Hotline 24/7
08983-08983

Tái tạo vú - Kỹ thuật nhân văn khôi phục "biểu tượng vẻ đẹp" cho chị em phụ nữ sau phẫu thuật ung thư vú

Trả lại đôi gò bồng đào là niềm mơ ước của nhiều chị em phụ nữ khi phải phẫu thuật điều trị ung thư vú. Kỹ thuật này hiện nay đã phát triển ra sao? Quy trình thực hiện như thế nào? Chi phí có nằm ngoài tầm với của các quý cô? Tất cả những thắc mắc này sẽ được PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Hội Ung thư vú Huế giải đáp trong bài viết sau.

1. Những điểm mới trong Hội thảo Nhận thức về tái tạo vú năm 2021

Đầu tiên, xin PGS cho biết về “Hội thảo Nhận thức về tái tạo vú” được tổ chức hôm 30/10 mới đây, vì sao ban tổ chức muốn nhấn mạnh vấn đề “nhận thức” ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Hội thảo Nhận thức về tái tạo vú (BRAS) là một hoạt động ý nghĩa trong Tháng 10 hồng. Mục đích của Tháng 10 hồng là giúp công chúng, đặc biệt là phụ nữ ý thức hơn về bệnh ung thư vú, đồng thời giúp các bệnh nhân ung thư vú có thể tự tin hơn, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Tên tiếng Anh của Hội thảo là Breast Reconstruction Awareness, trong đó có từ Awareness có nghĩa là nhận thức. Chính vì vậy, chúng tôi muốn giữ nguyên ý nghĩa khi dịch sang tiếng Việt. Theo đó, nhận thức ở đây muốn nhấn mạnh rằng mỗi y bác sĩ phải hiểu biết đúng về tái tạo vú thì mới có thể đem lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân ung thư vú.

PGS có thể chỉ ra những điểm đáng chú ý của hội thảo năm nay là gì ạ? (vấn đề nào được các chuyên gia quan tâm, tranh luận nhiều, vấn đề nào người bệnh băn khoăn nhiều…).

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Trong hội thảo lần này, chúng tôi đã mời các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tái tạo vú ở 2 chuyên ngành: ung thư và phẫu thuật tạo hình.

Các bác sĩ đã trình bày đầy đủ và chi tiết lĩnh vực chuyên môn thế mạnh của mình. Những vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhiều nhất là làm thế nào để có một kỹ thuật phù hợp cho từng bệnh nhân, chẳng hạn như tái tạo vú bằng túi độn ngực hoặc vạt.

Về phía bệnh nhân, đa số họ thường quan tâm đến vấn đề kinh phí, giá cả cho việc điều trị bệnh. Đồng thời, việc tái tạo vú liệu có an toàn không cũng được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Theo đó, những câu hỏi này cũng đã được các chuyên gia giải đáp trong hội thảo.

Nhiều năm qua, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng luôn là chuyên gia gợi ý nhiều thắc mắc, chủ đề sát sườn với nhu cầu của người bệnh quan tâm như sức khỏe sinh sản, “chuyện ấy”với bệnh nhân đang điều trị ung thư vú; hướng dẫn cách ăn uống, phòng ngừa bệnh…

2. “Bậc thang điều trị” trong ung thư vú là gì?

Ở phần thảo luận của hội thảo, các chuyên gia có đề cập đến “bậc thang điều trị”, vấn đề này đã có sự thống nhất giữa bác sĩ ung thư và bác sĩ tái tạo chưa ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Chúng ta có thể hiểu nôm na “bậc thang điều trị” là hướng dẫn điều trị phẫu thuật và tái tạo cho bệnh ung thư vú.

Năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị ung thư vú, trong đó có BS là thành viên trong hội đồng thẩm định.

Theo đó, hướng dẫn đã chỉ định rõ, chúng ta chỉ bảo tồn, tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm, giai đoạn 1, 2 và 3A, chứ không phải bệnh nhân ở giai đoạn nào cũng có thể tái tạo được.

Hướng dẫn chỉ đề cập đến chỉ định và không nhắc đến những kỹ thuật hay ai sẽ là người thực hiện kỹ thuật này. Dĩ nhiên, ở các cơ sở công lập, người phẫu thuật phải có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình.

Hiện nay, nước ta chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các BS ung thư và người thực hiện phẫu thuật tạo hình. Đa số các BS đều hoạt động độc lập, tức vừa mổ cắt bỏ vú, vừa tái tạo.

3. Phẫu thuật tái tạo vú “1 thì” và “2 thì” khác nhau thế nào?

Có thể thấy phẫu thuật tái tạo vú có rất nhiều việc phải cân nhắc, và một buổi tư vấn cho bệnh nhân kéo dài hàng giờ mới lựa chọn được phương án phù hợp. Tuy nhiên, nhân dịp hôm nay nhờ PGS chia sẻ một cách khái quát với bạn đọc AloBacsi: phẫu thuật tái tạo vú “1 thì” và “2 thì” khác nhau như thế nào, và xu thế hiện nay là gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Phẫu thuật tái tạo vú hoàn chỉnh thường qua 6 - 7 giai đoạn.

Phẫu thuật tái tạo vú 1 thì, hay còn gọi là tức thì, tức sau khi mổ cắt bỏ xong thì bệnh nhân được tái tạo vú ngay.

Phẫu thuật tái tạo vú 2 thì, hay còn gọi là tái tạo vú trì hoãn, tức sau 1 thời gian, bệnh nhân được điều trị ổn định thì mới bắt đầu tái tạo vú.

Tùy theo quyết định của bệnh nhân, cũng như từng giai đoạn điều trị mà BS sẽ chỉ định phẫu thuật tái tạo vú 1 thì hay 2 thì. Về cơ bản, khả năng tái phát và di căn của cả 2 không khác nhau.

Nhiều người thường nghĩ là nếu phẫu thuật tái tạo vú 1 thì sẽ nhanh tái phát bệnh hay nhanh “ra đi” hơn so với phẫu thuật tái tạo 2 thì. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn không đúng.

4. Xạ trị mổ INTRABEAM mang lại lợi ích gì trong phẫu thuật tái tạo vú?

Bài báo cáo của PGS tại hội thảo có đề cập đến “xạ trị trong mổ INTRABEAM”, phương pháp này được tiến hành ra sao, và mang lại lợi ích gì cho quá trình phẫu thuật tái tạo vú ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Xạ trị trong phẫu thuật không phải là phương pháp mới trên thế giới. Xạ trị được ứng dụng phổ biến nhất ở Châu Âu (từ 1990 đến nay) và hiện kỹ thuật này đã lan rộng khắp thế giới.

Viện Ung thư Châu Âu là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới ứng dụng xạ trị cho bệnh nhân ung thư vú sau khi đã cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.

Hiện nay, BS thường ứng dụng hệ thống INTRABEAM để phẫu thuật bảo tồn, giúp rút ngắn thời gian điều trị. Nếu như trước đây phẫu thuật xạ trị thông thường mất khoảng 6 tuần, thì ứng dụng hệ thống xạ trị Intrabeam chỉ mất khoảng 42 phút mà không lo sợ tái phát.

Kỹ thuật này đã được nhiều nước áp dụng. Theo đó, xạ trị trong mổ INTRABEAM gồm có 3 bước: phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, xạ trị và tái tạo vú bằng túi độn hoặc bằng vạt.

Nếu áp dụng kỹ thuật này, chúng ta có thể rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân chỉ cần mổ 1 lần và xạ trị 1 lần.

Kỹ thuật này giúp đảm bảo an toàn về mặt ung thư và ưu việt về mặt thẩm mỹ. Vì nếu chúng ta đặt túi độn vào mà xạ trị lần nữa thì sẽ làm hỏng túi. Do đó, xạ trị 1 lần duy nhất sẽ an toàn hơn.

5. Làm sao để chị em bị đoạn nhũ tìm được một cơ sở phẫu thuật tái tạo vú an toàn?

Trong hội thảo có nêu một trường hợp bệnh nhân tái tạo vú một vài nơi nhưng thất bại. Theo BS, kinh nghiệm rút ra là gì, làm sao để chị em bị đoạn nhũ tìm được một cơ sở thực hiện phẫu thuật tái tạo vú an toàn, đẹp, ít biến chứng ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Thất bại trong tái tạo vú có tỷ lệ cho phép bởi mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm và tỷ lệ biến chứng riêng.

Để hạn chế thấp nhất những biến chứng có thể xảy ra, chị em phụ nữ phải nhận thức đúng về tái tạo, cũng như cân nhắc kỹ nhu cầu cần thiết phải tái tạo vú. Chẳng hạn, với một người có công việc phải xuất hiện trước công chúng thường xuyên, họ sẽ có nhu cầu tái tạo vú để đem lại sự tự tin và chất lượng sống tốt hơn cho mình.

Bên cạnh đó, BS cũng cần đưa ra chỉ định đúng đắn. Nếu tình trạng bệnh đã ở giai đoạn cuối, di căn nhiều cơ quan khác trên cơ thể, thời gian sống chỉ còn khoảng 1 - 2 năm thì việc tái tạo vú đôi khi không cần thiết.

Hơn nữa, thời điểm tái tạo vú cũng rất quan trọng. Việc tái tạo tức thì hay tái tạo mổ phải đúng thời điểm. Ví dụ, nếu bệnh nhân can thiệp đặt túi ngực nhưng sau đó bệnh nhân lại phải tiếp tục hoá trị nữa thì có thể khiến vết mổ bị nhiễm trùng và buộc phải lấy túi ngực ra.

Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, BS thực hiện phẫu thuật cũng cần phải có năng lực chuyên môn nhất định, được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất thực hiện phẫu thuật tái tạo phải trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật.

Hiện, Việt Nam đã có đã rất nhiều bệnh viện thực hiện điều trị tái tạo vú. Qua Hội thảo lần này, chúng tôi đánh giá rằng, các kỹ thuật và cơ sở thực phương pháp tái tạo vú ở nước ta ngang tầm với khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ phẫu thuật tái tạo vú ở Việt Nam còn rất thấp, mỗi năm Việt Nam có khoảng 20% bệnh nhân ung thư mắc hằng năm và hơn 21.000 ca ung thư mới.

6. Phẫu thuật tái tạo vú cần lưu ý gì?

Phụ nữ ai cũng muốn đẹp, nhưng còn sợ đủ thứ: sợ kinh phí cao, sợ lên bàn mổ, sợ biến chứng… PGS có lời nhắn gửi đến các chị em vẫn còn đắn đo, lưỡng lự với việc tái tạo vú?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Tái tạo vú không phải là kỹ thuật làm đẹp mà là một trong những công đoạn của điều trị ung thư vú giúp trả lại một phần cơ thể đã mất của người bệnh. Về phương diện y khoa, đây là kỹ thuật phục hồi hình thể và một phần chức năng. Về góc độ xã hội, phẫu thuật tái tạo vú có ý nghĩa rất nhân văn, giúp cho bệnh nhân nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, giải tỏa mọi mặc cảm.

Vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm nhất chính là chi phí của phẫu thuật tái tạo vú. Tuy nhiên, với mỗi tình trạng bệnh khác nhau, chi phí điều trị cũng sẽ khác nhau. Một số cơ sở hiện nay có hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Xu hướng phẫu thuật tái tạo cho bệnh nhân ung thư vú hiện nay trên thế giới là tái tạo vú tức thì. Bởi bệnh nhân điều trị bằng kỹ thuật thuật này chỉ cần trải qua một lần phẫu thuật. Đồng thời, sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân không phải chịu nỗi đau về tinh thần hay mặc cảm trong quá trình chữa bệnh.

7. Cần cân nhắc điều gì trước khi quyết định phẫu thuật tái tạo vú?

Thưa PGS, chúng ta cần cân nhắc gì trước khi quyết định thực hiện tái tạo vú ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Bệnh nhân sau khi chẩn đoán ung thư và có nhu cầu giữ lại bầu ngực hoặc tái tạo vú thì cần cân nhắc 3 điều sau:

  • Cần chuẩn bị tinh thần thật tốt: trước khi quyết định phẫu thuật tái tạo hoặc bảo tồn bầu ngực, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ về các phương pháp bảo tồn hoặc tái tạo.
  • Nên thảo luận, tham vấn BS chuyên khoa.
  • Chuẩn bị kinh phí: Chi phí của một ca tái tạo thay đổi tùy theo kỹ thuật mà bệnh nhân mong muốn hoặc được BS tư vấn. Nếu bệnh nhân tái tạo vú tại bệnh viện công lập, chi phí có thể dao động trong khoảng 30 - 40 triệu đồng, trong đó bệnh viện đã có hỗ trợ một phần cho bệnh nhân. Một số cơ sở y tế sẽ có chi phí cao hơn, có thể lên đến 50 - 70 triệu đồng.

8. Bệnh nhân lớn tuổi có nên phẫu thuật tái tạo vú?

Tâm lý chung của chị em phụ nữ là luôn muốn mình đẹp, nhưng nhiều bệnh nhân nghĩ rằng mình lớn tuổi rồi nên ngại và không muốn thực hiện phẫu thuật tái tạo. Trong suốt quá trình thực hiện khám điều trị, những ca mà PGS đã điều trị thì tầm khoảng bao nhiêu tuổi ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng trả lời: Đa số bệnh nhân lớn tuổi khi mắc bệnh ung thư đều không có nhu cầu tái tạo vú vì ngại bản thân mình đã lớn tuổi. Trên thực tế, tôi đã từng mổ cho một bệnh nhân 76 tuổi muốn giữ lại bầu ngực. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân này đã phẫu thuật được 7 năm, dù đã 82 tuổi nhưng tình trạng ngực của bệnh nhân vẫn bình thường, bà cảm thấy rất tự tin, vui vẻ.

Thông thường, những người lớn tuổi nên lựa chọn những phương pháp phẫu thuật đơn giản để không phải mất quá nhiều sức trong thời gian phẫu thuật kéo dài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X