Hotline 24/7
08983-08983

Thực hư thông tin ăn đồ nếp làm chậm lành vết thương, gây mưng mủ?

Đồ nếp làm chậm lành vết thương, gây mưng mủ, sưng amidan, có đúng không? Người mới phẫu thuật bao lâu được ăn đồ nếp? Những món ăn hay thực phẩm nào tương kị với đồ nếp?... Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Đồ nếp, dưa hành, củ kiệu mang lại giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Trước tiên xin hỏi BS, đồ nếp hay những thực phẩm lên men như dưa hành, củ kiệu mang lại những giá trị dinh dưỡng như thế nào ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bánh tét, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu là những món ăn truyền thống trong Tết dân tộc Việt Nam chúng ta. Đây là những món ăn ngon không thể thiếu.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bệnh lý mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp, gout ngày càng tăng lên. Nếu mắc các bệnh này thì trong những ngày Tết sẽ có một số loại thực phẩm không nên sử dụng nhiều. Đó là thực phẩm làm từ gạo nếp như bánh tét, bánh chưng, những loại thực phẩm lên men và muối chua là những món chúng ta cần lưu ý. Ngoài ra một số món có nguy cơ tăng cân rất cao như thịt kho trứng, bánh, kẹo, mứt,… nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

2. Ăn nhiều đồ nếp sẽ gây ra các vấn đề gì?

Mặc dù có những giá trị dinh dưỡng, nhưng nếu ăn nhiều đồ nếp (bánh chưng, bánh tét, xôi…), hay dưa hành, củ kiệu sẽ gây ra các vấn đề gì cho sức khỏe, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời:

- Nếu ăn quá nhiều sẽ dễ tăng cân. Sau Tết việc giảm cân sẽ vô cùng khó khăn vì một khi đã tăng cân sẽ rất khó để giảm lại.

- Các cô bác có vấn đề về đường huyết như tiểu đường, tiền đái tháo đường nếu sử dụng quá nhiều tinh bột trong bữa ăn sẽ có nguy cơ tăng đường huyết sau bữa ăn.

- Tăng cân là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.

- Các thực phẩm lên men, muối chua, thực phẩm hộp, đóng gói như chả lụa chứa rất nhiều natri sẽ dẫn đến cao huyết áp.

Do đó, trong bữa ăn ngày Tết mặc dù rất vui nhưng cần điều tiết và có lượng ăn trong giới hạn cho phép để chúng ta có sức khỏe và vui vẻ bên gia đình.

3. Nên ăn đồ nếp như thế nào là hợp lý?

Theo BS, ai tuyệt đối cần kiêng những món ăn từ gạo nếp? Những ai có thể ăn nhưng nên hạn chế ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với dinh dưỡng chúng ta hoàn toàn không kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào, trừ những bệnh lý khá đặc biệt. Nếu kiêng khem quá mức, tuyệt đối không ăn thì đến một thời điểm nào đó chúng ta sẽ thèm và khi đó ăn thoải mái, không kiểm soát dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Quan trọng là ăn uống điều độ, trong ngày Tết, những bệnh nhân tiểu đường có thể ăn một ít bánh chưng. Ví dụ 1/8 bánh chưng loại 1 kg sẽ cung cấp khoảng 300 - 450 Kcal. Nếu chỉ ăn 1/16 bánh chưng và giảm lượng cơm, ăn kèm rau sẽ giúp đường huyết tương đối ổn định và có thể thưởng thức những món ăn ngon trong ngày Tết.

Bệnh nhân tăng huyết áp cần hạn chế natri, tuy nhiên trong bữa ăn nếu muốn vẫn có thể ăn một vài lát dưa cải. Đồng thời hạn chế thực phẩm đóng hộp như chả lụa, giò thủ. Trong quá trình ăn đừng chấm thêm các loại nước chấm như nước tương, muối tiêu.

4. Các loại đồ nếp chứa bao nhiêu Kcal?

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, một chén (bát) xôi, một miếng bánh chưng hay bánh tét cung cấp bao nhiêu kcal? Làm sao để tính lượng kcal cần mỗi ngày cho nam, nữ, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh mạn tính?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với người lớn trung bình năng lượng khoảng 1600 - 2000 Kcal. Tùy theo chiều cao và loại hình vận động như nhân viên văn phòng, người lao động nặng. Tùy theo độ tuổi, giới tính và những yếu tố khác. Chúng ta có thể ăn trung bình một chén cơm trong một bữa và ăn ngày 3 bữa. Bên cạnh đó, một 100g bánh chứng tương đương với một chén cơm.

- Đối với người bình thường không có bệnh lý kèm theo mỗi bữa ăn có thể ăn từ 50 - 100g bánh chưng.

- Đối với bệnh nhân tiểu đường, nguy cơ tăng đường huyết khi sử dụng dụng các loại bột nếp cao sẽ có cách tính khác.

Lưu ý trong bánh chưng không chỉ có bột nếp mà còn có thịt mỡ, các loại dầu mỡ nên khi ăn bánh chưng phải hạn chế cơm lại.

Để duy trì không tăng cân sau dịp Tết quá nhiều chúng ta nên:

- Đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn.

- Ngoài bánh chung, cơm thuộc nhóm tinh bột cần bổ sung thêm các loại rau quả tươi, đặc biệt là rau xanh.

- Uống đủ nước.

- Duy trì chế độ tập luyện, rèn luyện thể lực, tập thể dục hằng ngày như trước khi Tết.

5. Tại sao khi ăn đồ nếp lại cảm thấy đầy bụng, khó hấp thu, gây khó chịu?

Ngay cả những người khỏe mạnh, không có bệnh khi ăn đồ nếp cũng có cảm giác bị đầy bụng, khó hấp thu, gây khó chịu. Tình trạng này là do đâu, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đầy bụng là tình trạng không chỉ riêng dịp Tết mà ngày thường chúng ta cũng có thể gặp. Đặc biệt là những người có vấn đề về dạ dày như viêm dạ dày, viêm dạ dày do stress, viêm xung huyết dạ dày thì nguy cơ đầy bụng sẽ càng cao hơn.

Trong dịp Tết chúng ta có thói quen đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết và ăn một ít bánh mứt, uống một lon nước ngọt, khi về nhà lại tiếp tục bày một mâm cỗ. Việc nạp rất nhiều thức ăn trong một ngày là vấn đề thường xảy ra trong dịp Tết và làm chúng ta đầy bụng, không chỉ riêng sử dụng đồ nếp.

Trong bánh chưng có thêm thịt mỡ và các loại dầu mỡ khác hoặc thịt kho hột vịt cũng chứa rất nhiều chất béo. Khi chúng ta ăn nhiều loại thực phẩm và vừa ăn vừa nói cười sẽ nhai vội dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.

Để tránh các vấn đề đầy bụng, khó tiêu chúng ta nên:

- Ăn điều độ, hàm lượng vừa phải, nhai kỹ.

- Không nên ăn quá nhiều, kiểm soát các loại thực phẩm ăn vào.

- Hạn chế thức uống có gas hoặc có cồn.

6. Cách giải tỏa bớt khó chịu khi ăn quá nhiều đồ nếp?

Nếu lỡ ăn quá nhiều đồ nếp gây khó chịu, liệu có cách nào để giải tỏa bớt cảm giác này không thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Khi chúng ta có những vấn đề về dạ dày hoặc vấn đề về đường tiêu hóa trước đó thì nên:

- Chuẩn bị sẵn thuốc trong gia đình.

- Đi khám bệnh thường xuyên để được bác sĩ chẩn đoán và cho toa điều trị hợp lý.

- Trong tủ thuốc gia đình nên có các loại như men ruột, thuốc về rối loạn tiêu hóa để phòng hờ sẵn.

- Trong dịp Tết nên lưu ý kiểm tra lại tủ thuốc gia đình, toa thuốc của bác sĩ để chuẩn bị trước trong những ngày phòng khám không làm việc hoặc các nhà thuốc không bán thuốc sẵn.

Nếu bị đầy bụng do ăn nhiều có thể xử lý một số cách như sau:

- Pha một ly trà gừng tươi ấm, uống từ từ chậm rãi để hỗ trợ đường tiêu hóa.

- Ăn chậm, nhai kỹ trong bữa ăn tiếp theo.

- Hạn chế các bữa ăn phụ, ăn vặt để chờ hệ tiêu hóa làm việc.

- Nên duy trì thới quen vận động sẽ giúp hỗ trợ nhu động ruột làm việc.

7. Những trường hợp nên và không nên ăn đồ nếp?

Một số câu hỏi thường gặp của bạn đọc, nhờ BS giải đáp ạ:

- Trẻ em ăn đồ nếp có tốt không và nên ăn thế nào cho đúng?

- Đồ nếp làm chậm lành vết thương, gây mưng mủ, sưng amidan, có đúng không?

- Người mới phẫu thuật bao lâu được ăn đồ nếp?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đồ nếp mang đặc tính dẻo, hơi khó nhai và có nguy cơ bám vào vùng hầu họng dẫn đến em bé dễ bị hít sặc. Vì vậy nếu em bé từ 7 - 10 tuổi trở lên, đã có khả năng kiểm soát việc ăn nhai thì có thể thưởng thức các loại đồ nếp nếu em bé thích.

Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì đồ nếp hơi khó tiêu, nhiều dầu mỡ và chất béo không tốt cho quá trình tiêu hóa cũng như quá trình phát triển của trẻ, dễ làm đầy bụng dẫn đến bé khó ăn cơm hoặc các thực phẩm khác tốt hơn trong bữa ăn gia đình.

Với những bé quá nhỏ nên hạn chế. Vì đồ nếp sẽ bám vào vùng miệng của bé dẫn đến em bé khó kiểm soát, nguy cơ hít sặc có thể xảy ra. Phụ huynh nên theo dõi sát em bé nếu cho ăn các món này.

Một số trường hợp như viêm amidan, sau phẫu thuật, có vết thương, dân gian khuyên nên hạn chế đồ nếp. Về vấn đề này, hạn chế nghĩa là vẫn có thể ăn nếu như thực sự rất thích. Tuy nhiên, nếu không quá thèm hoặc có thể kiểm soát được thì người bệnh nên chờ vết thương lành hẳn, khi đó sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Đồ nếp xét theo góc độ đông y mang tính ôn làm cơ thể dễ sinh nhiệt, gây ra các triệu chứng như viêm nhiễm. Đồ nếp có tinh bột nhánh nên quá trình tiêu hóa sẽ hơi khó khăn. Vì vậy với những trường hợp đang có vết thương thì cần những thức ăn mềm, dễ tiêu, dễ hấp thu, có giá trị dinh dưỡng cao giúp mau lành vết thương. Nên ưu tiên lựa chọn những thực phẩm như rau quả tươi, ngũ cốc,… để sử dụng.

Đối với người vừa phẫu thuật nên hạn chế đồ nếp để ưu tiên những thực phẩm khác giúp vết thương mau lành và quá trình tiêu hóa tốt hơn như:

- Ngũ cốc nguyên hạt có chứa vitamin.

- Thực phẩm thuộc nhóm đạm cung cấp các loại protein tốt như trứng, thịt trắng, cá hồi (có omega 3 và omega 6).

- Ưu tiên bổ sung các loại sữa có thể hỗ trợ lành vết thương hoặc vi chất như vitamin C, vitamin A, vitamin D.

8. Những món lên men như dưa hành, củ kiệu, kim chi nên ăn sao cho đúng?

Đối với những món lên men như dưa hành, củ kiệu, kim chi… nên ăn sao cho đúng, tránh gây hại sức khỏe, đặc biệt là dạ dày? Nhiều người sau khi ăn những món này có cảm giác bị xót ruột, làm sao để xoa dịu dạ dày trong tình huống này, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với người có vấn đề về đường tiêu hóa như viêm dạ dày khi ăn một chút vị chua sẽ cảm thấy xót ruột và khó chịu. Vì vậy cần lưu ý:

- Không nên để bụng đói khi ăn những thực phẩm này. Nên ăn trước một ít cơm, rau hoặc thịt cá để có một lượng thực phẩm tráng trong niêm mạc dạ dày. Sau đó có thể ăn các loại dưa chua, củ kiệm kèm với các loại thực phẩm khác trên bàn ăn.

- Nên bổ sung các loại rau tươi và quả tươi trong bữa ăn. Để khi vào dạ dày sẽ tạo một hỗn hợp từ đó kích thích niêm mạc dạ dày và giảm cảm giác khó chịu.

- Nên ăn uống đúng giờ, điều độ, không nên bỏ bữa.

- Nên ngủ sớm vì khi thức khuya axit dạ dày sẽ tăng lên và gây tổn thương niêm mạc dù có sử dụng các loại men chua, thực phẩm chua hay không.

9. Sau Tết, nên cân bằng dinh dưỡng thế nào để không tăng cân?

Sau Tết, rõ ràng chúng ta có cảm giác người nặng nề hơn, có phải đồ nếp làm chúng ta tăng cân không thưa BS? Vậy trong và sau Tết, nên cân bằng dinh dưỡng thế nào để cân nặng đừng “thả dốc không phanh” ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đây là vấn đề rất thường gặp vì ngày Tết chúng ta mang tâm trạng vui chơi thoải mái, ăn rất nhiều, đặc biệt trên bàn ăn có các loại thực phẩm giàu chất béo. Những món tiêu biểu ngày Tết như thịt kho hột vịt, các loại nem, chả sẽ làm chúng ta bị quá tải dẫn đến khi qua Tết sẽ cảm thấy ngán và muốn ăn những món ăn thanh đạm.

Ngày Tết thường ít tập thể dục nên cảm thấy mệt mỏi chứ không chỉ do thức ăn, đồ nếp. Để tránh tình trạng này, chúng ta nên:

- Nên cân đối bữa ăn trong ngày Tết và sau Tết.

- Ăn lượng thực phẩm vừa đủ với cơ thể.

- Lựa chọn các loại thực phẩm mang tính chất tươi.

- Giảm tẩm ướp về mặt gia vị.

- Ăn rau tươi, rau xanh, các loại quả tươi trong bữa ăn.

- Hạn chế thức uống có gas hay có cồn như rượu, bia.

- Duy trì chế độ rèn luyện thể lực, tập thể dục sẽ giúp cơ thể luôn săn chắc. Đồng thời không bị mệt mỏi hay tăng cân quá nhiều.

10. Những món ăn hay thực phẩm nào tương kị với đồ nếp, đồ lên men?

Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ những món ăn hay thực phẩm nào tương kị với đồ nếp, đồ lên men mà chúng ta cần tránh ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nếu chúng ta ăn đồ nếp và uống cùng các loại thực phẩm mang tính lạnh như bia, nước ngọt sẽ dẫn đến khó tiêu. Trong đồ nếp sẽ có các loại chất béo bão hòa như thịt mỡ, dầu càng làm khó tiêu hơn.

Tương kỵ với các loại thực phẩm sẽ không quá nghiêm ngặt nhưng chúng ta nên lưu ý sử dụng những thực phẩm giúp tiêu hóa tốt. Nên đa dạng các loại thực phẩm. Đồ nếp thuộc nhóm tinh bột nên cần bổ sung các loại đạm như thịt, cá, nhưng hạn chế chất béo. Đồng thời chế biến đơn giản, hạn chế tẩm ướp, sử dụng quá nhiều gia vị.

Mâm cỗ trong ngày Tết thường thiếu rau tươi và quả tươi. Nên lưu ý chuẩn bị trước Tết để có được bữa ăn vừa ngon vừa đa dạng và hợp lý.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X