Hotline 24/7
08983-08983

Xơ vữa động mạch: Biến chứng mạch máu lớn do bệnh tiểu đường

Quản lý tiểu đường cần thiết phải kiểm soát đa mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát đường máu. Duy trì mức đường máu ổn định ở bệnh nhân đái tháo đường giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng mạch máu lớn đi kèm với bệnh tiểu đường, trong đó có xơ vữa động mạch.

I. Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường là gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Thy Khê, biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường chính là tình trạng xơ vữa động mạch kèm với các hậu quả của nó.

Xơ vữa động mạch được cho là kết hợp tình trạng viêm và tổn thương ở lớp nội mạc mạch máu, các tiểu phân mỡ xấu LDL bị oxi hóa sẽ thấm nhập vào thành mạch máu, kích hoạt sự thâm nhập tế bào viêm và tăng sinh lớp cơ trơn ở thành mạch, tích tụ collagen, tạo nên mảng xơ vữa giàu lipid với phần trên là các sợi fibrin. 

II. Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch là gì?

Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và xơ vữa động mạch chưa được hoàn toàn hiểu rõ. Tiểu đường làm gia tăng tính kết dính ở thành mạch máu, các tiểu cầu dễ tích tụ lại ở vùng mạch máu đã bị tổn thương, các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn ở bệnh tiểu đường, do đó người tiểu đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch nhiều hơn người không bị tiểu đường, và bệnh nhân tiểu đường bị xơ vữa động mạch ở lứa tuổi sớm hơn so với người không bị tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường type 1 lúc mới chẩn đoán, chưa có các biến chứng mạn tính. 

Bệnh nhân tiểu đường type 2 thường có các rối loạn chuyển hóa khác cùng với tăng glucose huyết như béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Các tình trạng đều góp phần gây xơ vữa động mạch. Tuy nhiên bản thân bệnh tiểu đường  cũng là nguy cơ của xơ vữa động mạch. Phụ nữ bị tiểu đường có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn nam giới.

Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân tiểu đường  là do bệnh tim mạch và đây cũng là nguyên nhân gây tốn kém nhiều nhất.

III. Người bệnh đái tháo đường có những yếu tố nào thúc đẩy biến chứng xơ vữa động mạch?

Trên nền bệnh tiểu đường, yếu tố thúc đẩy biến chứng xơ vữa động mạch bao gồm: Tuổi tác; tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu; béo phì; sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; gia đình có người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

IV. Xơ vữa động mạch do tiểu đường dẫn đến hậu quả gì?

Ở mạch máu não gây đột quỵ do xuất huyết não, nhũn não. Đôi khi bệnh nhân có cơn
thoáng thiếu máu não

Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim

Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi.

Ngoài ra xơ vữa động mạch cũng góp phần gây rối loạn cương, loét chân. Một số các biến chứng khác hiếm gặp hơn: phình động mạch chủ, tắc mạch mạc treo…

Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường có thể không đau, khi chụp hình mạch vành, tổn thương mạch vành của bệnh nhân tiểu đường thường ở nhiều chỗ và nhiều nhánh.

Người tiểu đường tăng nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) từ 150-400%. Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan tới đột quỵ, tái phát và tử vong do đột quỵ ở người tiểu đường đều cao hơn người không mắc tiểu đường.

Bệnh mạch máu ngoại vi ở bệnh nhân tiểu đường có thể gây hoại tử chi, nhất là khi bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng. Hoại tử chi thường gặp ở các ngón chân. Ngón chân bệnh nhân thâm đen (thường gọi là hoại tử khô vì không có nhiễm trùng), nếu không điều trị kịp thời có thể mất ngón chân.

Xem thêm: Tăng đường huyết: Biến chứng bệnh tiểu đường nguy hiểm

V. Biến chứng mạch máu lớn xơ vữa động mạch `của bệnh tiểu đường xuất hiện những biểu hiện gì?

Biểu hiện lâm sàng của xơ vữa động mạch xảy ra ở 3 nhóm mạch máu: Động mạch vành; mạch ngoại biên; động mạch cảnh ngoài sọ.

Tiểu đường làm gia tăng tỷ lệ mắc và làm tăng nhanh quá trình diễn biến lâm sàng của mỗi nhóm.

Bệnh nhân tiểu đường có đi kèm bệnh mạch vành có thể biểu hiện: Đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định; nhồi máu cơ tim, hoặc rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không cảm thấy triệu chứng gì.

Bệnh nhân tiểu đường có đi kèm bệnh mạch máu não có thể biểu hiện khiếm khuyết thần kinh khu trú khởi phát đột ngột như: méo miệng, yếu hoặc liệt tay chân một bên cơ thể. Chóng mặt, nói đớ, thay đổi dáng đi, mất thị trường cũng có thể là một trong các biểu hiện triệu chứng của bệnh mạch máu não.

Bệnh mạch máu ngoại vi thường được nhân ra bởi cảm giác đau chân khi đi lại hoặc gắng sức, và có thể tiến triển đến đau khi nghỉ, hoặc loét đầu chi do thiếu máu cục bộ. Nhưng phần lớn trường hợp là không có triệu chứng.

VI. Biến chứng mạch máu lớn do tiểu đường điều trị như thế nào?

Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường có thể làm giảm tác dụng có hại của tăng đường huyết đối với các mô của cơ thể. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần được theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cần phải được phải kết hợp với điều trị các yếu tố nguy cơ mắc kèm, đặc biệt là hút thuốc lá và rối loạn lipid máu.

Nếu phát hiện các bất thường về sức khỏe cần đi khám để xử trí sớm và triệt để.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X