Hotline 24/7
08983-08983

Tai chảy dịch vì sao không được ngoáy? Màu sắc dịch nói lên điều gì?

Theo BS.CK1 Trương Thu Hiền - khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khi tai chảy dịch, chúng ta không được dùng tăm bông ngoáy tai hay tự ý nhỏ dung dịch vào tai, bởi vì có thể vô tình làm tổn thương của tai nặng thêm.

1. Sơ lược cấu tạo của tai

Trước khi nói về chảy dịch tai, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược cấu tạo của tai.

Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Tai ngoài gồm vành tai và ống tai. Tai giữa bao gồm màng nhĩ, chuỗi xương con, tế bào chũm và hòm nhĩ... Tai trong gồm có hệ thống tiền đình và hệ thống ốc tai.

Nói về chức năng sơ lược của tai, tai giúp dẫn truyền âm thanh. Tai còn giúp giữ thăng bằng và định hình không gian.

2. Nguyên nhân gây chảy dịch tai là gì?

Một người bị chảy dịch tai cần khám tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng tai hay chấn thương hoặc nguyên nhân hiếm gặp khác là u.

Nguyên nhân gây chảy dịch là viêm tai ngoài, viêm tai ngoài cấp, viêm tai ngoài mạn. Cũng có viêm tai giữa, viêm tai giữa cấp. Ngoài ra, còn có tình trạng chấn thương xương thái dương hay do tai nạn giao thông, lao động. Chấn thương tai xảy ra do tai nạn sinh hoạt, móc ngoáy tai không đúng cách sẽ gây chấn thương tai ngoài và tai giữa.

Tình trạng hiếm gặp khác như u ống tai, u tai giữa.

3. Triệu chứng nào kèm theo chảy dịch ống tai?

Triệu chứng kèm theo chảy dịch ống tai bao gồm toàn thân và tại chỗ. Triệu chứng toàn thần như sốt, chóng mặt.

Ngoài ra, triệu chứng tại chỗ bao gồm đau tai, sưng tai, nhức tai, ù tai hoặc có triệu chứng về thính lực như mất hoặc giảm thính lực.

4. Có nên sử dụng tăm bông khi chảy dịch tai không?

Bạn tuyệt đối không sử dụng tăm bông vì cách làm này có thể gây chấn thương tai ngoài và tai giữa. Sử dụng không đúng cách sẽ gây chấn thương tai ngoài hoặc thủng màng nhĩ, nhất là khi đang ngoáy hay móc tai mà người khác đụng vào tay mình, sẽ làm cho bông tăm đi trật hướng gây trầy xước ống tai, gây viêm tai ngoài. Trường hợp nặng hơn có thể gây thủng màng nhĩ và chảy mủ tai.

5. Chúng ta vệ sinh tai bằng cách nào?

Việc vệ sinh tai rất đặc biệt, cơ thể vốn có cơ chế đẩy rái tai ra ngoài. Việc sử dụng tăm bông là không cần thiết.

Ráy tai có tác dụng giữ lại vi khuẩn, bụi trong không khí, ngăn chặn lông tóc ở bên ngoài. Ráy tai còn có tính chất acid để ngăn ngừa nấm mọc trong tai. Khi một người ngáp hay nhai nó sẽ tự động đẩy ráy tai ra ngoài nên việc vệ sinh tai bằng tăm bông là không cần thiết.

6. Màu sắc dịch tai cảnh báo điều gì?

Một số người sẽ có ráy tai khô hay ướt. Ráy tai trong có màu vàng nằm bên trong và không có mùi hay triệu chứng kèm theo. Nếu mình bị chảy dịch tai, kèm theo một số triệu chứng như chảy dịch tai kéo dài hoặc dịch tai có lẫn với máu hoặc có màu sắc thất thường, có mùi hôi hoặc kèm theo sốt, đau đầu, chóng mặt, đau tai, ù tai, giảm thính lực. Đó là các triệu chứng bất thường và mình nên đi đến bác sĩ khám.

7. Việc nhỏ dung dịch vào tai gây ảnh hưởng gì?

Khi nhỏ thuốc vào tai, chúng ta phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ như thủng màng nhĩ, thuốc hay dung dịch sẽ đi vào trong ảnh hưởng đến tai và gây độc tai. Một số kháng sinh không được nhỏ khi thủng màng nhĩ. Người dùng chỉ được nhỏ những chất này khi không thủng nhĩ. Muốn nhỏ chất gì vào tai phải có sự cho phép của bác sĩ.

8. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị như thế nào?

Khi mình chảy dịch tai, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám. Ngoài ra, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ đặc biệt như đèn soi tai hoặc máy nội soi tai để kiểm tra tai, ống tai, màng nhĩ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê đơn, vệ sinh tai đúng cách cho bệnh nhân.

9. Làm sao để có đôi tai khỏe mạnh?

Để có được đôi tai khỏe mạnh, ta phải giữ tai khô sạch, không móc ngoáy tai, không sử dụng tăm bông. Lời khuyên cho các bạn thích bơi lội, tắm biển nên sử dụng nút tai khi bơi. Khi có chảy dịch tai cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.

Trọng Dy (ghi)

Nguồn: Video Nguyên nhân khiến tai chảy dịch - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X