Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hồ Vĩnh Phước: Những điều cần biết về xạ trị

Xạ trị là phương pháp thường được nhắc đến trong điều trị bệnh ung thư, nhưng khá nhiều bệnh nhân vẫn còn e ngại khi có chỉ định xạ trị và mong muốn tìm hiểu thêm về phương pháp này.


Do đó, AloBacsi đã mời ThS.BS Hồ Vĩnh Phước - Phó trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ:

- Xạ trị là gì, xạ trị có tác dụng thế nào với ung thư?

- Quy trình một buổi xạ trị gồm những việc gì?

- Sau xạ trị có cần cách ly hay không...?
...

Chương trình do Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp thực hiện.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, xạ trị là gì, xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư theo cơ chế nào ạ?

Xạ trị là một trong những cách điều trị quy ước trong điều trị ung thư, xạ trị dùng nguồn phát ra tia bức xạ, chính tia bức xạ tác động lên tế bào bằng cách tách ion điện tử hay còn gọi là hiện tượng ion hóa tế bào, từ đó tiêu diệt tế bào.


2. Điều trị ung thư ngày nay thường áp dụng đa mô thức. Vậy, xạ trị đóng vai trò như thế nào khi kết hợp cùng các phương pháp khác, thưa BS? Khi nào thì bệnh nhân có chỉ định xạ trị ạ?

Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị đa mô thức, đối với xạ trị có thể kết hợp xạ trước khi phẫu thuật để giảm giai đoạn xuống để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, mục đích co nhỏ hệ thống mạch máu, phẫu thuật một cách triệt để.

Ngoài ra, xạ trị còn kết hợp với hóa trị nhằm tăng hiệu quả của điều trị. Sau khi phẫu trị, xạ trị có vai trò bổ sung tiêu diệt những tế bào di căn.


3. Xạ trị được chia làm mấy loại, chúng khác nhau như thế nào ạ?

Hiện nay xạ trị được phân làm 2 loại:

- Xạ trị ngoài: Dùng những tia phóng xạ chiếu vào khối u.

- Xạ trị trong hay còn gọi là xạ áp sát: Dùng những nguồn áp sát trực tiếp vào khối u để điều trị cho bệnh nhân.


4.  BS có thể mô tả quy trình một buổi xạ trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 được không ạ?

Khi bắt đầu cho bệnh nhân xạ trị, bệnh nhân được hội chẩn, thông qua đó sẽ quyết định hướng điều trị như thế nào.

Ví dụ xạ phổi, đầu tiên bệnh nhân được chụp CT mô phỏng. Khi chụp CT mô phỏng, những vị trí trong laser đánh dấu khối u cần xạ trị, sau đó hình ảnh được truyền qua 1 hệ thống lập kế hoạch. Bác sĩ và kỹ sư sẽ dựa vào kế hoạch đó, xem xét những mục tiêu nào cần xạ, mục tiêu nào cần tránh để hạn chế tổn thương mô lành.

Sau đó, mọi kế hoạch được chuyển qua hệ thống máy gia tốc. Bệnh nhân được lên set-up sau vài phút để điều chỉnh tất cả các trục tọa độ chính xác ngay vị trí u, được kiểm tra một cách chắc chắn và bắt đầu quá trình xạ trị.


5. BS vừa nhắc đến chụp CT mô phỏng, nhờ BS nói thêm về phương pháp này ạ, CT mô phỏng khác thế nào với chụp CT để tầm soát bệnh?

CT mô phỏng và CT tầm soát đều là CT scan nhưng khác nhau về số lát cắt, mức độ hấp thu. Trong CT mô phỏng thường là 2 lát cắt còn CT tầm soát, chẩn đoán là 15, 16, 32, 36 lát cắt thì mức độ hấp thu sẽ cao hơn. CT tầm soát sẽ chẩn đoán tốt hơn CT mô phỏng.

ThS.BS Hồ Vĩnh Phước - Phó trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115
ThS.BS Hồ Vĩnh Phước - Phó trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115


6. Thường một lần xạ trị sẽ mất thời gian bao lâu ạ? Có trường hợp bệnh nhân không sắp xếp được, lỡ hẹn 1 buổi xạ trị thì ảnh hưởng thế nào đến việc điều trị, thưa BS?

Thời gian một liệu trình xạ trị sẽ tùy theo mục tiêu điều trị. Xạ trị giảm nhẹ thì 10 lần, một tuần 5 buổi. Xạ trị triệt căn: từ 30 - 35 lần, mỗi tuần 5 ngày.

Quy trình xạ trị: Ngày đầu tiên, bác sĩ và kỹ sư lập kế hoạch, ngày hôm sau bệnh nhân sẽ được xạ trị nội trong 24 tiếng.

Nếu bệnh nhân bận việc hoặc đột ngột thấy mệt, có thể bỏ qua 1-2 ngày. Nhưng trường hợp nghỉ quá 7 ngày thì chất lượng tia xạ sẽ nguội, ảnh hưởng đến điều trị vì đáp ứng không đủ tia xạ.


7. Tia xạ rất độc hại nên nhiều bệnh nhân ung thư băn khoăn là sau xạ trị, bao lâu thì hết tia xạ trong người? Người thân trong gia đình chăm sóc có bị nhiễm tia xạ không, nếu cần thì cách ly trong bao lâu? Nhờ BS giải đáp ạ?

Đối với xạ trị ngoài, có nhiều tia phóng xạ không ảnh hưởng, không mang tia về nhà nên mọi sinh hoạt đều bình thường.

Đối với xạ trong thì phải cách ly 6-8 tiếng, thường thì bệnh nhân điều trị theo dõi hết 6-8 tại bệnh viện xong mới về nên cũng không ảnh hưởng đến người thân.


8. Cũng có bạn đọc thắc mắc rằng: xạ trị là tập trung tia xạ vào một điểm, cụ thể là khối u, vậy các bộ phận trên đường tia xạ đi qua có bị ảnh hưởng gì không, thưa BS?

Tùy theo vị trí xạ mà có những tác dụng phụ đi kèm; như xạ vùng đầu mặt cổ tác dụng phụ hay gặp: loét niêm mạc miệng, khô miệng, đau họng, rụng tóc, da khô, loét da, buồn nôn, nuốt đau nuốt khó thậm chí xạ vùng đầu cổ bệnh nhân không ăn uống được phải đặt sonde dạ dày nuôi ăn hay mở dạ dày… Xạ trị vùng bụng thì hay rối loạn về tiêu tiểu, có thể tiêu chảy, tiểu buốt tiểu gắt… Do đó, khi xạ trị, các bác sĩ sẽ giải thích kỹ cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc răng miệng, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và dự phòng các tác dụng phụ của xạ trị.

Khi xạ trị, tất cả vùng tia xạ đi qua để đến khối u đều bị ảnh hưởng. Khi lập kế hoạch điều trị, BS và kỹ sư sẽ che chắn cho mô lành, giúp hạn chế ảnh hưởng đến mô lành. Hiện nay,kỹ thuật càng hiện đại thì mô lành càng ít bị ảnh hưởng.


9. Về lâu dài thì xạ trị có thể để lại những tác dụng phụ hay di chứng nào ạ? Nhờ BS hướng dẫn cách khắc phục?

Phần lớn khi xạ trị đều để lại di chứng, đối với trẻ em thì ảnh hưởng lên cơ, lên xương, có thể dẫn đến việc chậm phát triển. Những cơ quan sinh dục rất nhạy với tia, những vùng như tuyến yên, thần kinh thị, tuyến giáp cúng rất dễ ảnh hưởng. Do đó, khi điều trị xạ trị, BS cần cân nhắc liều lượng để đáp ứng vừa phải, ít ảnh hưởng mô lành mà vẫn diệt được khối u.

10. Theo BS, bệnh nhân (nam và nữ) chưa sinh con có nên điều trị xạ trị hay không?

Đối với phụ nữ trẻ hoặc nam chưa có gia đình, hiện nay trên thế giới áp dụng biện pháp là bệnh nhân sẽ lấy tinh trùng và trứng đem gửi ngân hàng mô.Sau khi kết thúc điều trị, khi có nhu cầu sinh con, bệnh nhân sẽ nhận lại trứng và tinh trùng đã gửi để sử dụng. Đó là biện pháp tốt nhất hiện nay.


~~~~~~~~

Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS Hồ Vĩnh Phước - Phó trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về xạ trị là gì? Xạ trị có tác sụng như thế nào với bệnh nhân ung thư? Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Ảnh: Viết Hưởng

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X