Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Bệnh tiểu đường không chỉ khiến tế bào không sử dụng được đường để tạo năng lượng, bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến thận do gây tổn thương các mạch máu nhỏ tại cơ quan này.

I. Bệnh tiểu đường được phân thành mấy loại?

Những dạng tiểu đường phổ biến nhất là type 1 và type 2. Bệnh tiểu đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em, còn được gọi là bệnh tiểu đường ở tuổi vị thành niên hay đái tháo đường phụ thuộc insulin. Đối với loại này, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin và người bệnh sẽ phải sử dụng insulin trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Tiểu đường type 2 phổ biến hơn và thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Ở người bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy vẫn tạo ra insulin nhưng cơ thể lại không sử dụng nó đúng cách. Khi đó, nồng độ đường trong máu cao thường được kiểm soát bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý và/hoặc uống thuốc. Một số trường hợp không thể kiểm soát, người bệnh vẫn phải dùng insulin.

II. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Thận là cơ quan có chức năng loại bỏ lượng nước dư thừa và độc tố từ quá trình chuyển hóa cùng với nước tiểu ra ngoài cơ thể, đóng vai trò như bộ lọc, thận điều chỉnh lượng muối giúp kiểm soát huyết áp, giải phóng các loại hormone,... bệnh thận tiểu đường là tổn thương thận do bệnh tiểu đường gây ra.

Sở dĩ bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận là vì khi mắc phải bệnh tiểu đường, các mạch máu nhỏ trong thận của người bệnh sẽ bị tổn thương và thận sẽ không thể làm sạch mạch máu đúng cách, cơ thể vì thế sẽ bị giữ lại nhiều muối và nước hơn mức cần thiết, dẫn đến việc mắt cá chân sưng phù và tăng cân quá mức, chất thải dần sẽ bị tích tụ trong cơ thể của người bệnh.

Đặc biệt, bệnh tiểu đường có thể gây nên những tổn thương thần kinh trong cơ thể và gây ra những khó khăn cho việc thông bàng quang, khiến bàng quang gặp áp lực dẫn đến kẹt và tổn thương thận.

III. Những dấu hiệu sớm nào cảnh báo tiểu đường có ảnh hưởng đến thận?

Những dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận ở người mắc bệnh tiểu đường là việc bài tiết albumin tăng lên trong nước tiểu. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để xét nghiệm thông thường cho thấy những dấu hiệu của bệnh thận. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên làm xét nghiệm albumin niệu hàng năm.

Một dấu hiệu sớm khác của bệnh thận là tình trạng tăng cân và mắt cá chân bị sưng. Bạn có thể đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm. Huyết áp có khả năng tăng cao hơn bình thường. Do đó, khi đã mắc bệnh tiểu đường, bạn nên xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. Điều này sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và điều trị sớm các biến chứng do bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận và huyết áp. Việc duy trì, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thận nghiêm trọng.

IV. Những dấu hiệu muộn nào cảnh báo tiểu đường có ảnh hưởng đến thận?

Khi bị suy thận, nồng độ nitơ-urê trong máu sẽ tăng cùng lúc với nồng độ creatinin trong máu. Bạn có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi ngày càng tăng hoặc ngứa, đau cơ (đặc biệt là ở chân) và thiếu máu. Bạn có thể cảm giác cần ít insulin hơn do thận bị bệnh và giảm xử lý insulin trong cơ thể. Nếu bạn đang bị tiểu đường và thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào, hãy thông báo với bác sĩ ngay.

Xem thêm: Top 6 bác sĩ khám chữa bệnh về Nội tiết - Tiểu đường giỏi, uy tín

V. Khi nào bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng thận?

Biến chứng tiểu đường là tình trạng mà đa số những bệnh nhân tiểu đường gặp phải, biến chứng này gây tổn thương chức năng lọc của cầu thận và làm thất thoát một lượng protein (thành phần chính là albumin) lớn hơn các mức cho phép từ máu vào nước tiểu. Sự gia tăng nồng độ albumin trong nước tiểu là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh thận tiểu đường.

Ở người bệnh tiểu đường, lượng đường huyết luôn cao có thể làm một số protein có trong cầu thận dễ liên kết với nhau và kích hoạt quá trình tạo sẹo khu trú hay còn gọi là sự xơ hóa cầu thận. Khi bệnh đến một giai đoạn nhất định, các mô thận bình thường sẽ bị thay thế bởi các mô xơ làm giảm hoặc mất chức năng lọc của thận và bệnh thận tiểu đường lúc này đã phát triển suy thận giai đoạn cuối.

Ngoài ra, nếu có thêm các yếu tố nguy cơ sau thì rất có khả năng bệnh nhân đã bị biến chứng bệnh thận tiểu đường, cụ thể: Khi Glucose huyết không ổn định, HbA1c cao; người bị tăng huyết áp; người tăng cholesterol máu, có rối loạn mỡ máu; yếu tố tuổi tác, tuổi cao dễ có nguy cơ biến chứng; ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm; gia đình có tiền sử tăng huyết áp.

VI. Hậu quả của việc bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận là gì?

Đầu tiên, các bác sĩ cần tìm hiểu xem bệnh tiểu đường đã ảnh hưởng đến thận ở mức độ nào. Ngoài ra, họ cũng cần loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây tổn thương thận.

Để duy trì chức năng của thận lâu nhất có thể, bạn cần phải: Kiểm soát bệnh tiểu đường thật tốt; kiểm tra huyết áp thường xuyên; điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu; điều trị bất kỳ vấn đề xuất hiện trong hệ tiết niệu của bạn; tránh bất kỳ loại thuốc nào có thể gây tổn hại cho thận (đặc biệt là thuốc giảm đau không theo toa).

Nếu không có vấn đề nào được tìm thấy, bác sĩ sẽ cố gắng để giữ cho thận của bạn làm việc càng lâu càng tốt. Việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển đã được chứng minh giúp làm chậm tình trạng mất chức năng của thận.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X