Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm ngừa cúm khi mang thai có an toàn?

Tại sao tiêm ngừa cúm lại quan trọng trong thai kỳ? Thời điểm nào tiêm là tốt nhất? Vắc xin cúm có an toàn cho mẹ và thai nhi không? Những thắc mắc này sẽ được ThS.BS Lê Võ Minh Hương - Bệnh viện Từ Dũ giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Phụ nữ mang thai có nên tiêm ngừa cúm mùa?

Như chúng ta đều biết, cúm mùa là một bệnh rất thường gặp, đặc biệt là ở những nước nhiệt đới như Việt Nam. Triệu chứng của cúm thường nhẹ, có thể kể đến như: sốt, ho, đau họng hoặc chỉ mệt mỏi thông thường. Sẽ không có gì đáng lo ngại nếu các bạn có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh bởi cơ thể có thể tự hồi phục khi bị nhiễm cúm.

Tuy nhiên, ở một số đối tượng nguy cơ cao có hệ miễn dịch không khoẻ như bình thường như: bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân có bệnh lý nền mãn tính hoặc phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, khi bị nhiễm virus cúm, cơ thể có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn như viêm phổi hoặc suy các cơ quan, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Vì lý do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao này, trong đó có phụ nữ mang thai. Vậy nên, các mẹ bầu hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm ngừa cúm nhé!

Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa cúm để bảo vệ cả mẹ và con.

2. Tiêm ngừa cúm mùa khi mang thai liệu có ảnh hưởng gì không?

Hiện nay, loại vắc xin cúm được chỉ định để tiêm cho phụ nữ mang thai là vắc xin được điều chế từ virus cúm đã được bất hoạt. Vắc xin này đã được các nghiên cứu chứng minh an toàn khi sử dụng trong thai kỳ vì nó không hề gây ra một tác động xấu nào cho thai kỳ, cũng như không gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm ngừa vắc xin cúm khoảng 2 tuần, cơ thể của mẹ bầu đã có thể bắt đầu sản xuất đủ kháng thể để chống lại virus cúm và có khả năng bảo vệ chính bản thân mình khỏi virus cúm. Đồng thời, các kháng thể này sẽ thông qua bánh nhau đi vào hệ tuần hoàn của thai nhi, nhờ đó em bé sau sinh sẽ có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh hơn để chống lại virus cúm, đặc biệt là trong 6 tháng đầu sau sinh. Bởi các khuyến cáo tiêm ngừa cúm cho trẻ em sẽ áp dụng khi em bé đạt được từ 6 tháng tuổi trở đi.

Do đó, tiêm ngừa cúm trong giai đoạn mang thai bên cạnh tác động bảo vệ cho người mẹ thì nó còn có tác dụng bảo vệ kép cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong những tháng đầu sau sinh.

3. Tiêm ngừa cúm mùa vào thời gian nào là tốt nhất?

Một điều cần lưu ý, virus cúm là một loại virus có thể biến đổi rất nhanh, do vậy vắc xin cúm sẽ được làm mới mỗi năm để phù hợp với chủng virus cúm trong năm đó. Vì vậy, chúng ta được khuyên đi chích cúm định kỳ 1 lần/năm và tiêm ngừa vào đầu mùa cúm để có được sự bảo vệ tốt nhất.

Đối với các mẹ bầu, các bạn sẽ được tiêm một liều vắc xin cúm, có thể tiêm ở bất kỳ thời điểm nàotrong thai kỳ. Đa phần các BS sẽ chỉ định bạn tiêm vào khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Tóm lại, tiêm ngừa vắc xin cúm là một giải pháp đơn giản, hiệu quả và an toàn, giúp cho mẹ bầu có được sức khoẻ tốt trong thai kỳ, cũng như giúp em bé có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh trong những tháng đầu sau sinh cho đến khi em bé được tiêm ngừa cúm ở thời điểm 6 tháng.

Trích trong chương trình “180 giây thay đổi” – Chủ đề “Tiêm ngừa cúm khi mang thai” của Bệnh viện Từ Dũ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X