Vài điều cần biết cho bệnh nhân hóa trị
Dưới đây là những chia sẻ từ BS.CK2 Lê Thị Thu Sương, chuyên khoa Ung Bướu của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM về những vấn đề căn bản của phương pháp hóa trị cho bệnh nhân bị ung thư.
1. Hóa trị: là biện pháp điều trị ung thư bằng thuốc, do bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu chỉ định và theo dõi, có thể sử dụng riêng biệt hoặc phối hợp với các biện pháp khác như phẫu thuật và xạ trị với mục tiêu chữa lành, giảm nhẹ triệu chứng hoặc kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Hóa trị có thể áp dụng mọi giai đoạn bệnh từ sớm cho đến trễ tùy dạng bệnh lý, điều trị hỗ trợ thường sau phẫu thuật giai đoạn sớm cho những bệnh có tiềm năng di căn, hoặc phối hợp xạ trị nhằm tăng độ nhạy của tia xạ, tăng đáp ứng lên khối u.
2. Hóa trị có thể đưa vào cơ thể qua nhiều đường: đường truyền tĩnh mạch, đường tiêm bắp hoặc tiêm tủy sống, đưa vào khoang cơ thể như màng bụng (ổ bụng), hoặc trực tiếp vào cơ quan (bàng quang,...), bôi da trong các bệnh ung thư da sớm, hoặc đưa vào động mạch làm thuyên tắc sự nuôi dưỡng khối u (TACE trong ung thư gan)...
3. Khi đang hóa trị: tất cả những thuốc đưa vào cơ thể đều có thể xảy ra những biến chứng bất lợi, hóa chất không ngoại lệ. Phản ứng cấp có thể xảy ra ngay lúc tiêm truyền, mức độ nhẹ đến nặng (ngứa, nổi mè đay, co thắt thanh quản gây khó thở, đau bụng... nặng nhất gây sốc phản vệ... Vì thế tại bệnh phòng nếu xảy ra những triệu chứng bất thường nên báo ngay cho điều dưỡng trực hoặc bác sĩ để xử lý.
4. Sau khi hóa trị, cơ thể bị giảm sức đề kháng do ảnh hưởng bởi hóa chất, phải hạn chế tối đa bị nhiễm trùng cơ hội bằng cách:
- Ăn uống bình thường, không kiêng cữ (ngoại trừ thuốc lá, rượu bia, hạn chế đồ ăn quá cay, quá nóng, nhiều dầu mỡ…);
- Chăm sóc răng miệng: giữ vệ sinh răng miệng, có thể súc rửa họng bằng nước muối chín pha loãng, đánh răng bằng bàn chải mềm;
- Mang khẩu trang khi tiếp xúc chỗ đông người, đi ngoài đường khói bụi...;
- Giữ vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên;
- Tránh tiếp xúc với người đang mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi.
5. Bệnh nhân sau hóa trị và bệnh ung thư không có tính lấy nhiễm cho người xung quanh nên không cần thiết phải cách ly, mọi sinh hoạt có thể duy trì như bình thường, ngay cả sinh hoạt tình dục khi bệnh lý và sức khỏe cho phép, nếu cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhất là bệnh lý có liên quan cơ quan sinh dục.
6. Trong thời gian hóa trị phải dùng các biện pháp tránh thai và không cho con bú.
7. Các bệnh lý nội khoa khác đi kèm như bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, viêm gan siêu vi… vẫn điều trị tiếp tục theo chuyên khoa và nên báo cho bác sĩ biết.
8. Xử lý một số tác dụng phụ thông thường có thể gặp sau khi ra viện như:
- Buồn nôn/nôn: có thể sử dụng các thuốc chống nôn (tham khảo ý kiến bác sĩ).
- Tiêu chảy: xử lý giống như các dạng tiêu chảy thông thường:
+ Bù mất nước bằng uống dung dịch pha điện giải hoặc bù điện giải truyền nếu cần tại cơ sở y tế;
+ Có thể dùng các loại thuốc băng đại tràng;
+ Thận trọng khi sử dụng thuốc cầm tiêu chảy (nên có sự tư vấn của bác sĩ);
+ Nếu tiêu chảy kèm nhiễm trùng cần điều trị tích cực tại bệnh viện.
- Loét miệng: dùng bàn chải mềm, ăn loãng hoặc xay, dung dịch uống sữa, nước có thể làm lạnh để giảm triệu chứng rát buốt. Có thể sử dụng các loại kem bôi giảm đau, kháng viêm.
- Sốt/nhiễm trùng: phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
- Tê buốt lòng bàn tay chân: do ảnh hưởng đến thần kinh ngoại biên của một số hóa chất, thường là di chứng khó trị và có thể giảm dần chậm theo thời gian.
- Sạm da và khô nứt da tay chân: có thể gặp ở một số thuốc, hạn chế tiếp xúc ánh sáng khi ra nắng, bôi vaselin hoặc các sản phẩm mềm da dự phòng khi bắt đầu điều trị, nếu bị nặng nề cần có sự kiểm soát của bác sĩ.
- Vùng tiêm truyền bị sưng đỏ hoặc phồng rộp: có thể liên quan thoát mạch hóa chất khi tiêm truyền, cần trở lại gặp bác sĩ để được xử lý tùy theo loại hóa chất (tìm hiểu thêm thông tin xử lý và theo dõi thoát mạch).
9. Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh quá sức.
10. Nếu ăn uống kém có thể bổ sung sữa hoặc truyền các lọai dung dịch dinh dưỡng nếu không có chống chỉ định về các bệnh lý nội khoa và thực hiện tại các cơ sở y tế.
11. Một số dấu hiệu cần phải nhập viện ngay:
- Sốt > 38.5 độ à lưu ý vấn đề giảm bạch cầu kèm nhiễm trùng dễ gây diễn tiến nặng cần nhập viện gấp và điều trị tích cực;
- Khó thở;
- Tiêu chảy kéo dài;
- Nôn khó kiểm soát;
- Loét niêm mạc nặng;
- Suy kiệt, mệt nhiều;
- Xuất huyết tự nhiên;
- Sưng tấy vị trí tiêm truyền;
- Khó thở không có tiền căn trước đó;
- Huyết áp cao dao động;
- Đau bụng không rõ nguyên nhân.
Với tất cả các dấu hiệu trên, chỉ cần người bệnh có xuất hiện một trong những dấu hiệu tôi vừa trình bày, hãy đến bệnh viện gần nhất để được xử lý ban đầu.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình