Các thực phẩm người bệnh tiểu đường nên kiêng ăn
Với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, ngoài các phương pháp điều trị như uống thuốc cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn đúng giờ, đúng bữa, không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế… Dưới đây là 13 loại thực phẩm người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng để tránh tăng đường huyết.
I. Người bệnh tiểu đường nên tránh ăn các loại thực phẩm nào?
1. Nước ngọt
Nước ngọt là đồ uống ưa thích của nhiều người. Thế nhưng chúng là lựa chọn không tốt cho những người bị bệnh tiểu đường. Nước ngọt rất giàu carbohydrat, đường trong những loại đồ uống này thường là fructose, một loại đường đơn có thể nhanh chóng đi vào máu, liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường.
Nước ngọt còn làm tăng mỡ nội tạng, cholesterol và triglyceride có hại. bên cạnh đó, cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tiểu đường như gan nhiễm mỡ. Để kiểm soát lượng đường trong máu, hãy uống nước lọc, nước khoáng hoặc trà đá không thêm đường.
2. Gạo trắng
Gạo trắng thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam, dùng để nấu cơm ăn hàng ngày. Tuy nhiên gạo trắng có chỉ số GI 64 thuộc nhóm có GI cao, gây tăng đường huyết nhanh sau ăn. Người bệnh tiểu đường nên ăn một lượng nhỏ gạo trắng khoảng 1 lòng bàn tay cho mỗi bữa. Có thể thay bằng loại tinh bột khác có chỉ số đường huyết thấp hơn như đậu, khoai lang trắng, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, bún, phở, mì ý, nui.
3. Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh là món ăn khoái khẩu của nhiều người vì ngon miệng và tiện lợi tuy nhiên đây lại là kẻ thù của bệnh nhân tiểu đường. Bởi trong các thực phẩm này có chứa hàm lượng chất béo bão hoà và chất bảo quản cao, khiến các tế bào phải chịu sức ép lớn và dần bị kiệt sức, không đủ khả năng để sản xuất insulin kiểm soát đường huyết, dẫn đến bệnh tình tiến triển nặng.
4. Thực phẩm ăn nhẹ đóng gói
Bánh quy giòn và các thực phẩm đóng gói khác không phải là lựa chọn tốt trong các thực phẩm ăn nhẹ. Chúng thường được làm bằng bột tinh chế và cung cấp ít chất dinh dưỡng, chúng có thể có thể nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu.
Trên thực tế, các loại thực phẩm này có thể chứa nhiều carbs hơn so với ghi trên nhãn dinh dưỡng của chúng. Một nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm ăn nhẹ cung cấp trung bình nhiều hơn 7,7% carbs so với chỉ số trên nhãn hàng. Nếu cảm thấy đói giữa các bữa ăn, tốt hơn là nên ăn các loại hạt hoặc một vài loại rau ít carb với một ounce phô mai.
5. Các loại trái cây sấy, phơi khô
Trái cây có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên khi trái cây được sấy khô làm mất nước, hàm lượng đường tăng cao. Do đó, người bệnh tiểu đường ăn trái cây sấy dễ tăng đường huyết hơn trái cây tươi. Hàm lượng đường trong nho khô cao gấp 3 lần so với nho tươi. Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên bổ sung trái cây tươi thay vì ăn trái cây sấy khô.
6. Sầu riêng
Ngoài dinh dưỡng, trong quả sầu riêng chứa một lượng đường khá lớn đủ để chỉ số đường huyết của bệnh nhân tiểu đường tăng cao. Thay vào đó, nếu thèm hoa quả có thể sử dụng các loại quả khác không kém phần thơm ngon như: bưởi, cam, quýt, khế,...
7. Chuối
Mặc dù đây là loại quả có hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng nhưng lại không phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường do hàm lượng đường trong chuối ở mức khá cao. Thay vào đó, bạn hãy lựa chọn những loại quả khác như cam, quýt, bưởi,... để bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể, ổn định lượng đường huyết.
8. Bánh mì
Carbohydrate và tinh bột có trong bánh mì sẽ được chia nhỏ hơn nên sẽ trôi đi rất nhanh trong đường tiêu hóa, kéo theo tốc độ chuyển hóa vào máu cũng gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn làm chậm lại quá trình hấp thụ các khoáng chất và chất dinh dưỡng như sắt, kẽm,... từ thực phẩm khác.
Xem thêm: Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?
9. Sữa tươi có đường
Sữa tươi có đường và sữa béo không nên xuất hiện quá thường xuyên trong thực đơn của người mắc bệnh tiểu đường vì sữa cũng khiến đường huyết tăng cao. Bạn có thể dùng sữa tươi không đường để thay thế với tần suất uống vừa phải vì loại đồ uống này chứa nhiều axit amin, vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ tiêu hóa.
10. Mật ong
Tuy mật ong được coi là một loại “siro” tinh khiết - một món quà tuyệt vời do thiên nhiên ban tặng vì những lợi ích đối với sức khỏe con người nhưng lại không dành cho những người bị bệnh đái tháo đường. Bởi vì trong mật ong chứa rất nhiều sucrose sẽ làm nghiêm trọng hơn các biểu hiện cũng như biến chứng của bệnh tiểu đường.
11. Khoai tây
Glycemic index là thành phần chiếm hàm lượng lớn trong khoai tây, có khả năng làm gia tăng nhanh chóng hàm lượng đường huyết. Nếu ăn nhiều khoai tây trong thời gian dài sẽ gây phá hủy các tế bào của tuyến tụy.
Tuyến tụy có vai trò sản sinh ra hormone insulin rất cần thiết cho hoạt động chuyển hóa glucose trong máu. Chính vì thế một khi chức năng của tuyến tụy đã bị suy giảm thì sẽ dẫn tới nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường.
12. Nước ép trái cây
Mặc dù nước ép trái cây thường được coi là một loại đồ uống tốt cho sức khỏe, nhưng tác dụng của nó đối với lượng đường trong máu thực sự tương tự như nước soda và các loại đồ uống có đường khác. Điều này đúng cho các loại nước trái cây 100% không đường, cũng như các loại có chứa đường. Trong một số trường hợp, nước ép trái cây thậm chí còn có lượng đường và carbs cao hơn soda.
Giống như đồ uống có đường, nước ép trái cây được nạp fructose, loại đường có tác dụng kháng insulin, béo phì và bệnh tim. Một cách khác tốt hơn là thưởng thức một ly nước chanh, cung cấp ít hơn 1 gram carbs và hầu như không chứa calo.
13. Khoai tây chiên
Khoai tây có lượng carbohydrates tương đối cao. Một củ khoai tây cỡ trung bình chứa 37g carbohydrates, 4g trong số đó đến từ chất xơ. Tuy nhiên, một khi đã được gọt vỏ và chiên trong dầu thực vật, khoai tây có thể gây ra hậu quả nhiều hơn là chỉ tăng lượng đường trong máu.
Thực phẩm chiên rán đã được chứng minh là tạo ra một lượng lớn các hợp chất độc hại như AGEs và aldehyd, có thể thúc đẩy quá trình viêm và tăng nguy cơ mắc bệnh.
II. Lưu ý trong chế độ ăn uống hàng ngày
Ngoài tiêu chí hạn chế tối đa lượng đường trong khẩu phần ăn, kèm theo đó là một số lưu ý nhỏ giúp bạn vừa bảo vệ sức khỏe, vừa đảm bảo đủ năng lượng cho một ngày dài.
Người bệnh tiểu đường cần ăn đúng giờ, tránh tình trạng quá no hoặc quá đói. Khi khoảng cách giữa các bữa ăn cách xa nhau sẽ làm hạ đường trong máu. Nếu trong trường hợp không thể ăn đúng giờ, hãy chắc chắn rằng trong túi của bạn có bánh, kẹo, nước trái cây hoặc sữa để có thể làm tăng lượng đường máu một cách nhanh chóng khi chúng bị hạ quá thấp.
Ngoài ra người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây tăng đường huyết. Không nên kiêng hoàn toàn, có thể ăn nhưng với một lượng vừa phải.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh tiểu đường là phải đủ các nhóm thực phẩm (4 nhóm chính: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ); chú ý lượng bột đường và tổng năng lượng cung cấp; thay thế thực phẩm phù hợp. Ngoài ra, không nên xay nhuyễn, hầm nhừ khi chế biến thức ăn cho người tiểu đường. Người bệnh tiểu đường cũng không cần nấu riêng hay ăn quá cầu kỳ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình