Hotline 24/7
08983-08983

Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường là gì, nên áp dụng như thế nào?

Người bị tiểu đường luôn phải tuân thủ chế độ ăn khắt khe nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, điều chỉnh ổn định đường huyết. Không có nguyên tắc dinh dưỡng chính xác và phù hợp cho tất cả các bệnh nhân tiểu đường. Tùy theo bệnh lý, mục tiêu điều trị cũng như sở thích ăn uống thông thường mỗi người, tuy nhiên mục đích chính vẫn là để kiểm soát được ổn định chỉ số đường huyết và giảm nguy cơ xuất hiện thêm biến chứng khác.

1. Nguyên tắc trong chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường

- Ăn uống vừa đủ, đảm bảo cơ thể được khỏe mạnh, đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, không bị hạ đường huyết. Không ăn no quá và cũng không ăn ít quá để ổn định đường huyết.

- Nên chia nhỏ bữa ăn: 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ (20% bữa sáng, 30% trưa, 30% tối, 20% bữa phụ) để đảm bảo nửa đêm không bị đói, tránh hạ đường huyết. Ăn đúng giờ.

- Không nên ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đơn độc, nên ăn phối hợp các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

- Trong bữa ăn, ăn rau trước khi ăn cơm.

- Bổ sung nước cho cơ thể đủ 40ml trên 1 kg cân nặng cơ thể.

- Không nên quá kiêng, vẫn phải ăn các loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng. Không nên chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm.

- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày, đi bộ sau ăn 20-30 phút giúp kiểm soát tốt đường máu sau ăn.

2. Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường

Tháp dinh dưỡng dành cho người tiểu đường được xây dựng dưới hình dạng kim tự tháp có 4 tầng, tương ứng với mỗi tầng là từng nhóm thực phẩm cụ thể. Nhóm thực phẩm ở đáy tháp là nhóm người tiểu đường cần bổ sung nhiều nhất và nhóm ở đỉnh tháp là nhóm thực phẩm cần hết sức hạn chế.

Nhóm 1: Nhóm thuộc tinh bột, ngũ cốc, khoai và các chất giàu đường bột

Đây là nhóm thực phẩm giúp cung cấp đủ năng lượng cho bệnh nhân mà không có hoặc có ít vitamin. Người bị bệnh tiểu đường có thể ăn cơm hàng ngày, ăn xôi, hay các loại gạo lứt hay khoai lang,... tùy theo nhu cầu năng lượng của mình. Tuy nhiên không nên ăn khoai tây hay bánh mì, bánh gạo,.. vì có thể gây tăng đường huyết.

Nhóm 2: Nhóm giàu chất xơ, rau củ

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn thanh đạm, trong đó không thể thiếu nhóm chất xơ từ rau xanh, hoa quả. Trong rau củ, hoa quả có nhiều vitamin, axit amin, chất khoáng giúp cung cấp đầy đủ chất cho người bệnh. 

Ngoài ăn rau củ luộc bình thường, người bệnh có thể ăn các món rau sống bằng cách trộn làm salad,... Trong mướp đắng, tảo, rau muống, rau ngót, bí xanh rất tốt cho cơ thể.

Theo nghiên cứu, người mắc bệnh tiểu đường cần tiêu thụ chất xơ trung bình ít nhất 14g/1000kcal/ngày. Với nữ giới là 25g/1000kcal/ngày và với nam giới nên tiêu thụ 38g/1000kcal/ngày.

Nhóm 3: Nhóm chứa nhiều vitamin, chất đạm

Nhóm sữa, thịt cá, trứng,... giúp cung cấp chất đạm, sắt, vitamin đảm bảo dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể đầy đủ. Người bệnh tiểu đường vẫn cần cung cấp nhóm thức ăn này để không bị thiếu chất.

Với những người bị thừa cân hay béo phì chỉ nên ăn thịt nạc như thịt ức gà, không nên ăn thịt có nhiều mỡ, không ăn da gà, vịt vì chứa nhiều mỡ. Nên bổ sung ăn các loại đạm từ thực vật tốt cho cơ thể như đậu phụ hay sữa đậu nành - pha không đường để uống.

Nhóm 4: Nhóm thực phẩm chứa dầu, mỡ, loại hạt có dầu

Nhóm thực phẩm này giúp cung cấp chất béo, tăng hấp thu vitamin. Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung nhóm này bằng cách sử dụng dầu thực vật trong chế biến thực phẩm như dầu đậu nành, dầu oliu. Hạn chế dùng mỡ động vật để chế biến thành dầu, ăn nội tạng động vật, óc hay các sản phẩm đóng hộp sẵn.

Xem thêm: Các thực phẩm người bệnh tiểu đường nên kiêng ăn

3. Những lưu ý trong chế độ ăn uống của người tiểu đường

Với mục tiêu kiểm soát sự ổn định chỉ số đường huyết và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng đối với bệnh nhân tiểu đường, xây dựng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường mang lại những hiệu quả đáng kể.

Việc xây dựng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng dành cho người tiểu đường không đòi hỏi người bệnh phải ăn chính xác bất kỳ loại thực phẩm nào mà có thể chọn thực phẩm đa dạng dựa theo nhóm chất cần thiết cho cơ thể.

a. Các loại thực phẩm bệnh nhân tiểu đường nên sử dụng

- Các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, bún, phở, bánh đúc…(Nên chọn các loại gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc…). 

- Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và canxi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ cả xương, cua…

- Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành…).

- Các loại dầu thực vật có các acid béo không no cần thiết cho cơ thể như: dầu hạt cải, dầu mè, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành… 

- Ăn đa dạng các loại rau (đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như: rau khoai lang, rau mồng tơi, rau đay…).

- Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: gioi, thanh long, bưởi, ổi, cam, đu đủ chín…

- Các loại sữa có chỉ số đường huyết thấp: glucena, nutricare cerna…

b. Nhóm thực phẩm người bệnh tiểu đường nên hạn chế

- Thực phẩm có chứa lượng glucid trên 20%, cho phép ăn thực phẩm nhỏ hơn 5% glucid, hạn chế ăn với thực phẩm có lượng glucid từ 10 - 20%.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều đường như mứt, kẹo, bánh ngọt hay các loại nước ngọt, không nên ăn trái cây khô vì loại này có lượng glucid trên 20%.

- Kiêng hoặc hạn chế tối đa đối với các loại đường hấp thu nhanh (mứt, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt) trái cây khô là các loại thức ăn có trên 20% glucid.

- Nên ăn nhạt, giảm tiêu thụ muối: Chỉ nên sử dụng lượng muối khoảng 2300mg/ngày.

- Không nên uống bia, rượu và các đồ uống có cồn: Rượu có thể khiến người bệnh bị hạ đường huyết, đặc biệt khi bụng rỗng chưa ăn.

- Cần đi khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra sức khỏe, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

Bên cạnh việc chú ý tới hàng ngày, bệnh nhân mắc tiểu đường cũng cần đặc biệt chú ý chế độ luyện tập thể thao hàng ngày. Tùy vào thể trạng của mình để lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa giúp cơ thể dẻo dai khỏe mạnh, vừa tránh nguy cơ bị mắc thừa cân béo phì.

Tuân thủ chế độ và nguyên tắc theo tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường hàng ngày sẽ giúp người bệnh kiểm soát được bệnh cũng như hạn chế làm xuất hiện biến chứng khác.

 c. Chế biến thực phẩm

- Hạn chế các món chiên rán, nướng, ăn thịt gà nên bỏ da.

- Dùng dầu thực vật ở nhiệt độ dưới 100 độ C.

- Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao.

- Hạn chế sử dụng các loại nước quả ép, xay sinh tố: nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X