Hotline 24/7
08983-08983

Chế độ ăn DASH ưu tiên cho người bệnh thận mạn độ 1, 2 và 3

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Khoa Nội thận - Thận nhân tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Ưu điểm của chế độ ăn DASH là ưu tiên cho người bệnh thận mạn giai đoạn 1 - 3, giúp giảm tình trạng tăng huyết áp và các yếu tố tiến triển bệnh thận mạn. Tuy nhiên, DASH không dành cho bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 4 - 5 vì chế độ ăn này làm tăng lượng Kali máu và phosphate máu”.

Hướng dẫn xây dựng khẩu phần ăn cho người bệnh thận

Để xây dựng một khẩu phần ăn tốt nhất cho người bệnh thận, cần dựa trên 4 yếu tố, đầu tiên là tính cân nặng lý tưởng, tính nhu cầu năng lượng - dưỡng chất, xây dựng khẩu phần và cuối cùng là lựa chọn thực phẩm - làm thức ăn.

Đầu tiên về nhu cầu năng lượng, người bệnh không thể bỏ đói cơ thể và không ăn. Phải ăn uống đầy đủ nếu cơ thể bị thiếu chất sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể yếu đi và dễ bị nhiễm trùng. Người bệnh có thể nguy đến tính mạng do nhiễm trùng trước khi kịp chạy thận.

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo cho biết: “Một người bệnh thận nếu có cân nặng dưới mức cân nặng lý tưởng không được để cơ thể sụt cân. Cân nặng lý tưởng được tính bằng chiều cao x chiều cao (m)2 x 22. Ví dụ một người có chiều cao là 1m6, chúng ta sẽ tính như sau: 1,6 x 1,6 x 22 = số cân nặng lý tưởng”.

Về nhu cầu năng lượng, TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo cho biết, người bệnh cần ăn uống và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể, được tính bằng cân nặng lý tưởng x số Kcal theo hoạt động thể lực. Nhu cầu năng lượng (NCNL) được chia thành 3 mức độ, cụ thể như sau:

- Mức lao động nhẹ (nhân viên văn phòng, thợ may, nội trợ,...): 25 - 30 Kcal.

- Mức lao động trung bình: 30 - 35 Kcal.

- Mức lao động nặng (thợ xây dưng, làm nông nghiệp,…): 35 - 40 Kcal.

Tiếp đến là phân bố năng lượng trong ngày, tùy thuộc vào công việc của riêng từng bệnh nhân, một người có thể ăn trung bình khoảng 3 - 4 bữa/ngày.

- Sáng (6h30 - 7h30): 25% NCNL

- Trưa (11h30 - 12h): 35% NCNL

- Chiều (17h30 - 18h30): 30% NCNL

- Bữa phụ: 10% NCNL

Trong một số trường hợp, đặc biệt bệnh nhân cần các bữa ăn phụ giữa bữa, cần giảm lại lượng thức ăn ở các bữa ăn chính.

Bệnh nhân thận mạn, khi nào cần ăn kiêng?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo nhấn mạnh: “Những bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bệnh thận mạn; thận không thể lọc và loại bỏ nước dư thừa, vitamin - khoáng chất và các chất độc thải ra từ cơ thể là những nhóm cần tiết chế trong chế độ ăn uống. Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn và chế độ dinh dưỡng sẽ không giống nhau. Tùy vào các giai đoạn, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên người bệnh nên có một chế độ ăn như thế nào. Không chỉ dựa vào các giai đoạn của bệnh, chế độ dinh dưỡng mà còn tùy thuộc nguyên nhân”.

Chuyên gia đưa ra ví dụ, ở nguyên nhân bệnh cầu thận, bệnh nhân bị phù rất nhiều cần phải kiêng uống nước, không được ăn muối. Nhưng ngược lại, nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh thận mất muối - nghĩa là thải muối ra từ thận, khiến cơ thể không có muối - thì người bệnh cần phải ăn mặn, không được ăn quá lạt.

Song song đó, chế độ dinh dưỡng cũng sẽ tùy thuộc vào bệnh phối hợp. Ví dụ, người bệnh vừa bị thận kết hợp đái tháo đường, trong bữa ăn cần hạn chế hấp thu chất bột đường. Trên người vừa bệnh thận vừa bệnh gan, sẽ có những tiết chế riêng về dinh dưỡng, cần phối hợp dung hòa theo từng bệnh. Hơn nữa, việc tiết chế trong chế độ dinh dưỡng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế của người bệnh.

Trưởng khoa Khoa Nội thận - Thận nhân tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khuyến nghị, DASH (chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh tăng huyết áp) cũng là chế độ ăn dành cho người bệnh thận mạn giai đoạn 1 - 3 (eGFR>30ml/phút/1,73m2), cũng giống với phần lớn các chế độ ăn khác là giảm muối (<6g/ngày). Tuy nhiên, trong chế độ ăn này sẽ tăng lượng muối Kali (>4g/ngày).

Trong chế độ ăn DASH, lượng phosphate tăng (>1,7g/ngày), người bệnh sẽ phải ăn nhiều trái cây và rau củ, tăng chất xơ. Đặc biệt, cần giảm lượng thịt đỏ, tăng cá và đạm thực vật. Giảm hấp thu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa.

“Ưu điểm của chế độ ăn DASH là ưu tiên cho người bệnh thận mạn giai đoạn 1 - 3, giúp giảm tình trạng tăng huyết áp và các yếu tố tiến triển bệnh thận mạn. Nhược điểm là không dành cho bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 4 - 5 (eGFR<30ml/phút/1,73m2), vì chế độ ăn này làm tăng lượng Kali máu và phosphate máu”, chuyên gia thông tin.

Việc tiết chế trong chế độ dinh dưỡng giúp tránh ứ đọng các chất dư thừa và làm chậm tiến triển bệnh thận. Những thành phần hoạt chất người bệnh thận mạn cần lưu ý là đạm, béo, muối, nước, kali và phospho, đây là những chất thận chịu trách nhiệm loại bỏ nếu hấp thu quá dư thừa.

Đầu tiên về chất đạm, tiết chế đạm nhằm tránh ứ đọng các sản phẩm thoái biến từ đạm làm tăng gánh nặng cho bệnh thận. Chuyên gia thông tin, chất đạm khi đi vào cơ thể sẽ được thận thải ra chất urê và theo đường nước tiểu ra ngoài. Nếu người bệnh ăn quá nhiều đạm, lượng urê thải ra quá nhiều, làm tăng gánh nặng cho thận, khiến cơ quan này phải làm việc nhiều hơn.

Chính vì vậy, cần tiết chế chất đạm để tránh sản sinh ra quá nhiều urê. Những người suy thận nặng nếu ứ đọng urê sẽ sinh ra hội chứng uric cao, gây rất nhiều triệu chứng nguy hiểm. Do đó việt tiết chế chất đạm (cả 2 loại protein động vật và thực vật) sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho thận. Theo nghiên cứu, người bệnh chỉ nên hấp thu 0,6 - 0,8g/kg lượng đạm mỗi ngày” - Phương Thảo đưa ra hướng dẫn.

Chuyên gia diễn giải thêm, theo khuyến cáo của Hội Thận học Hoa Kỳ đã đưa ra về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thận vào năm 2020, về nhu cầu protein trên bệnh nhân suy thận không chạy thận (ở người trưởng thành bệnh thận mạn giai đoạn 3-5) không mắc bệnh đái tháo đường (có chuyển hóa bình thường) cần có chế độ ăn ít protein 0,55 - 0,60g/kg/ngày, hoặc một chế độ ăn rất ít protein 0,28 - 0,43 g/kg/ngày cùng với bổ sung keto acid/ các chất tương tự axit amin để đáp ứng protein yêu cầu (0,55 - 0,60g/kg/ngày).

Về nhu cầu protein ở bệnh nhân suy thận không chạy thận (ở người trưởng thành, bệnh thận mạn giai đoạn 3-5) và mắc kèm bệnh đái tháo đường, cần kê đơn hợp lý với giám sát lâm sàng chặt chẽ, khẩu phần protein nên dùng là 0,6 - 0,8g/kg/ngày để duy trì duy dưỡng ổn định trạng thái và tối ưu hóa việc kiểm soát đường huyết.

Thứ hai là đối với chất béo, chuyên gia khuyến nghị, nên giảm acid béo bão hòa và cholesterol có tác động xấu lên hệ tim mạch. Người bệnh nên hạn chế mỡ động vật, bơ và trứng. Nên ăn các loại acid béo không no có nhiều trong cá vùng nước lạnh và dầu oliu, dầu cải, dầu nành.

Thứ ba là muối, thành phần này làm tăng giữ nước trong cơ thể, gây phù, tăng huyết áp và còn làm tăng gánh nặng cho thận. Do đó nên tiết chế muối ăn dưới 6g/ngày, được áp dụng cho mọi giai đoạn của bệnh thận mạn.

Thứ tư là về vấn đề cung cấp nước cho cơ thể, điều này sẽ tùy theo từng người. Trong đó, bệnh thận trong giai đoạn 1 - 3 nên uống nhiều nước. Ngược lại, nếu đang phù hoặc suy thận, uống nhiều nước sẽ gây ứ đọng trong cơ thể khiến tình trạng phù nặng hơn và khó thở. Do đó, đối với người suy thận nặng và phù, lượng nước uống vào theo quỵ định được tính bằng lượng nước tiểu mỗi ngày + 500ml.

Ngoài ra, cần hạn chế dùng các loại thức ăn có nhiều nước như cháo, súp, canh, kem, sinh tố,… Nếu bị tiêu chảy, ói mửa ngườii bệnh cần uống bù nước, ngưng thuốc lợi tiểu và đến bác sĩ thăm khám sớm nhất.

Thứ năm là cần có chế độ ăn giảm Kali khi thận suy, người bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn giảm kali sau khi xét nghiệm về kali máu. Kali khi ứ đọng trong cơ thể có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim và tử vong.

“Việc tiết chế kali sẽ dành cho người bệnh thận bị tăng kali máu, suy thận nặng hoặc phải dùng những loại thuốc giữ kali. Người bệnh cần hạn chế các thức ăn có nhiều kali, một khi cơ thể tăng lượng chất này cần kiêng mọi loại trái cây cho đến khi có chỉ định của bác sĩ cho dùng lại”, BS Phương Thảo cho biết.

Cuối cùng là việc tiết chế phospho. “Nếu cơ thể người bệnh tăng lượng phospho sẽ làm cho xương yếu, dễ gãy, lắng đọng ở da gây ngứa và lắng đọng ở hệ tim mạch. Phospho có nhiều trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa như yaourt, phô mai; các loại đậu như đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân, hạt điều, thịt, coca, gạo nguyên cáum, lòng đỏ trứng, đồ biển, phủ tạng động vật, chocola, ngũ cốc...” - BS Phương Thảo thông tin.

Điều quan trọng nhất là chuyên gia lưu ý đó là người bệnh thận không có một chế độ ăn riêng nào mà nên đa dạng các loại thức ăn. Đồng thời nên thay đổi thực đơn, mỗi bữa ăn nên luôn phiên thay đổi các món và thêm nhiều gia vị (hành, tiêu, tỏi, ớt) giúp món ăn hấp dẫn, kích thích tiêu hóa tốt hơn. Song song đó là sử dụng thực phẩm tươi, không nên ăn những loại thức ăn để lâu, chế biến sẵn, muối chua,…

Bên cạnh đó, với những món ăn nhiều màu sắc, trình bày đẹp sẽ kích thích người bệnh giúp ăn ngon miệng hơn. Người bệnh nên đi khám định kỳ, làm xét nghiệm theo dõi bệnh và hỏi ý kiến bác sĩ nên ăn uống và có chế độ dinh dưỡng như thế nào là phù hợp nhất, bác sĩ sẽ tư vấn và bệnh nhân nên theo nguyên tắc đó” - chuyên gia hướng dẫn.

>>> Bệnh thận mạn không cần nấu ăn riêng, hạn chế ăn hàng quán, đừng bỏ bữa

>>> Tầm soát bệnh thận mạn chỉ với 2 xét nghiệm cơ bản ở đâu cùng làm được

>>> Các thuốc mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

>>> 8 nguyên tắc “vàng” bảo vệ thận

Chuyên đề thu hút nhiều thắc mắc của người tham dự chương trình xoay quanh chế độ dinh dưỡng ở người bệnh thận mạn. Với câu hỏi “Ở giai đoạn nào cần tiết chế phốt pho?” TS.BS Huỳnh Ngọc Phượng Thảo giải đáp: Thông thường ở giai đoạn 4 - 5 là những giai đoạn nặng, độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút. Tuy nhiên, tốt nhất bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ. Thường ở những giai đoạn nặng, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm photpho trong máu cũng như xét nghiệm hormon PTH và để có câu trả lời cho bệnh nhân, khi nào nên tiết chế phospho.

Thắc mắc “Người bệnh suy thận mạn nên sử dụng loại nước uống như thế nào khi độ lọc cầu thận của cơ thể giảm?” được chuyên gia giải đáp: Trên thực tế không có loại nước uống nào được khuyến cáo cho người mắc bệnh thận mạn. Người có thể sử dụng nước máy đun sôi để nguội là tốt nhất. Hiện nay trên thị trường có những loại nước bán sẵn, khi mua cần lưu ý có 2 loại, nước tinh khiết (nước bình thường đã qua tiệt trùng) và nước khoáng (được lấy từ những mạch nước chứa nhiều khoáng như kali hoặc 1 số khoáng chất khác).

Ở những người bệnh thận nhẹ, ở những giai đoạn 1 - 3 không cần quá quan tâm đến vấn đề này, sử dụng loại nước nào cũng được. Tuy nhiên, ở những người bệnh giai đoạn 4 - 5 tốt nhất nên sử dụng nước tinh khiết, không nên uống nước khoáng, do nước khoáng có thể chứa nhiều kali và cơ thể không thể thải ra được.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X