Hotline 24/7
08983-08983

"Sống chung" với bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh ngoài da lành tính rất khó chữa hết hẳn. Bệnh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tác động xấu đến thẩm mỹ và tâm lý.

Nhận diện vảy nến

Vảy nến thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tác động xấu đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh.

Biểu hiện bệnh trên da là các mảng đỏ và đóng vảy trắng đục. Khi đè lên, màu đỏ biến mất. Các thương tổn này ở rìa chân tóc, da đầu (trông như gàu), cùi chỏ, đầu gối, bộ phận sinh dục hoặc các nếp gấp. Trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân.

Vảy nến không đau, có thể ngứa ít hay nhiều. Móng có thể bị hỏng hoặc phiến móng trở nên xù xì, lỗ chỗ như kim đâm. Trường hợp nặng, bệnh gây sưng, đau và biến dạng các khớp. Có thể nổi nhiều mụn mủ ở bàn tay, bàn chân hoặc rải rác khắp cơ thể. Lúc này người bệnh thường bị sốt, mệt mỏi hoặc căng đau vùng da bệnh. Bệnh có thể làm cho da đỏ toàn thân không hồi phục.

Tổn thương do bệnh vảy nến

Vảy nến có tính di truyền

Trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh thì khoảng 8% các con sẽ mắc bệnh, nếu cả cha và mẹ cùng bị bệnh thì khả năng mắc bệnh của các con là 41%.

Bất thường miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh. Ngoài ra, các xáo trộn sinh hóa, chấn thương tâm lý, thuốc... cũng ảnh hưởng khiến bệnh nặng thêm hoặc tái phát.

Các phương pháp điều trị
 
Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ da liễu sẽ kê các loại thuốc uống, thuốc đặc trị, thuốc bôi...

Phương pháp quang và quang hóa sẽ dành cho người bị bệnh dai dẳng hoặc có diện tích da bệnh hơn 40%. Không áp dụng đối với người nhạy cảm ánh sáng, trẻ em dưới 12 tuổi, đục thủy tinh thể, suy gan thận, các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da như ngộ độc arsenic, bệnh lupus ban đỏ, porphyrie.

Tuy không chữa khỏi triệt để nhưng việc trị liệu sẽ giúp thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng. Nếu điều trị đúng cách còn giúp bệnh nhân giới hạn các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Lời khuyên dành cho người bệnh

- Không nên cào gãi, chà xát vì ở bệnh vảy nến có hiện tượng Koebner, là hiện tượng nổi thêm vết thương mới sau khi có kích thích cơ học.

- Không tự ý điều trị hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc trước đây mà không thông qua ý kiến bác sĩ.

- Không tắm nước quá nóng vì có thể làm nặng thêm tình trạng khô da, tróc vảy.

- Không uống rượu.     

Phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn bệnh nặng thêm hơn là ngăn bệnh không xảy đến. Vì vậy, tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết, giúp người bệnh có cuộc sống thoải mái.


AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X