Hotline 24/7
08983-08983

Sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa: Nên ăn gì, kiêng gì và lưu ý gì khi chế biến?

Sau phẫu thuật đường tiêu hóa, bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, sụt cân và ít vận động. Vì vậy nên chia nhỏ các bữa trong ngày, ăn đủ các nhóm thực phẩm. Trong bài viết dưới đây BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp sẽ chia sẻ cụ thể hơn về bí quyết giúp mau hồi phục cho bệnh nhân.

1. Ung thư tiêu hóa gồm những ung thư nào?

Đầu tiên nhờ BS cho biết ung thư tiêu hóa gồm những ung thư gì ạ? Trong đó loại nào thường gặp?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Ung thư tiêu hóa gồm có ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ruột non, hậu môn,… Trong đó thường gặp nhất là ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng.

2. Ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng có triệu chứng ra sao?

Ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng liệu có những triệu chứng như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng ở giai đoạn sớm triệu chứng thường âm thầm mà người bệnh khó phát hiện hoặc lầm tưởng với một số bện lý khác. Do đó bệnh nhân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.

Đối với ung thư đại trực tràng, đầu tiên bệnh nhân sẽ thay đổi thói quen đi cầu có thể tiêu chảy, táo bón, đi cầu phân đen, đi cầu ra máu hoặc đàm nhớt. Có các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu.

Bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm có các triệu chứng như nôn, buồn nôn, ăn vào đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, sụt cân (giai đoạn đầu sụt cân ít từ 1 - 2kg), mệt mỏi. Giai đoạn muộn hơn có các triệu chứng như xuất huyết tiêu hóa, đi cầu phân đen, nôn ra máu, nuốt nghẹn. Đa số khi đến bệnh viện người bệnh đã nghẹn với thức ăn đặc nhưng chưa nghẹn với thức ăn lỏng như cháo, súp, sữa. Ngoài ra có người bệnh nghẹn cả thức ăn lỏng như sữa, nước và sụt cân nhanh có thể trên 10%, thiếu máu.

Đối với ung thư thực quản bệnh nhân có triệu chứng nuốt nghẹn, mệt mỏi, sụt cân. Khi người bệnh có các triệu chứng này nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa.

3. Dinh dưỡng sau mổ hở và mổ nội soi đường tiêu hóa có khác nhau?

Dinh dưỡng cho người bệnh sau mổ hở và mổ nội soi đường tiêu hóa có khác nhau không, thưa BS?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Dinh dưỡng cho người bệnh sau mổ hở và mổ nội soi cơ bản không khác nhau nhiều. Tuy nhiên bệnh nhân phải được tính đủ năng lượng, đủ các nhóm chất nhứ nhóm tinh bột, đạm béo, vitamin và chất khoáng.

Tùy theo vị trí phẫu thuật, tuổi, tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý đi kèm mà chế độ dinh dưỡng sẽ khác nhau. Bệnh nhân cắt dạ dày khác với bệnh nhân cắt đoạn đại tràng.

4. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được chăm sóc dinh dưỡng thế nào?

Sau phẫu thuật, thời gian còn nằm viện bệnh nhân sẽ được chăm sóc dinh dưỡng như thế nào ạ?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Không chỉ chăm sóc dinh dưỡng sau phẫu thuật mà từ lúc bệnh nhân nhập viện đã được sàng lọc dinh dưỡng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng các công cụ, xét nghiệm chuyên về dinh dưỡng và có kế hoạch theo dõi.

Sau phẫu thuật người bệnh cũng được đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xét nghiệm và có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng theo từng giai đoạn. Tình trạng can thiệp có thể thay đổi theo từng ngày và theo bệnh lý của người bệnh để phù hợp.

5. Người bệnh ung thư cần lưu ý gì trong ăn uống khi về nhà?

Khi về nhà, người bệnh ung thư cần lưu ý gì trong ăn uống: nên ưu tiên những dưỡng chất nào?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Sau phẫu thuật đường tiêu hóa tùy theo vị trí phẫu thuật mà người bệnh sẽ có những nhóm thực phẩm ưu tiên.

- Ăn đủ các nhóm thực phẩm: Nhóm tinh bột như gạo, nui, hủ tiếu, phở. Nhóm đạm như các loại thịt, cá, trứng, sữa. Nhóm chất béo nên sử dụng từ dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè. Nhóm rau và trái cây nên chọn các loại rau mùa xanh đậm.

- Người bệnh nên ăn từ 3 - 6 bữa ăn/ngày.

- Trong mỗi bữa ăn nên nấu vừa đủ ăn, ăn trong vòng 2 giờ.

- Ưu tiên cách chế biến mềm thức ăn như ninh, hầm nhừ để khi ăn tình trạng hấp thu sẽ tốt hơn.

- Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp, các thức ăn có thời gian bảo quản lâu dài như chả lụa, xúc xích, jambon.

- Hạn chế đồ ăn chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao, thực phẩm cứng, khô.

- Không được sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, thức ăn ôi thiu, các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá.

Tùy theo vị trí phẫu thuật mà các nhóm chất có thể tăng cường như:

- Đối với ung thư dạ dày: Nên chọn đa dạng thực phẩm, ăn theo giờ cố định, chia nhỏ bữa ăn. Nếu cắt toàn bộ dạ dày bệnh nhân sẽ sụt cân, thiếu vi chất, đặc biệt là vitamin B12. Nếu bệnh nhân cắt dạ dày sau 1 năm sẽ thiếu vitamin B12 và giảm tình trạng hấp thu chất béo dẫn đến giảm hấp thu các vitamin trong dầu như vitamin A, D, E, K.

- Đối với ung thư đại tràng: Bên cạnh chế độ ăn đúng giờ, người bệnh nên hạn chế uống nước, hạn chế các gia vị. Vào buổi trưa sẽ ăn nhiều hơn buổi chiều và giảm buổi tối.

- Đối với ung thư thực quản và dạ dày: Nên chọn chế độ ăn đa dạng sẽ tốt hơn cho người bệnh.

6. Chế biến món ăn cho người bệnh ung thư tiêu hóa sau phẫu thuật cần lưu ý gì?

Về chế biến món ăn cho người bệnh ung thư tiêu hóa sau phẫu thuật, người nhà cần lưu ý gì? Có thông tin rằng nấu ăn cho người bệnh ung thư chỉ nên dùng nồi inox hay thủy tinh, điều này có đúng không ạ?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Chế biến món ăn cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa cần lưu ý:

- Chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

- Cách chế biến: Cắt nhỏ, xây nhuyễn, hầm nhừ tình trạng hấp thu sẽ tốt hơn.

- Chia nhỏ bữa ăn từ 6 - 8 bữa/ngày.

- Nên sử dụng nồi inox, nồi thủy tinh để chế biến. Hiện nay nồi nhôm rất ít được sử dụng vì chế biến lâu dài sẽ có những đốm trắng bong ra và khi nấu thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe.

- Dụng cụ nhà bếp: Thớt, dao nên có 2 bộ, sử dụng cho thực phẩm sống và chín. Thớt sử dụng cho thực phẩm chín khoảng 2 - 3 tháng nên thay một lần vì gỗ dễ bị thâm đen. Nếu thớt có màu vàng, màu xanh thì nên thay đổi ngay. Theo dõi đũa gỗ, cối, chày đâm tiêu nếu đổi màu phải thay đổi. Nên sử dụng dụng cụ inox sẽ tốt hơn.

7. Người bệnh ung thư kiêng thịt đỏ, hạn chế bột đường có ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục?

Nhiều người bệnh ung thư kiêng thịt đỏ, hạn chế bột đường, việc này có ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục hay không?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Không chỉ bệnh nhân ung thư mà người bình thường không có bệnh lý hoặc có bệnh lý đều nên hạn chế sử dụng thịt đỏ. Các loại thịt như bò, dê, cừu nên sử dụng một tuần 1 - 2 lần và đa dạng nhóm thịt.

Ưu tiên nhóm thịt trắng từ các loại gia cầm, các loại cá sẽ tốt hơn. Cân đối nhóm đạm trong một tuần. Người có bệnh lý hoặc người bình thường nên hạn chế các đường đơn giản.

Để mau hồi phục bệnh nhân nên có chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm và đầy đủ năng lượng.

8. Ăn đồ chua có khiến vết thương chảy nước vàng?

Dân gian quan niệm ăn đồ chua sẽ khiến cho vết thương chảy nước vàng, điều này có đúng không? Với người bệnh mổ hở, họ cần làm gì để hạn chế chảy nước vàng ở vết thương?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Theo quan niệm, giai đoạn sau phẫu thuật bệnh nhân không nên:

- Sử dụng đồ ăn chua từ thực phẩm tự nhiên như cam, chanh.

- Thức ăn lên men như dưa chua, cải chua.

- Thức ăn chua từ quá trình chế biến món ăn như canh chua.

Tuy nhiên việc người bệnh thường truyền nhau ăn cam hay uống nước cam sẽ chảy nước vàng là quan niệm sai. Vì trong cam có nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp vết thương mau lành.

Để hạn chế chảy nước vàng ở vết thương và mau hồi phục, lành vết thương tốt hơn người bệnh cần:

- Có chế độ ăn đầy đủ năng lượng, đủ các nhóm thực phẩm.

- Tăng cường nhóm đạm, nhóm vitamin và chất khoáng.

9. Làm sao khắc phục tình trạng táo bón sau phẫu thuật đường tiêu hóa?

Người bệnh sau phẫu thuật đường tiêu hóa cũng hay bị táo bón. Nhờ BS đưa ra hướng khắc phục? Nếu phải thụt tháo thì có cần nhân viên y tế tới nhà không ạ?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Các nguyên nhân gây táo bón:

- Sau phẫu thuật người bệnh đau nên ít vận động.

- Ít uống nước, đặc biệt bệnh nhân lớn tuổi sẽ giảm khả năng khát.

- Chế độ ăn ít chát xơ.

- Bệnh nhân nhịn đi cầu dẫn đến tình trạng táo bón.

Cần tìm và giải quyết các nguyên nhân để cải thiện tình trạng táo bón của bệnh nhân. Lưu ý:

- Uống đủ nước.

- Ăn đủ chất xơ.

- Vận động.

- Tập thói quen đi cầu mỗi ngày nhất là vào buổi sáng.

Nên giải quyết các nguyên nhân gây táo bón hơn là thụt tháo. Nếu táo bón kéo dài bệnh nhân cần đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ chỉ định thụt tháo khi cần thiết.

10. Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa cần lưu ý gì?

Lời dặn của BS dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa để họ nhanh chóng hồi phục?

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tiêu hóa nên:

- Chế độ ăn: Ăn đủ các nhóm thực phẩm, cân đối, ăn từ 6 - 8 bữa/ngày.

- Vận động: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ. Lần đầu tiên nên tập từ 5 - 10 phút, thực hiện 3 - 4 buổi trong ngày. Ít nhất là 30 phút/ngày và 5 lần/tuần.

- Tinh thần thoải mái.

- Nghỉ ngơi điều độ: Ngủ đúng giờ, đủ giấc.

- Theo dõi cân nặng 2 tuần/lần. Nếu có tình trạng sụt cân hay ăn uống kém thì nên đi khám chuyên khoa.

- Tái khám theo lịch của bác sĩ điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X