Hotline 24/7
08983-08983

Đông Y hỗ trợ giai đoạn nào trong điều trị, phòng ngừa COVID-19?

Là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế Việt Nam, Y học cổ truyền luôn thể hiện vai trò của mình trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SAR-CoV-2 gây ra. Vậy chúng ta vận dụng Đông y trong phòng ngừa và điều trị COVID-19 như thế nào để hiệu quả? PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp sẽ giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Y học cổ truyền đóng góp những bài thuốc gì trong điều trị bệnh do virus gây ra?

Từ lâu, Y học cổ truyền đã có nhiều bài thuốc giúp điều trị bệnh do virus gây ra, xin PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay có thể cho biết đó là những bài thuốc gì và dùng để điều trị những bệnh gì ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Hiện nay, trong dịch bệnh COVID-19, nhiều người băn khoăn rằng: Y học cổ truyền có vai trò gì trong chăm sóc sức khỏe hay trong việc phòng và điều trị các bệnh lý này?

Chúng ta biết rằng, các bệnh do siêu vi thường có thể diễn biến thành dịch, đơn cử như dịch COVID-19 hiện nay. Một số bệnh có diễn biến thành dịch nhưng nhẹ hơn có thể kể đến như: sốt xuất huyết, sởi… Còn dịch COVID-19 thì mang tính toàn cầu.

Trong lịch sử Y học cổ truyền có ghi chép rằng, vào khoảng 200 TCN có một trận dịch có tính chất tương tự như đại dịch COVID-19 hiện nay. Theo đó, một thầy thuốc Y học cổ truyền tên Trương Trọng Cảnh, có hơn 40 năm kinh nghiệm chữa trị, ghi chép lại rằng gia tộc của ông có 200 người đã có đến 70 người chết trong đại dịch đó.

Sau đó, với kinh nghiệm trong quá trình làm việc của mình, ông đã viết lên một tác phẩm lớn có giá trị cho Y học cổ truyền mang tên “Thương hàn luận”. Trong “Thương hàn luận” phân ra thành 2 loại bệnh: hàn chứng (sốt, biểu hiện lạnh run là chính) và ôn bệnh (bệnh mang tính nhiệt, trong đó sốt là chính). Bên cạnh đó, ông còn để lại một số bài thuốc trong kinh nghiệm điều trị của mình.

Mãi đến 1500 năm sau, tức khoảng thế kỷ XVII, các thầy thuốc Y học cổ truyền mới phát triển, xây dựng học thuyết “Ôn bệnh học” và phân rõ ràng từ nguyên nhân tới cơ chế bệnh sinh. Người ta thấy rằng, ôn bệnh có 4 giai đoạn, bao gồm: vệ, khí, doanh, huyết. Theo các triệu chứng mô tả thì chúng gần giống như diễn tiến của bệnh COVID-19 hiện nay.

Cụ thể, ở giai đoạn khởi phát của F0, chúng ta thấy bệnh nhân có các triệu chứng như viêm long bao gồm: sốt, ho, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng, mất vị giác…. Giai đoạn viêm long này tương đương với giai đoạn mà đông y gọi là “vệ”.

Tương tự, giai đoạn kế tiếp là “khí” và “doanh” sẽ giống với giai đoạn toàn phát của COVID-19. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có các triệu chứng như: ho, sốt, khàn giọng, đau họng nhiều hơn, mất khứu giác, mất vị giác. Ngoài ra, người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hoá (buồn nôn, tiêu chảy) hoặc có thêm triệu chứng nặng ngực, khó thở.

Theo đó, giai đoạn nặng của COVID-19 sẽ tương ứng với giai đoạn “huyết”. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể hôn mê, sốt cao, mê sảng, co giật, thậm chí có thể tử vong hoặc một số người có diễn tiến nặng sau đó hồi phục.

Lúc bấy giờ, khi vẫn chưa có máy móc hay những phương tiện kỹ thuật, người ta sử dụng các bài thuốc để điều trị.

Đối với giai đoạn “vệ”, thầy thuốc thường sử dụng các bài thuốc như: tiểu sài hồ thang, ngân kiều tán, ma hạnh thạch cam thang. Tùy theo cơ địa, biểu hiện triệu chứng mà có những bài thuốc khác nhau.

Đối với giai đoạn bệnh nhân bắt đầu trở nặng là “khí” và “doanh”, có thể sử dụng các bài thuốc như: long đởm tả can thang, ma hạnh thạch cam thang hay hao cầm hoàng liên thang.

Ở giai đoạn rất nặng là “huyết”, chúng ta có thể dùng bài thuốc thanh dinh thang.

Theo các nghiên cứu khoa học, những bài thuốc này đều được nghiên cứu ở nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và một số nước ở Châu Âu.

Ví dụ: ở bài thuốc tiểu sài hồ thang, nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy thuốc có thể kháng với virus Cốc-xác-ki (Maladus Coxsackievirus) và virus HPV gây viêm gan siêu vi B. Đối với bệnh thuỷ đậu hoặc bệnh sởi ở giai đoạn nổi ban đỏ trên da, người ta sử dụng bài long đởm tả can thang hoặc thăng ma cát căn thang để điều trị. Hay bài ngân kiều tán đã được nghiên cứu từ giai đoạn dịch bởi virus SARS-CoV-1 (năm 2002).

Ngày xưa, các bài thuốc chỉ được sử dụng để điều trị trong 4 giai đoạn vệ, khí, doanh, huyết. Nhưng theo nghiên cứu hiện nay, các bài thuốc này có thể kháng lại các virus, trong đó có virus SARS-CoV-1 và virus SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu, các bài thuốc như ngân kiều tán, ma hạnh thạch cam thang, thanh dinh thang, hoa cầm thanh đởm thang là những bài thuốc có tác dụng đối với siêu vi.

2. Đông Y hỗ trợ như thế nào trong mô hình điều trị COVID-19 hiện nay?

Với mô hình điều trị COVID-19 được chia thành 5 tầng như hiện nay, theo PGS Đông y có thể tham gia vào tầng nào và việc triển khai có thuận lợi không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Trước đây, trong điều trị COVID-19 chúng ta chia thành 5 tầng, nhưng hiện nay đã chia lại thành 3 tầng để nguồn lực để sắp xếp việc điều trị hiệu quả hơn và ít phân tán nhân lực hơn.

Nếu chia theo 5 tầng, Đông y có thể tham gia vào tầng thứ nhất (F0 không triệu chứng hay những bệnh nền được điều trị ổn định), tầng thứ 2 (F0 có triệu chứng nhẹ hoặc F0 có bệnh nền không ổn định) và 1 phần của tầng thứ 3 (F0 trở nặng, phải được chăm sóc y tế).

Nếu chia theo 3 tầng, Đông y có thể can thiệp vào tầng thứ nhất và 1 phần của tầng thứ 2.

Với vai trò của thuốc Đông y như đã chia sẻ ở phần trước, việc điều trị ở tầng thứ nhất là rất an toàn. Thuốc sẽ giúp cơ thể tăng hoạt động miễn dịch, “chiến đấu” với siêu vi tốt hơn và tuần tự giúp người bệnh dần hồi phục trong 14 - 21 ngày sau khi mắc bệnh.

Với giai đoạn bệnh bắt đầu trở nặng, vẫn có thể sử dụng Đông y xen kẽ vào các giải pháp của Tây y giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nặng và duy trì sự sống cho bệnh nhân.

3. Luyện thở, châm cứu giúp ích gì cho bệnh nhân COVID-19?

Ngoài thảo dược Đông y, chúng ta còn có phương pháp gì để giúp hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị COVID-19, thưa PGS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Trong Đông y, ngoài dùng thuốc ra chúng ta còn có thể không dùng thuốc. Không dùng thuốc bao gồm: dưỡng sinh (bao gồm chế độ ăn uống, luyện tập, tinh thần, cách sống) và châm cứu. Cả dưỡng sinh lẫn châm cứu không phải chỉ mang lại hiệu quả trong quá khứ mà hiện nay các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh.

Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, luyện thở hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu tiên.

Châm cứu được ghi nhận rằng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nhất là đau đầu, đau họng. Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng, châm cứu giúp kích thích hoạt động miễn dịch, giúp các kháng thể hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, châm cứu còn có tác dụng chống viêm.

Châm cứu được ghi nhận rằng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nhất là đau đầu, đau họng (Ảnh minh họa)

4. Bí quyết để tâm an giữa đại dịch COVID-19?

Cuối chương trình, nhờ PGS gửi đến người dân một vài lời khuyên để chúng ta có thể vững tâm vượt qua đại dịch này ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời: Hiện nay, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, nếu chúng ta không bình tĩnh tìm hiểu đầy đủ các thông tin thì sẽ dễ dẫn đến hoang mang, lo sợ,… Tất cả các trạng thái lo âu, căng thẳng này sẽ làm cho bệnh dễ dàng diễn tiến nặng hơn nếu bị nhiễm virus.

Vì vậy, chúng ta nên hết sức bình tĩnh, không đọc những thông tin trái chiều hay bài viết trên mạng xã hội Facebook với thông tin không chính thống. Thay vào đó, chúng ta nên đọc các thông tin trên báo chí chính thống, thông tin từ bệnh viện để theo dõi và nắm rõ các kiến thức về bệnh COVID-19 để tự bảo vệ mình, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Chúng ta cũng nên có chế độ ăn hợp lý, tập các bài tập thở, theo dõi nhịp thở, nhịp tim… để tìm sự bình an trong tâm hồn. Vì nếu có sự bình an trong tâm hồn, chúng ta sẽ tỉnh táo nhận ra cơ thể đang đối diện với cái gì, triệu chứng ra sao. Bởi có nhiều người thường hoang mang, lo sợ, đến khi nhiễm bệnh lại nhầm tưởng bệnh tình mình đã trở nặng dù trên thực tế đó chỉ là triệu chứng nhẹ.

Chúng ta cũng nên chú ý tất khi sử dụng dược thảo. Dù hiện nay, hiệu quả của những thảo dược đối với COVID-19 được thông tin rất nhiều nhưng chúng ta không nên tự ý sử dụng mà phải nhờ thầy thuốc có uy tín hoặc đến bệnh viện Y học cổ truyền để được khám và cấu tạo bài thuốc phù hợp.

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X