Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao người bệnh thận mạn cần phải chạy thận đúng lịch?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đặc biệt lưu ý người bệnh nếu trễ lịch chạy thận có thể làm tích tụ nước trong cơ thể gây phù phổi cấp, khó thở hoặc tăng kali máu, làm rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim và tử vong ngay lặp tức.

1. Trễ lịch chạy thận dẫn đến hậu quả gì?

Thực tế nhiều người tin rằng, việc trễ lịch chạy thận chỉ 1 ngày sẽ không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Xin nhờ BS chia sẻ thêm, vì sao dù chỉ trễ lịch 1 ngày cũng nguy hiểm cho người bệnh, đưa đến các biến cố trầm trọng như tổn thương tim?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Thận làm rất nhiều nhiệm vụ trong cơ thể, hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, từng giờ, từng phút, từng giây. Khi phải chạy thận nhân tạo, nghĩa là người bệnh rơi vào suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận không còn tồn tại. Thông thường thời gian chạy thận là 3 lần/tuần và mỗi lần 4 giờ, thay vì mất rất nhiều thời gian thì hiện nay chỉ cô đọng còn 12 giờ/tuần.

Việc trễ lịch chạy thận 1 ngày sẽ vô cùng nguy hiểm. Thận có khả năng đào thải nước trong cơ thể, nếu bây giờ thận không đào thải được và cũng không chạy thận nhân tạo thì lượng nước tích tụ trong người và đặc biệt tích tụ trong phổi sẽ gây phù phổi cấp, có cảm giác không thở được.

Biến chứng nguy hiểm hơn là tăng kali máu. Thông thường thận thải kali dư thừa qua nước tiểu, nếu không có nước tiểu kali trong máu tăng sẽ làm rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim, tử vong ngay lặp tức.

2. Vì sao người thận mạn giai đoạn cuối cần tuân thủ chạy thận đủ giờ, đúng lịch?

Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS điểm qua những lý do mà người thận mạn giai đoạn cuối cần tuân thủ chạy thận đủ giờ, đúng lịch ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Khi bệnh nhân rơi vào giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, lúc đó tất cả các chức năng thận bình thường không còn thực hiện được nữa, gọi chung các triệu chứng đó là hội chứng ure huyết cao. Tức là những chất độc trong người bình thường thận thải ra mà không thải được.

Hội chứng ure huyết cao có thể xảy ra như: bị phù, quá tải dịch, phù phổi cấp có thể gây tử vong. Những rối loạn điện giải như tăng kali máu làm rối loạn nhịp tim, hạ natri máu hoặc tăng photphat, giảm canxi, hôn mê, co giật,… là những vấn đề bắt buộc phải chạy thận nhân tạo để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể.

3. Người chạy thận có thể “trễ hẹn” trong khoảng nào là tối đa?

Nói như vậy, nhưng đôi khi vì công việc - cuộc sống sẽ có để đúng đến từng giây, từng phút được. Vậy, người bệnh chạy thận có thể “trễ hẹn” trong khoảng nào là tối đa ạ (ví dụ lỡ trễ vài tiếng, nhưng vẫn trong ngày thì có được không)?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Thực tế, không nhất thiết phải chính xác hoàn toàn thời gian chạy thận, việc trễ vài tiếng đôi khi vẫn có thể chấp nhận được, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên cũng phải thông cảm cho cơ sở chạy thận nhân tạo vì lượng máy móc không nhiều nên các cơ sở đều sắp xếp lịch cho bệnh nhân (ví dụ ca 1, ca 2, ca 3), nếu đến đúng lịch sẽ đủ máy, nhưng khi đến vào giờ của bệnh nhân khác sẽ không có máy để chạy thận, đây là vấn đề quan trọng.

Phải làm sao cho người chạy thận nhân tạo trở về cuộc sống bình thường nhất, vẫn có đầy đủ chất lượng cuộc sống như những người khác. Nếu có việc quan trọng không thể chạy thận đúng giờ thì bệnh nhân nên báo trước với cơ sở chạy thận nhân tạo để sắp xếp thời gian phù hợp, để đáp ứng được nhu cầu người bệnh.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo vẫn có thể đi du lịch, không phải suốt ngày nằm trên giường bệnh. Khi đi nước ngoài hoặc trong nước cần liên hệ đến cơ sở chạy thận nhân tạo ở nơi dự định du lịch để chọn ngày chạy thận nhân tạo trong lúc du lịch. Như vậy, người bệnh có thể điều trị mà vẫn tham gia được các hoạt động xã hội, cũng như thưởng ngoạn các thú vui trong cuộc sống.

4. Người bệnh chạy thận cần lưu ý gì?

Ngoài việc chạy thận đúng theo lịch, theo BS, người bệnh chạy thận cần phải chú ý đến các vấn đề nào khác để đảm bảo có sức khỏe nhằm theo kịp liệu trình điều trị?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Thận có rất nhiều chức năng, một trong những chức năng đó là loại bỏ các chất dư thừa hoặc chất độc trong cơ thể. Tuy nhiên có những chức năng khác mà thận nhân tạo không làm được như điều hòa huyết áp, điều hòa lượng hồng cầu trong cơ thể,… các vấn đề này cần can thiệp thêm bằng các thuốc điều trị. Do đó, người chạy thận vẫn phải đảm bảo uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ.

Chế độ ăn uống của bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ khác với lúc chưa chạy thận. Chẳng hạn như về dinh dưỡng, người chạy thận rất cần nhiều dinh dưỡng, phải ăn nhiều chất đạm (khác biệt với lúc chưa chạy thận phải kiêng chất đạm). Vì lượng protein mất trong thời gian chạy thận khá nhiều, do đó cần bù đắp lại để tránh bị suy dinh dưỡng. Nếu người bệnh suy dinh dưỡng sẽ xảy ra những hệ lụy như nhiễm trùng,…

Những chế độ ăn khác như giảm muối giúp làm giảm huyết áp, tránh các bệnh tim mạch, cũng như làm người bệnh bớt cảm giác khát nước để tránh dư nước trong cơ thể.

Về lượng trái cây (chất có nhiều kali), người bệnh chạy thận nhân tạo có thể thoải mái hơn một chút đối với người chưa chạy thận trong việc giảm bớt lượng kali. Ví dụ, chạy thận buổi sáng thứ 2, thứ 4, thứ 6 thì buổi chiều thứ 2, thứ 4, thứ 6, cũng như buổi sáng thứ 3, thứ 5, thứ 7 có thể ăn trái cây thoải mái vì lúc đó lượng kali trong cơ thể thấp. Tuy nhiên những ngày gần chạy thận ví dụ buổi chiều thứ 3, thứ 5, thứ 7 hoặc buổi sáng trước khi chạy thận phải tránh ăn những loại thức ăn có nhiều kali (trái cây). Vì lúc đó sẽ tăng kali mà chưa chạy thận kịp sẽ có những biến chứng nguy hiểm.

Người chạy thận cần tập luyện thể dục thể thao, cũng như tham gia các hoạt động, trở lại công việc hằng ngày để có chi phí điều trị bệnh, hòa nhập với cuộc sống bình thường.

>>> Phần 2: Những lưu ý quan trọng để bảo vệ cầu tay cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X