Đổ mồ hôi trộm cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
Mồ hôi trộm là hiện tượng ra mồ hôi quá nhiều vào ban đêm khi ngủ. BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, bản thân việc đổ mồ hôi trộm không ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe, nhưng nó có thể là nguyên nhân của một trong những bệnh nào đó xuất hiện nên phải kiểm tra làm rõ bệnh nguyên phát.
1. Đổ mồ hôi trộm cảnh báo vấn đề sức khỏe nào?
Nguyên nhân gây bệnh mồ hôi trộm là gì? Cơ thể đổ mồ hôi vào ban đêm, khi không hoạt động có phải dấu hiệu của bệnh lý nào đó không, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong cơ thể con người có hai hệ thần kinh thực vật có tác dụng đối kháng nhau là hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm có tác dụng tăng tiết mồ hôi còn hệ phó giao cảm làm giảm tiết mồ hôi. Khi hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh sẽ thúc đẩy các tuyến mồ hôi thải ra nhiều hơn.
Trẻ dưới một tuổi dễ ra mồ hôi nhiều vì hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện, dễ rối loạn. Hiện tượng này thường khi lớn lên sẽ mất đi do hai hệ thần kinh thực vật đã có sự cân bằng. Ngoài ra, chứng ra mồ hôi trộm cũng thường gặp ở những trẻ thiếu vitamin D.
“Mồ hôi trộm” là hiện tượng mồ hôi ra lúc ngủ say, sau khi tỉnh dậy có cảm giác không ra nữa.
Đông y cho rằng hiện tượng này thường do âm hư, thường gặp trong các bệnh như lao hạch (người yếu, mệt mỏi, kém ăn, hay sốt về chiều, đau ngực, kinh nguyệt không đều, da xanh thiếu máu...). Mồ hôi trộm xuất hiện chủ yếu do thần kinh giao cảm bị hưng phấn quá mức do tác dụng của độc tố trực khuẩn lao.
Ngoài ra, mồ hôi trộm còn gặp trên những bệnh nhân sau mổ, phụ nữ sau nạo thai do mất máu, cơ thể hư suy và công năng thần kinh thực vật nhất thời bị rối loạn.
Đổ mồ hôi một phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại việc gia tăng nhiệt độ trong người, vì đổ mồ hôi sẽ lấy đi một phần nhiệt lượng của cơ thể làm cho thân nhiệt và da chúng ta trở nên mát hơn.
Tuy nhiên, có những lúc cơ thể chúng ta không hoạt động mà vẫn đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm, điều này cũng là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm:
- Ung thư: Theo các bác sĩ chuyên khoa về ung thư, chứng đổ mồ hôi về đêm là một triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư, thông thường là u lympho. Nếu bạn thấy mồ hôi ra quá nhiều vào ban đêm và kèm theo một số dấu hiệu như giảm cân đột ngột và sốt thì nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe.
- Bệnh truyền nhiễm, trong đó căn bệnh khá nguy hiểm đó là bệnh lao. Những bệnh nhân lao thường ra nhiều mồ hôi vào ban đêm hơn người bình thường. Ngoài ra, đổ mồ hôi đêm cũng là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm như viêm nội tâm mạc (viêm van tim), viêm tủy xương và có thể là triệu chứng của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
- Tiền mãn kinh: Thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ có thể bắt đầu ở độ tuổi ngoại tứ tuần. Vào thời điểm này, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và thi thoảng hay đổ mồ hôi vào ban đêm (hay xảy ra vào khoảng thời gian ở giữa chu kỳ kinh nguyệt trước đó), khiến cho bệnh nhân càng cảm thấy lo âu, mất ngủ, gây stress và nhiều vùng da mẩn đỏ.
Điều này không đáng lo sợ. Nên cung cấp cho cơ thể đủ lượng nước đã mất do tiết mồ hôi và dùng khăn khô, mềm lau sạch mồ hôi để tránh cho da bị nhiễm khuẩn.
- Hạ đường huyết: Các bệnh nhân được hỗ trợ bởi insulin và thuốc trị đái tháo đường có thể nhận thấy cảm giác bất an xảy ra vào ban đêm kèm theo đổ mồ hôi nhiều.
Ngoài ra, tuyến mồ hôi phụ thuộc vào hệ thần kinh trung ương, vì vậy khi lượng đường trong máu thấp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các dây thần kinh dẫn đến việc đổ mồ hôi. Người bệnh còn một số biểu hiện khác như: loạn nhịp tim, run tay và chân, chóng mặt, mất ý thức, thậm chí có thể hôn mê.
- Bệnh béo phì: Những người béo phì thường có thân nhiệt cao hơn người có cân nặng bình thường vì lượng mỡ dưới da của họ quá dày. Điều này có nghĩa là so với những người có trọng lượng trung bình thì người béo phì có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn không chỉ khi họ hoạt động thể chất mà kể cả khi nghỉ ngơi. Những người béo phì nên chọn một chế độ ăn kiêng giảm cân để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Stress và căng thẳng mãn tính: Căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày sẽ theo chúng ta vào trong giấc ngủ, không tốt cho hệ thần kinh và sức khỏe.
Điều đó có thể gây ức chế hoạt động các dây thần kinh, thậm chí có người còn gặp “ác mộng” khiến cho tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn về đêm kể cả khi bạn đang ngủ. Ngoài ra, những cảm xúc hồi hộp, lo lắng và những tình huống căng thẳng sẽ phóng thích adrenaline vào hệ tuần hoàn, khiến bạn tiết mồ hôi nhiều hơn.
2. Mồ hôi trộm không phải bệnh phong thấp
Mồ hôi trộm có phải cách gọi khác của chứng phong thấp không, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Mồ hôi trộm không phải phong thấp.
Trong y học cổ truyền, chứng ra mồ hôi chân tay là do phong thấp gây nên tình trạng thoát dương khí ra ngoài gọi là dương hư (dương hư sinh ngoại hàn) nên bàn chân, bàn tay lạnh; do đường dẫn khí ra các thần kinh ở tay, ở chân bị rối loạn hoặc tắc nghẽn.
3. Người lớn bị đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của bệnh lý
Xin BS nói rõ hơn, triệu chứng của bệnh mồ hôi trộm là gì và bệnh này được phân loại như thế nào?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Ở trẻ em, chúng ta phân ra thành mồ hôi trộm sinh lý và mồ hôi trộm bệnh lý.
- Mồ hôi trộm sinh lý: Trẻ bị đổ mồ hôi trộm vì sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn. Khi tăng thêm một chút hưng phấn và kích thích thì trẻ sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể.
Đây là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn hằng định. Mồ hôi sinh lý thường ra nhiều ở đầu và cổ, phát sinh vào lúc đi ngủ khoảng 30 phút và khoảng 60 phút sau thì không còn nữa. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng đáng ngại đối với sức khỏe của trẻ, phụ huynh đừng quá lo lắng.
- Mồ hôi trộm bệnh lý thường xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, biểu hiện là đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết. Đồng thời kèm theo những biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn uống kém, X-quang phổi có tổn thương lao sơ nhiễm).
Ra mồ hôi quá nhiều và liên tục, cơ thể trẻ sẽ mất đi một lượng nước và muối sẽ khiến cơ thể trẻ yếu đi, người mệt hơn, lỗ chân lông mở rộng. Đó là những nguyên nhân làm cho cơ thể bé dễ bị cảm lạnh, dễ bị viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản... Nếu hiện tượng này kéo dài và liên tục sẽ làm cơ thể trẻ dễ bị suy kiệt.
Ở người lớn, đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của bệnh lý. Sự rối loạn trong nội tiết tố (endocrine) có thể gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm. Tuyến giáp hoạt động quá mức đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.
Một nguyên nhân khác là do các tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hormone steroid (một loại hormone kiểm soát cân bằng muối và nước trong cơ thể) cũng gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm.
Bệnh đổ mồ hôi trộm còn đi kèm với các triệu chứng khác. Vì vậy để trị dứt điểm, cần xét nghiệm máu để có chẩn đoán chính xác, từ đó có phương cách điều trị bệnh phù hợp.
4. Trẻ còi xương, người lớn bị bệnh lao thường có biểu hiện ra nhiều mồ hôi
Xin BS cho biết, những ai sẽ dễ bị mắc bệnh mồ hôi trộm?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Biểu hiện đầu tiên khi trẻ bị còi xương, lao sơ nhiễm là ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết.
Bên cạnh đó, trẻ còn có những biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn uống kém, X-quang phổi có tổn thương lao sơ nhiễm).
Người lớn bị bệnh lao thường đổ mồ hôi trộm kèm theo người hao gầy thấp nhiệt, không thèm ăn. Trẻ em bị bệnh lao thường có đặc điểm ra mồ hôi trộm vào ban đêm.
Áp lực của công việc và cuộc sống tạo nên thể lực, tinh lực thiếu hụt, gây rối loạn thần kinh thực vật cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng mồ hôi trộm.
Bên cạnh đó còn phải kể đến bệnh cường năng tuyến giáp, hội chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ và chuyển đổi về già của nam giới.
5. Điều trị bệnh mồ hôi trộm như thế nào?
Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị chứng bệnh mồ hôi trộm? Điều trị cần phải có thời gian bao lâu, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Tận dụng ánh nắng mặt trời là cách bổ sung vitamin D “rẻ tiền và hiệu quả nhất” dành cho trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng, trước 10 giờ với thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 - 30 phút. Để cho da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt, tuy nhiên không được cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời.
Giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ: Phòng ngủ nên rộng, thoáng, nên cho trẻ chơi đùa trong bóng râm, luôn tắm rửa sạch sẽ hàng ngày và cần bổ sung lượng nước đầy đủ cho trẻ.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ: Nếu phát hiện những bất thường về hiện tượng ra mồ hôi trộm của trẻ (mồ hôi trộm bệnh lý) kèm theo một số triệu chứng khác ở trẻ như bị sốt thường xuyên, tinh thần sa sút, đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp đầu chậm liền, chậm biết bò, chậm biết đi… phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để trẻ được kiểm tra, chữa trị kịp thời.
Người lớn có hiện tượng đổ mồ hôi trộm cần đến bệnh viện kiểm tra để loại trừ các bệnh có tính bệnh lý.
Đổ mồ hôi trộm là một trong những biểu hiện của bệnh mạn tính.
Đổ mồ hôi trộm là triệu chứng thường gặp trên lâm , thấy nhiều ở những người bị các bệnh mạn tính, bệnh thể chất hư nhược và các trẻ em. Đông y cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây nên đổ mồ hôi trộm là khí âm lưỡng hư, nếu lâu ngày không khỏi bệnh đổ mồ hôi trộm như vậy sẽ nguy hại sức khỏe.
Thời tiết giao mùa là thời kì cao phát bệnh đổ mồ hôi trộm của thanh niên và trung niên, nguyên nhân phần nhiều là do “âm hư” gây nên. Nói một cách nôm na, trải qua thời gian dài sống trong mùa đông, mọi người đều mong trong phòng có được hơi ấm của lò sưởi, lại thích ăn các thức ăn khô nóng như lẩu, các đồ nhúng, các thức ăn quay rán nướng, làm cho việc tích trữ “âm tinh” trong cơ thể không đủ.
Khi người mệt mỏi, thể chất sút kém sẽ xuất hiện triệu chứng đổ mồ hôi trộm, ví dụ như sốt về chiều, mặt đỏ gay, tâm phiền, mất ngủ, người mệt mỏi rã rời...
Khi có hiện tượng đổ mồ hôi trộm cần đến bệnh viện kiểm tra để loại trừ các bệnh có tính bệnh lý. Bản thân việc đổ mồ hôi trộm không ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe, nhưng có thể là nguyên nhân của một trong những bệnh nào đó xuất hiện, vì vậy phải kiểm tra làm rõ bệnh nguyên phát.
6. Dinh dưỡng hợp lý để cải thiện bệnh mồ hôi trộm
Trong quá trình điều trị thì người bệnh cần lưu ý gì và chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến bệnh?
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Nên cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát như rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam, quýt. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn “nóng” như dầu mỡ, thịt bò, tôm, cua, cá biển... hoặc các loại trái cây “sinh nhiệt” như mít, sầu riêng, xoài…
Các thức ăn này nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi, có thể gây ngứa hoặc thậm chí nổi mụn ngoài da.
Người bị đổ mồ hôi trộm không thể lạm dụng thuốc bổ, phải khống chế ăn uống, nhất là đối với những thức ăn loại cá thịt và thức ăn ngọt. Có thể ăn nhiều một số những rau quả củ và trái cây.
Những trẻ em bị đổ mồ hôi trộm ngoài chú ý những điều nêu trên, còn phải thay đổi các thói quen ăn thiên lệch, ăn nhiều uống lắm một lúc. Ăn nhiều các thức ăn cao nhiệt lượng sẽ tạo nên trong cơ thể lượng lớn nhiệt lượng, đó là nguyên nhân quan trọng sinh ra đổ mồ hôi trộm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình