Hotline 24/7
08983-08983

Sách “Dịch lý - Y lý” nền tảng để hiểu y học cổ truyền

Trong bộ sách “Dịch lý - Y lý”, giáo sư Huỳnh Minh Đức phân tích cặn kẽ, tỉ mỉ lý thuyết Thái Cực sinh Lưỡng Nghi bởi ông nhận thấy, hiểu rõ lý lẽ của Lưỡng Nghi là nắm được hơn 60% lý thuyết của Y học cổ truyền.

Tháng 10/2023, nhóm Vầng trăng tri thức đã có buổi mạn đàm về tác phẩm Dịch lý -Y lý của cố giáo sư Huỳnh Minh Đức.

Tác phẩm Dịch lý Y lý của giáo sư Huỳnh Minh Đức

Giáo sư Huỳnh Minh Đức sinh năm 1933, ông cố là người Hẹ từ Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống. Từ nhỏ, giáo sư được gia đình cho học chữ Hán để biết ngôn ngữ quê hương, lớn lên ông vào trường trung học chương trình tiếng Pháp và đã đậu tú tài toàn phần văn chương cổ ngữ.

Năm 1971 ông trúng tuyển hạng ưu kỳ thi chứng chỉ văn bằng cao học văn chương Trung Hoa đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông từng nhận giải thưởng dịch thuật, tác phẩm dịch Trung quốc triết học sử của Hồ Thích.

Các gia đình gốc Hoa con cháu ít khi học lên cao, riêng giáo sư Huỳnh Minh Đức bởi say mê nghiên cứu và có hoài bão cống hiến cộng đồng, do đó, ông vừa đi dạy vừa dịch rất nhiều tác phẩm quan trọng để người Việt có thể tiếp cận những kiến thức tinh hoa của khu vực Đông Á (xem danh sách ở cuối bài).

Thầy Huỳnh Minh Trí - con trai giáo sư Huỳnh Minh Đức

Đến tham dự buổi mạn đàm có thầy Huỳnh Minh Trí, con trai giáo sư Huỳnh Minh Đức. Thầy Trí bồi hồi kể lời cha dặn từ nhỏ: "Con ơi, hễ ai mà học giỏi chữ Hán là họ có chìa khoá mở kho tàng Nho y lý số. Cha khuyên các con nên học chữ Hán để hiểu biết về Đông y để chữa bệnh cứu người, nếu như không rành chữ Hán không thể hiểu sâu sắc về Đông y".

Quãng thời gian soạn bộ sách này hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn, thầy Huỳnh Minh Đức vẫn kiên nhẫn cố gắng gõ trên máy đánh chữ cũ kỹ, những đoạn có chữ Hán thì chừa chỗ trống sau viết tay điền vào, mà lỡ viết sai một chữ là phải bỏ cả tờ giấy.

Giáo sư Huỳnh Minh Đức gửi gắm tâm sự: “Y học thế giới có nhiệm vụ cao cả là cứu con người ra khỏi bệnh tật. Trong đó, nền Y học Đông phương có sự đóng góp rất quan trọng.

Nền y học Đông phương dựa vào lý luận kinh điểm có hàng mấy ngàn năm trước. Con đường này đã được vạch ra từ hơn 2.000 năm trước đây ở Trung Quốc mà Kinh Dịch là quyển sách đứng đầu trong các tác phẩm nói trên.

Nền Y học Đông phương lấy dưỡng sinh, lấy trị vị bệnh làm sở trường. Trong toàn bộ công trình biên khảo và dịch thuật của tôi về Y học, về Y đạo Đông phương cũng như trực tiếp qua cuốn Dịch lý và Y lý này, chúng ta cố gắng tìm hiểu rõ hơn nền tảng của Y lý Đông phương.”

Diễn giả - dược sĩ Nguyễn Thiện Đức

Dược sĩ Nguyễn Thiện Đức xuất thân trong gia đình có truyền thống Đông y, anh được dạy chữ Hán từ nhỏ để đọc cách bài thuốc, tài liệu y học cổ truyền, anh Đức bày tỏ sự ngưỡng mộ tác phẩm Dịch lý-Y lý giáo sư Huỳnh Minh Đức:

Bản thảo hoàn thành ngày 9/1/1988, là công trình giáo sư Huỳnh Minh Đức đóng góp vào tư liệu lý thuyết cơ bản của Đông y. Trong thập niên 1980 đất nước còn nhiều khó khăn mà ông đã đọc hơn 70 tác phẩm Hán văn về Đông y để soạn thảo sách Dịch lý-Y lý, cung cấp nhập môn nền tảng lý thuyết cơ bản vững vàng cho những người muốn học nghề Y học cổ truyền và cho cả những ai quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ bản thân, gia đình.

Dù chỉ là nhà nghiên cứu đơn thuần, chẳng hành nghề lương y, nội dung sách được ông viết cẩn thận theo đúng hiểu biết của người có kiến thức  chuyên môn Đông y.”

Trong lịch sử, Đông y phát triển thành hệ thống chữa bệnh chủ động cách nay khoảng 5000 năm, tuy nhiên, có giai đoạn chững lại và dậm chân cho đến nay. Riêng ở Việt Nam, lý luận Đông y vẫn còn sử dụng các tài liệu từ các cụ Tuệ Tĩnh (1330-1400), cụ Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791), cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888).

Năm 1878, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ra Nghị định chánh thức sử dụng chữ quốc ngữ, năm 1919, vua Khải Định tổ chức khoa thi Hội cuối cùng, từ đó, chữ Hán không còn sử dụng rộng rãi, người có khả năng đọc hiểu chữ Hán Nôm ngày càng ít ỏi, còn người hành nghề Đông y hiếm ai đọc được chữ Hán. Bởi thế mới thấy trân quý sự nỗ lực của giáo sư Huỳnh Minh Đức khi ông bỏ công sức soạn thảo, dịch thuật các tác phẩm chữ Hán sang tiếng Việt để góp phần tư liệu lý thuyết nền tảng cho ngành Y học cổ truyền Việt Nam.

Bộ sách Dịch lý-Y lý có 506 trang, trong đó 2/3 nội dung gồm 367 trang giáo sư Huỳnh Minh Đức phân tích cặn kẽ, tỉ mỉ lý thuyết Thái Cực sinh Lưỡng Nghi bởi ông nhận thấy, hiểu rõ lý lẽ của Lưỡng Nghi là nắm được hơn 60% lý thuyết của Y học cổ truyền.

Dược sĩ Nguyễn Thiện Đức giải thích, chữ dịch chữ Hán viết 易, nằm trên là chữ nhật 日dưới là chữ nguyệt 月 nằm ngang vì dọc là tung ngang là hoành có nghĩa là "dịch quán triệt cả chiều dọc không gian và chiều ngang không gian". Sự biến thiên gọi là Dịch, từ đó, Đông y dựa vào nền tảng Kinh Dịch để tìm cách điều hoà cân bằng cơ thể. Những chú giải kỹ càng trong cuốn Dịch lý Y lý giúp cho người hành nghề y học cổ truyền hiểu sâu hơn sự biến hoá của Kinh Dịch áp dụng Đông y.

Trong sách, giáo sư trích dẫn nhiều từ sách của những danh y nổi tiếng Việt Nam: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Đình Chiểu bởi giáo sư hy vọng dựa vào các công trình nghiên cứu của ông, những người theo nghề Đông y sẽ nối tiếp sự nghiệp tiền nhân soạn thêm nhiều tác phẩm chất lượng hơn để phát triển bộ môn Y học cổ truyền dân tộc.

Qua nội dung sách chứng tỏ, sau 2000 năm giá trị các lý thuyết trong sách Đông y từ thời Hán vẫn còn tồn tại đúng thực tế.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Góp phần trong buổi mạn đàm, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ: “Đông y và Tây y đều có chỗ hay chỗ giỏi riêng, điều chúng ta nên nhớ là hễ có bệnh không khoẻ trong người thì nhanh chóng tìm cách chữa trị. Ai có kiến thức Y học có thể tự chữa, hoặc tìm đến thầy thuốc thay vì cầu khấn xin hết bệnh.

Chuyện Đông y ở Việt Nam thời phong kiến ít phát triển một phần là do quy trình khám chữa bệnh nghiêm ngặt, hễ vua nghe tin trong dân gian có thầy thuốc danh tiếng là vời về kinh để tham gia điều trị bệnh cho vua và hoàng gia. Theo tư liệu châu bản triều Nguyễn, quy trình khám bệnh và dâng thuốc cho nhà vua rất nghiêm ngặt. Nếu vua trở bệnh không lành thì gông đầu ông ngự y giam hoặc nếu lỡ ông vua băng hà thì tất cả ngự y gông đầu tống giam, chờ xét xử. Do đó, chuyện chữa bệnh ngày xưa rất căng thẳng, các quan ngự y luôn lo sợ chưa biết giữ mạng thế nào. Bởi hoàn cảnh như thế nên các thầy thuốc cũng bị hạn chế khả năng phát triển tài năng y học.”

Đông Y không dựa vào giải phẫu học như Tây y, do đó, để hiểu được khả năng chữa bệnh ưu việt của bộ môn Y học cổ truyền này cũng như giảm bớt những lang băm làm ảnh hưởng danh tiếng của Đông Y, bộ sách Dịch lý-Y lý do giáo sư Huỳnh Minh Đức soạn thảo nội dung đặt tiêu chí tinh thần nghiên cứu khoa học khách quan để giúp độc giả Việt Nam tiếp cận lý luận tổng quan chính yếu của Đông y, gạt qua những tranh cãi, hiểu sai về bộ môn này, nâng cao tri thức học thuật chứng minh qua thực tế hiệu quả chữa trị trên nền tảng lý thuyết vững chắc.

Sách do GS Huỳnh Minh Đức dịch:

Trung Quốc triết học sử (dịch của Hồ Thích, Khai Trí, 1970)

Hồ Thích và cuộc vận động tân văn học (Trung tâm học liệu SG, 1972)

Văn học sử Trung Quốc (dịch của Dịch Quân Tả, NXB Trẻ, 1992)

Từ Ngọ Môn đến Thái Hoà điện (NXB Trẻ, 1994)

Cẩm nang châm cứu thực hành: Y học nhập môn (Thái Ất Thần Châm Cứu, dịch)

Dịch lý - Y lý (dịch)

Hán văn dành cho y học Đông phương (dịch)

Hoàng Đế Nội Kinh Linh Khu (dịch)

Linh Quy Bát Pháp

Nội Kinh Nan Kinh (dịch)

Thương Hàn Luận

Châm Cứu Thực Hành - Tý Ngọ Lưu Chú

Ngũ vận lục khí trong Y học dân tộc

Tân Nguyên đạo

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X