10% dân số mắc đồng thời tăng huyết áp và bệnh thận mạn
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, dù không mong muốn nhưng tăng huyết áp và bệnh thận mạn là cặp đôi rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài diễn tiến đến giai đoạn cuối thì người bệnh thận mạn và tăng huyết áp luôn luôn trong nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch.
1. Tăng huyết áp và bệnh thận có mối liên quan như thế nào?
Trước tiên, xin nhờ BS đề cập về mối quan hệ giữa bệnh thận và tăng huyết áp.
- Vì sao tăng huyết áp có thể đưa đến bệnh thận?
- Ngược lại tại sao mắc bệnh thận thì huyết áp lại tăng cao, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Mặc dù nói bệnh thận và tăng huyết áp là cặp đôi không nên đi cùng nhưng thực tế 2 bệnh này thường xuyên đi cùng với nhau. Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân của bệnh thận và ngược lại cũng có thể là hậu quả của bệnh thận. Đôi khi tăng huyết áp và bệnh thận xảy ra cùng lúc và đi kèm trên một bệnh lý nào đó.
Tỷ lệ tăng huyết áp ngoài cộng đồng rất lớn. Theo một nghiên cứu của GS Huỳnh Văn Minh - Hội Tim mạch học Việt Nam, nghiên cứu trên 23.000 người/10 tỉnh thành nhận thấy 1/3 (33%) những người trên 18 tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, đây là con số đáng báo động.
Trong đó, chỉ 50% trường hợp biết mình mắc bệnh tăng huyết áp. Trong số đó cũng chỉ 50% người có điều trị. Và trong những người đang điều trị chỉ 50% kiểm soát được huyết áp mục tiêu.
Như vậy, tăng huyết áp là vấn đề trong cộng đồng và có thể gây ra nhiều biến chứng, một trong số đó là bệnh thận mạn. Vì tăng huyết áp lâu dài sẽ gây độ cứng mạch và tăng áp lực cầu thận dẫn đến tiểu Albumin, giảm độ cầu thận và cuối cùng là suy thận, cũng như suy thận giai đoạn cuối.
Ngược lại, bệnh thận lâu ngày cũng có thể biến chứng tăng huyết áp. Ước tính 80% người bệnh thận nặng mắc tăng huyết áp.
Có rất nhiều cơ chế như: Thông thường người bệnh thận sẽ bị phù, tăng giữ muối và nước sẽ làm huyết áp cao lên; Việc tăng huyết áp làm ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể như hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone; Ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề như tăng hoạt tính giao cảm; Việc xơ hóa cầu thận lâu ngày cũng làm rối loạn chức năng nội mạc, cứng mạch máu dẫn đến tăng huyết áp.
Do đó, mặc dù không mong muốn nhưng tăng huyết áp và bệnh thận mạn là cặp đôi rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
2. Vấn đề về thận nào thường gặp trên người bệnh tăng huyết áp?
Những vấn đề về thận, bệnh lý thận nào thường gặp trên người bệnh tăng huyết áp, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Có thể tăng huyết áp nguyên phát dẫn đến bệnh thận. Những bệnh nhân này phải thay đổi lối sống, cũng như dùng thuốc để kiểm soát được huyết áp mục tiêu và không dẫn đến bệnh thận.
Ngược lại, những bệnh nhân tăng huyết áp trẻ tuổi (20 - 30 tuổi) chúng ta phải tìm nguyên nhân (không phải nguyên phát) gây bệnh, một trong số đó có viêm cầu thận mạn,… Thực tế có rất nhiều người trẻ tuổi bị tăng huyết áp được điều trị bằng các thuốc hạ áp thông thường và sau 5 - 10 năm diễn tiến nặng đến suy thận giai đoạn cuối, lúc đó các triệu chứng về thận đã rõ ràng và đến gặp bác sĩ thận đã quá muộn.
3. Kiểm soát huyết áp mục tiêu là vấn đề rất quan trọng ở người vừa tăng huyết áp, vừa bệnh thận
Những nguyên nhân hay yếu tố nào khiến người bệnh tăng huyết áp dễ có nguy cơ mắc kèm bệnh thận, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Trong một số trường hợp, nguyên nhân bệnh thận gây tăng huyết áp đồng thời. Ví dụ như viêm cầu thận mạn thường xảy ra ở người trẻ, vừa tăng huyết áp vừa bệnh thận, tiểu Albumin; Một số trường hợp bệnh di truyền như bệnh thận đa nang; Bệnh lý thứ phát như đái tháo đường (đặc biệt là đái tháo đường type 2).
Đối với người vừa tăng huyết áp, vừa bệnh thận việc kiểm soát huyết áp mục tiêu là vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, không chỉ kiểm soát trị số huyết áp mà khi tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến những cơ quan đích trước khi biểu hiện ra trị số chẳng hạn như có những tổn thương trên não, thận, tim,… Do đó, khi điều trị các bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc hạn chế hoặc ngăn ngừa những tổn thương trên các cơ quan đích, không chỉ đơn thuần là nhìn vào con số huyết áp.
4. 80% người bệnh thận mạn có tăng huyết áp
Tỷ lệ bệnh nhân mắc đồng thời cả 2 bệnh liệu có phổ biến tại nước ta?
- Nhờ BS chia sẻ thêm về một (hoặc vài) trường hợp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để khán thính giả thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh về tương tác giữa tăng huyết áp và bệnh thận ạ?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Về tỷ lệ ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu như công trình nghiên cứu của PGS Trần Thị Bích Hương năm 2018 về tỷ lệ bệnh thận mạn trong cộng đồng là 12,8%. Trong số những người bệnh thận mạn thấy rằng 80% có tăng huyết áp. Ước lượng tỷ lệ mắc 2 bệnh cùng lúc là khoảng trên dưới 10% dân số.
5. Mắc đồng thời bệnh thận mạn và tăng huyết áp làm gia tăng các biến cố thế nào?
Thông thường, diễn tiến từ bệnh thận đến tăng huyết áp và ngược lại sẽ cụ thể ra sao? Việc mắc đồng thời cả 2 bệnh, làm gia tăng các biến cố thế nào, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Trường hợp bệnh nhân mắc huyết áp trước (tăng huyết áp nguyên phát), theo thời gian nếu huyết áp không được kiểm soát sẽ có những biến chứng lên tim như dày thất trái, suy tim và đồng thời trên bệnh thận sẽ thấy những dấu hiệu tiểu Albumin rất sớm. Những dấu hiệu sớm này phải làm xét nghiệm nước tiểu, không thể khám bên ngoài mà biết được vấn đề. Vì vậy cần tầm soát sớm bệnh thận trên những bệnh nhân dày thất trái tăng huyết áp.
Nếu không kiểm soát tốt 2 vấn đề này, dần dần theo thời gian việc tiểu Albumin ngày càng nhiều, đồng thời các cầu thận bị xơ hóa sẽ giảm bớt số nephron (đơn vị chức năng hoạt động của thận). Ví dụ, thận có 1 triệu nephron, nếu số nephron giảm đến khi không còn nữa sẽ trở thành suy thận giai đoạn cuối.
Người Việt Nam rất sợ suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, ghép thận,… rất nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, chúng ta không biết rằng ngoài diễn tiến đến giai đoạn cuối thì người bệnh thận mạn và tăng huyết áp luôn luôn trong nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch. Có thể bệnh thận ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 1, 2) nhưng người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong.
Tóm lại có là 2 vấn đề: Một là diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối. Hai là luôn luôn trong nguy cơ biến chứng tim mạch và đặc biệt là tử vong do nguyên nhân tim mạch.
>>> Phần 2: Ngay khi phát hiện tăng huyết áp phải tầm soát bệnh thận mạn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình