Hotline 24/7
08983-08983

Những lưu ý quan trọng để bảo vệ cầu tay cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

ThS.ĐD Đào Thanh Nhân - Điều dưỡng trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đặc biệt lưu ý các bệnh nhân chạy thận nhân tạo không nên mang vác vật nặng, không đeo đồng hồ, trang sức, không đo huyết áp, lấy máu ở tay có cầu nối… vì đây là một trong những đường sống còn của người bệnh.

1. Người bệnh cần chăm sóc, vệ sinh cầu tay ra sao để tránh tình trạng nhiễm trùng?

Biến chứng nhiễm trùng là một trong những điều đáng lo ngại của người chạy thận nhân tạo. Người bệnh cần chăm sóc, vệ sinh cầu tay ra sao để ngăn ngừa tình trạng này ạ?

ThS.ĐD Đào Thanh Nhân trả lời: Biến chứng nhiễm trùng là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất ở người chạy thận nhân tạo. Cầu nối là một trong những đường sống còn của người bệnh nên việc chăm sóc hằng ngày rất quan trọng.

Người bệnh cần vệ sinh tay có cầu nối mỗi ngày bằng xà phòng, đặc biệt là rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và thay đồ trước khi vào phòng chạy thận. Lưu ý, bệnh nhân mặc áo tay dài hoặc phụ kiện che bớt tay sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến việc chạy thận.

2. Hướng dẫn cách kiểm tra cầu tay

Nhờ ThS hướng dẫn cụ thể hơn cách kiểm tra cầu tay mỗi sáng cho bệnh nhân chạy thận để phát hiện nguy cơ tắc kịp thời ạ?

ThS.ĐD Đào Thanh Nhân trả lời: Việc kiểm tra hằng ngày rất quan trọng, bệnh nhân nên kiểm tra ít nhất 2 lần/ngày, nghe độ rù và độ nảy của mạch để biết còn hoạt động hay không. Khi mới phẫu thuật sẽ không nghe được ngay, bệnh nhân cầm tập nghe để cảm nhận cầu tay lớn dần mỗi ngày.

Sau khi rút kim chạy thận có thể sử dụng băng ép nên bệnh nhân cần nới băng ép khoảng 20 phút/lần để kiểm tra độ rù. Nếu có dấu hiệu giảm hoạt động phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời can thiệp.

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Để kiểm tra độ rù, bệnh nhân sẽ dùng 3 ngón tay đè nhẹ lên đường mạch máu (những người chạy thận lâu, mạch máu sẽ nổi lên), lưu ý sờ vào vị trí cách vết mổ 5 - 6cm (không phải sờ vào vết mổ). Nếu những hôm trước có độ rù nhưng hôm nay bệnh nhân không cảm nhận được phải báo ngay cho nhân viên y tế để có biện phát xử lý kịp thời.

Trong trường hợp vừa xảy ra tắc huyết khối, các bác sĩ sẽ can thiệp để lấy huyết khối, giữ lại cầu tay. Rất nhiều bệnh nhân hệ thống mạch máu xấu, không còn đường để chạy thận, khi đó sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Đối với các trường hợp chảy máu nên băng ép lại và gọi bác sĩ để có hướng dẫn kịp thời. Nếu không nghe tiếng rù phải gọi ngay cho nhân viên y tế tại trung tâm chạy thận nhân tạo để có hướng dẫn quay trở lại hoặc thông tin về thời điểm thích hợp để kiểm tra, siêu âm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

3. Cần lưu ý gì để bảo vệ cầu tay cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo?

Cuối cùng là cần lưu ý những gì để bảo vệ cầu tay cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo? Những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu nối? Tăng sức mạnh cho cầu tay mới bằng cách nào ạ?

ThS.ĐD Đào Thanh Nhân trả lời: Việc bảo vệ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ cầu nối. Đặc biệt, giai đoạn đầu sau phẫu thuật phải giữ tay khô ráo, tránh ẩm ướt. Sau khi vết thương lành trở lại bệnh nhân nên tập bóp bóng khoảng 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần từ 5 - 10 phút, từ từ cầu nối sẽ to lên. Sau khoảng 6 - 8 tuần bệnh nhân có thể đưa kim vào chạy thận.

Một số lưu ý để bảo vệ cầu nối:

- Không mang vác vật nặng hay đeo đồng hồ, trang sức phía tay có cầu nối.

- Tránh đưa tay chứa cầu nối ra ngoài vì nếu có tai nạn sẽ làm ảnh hưởng hoặc hư cầu nối.

- Không đo huyết áp, lấy máu, gối tay để ngủ ở tay có cầu nối để tránh gây tắc cầu nói.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải nhận biết được dấu hiệu nhiễm trùng cầu nối như sưng, nóng, đỏ… để báo ngay cho nhân viên y tế, từ đó có hướng xử trí kịp thời.

4. Lời khuyên cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Nhờ TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo gửi đến một vài lời khuyên dành cho những bệnh nhân chạy thận ạ.

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải đúng giờ, đúng lịch hẹn, tuân thủ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tham gia các hoạt động của xã hội như làm việc, giải trí,… Quan trọng là bệnh nhân phải lạc quan và tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

>>> Phần 1: Vì sao người bệnh thận mạn cần phải chạy thận đúng lịch?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X