Tất tần tật về suy tim: Triệu chứng cảnh báo, điều trị và phòng ngừa
Trong chương trình sinh hoạt câu lạc bộ suy tim do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức, hai chuyên gia về Tim mạch đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể, từ các triệu chứng giúp nhận diện kịp thời, điều trị, theo dõi suy tim đến cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.
Ai có nguy cơ mắc suy tim và đâu là triệu chứng kinh điển để nhận diện?
Theo BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai - Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất, những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi tắc nghẽn và đặc biệt là bệnh lý mạch vành là những nhóm có nguy cơ cơ mắc suy tim. Tuy nhiên, cần chú ý, triệu chứng đặc thù của bệnh mạch vành mãn tính là đau thắt ngực nhưng nhóm bệnh nhân đái tháo đường, nhóm bệnh nhân lớn tuổi không có triệu chứng này. Đôi khi chỉ cảm thấy mệt mệt, khó thở là đã có bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, người cao tuổi, người mắc những bệnh khác như van tim (hẹp/hở van động mạch chủ nặng, hẹp/hở van 2 lá nặng), bệnh cơ tim), các bệnh lý mạn tính ( bệnh tuyến giáp, suy thận…), rối loạn nhịp tim kéo dài, sử dụng thuốc điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác, viêm cơ tim…, nam giới hút thuốc lá, ăn mặn và béo phì, lười vận động cũng có khả năng mắc bệnh suy tim, chuyên gia nhấn mạnh.
Để nhận diện suy tim có thể dựa trên những triệu chứng cảnh báo. Trong đó, khó thở là chứng hay gặp nhất của suy tim, thường xảy ra khi gắng sức, thậm chí khi nằm hoặc tư thế đầu thấp. Các cơn khó thở về đêm tăng lên, khiến cho nhiều người bệnh phải ngồi bật dậy để thở. Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở nhiều.
Ngoài ra bệnh nhân còn có cảm giác phù nhiều ở hai chân, thường sưng nhiều về chiều và kèm theo tăng cân. Các triệu chứng cho thấy suy tim tiến triển, đó là mệt mỏi, khó thở, gắng sức kém, phù, tăng cân, chán ăn, tiểu ít. Do vậy, người bệnh cần lắng nghe cơ thể, theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày để sớm nhận biết các triệu chứng của suy tim.
Chuyên gia lấy ví dụ:“Giả sử khi chúng ta uống vào 1,5 lít nước thì lượng nước tiểu thải ra ở khoảng 1 lít, trừ trường hợp thời tiết nóng sẽ tiểu ít hơn khoảng 200ml. Tuy nhiên, nếu chúng ta uống 1.5 lít nước mà đi tiểu chỉ khoảng 200 - 300ml nghĩa là suy tim đã nặng dần và tim không co bóp đủ để đẩy máu đi, giảm cung lượng tim”.
Cũng theo chuyên gia, ở bệnh nhận suy tim còn biểu hiện những triệu chứng như ho khan (khó có đàm) vào ban đêm (khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh bị ho khi nằm, ngả lưng là ho và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu) hay rối loại nhịp tim (tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực dẫn đến chóng mặt, mệt mỏi và dần kiệt sức). Tuy nhiên tình trạng mệt mỏi do suy tim rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, do vậy bắt buộc người bệnh phải khám bác sĩ để phân biệt và điều trị kịp thời, BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai nhận định.

Chuyên gia cho hay, suy tim nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời đưa đến giai đoạn cuối có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhối máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân đột tử, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, hỏng van tim, thiếu máu, tổn thương gan - thận (xơ gan, suy gan, suy thận…). Mức độ nguy hiểm thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng bệnh nhân. Bên cạnh đó, các triệu chứng khó thở, phù, mệt mỏi cũng khiến bệnh nhân suy tim phải nhập viện điều trị.
Các giải pháp điều trị suy tim và những triệu chứng bệnh tiến triển nhất định phải biết
Về vấn đề điều trị, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Huân - GVCC Đại học Y Dược TPHCM, Phó khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Thống Nhất nhận định, ở góc độ bác sĩ tim mạch, điều trị suy tim là khó nhất bởi nguyên nhân dẫn đến bệnh là cả quá trình của những bệnh lý trước đó chưa điều trị đúng và kiểm soát tốt.
Chính vì vậy, việc “đánh chặn từ xa” và tuân thủ điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành sẽ hạn chế bớt bệnh nhân suy tim. Mục tiêu của điều trị suy tim cần sự phối hợp giữa bác sĩ, bệnh nhân và người nhà. Từ đó giúp người bệnh khỏe, giải quyết được nguyên nhân gây bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do suy tim.
Do đó, theo chuyên gia, khi gặp dấu hiệu như khó thở và phù bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê thuốc. Hiện có 4 nhóm thuốc chính điều trị suy tim, bao gồm, nhóm 1 có ức chế men chuyển (ví dụ enalapril, captopril), chẹn thụ thể angiotensin (ví dụ losartan, valsartan), ức chế kép angiotensin và neprilysin (ARNI), nhóm 2 là chẹn beta (ví dụ bisoprolol, carvedilol, metoprolol), nhóm 3 là đối kháng aldosterone (ví dụ spirololactone), nhóm 4 là ức chế kênh SGLT2 (ví dụ dapagliflozin, empagliflozin).

Trong điều trị suy tim, cần kết hợp siêu âm tim và thử máu để đánh giá mức độ hiệu quả của loại thuốc điều trị. Qua đó giúp bác sĩ kịp thời thay đổi thuốc để giảm liều (tình trạng cải thiện) hay nâng liều (tình trạng suy tim tiến triển nặng).
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Huân cho biết, ngoài một số bệnh nhân phải dùng thuốc thì cũng có những trường hợp không dùng thuốc. Nhóm bệnh nhân này sẽ được bác sĩ can thiệp bằng cách điều trị nguyên nhân gây suy tim (đặt stent, phẫu thuật bắc cầu mạch vành; kiểm soát bệnh nền (tăng huyết áp); phẫu thuật thay/sửa van tim); liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT); máy phá rung cấy được dưới da (ICD); ghép tim.
Cũng theo chuyên gia, việc thay đổi lối sống sẽ góp phần vào sự thành công của quá trình điều trị suy tim ở cả bệnh nhân dùng thuốc hay không dùng thuốc. Chuyên gia cho hay, bệnh nhân suy tim cần hạn chế nhập muối (không quá 2,3 mg NaCl mỗi ngày) trong mỗi bữa ăn. Khi suy tim độ 3 - 4 người bệnh không nên sử dụng vượt quá 1.5 lít nước/ngày. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim nên tránh xa khói thuốc lá, hạn chế rượu, bia, tăng cường vận động thể dục thường xuyên theo mức suy tim và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác như: bệnh đồng mắc, stress... để góp phần cùng bác sĩ điều trị suy tim hiệu quả.
BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai thông tin thêm, người bệnh cũng cần lưu ý dấu hiệu nặng lên của suy tim. Một là khó thở mới xuất hiện, hoặc khó thở tăng hơn so với trước. Hai là ho mới xuất hiện hoặc ho tăng, đặc biệt ho ra máu. Ba là cảm giác nặng chân, phù chân, phù mắt cá. Bốn là tăng cân trên 1kg/ ngày hoặc trên 2kg trong 1 tuần. Năm là tim đập nhanh bất thường.
Để nâng cao hiệu quả điều trị, chuyên gia nhấn mạnh rằng, người bệnh suy tim nên tuân thủ mọi hướng dẫn từ bác sĩ, dù khỏe nhiều hay không có triệu chứng cũng không được tự ý dừng thuốc, thay đổi liều lượng hay uống bất kỳ loại thuốc nào khác, đặc biệt là không mách nhau uống thuốc. Ngoài ra, việc tái khám đều hàng tháng là rất quan trọng để bác sĩ kịp thời điều chỉnh thuốc, đồng thời xét nghiệm máu định kỳ 3- 6 tháng/lần.
Phòng ngừa suy tim để “đánh chặn từ xa”
Về vấn đề phòng ngừa suy tim, BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai cho biết, bệnh nhân cần điều trị, kiểm soát tốt các bệnh nền sẵn có như đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ… Bỏ thuốc lá, tránh các thực phẩm có chứa cồn như rượu bia, ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh đều là những giải pháp quan trọng để phòng ngừa suy tim.
Bên cạnh đó, tránh lối sống tĩnh tại, thường xuyên luyện tập thể dục, mục tiêu 150-300 phút tập luyện/tuần ở cường độ vừa phải hoặc 75-150 phút/tuần ở cường độ mạnh hoặc kết hợp các hoạt động thể chất vừa phải và mạnh, các bài tập kháng lực để tăng sức cơ. Bắt đầu chậm, tăng dần về khối lượng và cường độ bài tập. Lưu ý, bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, nên trao đổi với bác sĩ về hình thức và cường độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Cuối cùng, hai chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, giai đoạn phát hiện bệnh cũng quyết định rất lớn đến tỷ lệ hiệu quả điều trị bệnh suy tim. Giai đoạn khởi phát, tim chưa bị suy yếu nhiều, khả năng đáp ứng thuốc điều trị nội khoa tốt sẽ là giai đoạn chữa bệnh hiệu quả hơn cả. Do vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh suy tim thì cần đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế uy tín. Đồng thời nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn sớm nhất.
>>> Suy tim: Ai dễ mắc, phòng ngừa thế nào, điều trị ra sao?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình