sẽ tiến hành trám bít lỗ tủy.

- Theo dõi bệnh nhân không có tình trạng đau nhức hay viêm và chụp phim lại kết quả tốt sẽ tiến hành trám lỗ đã khoan hoặc phần sâu răng đã mất.

- Một số trường hợp khác có thể tiến hành bọc răng sứ hoặc kim loại trên phần vừa lấy tủy để phục hình lại hình dạng ban đầu, đảm bảo chức năng ăn nhai cho bệnh nhân.

Một số lưu ý trước khi lấy tủy răng:

- Khi lấy tủy răng có thể tiêm thuốc tê nên cần đánh răng sạch sẽ.

- Ăn uống đầy đủ.

- Thông báo với bác sĩ về các bệnh lý đang gặp như tim mạch hay tiểu đường để trong đảm bảo điều kiện lấy tủy răng.

5. Điều trị lấy tủy răng gồm bao nhiêu buổi?

Thưa BS, thông thường điều trị lấy tủy răng cần bao nhiêu lần hẹn và những nguyên nhân nào khiến răng cần phải lấy tủy lại?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Trường hợp răng không bị viêm quanh chóp hoặc thành xung quanh cổ răng chỉ cần 1 lần hẹn. Sau khi khám và lấy tủy răng 1 lần đã sạch hết viêm, bác sĩ sẽ trám lại là đã hoàn thành quy trình.

Trường hợp tủy bị hoại tử, có mủ hoặc viêm xung quanh thì quá trình lấy tủy răng có thể diễn ra từ 2 - 4 lần, mỗi lần hẹn cách khoảng 3 - 4 ngày hoặc sau 1 tuần tùy trường hợp.

6. Có thể lấy tủy răng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày

Đối với nhổ răng thường được các bác sĩ nha khoa khuyến nghị nên nhổ vào buổi sáng. Vậy việc lấy tủy có khuyến nghị hay lưu ý thời gian thực hiện trong ngày không thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Lấy tủy răng có thể thực hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, chỉ cần đảm bảo được sức khỏe vì lấy tủy răng có thể kéo dài 1 - 2 tiếng.

7. Trong và sau quá trình lấy tủy có đau không?

Trong và sau quá trình lấy tủy có đau hay không? Sau khi răng đã lấy tủy thì cần lưu ý vấn đề gì trong ăn uống và sinh hoạt thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Đau nhức là vấn đề rất nhiều bệnh nhân lo lắng, nhiều bệnh nhân mong muốn nhổ răng ngay vì sợ đau khi lấy tủy răng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang viêm cấp hay sử dụng thuốc tê thì với sự phát triển của thuốc tê hiện tại, bệnh nhân gần như không đau nhức.

Trong trường hợp tủy hoại tử thì không cần sử dụng thuốc tê vẫn lấy tủy bình thường. Do đó không nên quá lo sợ trong quá trình lấy tủy răng, vì nếu bệnh nhân có cảm giác đau sẽ không thực hiện được.

Sau khi lấy tủy răng, nếu viêm cấp nhiều bệnh nhân có thể đau trong 1 - 2 tiếng, thậm chí 1 - 2 ngày, tuy nhiên nếu dùng thuốc giảm đau triệu chứng sẽ hết.

Một số lưu ý sau khi lấy tủy răng:

- Những lần đầu thường dùng chất trám tạm, vì vậy bệnh nhân nên ăn uống sau khi lấy tủy 1 - 2 tiếng.

- Trong quá trình lấy tủy răng có dùng mũi khoan, do đó không nên ăn thức ăn cứng vì sẽ gây vỡ miếng trám hoặc vỡ mô răng lành mà chúng ta đang cần bảo tồn.

8. Sau khi lấy tủy răng có cần thiết bọc mão răng?

Sau khi lấy tủy răng có cần thiết bọc mão răng hay không, trường hợp nào nên sử dụng thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sau khi lấy tủy răng cần trám răng lại hoặc bọc mão sứ/mão sứ kim loại.

Việc trám hay bọc sứ sẽ tùy vào tình trạng của răng. Một số trường lấy tủy với kích thước rất nhỏ, chỉ cần trám răng. Trường hợp mất mô răng nhiều hoặc bị nứt dưới răng thì chỉ định bọc mão răng là phù hợp nhất để bảo tồn răng và lấy tủy.

Răng sau khi lấy tủy, răng thường giòn và dễ mục nên dùng mão sứ hay kim loại để bọc răng sẽ giúp vừa lấy tủy vừa bảo tồn chức năng ăn nhai của răng.

9. Sau khi lấy tủy răng nên chăm sóc răng miệng thế nào?

Nhiều người cho rằng sau khi răng đã lấy tủy sẽ chuyển thành màu đen, thực hư điều này như thế nào? Sau khi lấy tủy răng thì nguyên tắc chúng ta chăm sóc răng miệng ra sao thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Tủy răng giúp nuôi dưỡng răng, sau khi lấy tủy, răng sẽ trở thành “cây bị chết”. Từ đó, dẫn đến đổi màu răng, đầu tiên có thể là màu vàng, về lâu dài (3 - 5 năm sau) sẽ chuyển thành màu đen.

Sau khi lấy tủy răng, việc chăm sóc răng miệng cần kỹ càng:

- Đánh răng đúng và đủ.

- Dùng chỉ nha khoa để kiểm soát răng dư thừa dưới kẽ răng.

- Chăm sóc kỹ hơn những răng khác vì dễ bị vỡ, mục hơn nên cần cẩn thật trong ăn uống.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X