Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường cần thận trọng với nhiễm trùng đường tiết niệu

Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn có thể xâm nhập bằng nhiều con đường khác nhau như đường ngược dòng từ niệu đạo, đường bạch huyết, đường máu và đôi khi do chính thủ thuật y khoa gây nên. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta cũng có nhiều cơ chế chống đỡ với tình trạng này. Khi bị tiểu đường lâu ngày, các cơ chế đề kháng chống nhiễm trùng cũng suy giảm như giảm trương lực bài tiết, rối loạn thần kinh ở bàng quang gây ứ đọng nước tiểu.... và khi nhiễm trùng đường huyết lại tăng lên, làm nặng thêm bệnh lý tiểu đường trước đó.

I. Nhiễm trùng đường tiết niệu do tiểu đường là gì?

Biến chứng đáng sợ của nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân tiểu đường là hoại tử gai thận do tắc nghẽn động mạch nuôi thận làm thiếu máu cục bộ gai thận, gây ra hoại tử gai thận. Những nhu mô hoại tử trên có thể được đào thải theo đường tiết niệu nhưng đôi khi cũng bị chặn lại, gây ứ nước làm nặng thêm cả quá trình nhiễm trùng và hoại tử gai thận.

Biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu do tiểu đường này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi trong đường tiểu của người bệnh. Khi người bệnh có các triệu chứng của đường tiểu như: Tiểu đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt.

Biểu hiện của nhiễm trùng tiểu ở người bệnh tiểu đường đôi khi phức tạp hơn. Người bệnh không thấy các triệu chứng khó chịu của đường tiểu mà chỉ thấy màu nước tiểu đục, đỏ, có mùi hôi lạ. Hoặc triệu chứng đau vùng hông, lưng kèm sốt lạnh run. Một số người khác chỉ biểu hiện bằng tình trạng sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân.

II. Nhiễm trùng tiết niệu do tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng (tình trạng tụt huyết áp do nhiễm trùng nhiễm độc) dẫn đến tử vong.

Nhiễm trùng tiểu có thể để tại biến chứng tụ mủ trong thận và vùng quanh thận, hình thành các ổ mủ trong bụng người bệnh. Tình trạng này cần phải được chỉ định phẫu thuật để dẫn lưu, phá bỏ các ổ tụ mủ thì người bệnh mới có thể hồi phục được.

Việc điều trị kháng sinh không đúng chỉ định, không đúng thuốc, không đủ liều lượng và thời gian dùng thuốc có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu đa kháng thuốc. Người bệnh không nên tự ý điều trị thuốc kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Biến chứng này có biểu hiện đa dạng, đôi khi kín đáo và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh cần nhận biết sớm và thận trọng với các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.

III. Chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Chỉ cần một mẫu nước tiểu, các bác sĩ sẽ dễ dàng xác định được bệnh nhân có bị mắc nhiễm trùng đường tiểu hay không. Các phương pháp chẩn đoán khác bao gồm siêu âm, X-quang hoặc soi bàng quang có thể được chỉ định nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên.

Nhiễm trùng tiết niệu có những đặc điểm rất dễ nhận biết nên đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu đều được phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh theo toa dựa trên từng loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Thời gian điều trị kéo dài trong khoảng vài ngày là có thể hoàn toàn hồi phục. Với những trường hợp bị nhiễm trùng thận, thời gian điều trị có thể kéo dài một vài tuần.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

IV. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân tiểu đường như thế nào?

Dạng nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường có thể được điều trị bằng kháng sinh và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau vài ngày điều trị.

Đối với những trường hợp nặng hơn như nhiễm trùng đường tiết niệu trên, việc điều trị bằng kháng sinh có thể kéo dài đến vài tuần. Đối với những bệnh cảnh như viêm thận – bể thận sinh hơi nặng nề, cần cân nhắc khả năng cắt thận để cứu sống bệnh nhân.

V. Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường nói chung và biến chứng tiết niệu nói riêng, nguyên tắc hàng đầu chính là: Kiểm soát tốt lượng đường, cholesterol trong máu ở mức độ cho phép; duy trì huyết áp ổn định; người bệnh nên thường xuyên tập thể dục thường xuyên; duy trì một cân nặng khỏe mạnh để ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, nếu bạn là một người nghiện thuốc lá thì đã đến lúc nên tìm cho mình một giải pháp bỏ thuốc phù hợp. Vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan tiểu đường nguy hiểm như đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Nhiễm trùng đường tiểu có thể được điều trị một cách dễ dàng khi phát hiện sớm, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X