Hotline 24/7
08983-08983

Thảm hoạ âm thầm do tự ý dùng thuốc

Ở Việt Nam, khoảng 25-30% số bệnh nhân đến BV cấp cứu là do ngộ độc cấp và số tử vong là 10-12%, trong đó có nhiều ca bị ngộ độc thuốc.

Hội Chống độc Mỹ cho biết, hằng năm ở nước này có hơn 4 triệu trường hợp ngộ độc. Ở Việt Nam, khoảng 25-30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và số tử vong là 10-12%, trong số đó có nhiều ca bị ngộ độc thuốc. Hậu quả ngộ độc thuốc rất nặng nề như gây dị tật bẩm sinh, tàn tật vĩnh viễn, tử vong...

72% số bệnh nhân trúng độc da do thuốc không xác định được nguyên nhân

Đây là thông tin được các chuyên gia trong lĩnh vực dược, điều trị cảnh báo tại hội thảo khoa học về thông tin thuốc, cảnh giác dược được tổ chức tại BV Chợ Rẫy, TPHCM vào sáng 31/8. Theo đó, ngộ độc thuốc là do nhầm lẫn của thầy thuốc, của người bệnh hoặc do cố ý như tự tử, đầu độc...

Thông thường, những trường hợp nhầm lẫn thường không nặng lắm vì được chẩn đoán sớm, đúng nên xử lý kịp thời. Còn những trường hợp cố ý thì thường rất nặng vì nạn nhân che giấu tên thuốc đã dùng, liều thuốc nhiễm độc lại quá lớn và lúc đưa đến điều trị thường đã muộn.

Theo thống kê mới nhất của BV Da liễu TPHCM, hơn 72% số bệnh nhân nhập viện vì trúng độc da do thuốc không xác định được nguyên nhân cụ thể.

Điều đáng nói là hơn 1/2 trong số này đã dùng nhiều loại thuốc một lúc, trong đó có những loại lạ; 1/2 còn lại chỉ dùng một loại nhưng hoàn toàn không biết đó là thuốc gì và cũng mù mờ về cách sử dụng.

Điển hình mới đây nhất là vụ ngộ độc cloramin B ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vào ngày 29.7 đã làm 27 trẻ em mầm non phải nhập viện cấp cứu.

BS Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Lâm sàng 1 - BV Da liễu TPHCM cho biết một trường hợp rất nặng là cụ bà bị hội chứng Lyell do dị ứng thuốc allopurinol trong quá trình điều trị bệnh gút. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân bị dị ứng da nổi mẩn đỏ, ngứa, viêm loét... nhưng do người nhà chủ quan nên mãi đến khi biến chứng quá nặng, chuyển sang hội chứng Lyell, toàn thân lở loét, bong tróc, tuột da nhiều vị trí thì mới vào bệnh viện. Bệnh nhân may mắn được cứu sống, nhưng quá trình điều trị vô cùng vất vả.

Hoặc trường hợp khác bệnh nhân sử dụng kháng sinh cotrim để điều trị nhiễm trùng đã bị dị ứng thuốc gây lở loét. Do không xác định được cơ thể dị ứng với loại thuốc này nên tiếp tục sử dụng. Khi bệnh chuyển biến nặng, gia đình đưa đến BV Da liễu để chữa trị thì đã quá trễ, bệnh nhân đã chuyển sang hội chứng Lyell.

Đừng chủ quan với biểu hiện bất thường sau khi uống thuốc

Theo BS Socorro Escalante – đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, thảm họa  do thuốc gây ra rất lớn lan rộng đến nhiều quốc gia. Cụ thể nhất là năm 1962, thảm họa Thalidomide là một loại thuốc an thần mạnh và chống nôn đã làm 12.000 trẻ em bị ảnh hưởng.

Trong đó phần lớn bị bất thường trong cơ thể và dẫn đến tỉ lệ tử vong sớm gần 40%. Mới đây nhất tại VN, 741 trường hợp nhập viện do dị ứng một loại phấn rôm đã được phát hiện. 

Các chuyên gia da liễu cảnh báo tình hình trúng độc da do thuốc còn cao, nhiều ca biến chứng nặng là do lạm dụng thuốc có xu hướng tăng, bệnh nhân không tuân thủ quá trình điều trị được chỉ định; BS khi kê toa không dặn dò, không theo dõi quá trình điều trị; bệnh nhân không đến ngay BV khi các biểu hiện dị ứng da xuất hiện...

BS Thủy khuyến cáo, nếu sử dụng loại thuốc nào đó thấy các triệu chứng bất thường như ngứa buồn nôn, da nổi mẩn đỏ, chóng mặt thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. BS Socorro Escalante còn cảnh báo, một nguyên nhân khác cũng thường xảy ra chính là BS truyền y lệnh cho điều dưỡng bằng miệng thông báo kê toa một loại thuốc nào đó.

Điều đáng nói, các loại thuốc thường có tên gần giống nhau, hình thức cũng na ná nhau. Vì thế, khi điều dưỡng nghe lầm đã thông báo cho bệnh nhân sai tên thuốc nên dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Theo Võ Tuấn - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X