Hotline 24/7
08983-08983

Tiểu đường có thể dẫn đến suy thận không?

Theo phân loại của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2004 bệnh đái tháo đường (Tiểu đường) gồm 2 loại chính là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Tiểu đường nếu không được kiểm soát sẽ gây ra các biến chứng cấp và mạn đến các cơ quan như da, bàn chân, tim... trong đó có biến chứng thận do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy thận.

I. Bệnh tiểu đường và suy thận có mối quan hệ như thế nào?

Bạn sẽ bị chẩn đoán mắc tiểu đường khi cơ thể không tạo đủ lượng insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách. Insulin là một hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra nhiều vấn đề xấu ở các bộ phận của cơ thể như tim, thận, mắt, não… Theo thời gian, có thể dẫn đến nhiều vấn đề về thận, trong đó có bệnh suy thận.

Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhiệm các chức năng như: Loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể: Cân bằng lượng chất lỏng, giúp kiểm soát huyết áp, giữ xương khỏe mạnh, giúp tạo hồng cầu.

Bạn bị bệnh thận có nghĩa là thận đã bị tổn thương. Khi đó, chức năng lọc máu bị suy giảm, cũng như không thể đảm nhiệm tốt các chức năng khác mà cơ thể cần. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe.

II. Nguyên nhân bệnh tiểu đường dẫn tới suy thận?

1. Do tổn thương động mạch thận

Tiểu đường lâu ngày gây xơ vữa các mạch máu lớn, trong đó có động mạch thận, làm hẹp tắc mạch máu, hậu quả là gây tăng huyết áp và suy thận.

2. Do tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận

Người bệnh tiểu đường, huyết áp cao kéo dài tạo ra các chất oxy hóa, lâu ngày làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận.

Đồng thời lượng đường trong máu cao, thận phải làm việc quá tải, nhiều ngày các lỗ lọc to ra gây rò rỉ albumin vi niệu ra ngoài nước tiểu, sau thời gian dài albumin niệu nhiều hơn và xuất hiện cả protein niệu.

3. Do tổn thương hệ thần kinh

Với người bệnh tiểu đường việc truyền tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan có trục trặc, bàng quang bị giảm kích thích, không có cảm giác khi bàng quang đầy nước tiểu, ứ đọng lâu ngày gây nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn đi ngược lên thận làm tổn thương thận và dẫn tới suy thận.

Xem thêm: Người bệnh tiểu đường cần thận trọng với nhiễm trùng đường tiết niệu

III. Triệu chứng nhận biết bệnh suy thận do đái tháo đường

Ở giai đoạn đầu, khi các tế bào thận lành còn có thể làm việc để bù trừ cho các tế bào thận hư, các dấu hiệu suy thận do tiểu đường không rõ ràng như: phù nhẹ bàn chân, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, giảm trí nhớ và tăng huyết áp. Bệnh nhân phát hiện thường do tình cờ qua xét nghiệm albumin có trong nước tiểu hoặc siêu âm ổ bụng thận to.

Ở giai đoạn sau, các dấu hiệu trở nên nặng hơn: Phù to toàn thân, cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, nước tiểu sủi nhiều bọt,…

Các triệu chứng của bệnh thận tiểu đường ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu, bệnh nhân tiểu đường nên đến các cơ sở y tế kiểm tra thường xuyên theo định kỳ phát hiện các biến chứng sớm để có thể điều trị biến chứng của tiểu đường kịp thời.

IV. Làm thế nào để phòng ngừa suy thận do tiểu đường?

Biến chứng thận hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Các bệnh nhân tiểu có biến chứng suy thận hoặc hội chứng thận hư cần được nhập viện để đánh giá và có kế hoạch điều trị tích cực cũng như được tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt, khả năng cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Kiểm soát tốt đường huyết bằng kết hợp các biện pháp như chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc. Nhiều nghiên cứu, theo dõi lâu dài thấy hiệu quả của điều trị kiểm soát tốt đường huyết hạn chế biến chứng thận có thể kéo dài nhiều năm sau khi mắc tiểu đường.

Tuy nhiên, khi thận suy sẽ giảm khả năng thanh thải thuốc, các thuốc có xu hướng tích lũy lại trong máu nên các bệnh nhân dễ bị hạ đường huyết nếu không được điều chỉnh liều thuốc. Kiểm soát tốt huyết áp cũng có giá trị rất lớn vì tăng huyết áp ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Mục tiêu huyết áp ở người bệnh tiểu đường thông thường theo khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Mỹ và Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế phải là < 130/80 mmmHg, còn với những bệnh nhân đã có protein niệu đại thể hoặc đã có suy thận thì huyết áp nên đưa xuống mức 120/70 mmHg.

Các cách đơn giản để hạ huyết áp phải thực hiện đồng thời là giảm cân (nếu thừa cân), ăn nhạt, bỏ rượu và thuốc lá, tập thể dục đều đặn. Nếu các biện pháp này không có hiệu quả thì cần dùng các thuốc hạ huyết áp sớm. Có nhiều loại thuốc hạ huyết áp nhưng không phải tất cả đều tốt cho các bệnh nhân tiểu đường. Một số nhóm thuốc ngoài khả năng làm hạ huyết áp còn có tác dụng lên hệ thống mạch thận, có tác dụng bảo vệ thận và làm chậm tiến triển biến chứng thận của bệnh nhân tiểu đường như thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II.

Các thuốc này được khuyến cáo là thuốc điều trị đầu tay cho các bệnh nhân tiểu đường có tăng huyết áp hoặc có biến chứng thận. Thông thường các bệnh nhân phải cần tới 2-4 loại thuốc mới có thể kiểm soát được huyết áp đạt mục tiêu. Điều cần lưu ý là những phương pháp điều trị can thiệp như kiểm soát đường huyết và huyết áp thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng lớn, tốt nhất là ngay khi bệnh nhân được phát hiện tiểu đường.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

Với bệnh nhân đã có protein niệu đại thể nên thực hiện chế độ ăn giảm chất đạm vừa phải (0,6 - 0,8g protein/kg thể trọng/ngày) với mục đích để thận ít phải làm việc hơn và ít mất protein qua thận hơn. Tuy nhiên với mỗi bệnh nhân cần phải có tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.

Khi bệnh nhân đã có suy thận giai đoạn cuối, thận mất gần như hoàn toàn chức năng thì điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu chu kỳ (2 - 4 lần mỗi tuần) là cần thiết để duy trì cuộc sống cho bệnh nhân. Có hai cách lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc đều tuân theo nguyên lý là sử dụng một cái máy hoặc màng bụng đóng vai trò như quả thận để lọc máu, loại trừ các chất độc ra khỏi cơ thể. Một phương pháp điều trị thay thế khác rất hiệu quả là ghép thận, nhưng chưa được phổ biến bởi chi phí quá cao và kỹ thuật thực hiện phức tạp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X