Siêu bão dài nhất, tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử Biển Đông dần tiến sát Bắc Bộ
Từ trưa đến chiều 7/9/2024, siêu bão YAGI với sức mạnh cực đại, sẽ đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ vào khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Gần 6,5 triệu học sinh tại 14 tỉnh, thành được cho nghỉ học để tránh bão. Các sân bay đóng cửa, giao thông gián đoạn. Nguy cơ lũ lụt, sạt lở và lũ quét đe dọa nhiều khu vực.
Ngoài YAGI, chưa từng có tiền lệ về cơn bão duy trì cấp siêu bão hơn 1 ngày trên Biển Đông
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Yagi là siêu bão có "cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam", với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17 - mức cao nhất, có khả năng đánh đắm tàu thuyền trọng tải lớn.
Thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn một ngày là dài đối với một cơn bão trên Biển Đông và lịch sử chưa từng ghi nhận điều này.
Các cơ quan liên tục phát đi cảnh báo bão số 3 có thể gây ra gió mạnh cấp 16, giật cấp 17 trên khu vực Bắc Biển Đông; cấp 13-14, giật cấp 17 ở Bắc vịnh Bắc Bộ; cấp 11-12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Nước dâng do bão trên Biển Đông sóng biển có thể cao từ 10 đến 12m, vùng ven biển ven bờ Quảng Ninh - Thanh Hóa từ 2 đến 5m.
Bên cạnh đó, bão số 3 có thể gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm là khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa với lượng mưa phổ biển từ 100 đến 350mm, có nơi trên 500mm.
YAGI là cơn bão có hoàn lưu rộng, có thể gây ra mưa lớn, gió mạnh và thực tế đã xảy ra gió mạnh tại Hà Nội.Theo dự báo, Hà Nội có gió cấp 6-7, giật cấp 8. Với sức gió này, cũng sẽ nguy hiểm cho các công trình yếu, mái tôn, biển quảng cáo,...
Đáng lưu ý, Hà Nội sẽ có mưa lớn có thể gây ngập úng cho các khu vực thấp.
3 giờ bão lại tăng 1 cấp, rủi ro thiên tai cấp độ 4 được ban hành
Điểm bất thường đầu tiên của Yagi là hình thành ngay trên Biển Đông, thay vì từ Tây Bắc Thái Bình Dương và giảm cấp khi vào Biển Đông như các siêu bão thông thường.
Thứ hai, đây là siêu bão mạnh lên nhanh nhất trong lịch sử với tốc độ trung bình cứ ba giờ tăng một cấp, đạt cấp 16 chỉ trong vòng hai ngày. Theo thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của trên 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Vùng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, bao gồm cả đồng bằng Bắc Bộ, có cường độ gió bão lớn nhất cả nước, trung bình đạt cấp 14, giật cấp 15-16, thường xảy ra trong khoảng tháng 7 đến tháng 9.
Thống kê giai đoạn 1961-2014 có 116 cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng đến vùng này với cường độ gió mạnh ở ngưỡng cao phổ biến là cấp 14. Với siêu bão Yagi, lần đầu tiên, Vịnh Bắc Bộ phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4 và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.
Dự báo, tâm bão lần lượt đi qua các tỉnh thành: Quảng Ninh - Hải Phòng (khoảng 13h - 19h), Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Ảnh hưởng của siêu bão gây mưa lớn trên diện rộng, với cảnh báo lũ lụt cấp độ 1 do mưa, lốc, sét và sạt lở - mức thấp nhất trong 4 cấp độ, theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia. Riêng tại Hà Nội và Thanh Hóa, dù bão chưa đổ bộ, mưa giông đã làm hàng trăm cây xanh gãy đổ, khiến một phụ nữ tử vong.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình