Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi phẫu thuật xương khớp, bao lâu xương lành, bao lâu được vận động?

Thời gian lành xương sau phẫu thuật là điều mà bệnh nhân nào cũng quan tâm vì họ mong ngóng quay trở lại công việc thường nhật. Giữa phẫu thuật và điều trị bảo tồn, bao lâu bệnh nhân có thể vận động trở lại… ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan sẽ giải đáp vấn đề này.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Thưa bác sĩ,

1. Sau gãy xương, thời gian lành xương thông thường là bao lâu?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Thời gian lành xương thường là từ 6-8 tuần. Tuy nhiên, nó sẽ phụ thuộc vào 3 giai đoạn sau khi gãy xương. 3 giai đoạn này luôn luôn xảy ra khi gãy các xương dài và gãy được định nghĩa là mất liền của vỏ xương.

1. Giai đoạn viêm

Sau khi gãy xương, xương từ máu, các mô mềm, từ trong tủy xương, cấu trúc của xương sẽ chảy ra và nó sẽ đông lại thành cục máu đông, cục máu đông này sẽ kêu gọi các tế bào và các chất chống viêm để xử lý, gọi là quá trình viêm. Nó xảy ra khoảng 1 tuần sau khi gãy xương và ngay sau đó các chất chống viêm, các enzyme để lành xương tụ tập lại ở cục máu đông ngay tại vị trí gãy.

2. Giai đoạn tạo can xương

Tại vị trí gãy xảy ra hiện tượng sợi hóa bằng các fibrin, collagen, làm cho các hoạt động liền xương mau lành lại. Đây là cấu trúc của collagen, nó mềm, không cứng chắc, gọi là “can xương sợi”, giai đoạn này kéo dài khoảng từ 1-2 tuần.

Tiếp sau can xương sợi này, các tế bào xương gồm các tế bào tủy xương, tế bào tạo xương tăng hoạt động lên. Đồng thời, có tình trạng vôi hóa (canxi lắng đọng) lại các can xương sợi này, làm cho xương sợi này chắc hơn. Đó là quá trình tạo can xương, nó cũng kéo dài từ 1-2 tuần.

3. Giai đoạn tái cấu trúc xương

Sau khi chấm dứt quá trình can xương sẽ tiến đến quá trình tái sửa xương hoặc tái cấu trúc ở vị trí gãy.

Lúc này có sự tăng hoạt động của tế bào tạo xương và tế bào tủy xương nhằm làm cho phần bị gãy của xương trở lại bình thường. Quá trình này xảy ra rất lâu, khoảng vài tháng, có khi cả năm. Đây là quá trình lành xương bình thường của một xương dài.

Tuy nhiên, trong cơ thể ta có những phần đặc biệt chẳng hạn như đốt sống. Cấu trúc của đốt sống không có vỏ xương. Gãy xương đốt sống không giống như gãy các xương dài. Đó không phải là tình trạng mất liền của vỏ xương. Nó là tình trạng ép, làm cho tình trạng của xương bị xẹp xuống. Do đó gãy xương đốt sống này hơi khác với các dạng gãy xương khác. Nó không trải qua 3 giai đoạn chính như ta vừa nêu trên.

2. Tốc độ lành xương nhanh hay chậm phụ thuộc vào những yếu tố gì?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Dù thời gian lành xương kéo dài từ 6 đến 8 tuần. Tuy nhiên, thời gian này dao động, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố.

Trước tiên hết, nó sẽ phụ thuộc vào vị trí của xương gãy. Nếu như một xương nhỏ ở ngón tay thì nó sẽ mau lành. Nhưng nếu gãy xương chày, nó sẽ đòi hỏi từ 3-6 tháng mới có thể lành được.

Thứ hai là đặc điểm gãy, có thể ta bị gãy hở, gãy kín hoặc gãy liền (gãy di lệch hoặc gãy không di lệch) hoặc là có bị vỡ nát ra hay không.

Thời gian lành xương còn ảnh hưởng bởi mô mềm chung quanh, mô mềm có bị dập nát nhiều hay không? Bởi vì xương lành nhờ vào máu nuôi dưỡng, khi mô chung quanh bị chấn thương nhiều, thiếu máu nuôi xương sẽ lành chậm hơn.

Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào lực gây ra gãy xương. Lực càng lớn, tổn thương càng nặng, càng khó lành.

Thời gian lành xương còn phụ thuộc vào tuổi tác. Giả sử người lớn tuổi sẽ lành xương chậm hơn người trẻ tuổi. Trẻ con rất dễ liền xương, trong khi người già, dù có đủ các biện pháp điều trị, thời gian lành xương cũng kéo dài.

Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần quyết định thời gian lành xương. Người dinh dưỡng kém, suy dinh dưỡng thì rất khó để lành xương. Tuy nhiên, người bị béo phì cũng khó lành xương.

Những người có tình trạng bệnh lý toàn thân như là thiếu máu, các bệnh lý của nội tiết như đái tháo đường hoặc là bệnh lý của tuyến giáp, tuyến phó giáp sẽ gây ảnh hưởng đến xương khiến xương lâu lành.

Bên cạnh các yếu tố này, các thói quen như hút thuốc lá sẽ làm cho chậm liền xương rất nhiều. Rượu bia chưa có chứng cứ ảnh hưởng đến xương, nhưng thuốc lá thì gây ảnh hưởng mạnh đến việc liền xương.

3. Thời gian lành xương của điều trị bảo tồn so với điều trị phẫu thuật có khác nhau không?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Chúng ta biết điều trị bảo tồn không can thiệp vào, mà dùng các biện pháp bổ trợ bên ngoài ví dụ như nẹp, bó bột để cố định, không xâm lấn vào bên trong.

Còn việc phẫu thuật, ta sẽ mổ hở hoặc qua nội soi để xương gần lại (khít lại) với nhau.

Chúng ta biết quá trình lành xương sẽ phụ thuộc vào vị trí của hai đầu xương. Nếu gãy mà hai đầu xương vẫn thẳng và liền nhau, nó chỉ là một đường nứt ngang thì trong trường hợp này xương sẽ rất dễ lành.

Trong các trường hợp, gãy xương gập góc, di lệch nhiều hay rời ra, vỡ vụn... nếu không can thiệp thì khả năng nó sẽ không kết hợp xương lại rất cao. Mục đích của phẫu thuật là làm sao để chỉnh trục của xương thẳng lại cho hai đoạn xương ngay hàng. Thứ hai là để cho hai đầu xương gần lại với nhau để quá trình liền xương xảy ra sớm. Như vậy mục đích của việc phẫu thuật chỉ thế thôi.

Như vậy, chỉ trong những trường hợp gãy phức tạp, gãy di lệch, gãy gập góc thì người ta mới cần phải can thiệp đến phẫu thuật. Còn trong trường hợp, xương còn thẳng thì ta không cần phải can thiệp. Còn quá trình lành xương dù bảo tồn hay phẫu thuật vẫn phải trải qua 3 giai đoạn như ta vừa nói lúc đầu.

4. Nếu gãy đốt sống thì bệnh nhân có cần phải nằm từ 4 đến 6 tuần không?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Gãy đốt sống hoàn toàn khác biệt, đó là do sự chèn ép và thay đổi chất lượng xương (loãng xương), như vậy lành xương đốt sống không trải qua 3 giai đoạn như các dạng gãy xương khác.

Để cho xương đốt sống có thể lành được thì yêu cầu phải có sự hoạt động bởi vì hoạt động của tế bào tủy xương và tạo xương để tái cấu trúc xương là vấn đề quan trọng nhất và đòi hỏi phải có sự tác động của cơ ở phía bên ngoài vào.

Riêng gãy xương đốt sống, quá trình bất động càng ngắn càng tốt, chỉ khi bệnh nhân đau quá không thể cử động được mới có thể giảm hoạt động tạm thời nhưng các chứng cứ đều cho thấy quá trình lành xương đốt sống sẽ rút ngắn và sự lành xương được tốt chỉ khi bệnh nhân hoạt động càng sớm càng tốt trong khả năng của mình, từ tập ngồi dậy bước chân xuống, đứng cho đến tập đi càng sớm càng tốt chứ không nhất thiết phải bất động 4 đến 6 tuần với các loại gãy xương khác.

5. Tình trạng xương chậm lành, tạo “khớp giả” là gì?

Một số bạn đọc AloBacsi thắc mắc là xương của họ sau nhiều tháng vẫn chưa lành, đi tái khám BS nói là bị khớp giả, BS có thể cho biết “khớp giả” là gì vậy ạ? Có phải phẫu thuật thì sẽ tránh được hiện tượng khớp giả hay không?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Đây là câu hỏi nhiều người bệnh quan tâm khi họ vấp phải vấn đề này. “Khớp giả” là từ chuyên môn, thực ra thì nó dễ gây ra nhầm lẫn với khớp giả (khớp nhân tạo) là những dụng cụ bên ngoài đưa vào để thay khớp.

Khớp giả ở đây không phải như vậy, đó là khớp không liền lại, từ chuyên môn của nước ngoài gọi là “không liên kết” (non-union).

Để cho quá trình xương được tiến hành nó phải có quá trình tạo ra can sợi, can xương thì bây giờ quá trình tạo ra can sợi, can xương không xảy ra thì xương sẽ không liền lại. Ta có thể hình dung được tình trạng gãy xương tồn tại và kéo dài và trên lâm sàng biểu hiện là cơn đau của bệnh nhân sẽ kéo dài và gây giảm chức năng vận động, khó đi lại, thậm chí không thể di chuyển được. Trong những trường hợp này, người ta thấy dù là không phẫu thuật hay phẫu thuật cũng xảy ra tình trạng khớp không liền này.

Như đã nói, quá trình liền xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu dùng phẫu thuật cố gắng kéo xương lại nhưng do yếu tố khác, ví dụ như bệnh nhân thiếu máu trong quá trình phẫu thuật làm tổn thương ở một cái mô nào đó hoặc máu nuôi không tới thì sự lành xương vẫn không xảy ra, xương không liền vẫn xảy ra.

Tuy nhiên, trong những trường hợp gãy xương phức tạp thì việc phẫu thuật sẽ làm giảm những biến chứng này.

6. Có phải phẫu thuật kết hợp xương sẽ có thể vận động sớm hơn so với điều trị bảo tồn?

Nhiều người cho rằng phẫu thuật kết hợp xương sẽ có thể vận động sớm hơn so với điều trị bảo tồn, điều này đúng không? Đơn cử như gãy xương đòn, dường như người được phẫu thuật sẽ trở lại làm việc sớm hơn?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Điều trị kết hợp xương chỉ có một mục đích duy nhất là chỉnh xương thẳng hàng, làm cho hai đầu xương gắn lại một cách nhân tạo nhờ sự can thiệp của phẫu thuật chứ xương chưa liền, chưa lành. Do đó, vẫn đòi hỏi quá trình lành xương như bình thường. Tức là sau thời gian phẫu thuật cũng cần từ 4 - 6 tuần.

Và lưu ý: chỉ định kết hợp xương chỉ dành cho các trường hợp gãy xương phức tạp. Trong những trường hợp gãy xương phức tạp này mình không phẫu thuật thì nó sẽ kéo dài hơn bình thường và nguy cơ khớp giả sẽ xảy ra.

Xương đòn chỉ có chức năng làm cân bằng cơ thể, không có chức năng vận động nào cả. Do đó, gãy xương đòn là một trong những trường hợp hiếm hoi mà chúng ta không cần bất động tuyệt đối. Nếu như gãy xương không di lệch, ta không cần can thiệp gì hết, chỉ giảm đau bằng các thuốc thông thường. Sau từ 2-3 tuần, ta có thể hoạt động nhẹ và nó phải liền tự nhiên.

Một số trường hợp thì ta sẽ dùng đai số 8 để hạn chế cử động phần thân trên. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đai số 8 không hiệu quả nhiều.

Vậy phẫu thuật có vai trò gì trong trường hợp gãy xương đòn? Trường hợp gãy xương đòn di lệch xa và khả năng liền xương không thể xảy ra được thì cần phẫu thuật để kết hợp hai đầu xương lại nhằm giúp xương mau lành. Chỉ định phẫu thuật chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt như vậy.

7. Khi nào có thể vận động trở lại sau khi phẫu thuật xương?

Để đánh giá thời điểm có thể vận động trở lại sau khi phẫu thuật xương, cần quan tâm đến những yếu tố nào, thưa BS? Có phải cử động thấy thoải mái là được?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Để hoạt động lại bình thường, ta sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Trước hết, bệnh nhân đau hay không còn cảm thấy đau nữa. Có thể sớm nhất nhưng ta phải có bằng chứng xương đã liền. Như vậy, mình cần có X-quang để xác định can xương đã được tạo ra. Khi đó, ta có thể nói quá trình liền xương đã tốt và bệnh nhân sẽ tiến hành vận động sau quá trình này.

Nhiều bạn đọc ham mê thể thao rất nóng lòng muốn trở lại sân tập. BS có thể cho biết các mốc thời gian từ gãy xương đến khi chơi thể thao được thường là bao lâu không ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Dù thời gian liền xương có trung bình từ 6 đến 8 tuần, nhưng nó dao động nhiều. Tuy có nhiều yếu tố từ chỗ xương bị gãy cho tới cơ địa của người bệnh, không có mốc thời gian cố định và nó sẽ linh động trên cơ thể của mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, với một gãy xương thông thường có phẫu thuật thời gian tối thiểu sẽ là 4 tuần để lành xương.

Sau 4 tuần, nếu bệnh nhân bớt đau, X-quang cho thấy can xương đã tốt. Lúc đó, ta có thể tập vận động.

Khi đã có can xương như vậy, đó là giai đoạn 3 (cuối cùng) nghĩa là các tế bào tủy xương và tạo xương đang hoạt động tối đa để có thể tái cấu trúc gãy đó trở lại như xương bình thường. Tế bào tạo xương và tủy xương muốn hoạt động được thì phải có lực tác động bên ngoài. Do đó, bệnh nhân cần tăng cường vận động.

Tuy nhiên, một mô, một chi đã bất động một thời gian dài thì gần như nó đều có tình trạng bị cứng dây chằng, gân, cơ và khớp. Khi tập vận động lại, ta cần hoạt động toàn bộ chức năng của chi như lại bình thường. Nó phải là quá trình từng bước phải có những bài tập, có những động tác tập và theo hướng dẫn của nhà vật lý trị liệu hoặc là bác sĩ điều trị.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X