Dược liệu thanh hao hoa vàng và những công dụng quý giá
Từ hơn nửa thế kỷ trước, thanh hao hoa vàng đã được các nhà khoa học trên thế giới phát hiện ra nhiều công dụng quý giá trong điều trị bệnh. Cụ thể như: chống sốt rét, chống virus, điều hòa miễn dịch, chống ung thư, chống nhiều loại ký sinh trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm…
Tên tiếng Việt: Thanh cao, Thanh hao, Thảo cao, Ngải, Nhả ngài bâu sláy (Tày), Ngải si
Tên khoa học: Artemisia annua L.
Họ: Asteraceae (Cúc), gốc hóa gỗ, sống lâu năm.
Toàn thân cây có mùi thơm nhẹ; lá mọc cách, phiến lá xẻ lông chim 2 lần, thành những dải hẹp, có lông mềm bao phủ. Lá già vàng rồi chết khô, không rụng vì cuống lá rất dai. Mỗi cành nhỏ có 3-7 cụm hoa, mỗi cụm hoa có 25-35 hoa.
Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ quả có tuyến chứa tinh dầu.
Cây thường mọc hoang, người dân hay hái lá non của cây non về luộc hoặc nấu canh ăn thay rau. Do nhu cầu sản xuất artemisinin ngày càng cao, từ năm 1990 trở lại đây, lượng dược liệu thanh hao hoa vàng trên thị trường chủ yếu do trồng trọt.
Thanh hao hoa vàng là một loài ngải bản địa của vùng châu Á ôn đới nhưng hiện nay có mặt nhiều nơi trên thế giới, gồm cả Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, cây thanh hao hoa vàng mọc hoang và được trồng ở miền Bắc và ở Lâm Đồng.
Bộ phận dùng làm thuốc là lá thanh hao hoa vàng. Lá thu hoạch vào thời kỳ cây bắt đầu có nụ là lúc hàm lượng Artemisinin cao nhất là 1,6% trong lá khô. Nếu thu lá trên cây còn xanh hàm lượng Artemisinin chỉ có 0,6%. Cây đã nở hoa hàm lượng Artemisinin còn 1%.
Lá thanh hao hoa vàng được thu hái ở những cây sắp ra hoa (khi hàm lượng artemisinin cao nhất), rửa sạch, phơi hoặc sấy ở 30 - 40oC đến khô. Theo dược điển Việt Nam V, dược liệu đạt tiêu chuẩn có màu vàng nâu hoặc nâu sậm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng, có thể lẫn một ít cành hoặc ngọn non, định lượng artemisinin không ít hơn 0,7% tính theo dược liệu khô kiệt.
Thanh hao hoa vàng là nguồn cung cấp nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, với hơn 220 hợp chất được phân lập và xác định, bao gồm ít nhất 28 monoterpen, 30 sesquiterpenes, 12 triterpenoids và steroid, 36 flavonoid, 7 coumarin, 4chất thơm và 9 hợp chất béo.
Artemisinin là thành phần hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong thanh hao hoa vàng. Cấu trúc hóa học của artemisinin là một sesquiterpene lacton có chứa một liên kết endoperoxide bất thường với công thức hóa học C15H22O5. Liên kết endoperoxide bất thường này là vị trí hoạt động chính trong cơ chế hoạt động của thuốc.
Cây thanh hao hoa vàng được trồng làm thuốc trên diện rộng ở các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Mê Linh…tại Vĩnh Phúc
Những công dụng của thanh hao hoa vàng
Theo y học cổ truyền, cây Thanh hao hoa vàng có vị đắng, nhạt, tính mát. Quy kinh Can, Đởm.
Thanh hao hoa vàng đã được sử dụng từ lâu đời để điều trị các bệnh như sốt rét, giun sán, ung thư, sán máng, Leishmaniasis, HIV, viêm gan B, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm phổi…
Dưới đây là các tác dụng của thanh hao hoa vàng đã được nghiên cứu.
- Trị sốt rét
Thành phần chính của thanh hao hoa vàng là artemisinin (thanh hao tố) và nổi tiếng với tác dụng chống sốt rét.
Những thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Gambia, Hà Lan, Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác trên người tình nguyện viên, hàng ngàn bệnh nhân sốt rét do Plasmodium falciparum nặng và vừa cho thấy artemisinin và các dẫn chất khác an toàn và có hiệu quả.
Artemisinin có tác dụng ức chế và tiêu diệt ký sinh trùng, trong đó có ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum. Artemisinin tạo ra sự thanh thải ký sinh trùng nhanh chóng, nhanh hơn đáng kể so với các loại thuốc chống sốt rét khác, điều này rất quan trọng về mặt lâm sàng, đặc biệt trong các trường hợp sốt rét ác tính và thể não.
Bài thuốc chữa sốt rét: Thanh hao 40g, rửa thật sạch, cắt nhỏ, ngâm trong 500ml nước khoảng 1 giờ, đem nấu sôi, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Hoặc đun sôi 1 lít nước, cho vào 10g lá thanh hao khô, chia 3-4 lần, uống trong ngày. Uống trà trong vòng 5 ngày.
- Chống virus
Trước khi bùng phát COVID-19, đã có một số nghiên cứu xoay quanh đặc tính kháng virus của thanh hao hoa vàng như khả năng giảm thiểu sự sao chép của virus herpes; ức chế virus viêm gan B và C; chống lại một số loại virus tiêu chảy ở bò, virus Epstein-Barr, virus SARS xuất hiện vào năm 2002.
Ngày nay, người ta ghi nhận artemisinin có các tác dụng: kháng siêu vi khuẩn, ức chế sự nhân giống của nhiều vi khuẩn.
Theo GS. Pamela Weathers - chuyên gia của Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về cây thanh hao hoa vàng, xác nhận dược liệu có thể ngăn chặn được khả năng nhân rộng của virus bên trong tế bào.
Vì thế, khi virus không thể tạo ra virus mới, về cơ bản là chúng đã bị tiêu diệt.
- Điều hòa miễn dịch
Trong một nghiên cứu trên động vật, hoạt tính ức chế miễn dịch của chiết xuất ethanol của thanh hoa hoa vàng được đánh giá đối với sự tăng sinh tế bào lách, và kết quả cho thấy thanh hoa hoa vàng được sử dụng để điều trị một số bệnh tự miễn dịch và nó có thể được coi là một chất ức chế miễn dịch cho các nghiên cứu trong tương lai.
Thanh hao hoa vàng có hàm lượng kẽm cao, được báo cáo là có hiệu quả đối với tác dụng điều hòa miễn dịch đối với phản ứng của vật chủ và tăng mức CD4 (một loại glycoprotein được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào miễn dịch). Cần lưu ý rằng khả năng chống oxy hóa của thanh hao giúp tăng cường khả năng phòng thủ miễn dịch.
- Chống ung thư
Thanh hao hoa vàng có tác dụng chống ung thư, hoạt động theo cách đa hiệu chống lại các khối u. Nó có khả năng gây ra sự tự hủy của nhiều loại tế bào ung thư, đặc biệt trong trường hợp ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú.
Ngoài ra, thanh hao hoa vàng còn có công dụng điều trị các bệnh như giun sán, sán máng, Leishmaniasis, HIV, viêm gan B, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm phổi…
- Kháng viêm, làm lành vết thương
Thanh hao đã được sử dụng lần đầu tiên trong chế phẩm băng vết thương dạng sợi nano. Băng vết thương từ thanh hao không gây độc tế bào, sự tăng sinh và gắn kết tốt của các tế bào nguyên bào sợi có hạt và đặc tính kháng khuẩn kháng được S.aureus. Do vậy, thanh hao còn được dùng trong điều trị viêm khớp.
Tinh dầu thanh hao có tác dụng làm hóa đờm, giảm ho, hạ cơn hen. Thuốc có Tác dụng lợi mật trên chuột trắng thực nghiệm. Có tác dụng điều tiết và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bên cạnh đó, các hoạt động điều hòa miễn dịch, chống adipogenic, chống hen và chống loãng xương.
Lưu ý khi dùng cây Thanh hao hoa vàng
Liều dùng thường khoảng 6-20g.
- Không nên sắc lâu khi dùng thuốc sắc, bệnh nhân có tỳ vị hư hàn như dễ tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi cần lưu ý nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
- Không nên dùng thanh hao cho phụ nữ đang mang thai, vì có thể gây sảy thai với liều cao.
- Những bệnh nhân có chứng rối loạn dạ dày - ruột, hoặc đang dùng thuốc kháng axit, cũng không nên dùng thanh hao, vì có thể làm gia tăng sự sản xuất axit dạ dày.
Lần đầu tiên năm 2015, một công dân nước CHND Trung Hoa được trao giải Nobel khoa học, hơn nữa người đoạt giải thưởng khoa học cao quý này lại là phụ nữ.
Bà Youyou Tu (Trung Quốc) vinh dự nhận giải thưởng nhờ những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị mới bệnh sốt rét với hoạt chất chiết xuất từ cây Thanh cao hoa vàng.
Bà Juleen Zierath, Chủ tịch Ủy ban Nobel Y học, phát biểu: Nhờ kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại với y học hiện đại, thảo dược Trung Y đã lập được thành tựu “xuất sắc” về chữa bệnh.
Thập niên 1960-1970, trong điều kiện cực kỳ gian khổ, nhóm nghiên cứu Youyou Tu đã nghiên cứu cách điều trị bệnh sốt rét. Họ lấy cảm hứng từ các thư tịch y dược cổ điển Trung Y, dẫn đầu phát hiện chất Thanh Hao (Artemisinin), sáng tạo phương pháp mới điều trị sốt rét.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình