Thuốc nam, thuốc bắc, thực dưỡng có vai trò gì trong điều trị bệnh ung thư?
Nhiều bệnh nhân ung thư cả tin nghe theo lời quảng cáo và lời khuyên vô căn cứ mà bỏ phương pháp điều trị tây y, để sử dụng những phương pháp khác. Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị ung thư
Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị ung thư?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Y học cổ truyền không đóng vai trò chính nhưng nó giúp hỗ trợ trong điều trị bệnh ung thư. Y học cổ truyền giúp cho bệnh nhân giảm tác dụng của các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Y học cổ truyền còn có tác dụng giúp người bệnh thanh lọc, mát gan, giải độc, người bệnh nhanh hồi phục hơn.
Ngoài ra, nó còn giúp người bệnh ăn ngon, ngủ được trong suốt quá trình dài điều trị ung thư.
Y văn thế giới nói gì về các bài thuốc cây cỏ, dược liệu trong điều trị ung thư?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Hiện nay, có một số loại thuốc điều trị ung thư được bào chế từ cây cỏ trong tự nhiên. Ví dụ, từ cây bình bát, thông đỏ có thể chiết xuất được những hoạt chất giúp điều trị bệnh ung thư. Nhưng quá trình chiết xuất này đòi hỏi quá trình và công nghệ phức tạp để có thể tinh chế được những hoạt chất điều trị ung thư.
Y học cổ truyền chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ điều trị ung thư. Những nghiên cứu về điều trị ung thư từ cây cỏ còn khá hạn chế và chưa đạt được kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể sử dụng y học cổ truyền phối hợp với tây y trong suốt quá trình điều trị ung thư.
2. Y học cổ truyền có trị dứt điểm ung thư?
Nếu bệnh nhân chỉ theo phương pháp Y học cổ truyền mà bỏ luôn phương pháp của tây y thì có chữa dứt điểm bệnh ung thư?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Y học cổ truyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Hiện nay, hiệu quả của điều trị y học cổ truyền trong điều trị ung thư vẫn chưa được chứng minh.
Bệnh nhân vẫn có thể điều trị bằng y học cổ truyền nhưng vẫn phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Với kinh nghiệm hành nghề mười mấy năm, tôi chưa thấy trường hợp bệnh nhân nào chỉ điều trị y học cổ truyền mà có thể điều trị khỏi bệnh ung thư.
Người dân hay có sự nhầm lẫn ung thư với u nhọt. Ung thư là loại có u ác tính, có thể xâm lấn hoặc di căn. U nhọt là những ổ nhiễm trùng ngoài da,có thể đắp lá để nó vỡ ra, thoát mủ ra ngoài và lành vết thương. Do đó, người ta hay nhầm lẫn rằng có thể dùng y học cổ truyền để điều trị ung thư.
3. Thực hư của những quảng cáo trị dứt điểm ung thư
Trên mạng xã hội đang rộ lên các quảng cáo "Nhà tôi ba đời chữa bệnh ung thư... ở đây chúng tôi trị ung thư dứt điểm", thực hư điều này như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Bản chất của những cái này chỉ là quảng cáo và không có thật. Bệnh nhân trong quảng cáo cũng không biết là họ có bệnh thật hay không. Bệnh ung thư có thể được coi là bệnh lý mãn tính và có nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, uống thuốc, chạy tia,... Những phương pháp này đã được nghiên cứu trong thời gian dài và chứng minh được hiệu quả của phương pháp. Đối với bác sĩ chuyên khoa, người ta luôn đề ra những phương pháp dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể.
Những quảng cáo trên mạng, người ta chỉ nói nhưng không chứng minh được. Những nhân vật xuất hiện trong clip quảng cáo khá mập mờ, không rõ họ có bằng cấp không. Đối với những quảng cáo như vậy, người dân cần cân nhắc và tìm hiểu thêm thông tin.
4. Vai trò của thực dưỡng trong điều trị ung thư?
Thực dưỡng đóng vai trò như thế nào trong việc điều trị ung thư?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Thực dưỡng là một phương pháp ăn uống, giúp hỗ trợ bệnh nhân đang điều trị ung thư. Phương pháp thực dưỡng đề cao ăn uống những thực phẩm sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế ăn thịt mỡ và ăn nhiều rau xanh. Đây không phải là phương pháp điều trị ung thư.
Chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng có hiệu quả hơn các phương pháp dinh dưỡng khác đối với bệnh nhân ung thư.
Nếu bệnh nhân có mong muốn ăn thực dưỡng thì vẫn được, miễn bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ăn. Có nhiều trường phái thực dưỡng rất khắc nghiệt, chỉ ăn gạo lứt muối mè, điều này sẽ khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân ăn thực dưỡng nhưng vẫn đầy đủ chất, đã ăn trong thời gian dài và cảm thấy thoải mái khi ăn thì nên tiếp tục duy trì.
5. Kiêng đạm, cữ đường, bỏ đói tế bào ung thư có đúng không?
Việc kiêng đạm, cữ đường, bỏ đói tế bào ung thư là có cơ sở khoa học không, thưa bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Đây là quan niệm sai lầm và phản khoa học. Cộng đồng khoa học thế giới sẽ không có ai khuyên bệnh nhân làm điều này hết.
Việc kiêng đạm, cử đường trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng. Đối với bệnh nhân ung thư thì nên ăn chế độ ăn cân đối, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như đạm, đường tinh bột, chất béo. Chế độ ăn như vậy mới đủ sức để điều trị bệnh ung thư.
Việc bỏ đói khối u là vấn đề hết sức nguy hiểm. Tế bào ung thư như cây tầm gửi, nó sống ký sinh và hút chất dinh dưỡng. Nếu như bệnh nhân không ăn uống thì tế bào ung thư vẫn tiếp tục bám và hút chất dinh dưỡng của cơ thể, làm cho người bệnh ngày càng suy kiệt.
Việc bỏ đói khối u nghĩa là tự bỏ đói cơ thể, làm cơ thể suy kiệt. Nếu như cơ thể bị suy kiệt sẽ dẫn tới thiếu máu, hệ miễn dịch dễ bị tổn thương. Khi đó, tế bào ung thư càng dễ hoành hành. Vì vậy, việc bỏ đói tế bào ung thư là việc làm sai lầm và nguy hiểm.
6. Vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị ung thư
Thực phẩm chức năng đóng vai trò như thế nào trong điều trị ung thư?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Thực phẩm chức năng bản chất là một loại thực phẩm có bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng và không phải là thuốc. Thực phẩm chức năng có vai trò hỗ trợ, bổ sung các chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho người bệnh. Nhờ đó, giúp cho người bệnh khỏe hơn, đỡ mệt hơn và đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị bệnh.
Thực phẩm chức năng không thể thay thế được các phương pháp điều trị ung thư chính thống.
7. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Người bệnh ung thư nên ăn thực phẩm nào và kiêng loại thực phẩm gì?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Ung thư là bệnh mãn tính và phải điều trị kéo dài. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn uống giúp duy trì sức khỏe, tránh để cơ thể bị suy kiệt.
Hiện, chưa có chế độ ăn riêng biệt nào dành cho bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân ung thư vẫn duy trì chế độ ăn bình thường, đầy đủ và cân bằng các chất: đạm, đường, chất béo, rau xanh,... Nếu bệnh nhân cảm thấy mệt, không ăn được nhiều trong 1 lần ăn thì nên chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày.
Nếu bệnh nhân ung thư kèm theo bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy thận,... thì cần có chế độ ăn mang tính tiết chế. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp.
8. Tâm lý của bệnh nhân ung thư
Tại sao bệnh nhân ung thư thường lo lắng, nghi ngờ bác sĩ và không muốn áp dụng những phương pháp do bác sĩ đề ra. Đây có phải là tâm lý chung của bệnh nhân ung thư không ạ?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Tâm lý này khá phổ biến. Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn trễ. Với những bệnh nhân này thì việc điều trị phải kéo dài và phải kết hợp nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp điều trị trong bệnh ung thư đều có những biến chứng và tác dụng phụ cho người bệnh.
Do đó, trong suốt quá trình điều trị, nhân viên y tế cần phải theo dõi sát và giải thích rõ về những tác dụng phụ để bệnh nhân yên tâm hơn. Cần động viên và hướng bệnh nhân ăn uống để bệnh nhân yên tâm điều trị.
Trong quá trình điều trị, có những bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt và khỏi bệnh. Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân diễn tiến bệnh không như mong muốn. Có một số ít loại ung thư có thể trị được nhưng nhiều loại ung thư vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm.
Đối với bệnh nhân diễn tiến bệnh tốt thì bệnh nhân vui vẻ và tin tưởng bác sĩ. Đối với bệnh nhân sau thời gian điều trị nhưng đáp ứng thuốc không tốt và khối u tiến triển trở lại thì tâm lý bệnh nhân sẽ hoang mang. Ngoài ra, khối u tiến triển trở lại sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân. Chi phí cho việc điều trị kéo dài cũng là gánh nặng cho bệnh nhân. Vì vậy, với những bệnh nhân điều trị thất bại thì việc người ta hoang mang là dễ hiểu, thậm chí bệnh nhân còn thù hận bác sĩ.
Trong quá trình điều trị, chúng tôi luôn cố gắng giải thích bệnh tình cho người nhà bệnh nhân hiểu rõ. Từ đó, động viên bệnh nhân để họ không rơi vào trầm cảm và có thêm động lực để chiến đấu với bệnh.
Nhìn chung, việc điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ, có nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị mới. Ví dụ, bệnh ung thư phổi, hiện nay đã có nhiều loại thuốc uống giúp bệnh nhân ở giai đoạn cuối kéo dài sự sống từ 1-2 năm.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân và bác sĩ nên có sự gắn kết với nhau. Bệnh nhân nên tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ để gắn bó với quá trình điều trị kéo dài.
9. Lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư
Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân ung thư có thể sống vui sống khỏe với bệnh?
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ:
Bệnh ung thư là điều không ai mong muốn. Chẳng may mắc phải bệnh thì nên có cách tiếp cận bình tĩnh. Bệnh nhân nên đi khám và trao đổi với bác sĩ ở các bệnh viện.
Về phía gia đình, nên có sự động viên, an ủi, khích lệ dành cho bệnh nhân.
Bệnh nhân nên nhìn theo hướng tích cực. Ví dụ, người đang đi làm mà bị bệnh thì sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn.
Bệnh nhân nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Chú trọng về chế độ ăn uống trong suốt quá trình điều trị.
Tham vào vào các CLB bệnh nhân ung thư để chia sẻ và cảm thông giữa những người bệnh với nhau. Khi họ trò chuyện với nhau sẽ có sự tương tác và thấu hiểu lẫn nhau. Ví dụ, mô hình CLB bệnh nhân ung thư ở BV Thủ Đức, các bệnh nhân gắn bó với nhau rất tốt và tuân thủ điều trị tốt. Khi có vấn đề gì, bệnh nhân sẽ hỏi thì bác sĩ sẽ biết và giải đáp kịp thời.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình