Tầm soát túi phình mạch máu não tránh biến chứng nguy hiểm
Theo ThS.BS Trương Thị Trang - Khoa Nội Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, những người có yếu tố nguy cơ cao như yếu tố gia đình, bệnh lý nền cần tầm soát túi phình mạch máu não càng sớm càng tốt, tránh biến chứng xuất huyết não, nhồi máu não, thậm chí tử vong.
1. Tại sao túi phình mạch máu não gia tăng ở người trẻ?
Đầu tiên xin hỏi BS phình mạch máu não là gì? Tình trạng này dạo gần đây được báo chí, truyền thông nhắc đến nhiều hơn liệu bệnh lý này có đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa?
ThS.BS Trương Thị Trang trả lời: Phình mạch máu não là hiện tượng mạch máu não căng phồng, thường xuất hiện ở vị trí mạch yếu, ngay góc chia phân nhánh, chia đôi.
Phình mạch máu não có thể gây ra bởi các yếu tố như hút thuốc lá, các bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
Trước đây phình mạch máu não thường gặp ở người lớn tuổi nhiều hơn, tuy nhiên tỷ lệ người trẻ phát hiện phình mạch máu não hiện nay tăng nhiều hơn. Nguyên nhân do giới trẻ ngày nay quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, tầm soát bệnh lý, khám sức khỏe định kỳ dù không có triệu chứng để từ đó tầm soát ra một số bệnh lý, trong đó có chụp MRI mạch máu não, phát hiện ra túi phình ở giai đoạn chưa vỡ hoặc rất nhỏ.
Thứ hai là do lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, áp lực công việc, căng thẳng… tạo ra các áp lực lên thành mạch và hình thành nên túi phình mạch máu não.
Thứ ba, chế độ ăn uống, lối sống của giới trẻ dẫn đến dễ mắc các bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu… Những bệnh lý này cũng là các yếu tố nguy cơ hình thành túi phình mạch máu não.
Thứ tư là yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có anh, chị, em, bố, mẹ bị túi phình, người đó có nguy cơ mắc túi phình mạch máu não cao gấp 2 lần so với người bình thường không có yếu tố gia đình.
2. 6 biến chứng nguy hiểm của túi phình mạch máu não
Đâu là nguyên nhân gây ra túi phình mạch máu não? Nếu bệnh nhân không nhận biết kịp thời thì biến chứng nặng nề nào có thể xảy ra trên bệnh nhân, thưa BS?
ThS.BS Trương Thị Trang trả lời: Một số nguyên nhân hình thành nên túi phình mạch máu não ở người trẻ có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào như: yếu tố gia đình, lối sống không lành mạnh, bệnh nền (cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, thận đa nang…).
Ngoài các nguyên nhân trên, chấn thương đầu cũng là một trong các nguyên nhân có thể gây ra túi phình mạch máu não; nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não. Những người bị thận đa nang nguy cơ bị túi phình mạch máu não khá cao.
Tỷ lệ mắc túi phình mạch máu não trong dân số chung khoảng 5% (cứ 100 người có 5 người mắc). Bệnh lý này thường không gây triệu chứng, chỉ thể hiện rõ khi túi phình vỡ. Một số biến chứng nguy hiểm khi túi phình mạch máu não vỡ:
Thứ nhất là xuất huyết não, túi phình vỡ làm máu chảy vào não và dẫn đến đột quỵ não thể xuất huyết não. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, xuất huyết não có thể gây ra tình trạng tàn phế nhẹ, trung bình, nặng nề thậm chí tử vong.
Thứ hai có thể gặp là giảm tải máu - một chất điện giải trong cơ thể bị giảm đi, khi giảm chất này sẽ làm não dễ sưng phù, hôn mê hoặc tử vong.
Thứ ba là co thắt mạch não (sau giai đoạn xuất huyết não, và gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, tương tự như tình trạng nhồi máu não, tùy thuộc vào mức độ và gây ra di chứng nặng nề cho bệnh nhân).
Thứ tư, có thể làm cho bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật.
Thứ năm, bệnh nhân hôn mê do áp lực não tăng lên khi máu chảy nào trong não.
Ngoài ra, việc ứ dịch não tủy ở trong não cũng làm não bệnh nhân ứ nước, thường gọi là não úng thủy.
Ước tính khi vỡ túi phình mạch máu não, tỷ lệ tử vong lên đến 50%, điều đó cho thấy túi phình mạch máu não không gây triệu chứng nhưng gây ra tỷ lệ tử vong cao. Đây là bệnh lý đáng báo động, giống quả bom nổ chậm, khi đã vỡ sẽ gây biến chứng nặng nề.
3. Dấu hiệu cảnh báo túi phình mạch máu não
Đâu là dấu hiệu cảnh báo phình mạch máu não dễ bị bỏ qua, thưa BS?
ThS.BS Trương Thị Trang trả lời: Tỷ lệ túi phình mạch máu não trong dân số là 5%, điều đáng buồn là bệnh lý này không có triệu chứng báo trước. Một số triệu chứng có thể gặp là khi túi phình đã vỡ hoặc phình to, chèn ép bộ phận xung quanh.
Một số triệu chứng như đau đầu dữ dội, nên thăm khám để bác sĩ kiểm tra xem đó có phải do túi phình. Thứ hai là bệnh nhân chóng mặt, nôn mửa nhiều, dấu hiệu về thị giác như nhìn mờ, sụp mi; các cơn co giật… và phát hiện ra túi phình mạch máu não qua MRI não hoặc CT não.
4. Tầm soát túi phình mạch máu não càng sớm càng tốt
Việc tầm soát, đặc biệt trên những người có yếu tố nguy cơ cần chủ động tầm soát sức khỏe thế nào? Bao lâu cần tầm soát một lần, thưa BS?
ThS.BS Trương Thị Trang trả lời: Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ túi phình mạch máu não cần tầm soát càng sớm càng tốt như: những người có yếu tố gia đình, nếu người thân có túi phình, nguy cơ người đó mắc sẽ cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Thứ hai là những người có bệnh lý nền như bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu hoặc thận đa nang…
Các phương tiện tầm soát là CT não, mạch máu não; MRI não, mạch máu não.
Một phương tiện tiêu chuẩn vàng, chẩn đoán chắc chắn có túi phình mạch máu não trong não đó là chụp mạch máu não số hóa xóa nền - DSA, đây là kỹ thuật xâm lấn, cần bơm thuốc cản quang, có dụng cụ mới có thể tiến hành chụp. DSA là một kỹ thuật cao nên chỉ áp dụng khi CT não, mạch máu não hoặc MRI não, mạch máu não; trên lâm sàng có nghi ngờ nhưng không hiện ra túi phình mạch máu não. Tuy nhiên khi tầm soát bằng CT, MRI cũng cho ra một kết quả khá chính xác.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình