Thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên hỗ trợ ra sao trong điều trị COVID-19, ai không được dùng?
Thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên là những vị thuốc tiềm năng trong phòng chống COVID-19. Nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng, đặc biệt là có sự tương tác với các thuốc đang điều trị các bệnh lý. Trong bài viết dưới đây, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về 2 loại thảo dược này.
1. Thanh hao hoa vàng, xuyên tâm liên dùng để chữa bệnh gì?
Gần đây, 2 thảo dược được nhắc nhiều đến đó là thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên. PGS có thể cho biết hai loại thảo dược này được sử dụng trong Y học cổ truyền như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Xuyên tâm liên là vị thuốc mà Y học cổ truyền thường sử dụng. Thảo dược này có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống và tiêu thũng.
Xuyên tâm liên thường được chỉ định để giải quyết những trường hợp có nhọt, lở ở ngoài da, bị bế kinh hay trường hợp phụ nữ sau sinh bị ứ huyết, không ra được sản dịch sau sinh. Đôi khi, xuyên tâm liên cũng được sử dụng để điều trị tình trạng viêm ruột. Trong dân gian, người dân cũng hay sử dụng khi bị ngứa ngoài da, ghẻ, nhọt bằng cách bôi đắp ngoài da.
Thanh hao hoa vàng là một cây thuốc đã tạo nên lịch sử. Bà Youyou Tu (Đồ U U) người Trung Quốc đã nhận giải Nobel Y học năm 2015 vì chiết xuất ra được thành phần Artemisinin trong thanh hao hoa vàng, tạo ra viên thuốc để điều trị sốt rét ở cả 2 chủng Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax.
Thanh hao hoa vàng trong đông y có vị đắng, tính hàn, thanh nhiệt, giải độc và được sử dụng nhiều hơn so với xuyên tâm liên. Trước đây, khi chữa trị sốt rét, người ta thường dùng thanh hao hoa vàng nhưng không dùng độc vị (tức là chỉ sử dụng một lại thuốc) mà phối hợp với các loại thảo dược khác như hoàng cầm hoặc miết giáp. Thanh hao hoa vàng cũng được sử dụng trong một số trường hợp bị viêm nhiễm ở đường tiểu, viêm da. Đặc biệt các trường hợp sốt có chu kỳ như sốt rét.
Vì có tính hàn, nên đối với cả xuyên tâm liên và thanh hao hoa vàng, chúng ta đều không nên dùng cho cơ địa bị hàn chứng, tiêu chảy. Ngoài ra, cây thanh hao hoa vàng còn chống chỉ định với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Do 3 tháng đầu thai kỳ là thời gian tạo nên cấu trúc của bào thai, nên trong giai đoạn này thường không nên sử dụng thanh hao hoa vàng vì thuốc có tác dụng khá mạnh, có thể làm hư thai bởi tính hàn có trong dược thảo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên thận trọng hết mức cho những phụ nữ mang thai chu kỳ sau, nếu thật sự cần thì mới dùng.
Ngoài ra, 2 loại thảo dược này còn có tác dụng hạ nhiệt.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp
2. Y học hiện đại sử dụng thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên như thế nào?
Cây thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên được y học hiện đại nghiên cứu và sử dụng như thế nào, thưa PGS? Trong đó, đặc tính/công dụng nào của các dược liệu này được quan tâm nhiều nhất?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Trong các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, xuyên tâm liên có 2 hoạt chất diterpenoid và flavonoid. Trong diterpenoid, người ta phân lập thành 2 chất là andrographolide và neoandrographolide, 2 chất này có tác dụng hoàn toàn khác nhau nhưng trong xuyên tâm liên chúng lại phối hợp lại.
Xuyên tâm liên đã được nghiên cứu trên thực nghiệm (thử nghiệm trên động vật, hoạt chất) và phối hợp giữa nghiên cứu sinh học và điện toán. Theo đó, các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất diterpenoid và flavonoid có trong xuyên tâm liên phối hợp lại sẽ có tác động trên kháng khuẩn Escherichia coli (vi khuẩn gây viêm ruột, tiêu chảy, đau bụng dữ dội hoặc gây nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm ở các bộ phận khác) và Streptococcus pyogenes (gây viêm họng mủ, nếu không chữa kịp thời, vi khuẩn sẽ thâm nhập trong máu gây ra thấp khớp, viêm khớp. Nặng nề hơn có thể gây viêm van tim hậu thấp).
Đối với virus SARS-CoV-2, các nghiên cứu cho thấy xuyên tâm liên có tác động lên tế bào lympho B và lympho T để tạo ra kháng thể ngăn chặn hoạt động của virus. Bên cạnh đó, xuyên tâm liên còn có tác dụng kháng viêm và kháng dị ứng khi phối hợp giữa diterpenoid và flavonoid.
Đối với thanh hao hoa vàng, đây là loại dược liệu được nghiên cứu từ rất lâu, trước cả nghiên cứu của bà Đồ U U. Trong những thập niên 80 của thế kỷ XX, ở trại 24B (trại sốt rét) của Bệnh viện Chợ rẫy (TPHCM), các thầy thuốc đã nghiên cứu cây thanh hao hoa vàng của Việt Nam kết hợp Trung Quốc để điều trị cho bệnh nhân sốt rét. Tuy nhiên, chúng ta làm ở giai đoạn ngắn. Theo đó, bà Đồ U U tiếp nối nghiên cứu và tìm ra được các thành phần hợp chất Artemisinin và một số hợp chất khác giúp điều trị sốt rét hiệu quả.
Ngoài điều trị sốt rét trên chủng Plasmodium falciparum, các hợp chất trong thanh hao hoa vàng còn có tác dụng kháng sinh, kháng vi trùng do có sự kết hợp giữa hợp chất artemisinin và tinh dầu (một kháng sinh thực vật giúp kháng lại vi nấm, escherichia coli).
Thanh hoa hoa vàng còn có khả năng ức chế một vài loại virus, trong đó có SARS-CoV-2. Chúng ta biết rằng, khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ xâm nhập ngay vào trong tế bào và chiếm lấy “quyền quản lý và lãnh đạo của tế bào” để sản xuất ra hàng loạt virus khác. Theo đó, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được trên thực nghiệm (thử nghiệm trên động vật), thanh hao hoa vàng có tác động trực tiếp lên sự sao chép mã di truyền của virus.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay là người có đóng góp to lớn cho ngành Đông y Việt Nam
3. Tự dùng thanh hao hoa vàng, xuyên tâm liên điều trị COVID-19 tại nhà, liệu có tác dụng?
Nhiều người nghe thông tin các thảo dược này có công dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 nên đua nhau mua về sử dụng. Nếu mọi người tự chế biến thảo dược tại nhà để điều trị COVID-19, theo PGS như vậy có công hiệu không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Nếu chúng ta tự mua những loại thảo dược này về để sắc uống thì tôi nghĩ hiệu quả sẽ không cao. Bởi vì tùy vào thể trạng của mỗi người mà sẽ có bài thuốc khác nhau, và phải có sự phối hợp giữa các thảo dược chứ không sử dụng độc vị được.
Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng một thành phần nào đó để chiết xuất ra được các hoạt chứ không đơn giản như việc chúng ta sắc thảo dược với nước. Do vậy, việc người dân tự ý sắc thảo dược với nước để uống có thể sẽ không đem lại hiệu quả.
Ngày xưa, các thầy thuốc hay phối hợp xuyên tâm liên hoặc thanh hao hoa vàng với tiểu sài hồ thang để chữa trị các bệnh truyền nhiễm hoặc sốt. Bởi trong tiểu sài hồ thang có thành phần tinh dầu tạo điều kiện làm thay đổi và chiết ra được các hoạt chất có trong xuyên tâm liên hoặc thanh hao hoa vàng.
Trong dân gian, 2 loại thảo dược này được sử dụng những bệnh thông thường, với liều lượng khoảng 200 - 300g dùng để sắc với nước uống. Thuốc sẽ có vị rất đắng, giúp giải nhiệt, hạ sốt. Tuy nhiên chưa chắc có hiệu quả đối với siêu vi.
Do vậy, nếu chúng ta muốn dùng thuốc thì phải được chỉ định bởi thầy thuốc Y học cổ truyền. Vì cơ địa mỗi người khác nhau, tác dụng của thuốc lên mỗi người sẽ khác nhau dù có cùng một triệu chứng. Các thầy thuốc Đông y sẽ biết cách phối hợp các loại thảo dược khác để xuyên tâm liên hoặc thanh hao hoa vàng phát huy được tác dụng.
Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L.) thuộc Họ Cúc (Asteraceae) còn có tên gọi khác là thanh cao hoa vàng, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải tiên, ngải si, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao…
4. Công nghệ bào chế các thảo dược có gì đặc biệt?
Để điều chế các thảo dược nêu trên trở thành thuốc điều trị COVID-19, đòi hỏi những công nghệ gì, thưa PGS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Để có thể nói cho mọi người hiểu rõ những công nghệ nào thì rất khó nên tôi xin nói chung lại là các nhà khoa học sử dụng công nghệ rất cao. Tức là dùng những quang phổ, HPLC,… để làm sao chiết xuất ra được các thành phần hợp chất này. Hoặc có thể sử dụng những dung môi như rượu, ete,… để chiết xuất. Sau đó, các nhà khoa học sẽ phân lập lại và tổng hợp thành dạng thuốc.
Các công nghệ cao này phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế để áp dụng và bào chế thuốc từ dược liệu thành thuốc tiện dụng.
5. Các loại thuốc không nên sử dụng chung với thanh hao hoa vàng và xuyên tâm liên?
Các thảo dược nêu trên có chống chỉ định với những người bị bệnh gì, hay có tương tác với thuốc điều trị bệnh nào không, thưa PGS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Khi muốn uống loại thuốc nào, chúng ta nên tìm hiểu kỹ để tránh lợi bất cập hại.
Xuyên tâm liên chuyển hóa qua các xitocrom 1A2, 1A6, 2D6, 3A4… nên các thuốc nào tương ứng sẽ gây tương tác, có thể kể đến như caffein. Vì vậy, khi uống cà phê, chúng ta không nên uống xuyên tâm liên. Hoặc với các thuốc hướng thần, thuốc satin (dùng trong trường hợp mỡ trong máu cao), thuốc trị đột quỵ, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid thì không nên dùng chung với xuyên tâm liên ngay.
Theo đó, chúng ta nên uống thuốc cách nhau tối thiểu 2 giờ giữa thuốc tây y và thuốc đông y.
Xuyên tâm liên có tính hàn nên chúng ta phải thận trọng khi sử dụng cho người có hàn chứng (ớn lạnh, tiêu chảy).
Trên thử nghiệm thực nghiệm, xuyên tâm liên không có độc tính. Tuy nhiên, thanh hao hoa vàng theo nghiên cứu là có độc tính và chống chỉ định với thai phụ trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Thanh hao hoa vàng cũng tương tác với các loại thuốc như thuốc huyết áp dạng canxi (thuốc hạ áp nifedipin), thuốc an thần gây ngủ, thuốc điều chỉnh nhịp tim, thuốc kháng nấm, thuốc trị huyết áp cao amlodipin. Do đó chúng ta cũng lưu ý cách 2 giờ uống thuốc mới sử dụng thanh hao hoa vàng.
Theo Y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống (Ảnh minh họa)
6. Nghiên cứu thành công tiền lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 từ thảo dược mang ý nghĩa như thế nào trong “cuộc chiến” với COVID-19?
Mới đây, Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị COVID-19, thuốc có tên VIPDERVIR được bào chế từ thảo dược của Việt Nam. Theo PGS, việc này có ý nghĩa như thế nào và sắp tới chúng ta có công bố thêm nhiều loại thuốc thảo dược điều trị COVID-19 không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Đây là một tin vui bởi Y học cổ truyền nhận được đúng vai trò của nó trong việc góp phần kết hợp Đông y trong điều trị, kể cả các bệnh cấp tính do virus gây ra như hiện nay.
Trước đây, chúng ta đã biết Đông y có tác dụng tốt đối với các bệnh mãn tính nặng. Đây là giai đoạn mà những người làm về Đông y rất phấn khởi khi Bộ Y tế vào cuộc và công bố một số công trình chính thức để cả Tây y cũng hiểu được rằng vai trò nhất định của Y học cổ truyền.
Hiện nay, những loại thuốc Bộ Y tế công bố đã có công trình nghiên cứu nghiêm túc để minh chứng được giá trị của nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được những loại thuốc như Vipdervir là thuốc độc vị hay có sự phối hợp giữa các thảo dược với nhau. Hiện, thuốc này chỉ mới nghiên cứu trong giai đoạn tiền lâm sàng (nghiên cứu trên động vật) và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Chính vì vậy, nếu có kết quả thì đây là một tin rất vui để góp phần vào công cuộc chống lại dịch COVID-19 toàn cầu.
Trong Đông y có rất nhiều bài thuốc, nhưng chúng ta phải cơ địa hóa mới sử dụng được. Nếu chúng ta tạo ra một viên thuốc từ thảo dược thì đây đã là một dạng Tây y. Vì trong viên thuốc sẽ sử dụng tá dược để giúp bảo quản thuốc và sử dụng với liều lượng trúng đích.
Ngược lại, các bài thuốc thang thường có cơ chế khá nhẹ nhàng là giúp chính khí, tăng sức đề kháng và hoạt động của hệ miễn dịch góp phần đẩy lùi bệnh. Khi cấu tạo một bài thuốc nhiều dược liệu, chúng sẽ hỗ trợ tương tác lẫn nhau. Cụ thể, một vị thuốc sẽ có tác động ngay lên virus, vị thuốc khác sẽ có tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể, và vị thuốc còn lại sẽ điều trị triệu chứng,… Đây gọi là cấu trúc “quân - thần - tá - xứ” trong Đông y.
Ví dụ, những bài thuốc như tiểu sài hồ thang, ngân kiều tán, ma hạnh thạch cam thang, thanh hao miết giáp thang,… là những bài thuốc có tác dụng kháng virus khá rõ ràng trên các nghiên cứu từ trước tới nay. Do đó, nếu thử nghiệm lâm sàng, chúng ta có thể sử dụng ngay trên người vì các bác sĩ Đông y đã khám, chẩn đoán dựa trên hội chứng lâm sàng và đưa ra cấu trúc một bài thuốc thang phù hợp cho bệnh nhân.
Như vậy, nếu phối hợp Đông - Tây y theo kiểu này, chúng ta có thể vừa sử dụng các phương tiện cấp cứu, vừa sử dụng thuốc Tây y để trị trúng đích và sử dụng những bài thuốc Đông y để hỗ trợ tăng sức đề kháng, giúp cơ thể đủ mạnh để đẩy lùi bệnh tật.
Điều quan trọng mà tôi thấy Đông y cần vào cuộc đó là góp phần chuyển đổi từ thể nặng thành thể nhẹ. Ví dụ: F0 triệu chứng nhẹ sẽ tự phục hồi, hoặc F0 bắt đầu giai đoạn triệu chứng nặng sẽ cải thiện các triệu chứng thành nhẹ và dần phục hồi. Như vậy sẽ rất tốt cho sức khỏe người bệnh nói chung và để phòng bệnh nói riêng.
Phần 1: Đông Y hỗ trợ giai đoạn nào trong điều trị, phòng ngừa COVID-19?
Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình