Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh thận mạn không cần nấu ăn riêng, hạn chế ăn hàng quán, đừng bỏ bữa

Đây là những khuyến cáo được TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Khoa Nội thận - Thận nhân tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ trong chương trình tư vấn cho cộng đồng về chế độ dinh dưỡng ở người mắc bệnh thận mạn.

“Bệnh thận mạn ăn uống khoa học, không phải kiêng khem quá mức”

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo nhấn mạnh: “Nhiều người bệnh khi đến thăm khám thường than phiền việc thực hiện ăn kiêng trong quá trình điều trị thận khiến cơ thể bị sụt cân nhiều. Nhưng cần nhớ rằng, mặc dù phải ăn kiêng nhưng vẫn cần phải đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng để cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Như vậy mới có được sức khỏe tốt nhất, làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn”.

Điều quan trọng nhất trong xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh thận mạn đó là đảm bảo tất cả các thành phần dinh dưỡng có đầy đủ trong một bữa ăn, bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ.

Trong đó, về chất bột đường, BS Phương Thảo khuyến nghị, đây là thành phần luôn chiếm lượng lớn trong một chế độ ăn uống để tạo ra năng lượng cho cơ thể (50 - 65%). Về chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…), người bệnh thận mạn không thể nhịn ăn hoàn toàn bởi nó rất cần thiết, giúp xây dựng các tế bào cũng như tạo nên hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể tránh bị nhiễm trùng, tăng sức đề kháng, và chuyển hóa các chất. Do đó, đối với người bệnh thận, chất đạm được khuyến nghị cần đạt  từ 10 - 20% năng lượng của cơ thể. Về chất béo (dầu, mỡ) chiếm từ 20 - 25% phần năng lượng của cơ thể.

Ngoài ra, chất xơ cũng là một thành phần cũng quan trọng không kém đối với hệ tiêu hóa giúp đi tiêu, tiểu đều đặn, tránh táo bón và sinh ra những chất độc hại cho cơ thể. Bởi vì việc ứ đọng không thể đào thải ra ngoài sẽ làm tăng chất độc trong cơ thể, thậm chí là tăng urê làm cho bệnh thận tiến triển nặng hơn. Do đó, chuyên gia khuyến nghị, nên ăn rau củ nguyên trái/quả để giữ thành phần chất dinh dưỡng hấp thu vào cơ thể. Nhiều người có thói quen sử dụng nước ép vì dễ uống, tuy nhiên, điều này vô tình loại bỏ hết hàm lượng chất xơ trong rau củ quả.

BS Phương Thảo cũng lưu ý thêm, người bệnh thận mạn cần thực hiện một chế độ ăn giảm mặn, hạn chế việc nêm nếm thức ăn đậm đà. Điều này không chỉ là muối mà còn bao gồm cả nước mắm và các loại nước chấm… “Thói quen lạm dụng các loại nước chấm khiến lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày rất cao, dẫn đến dư thừa” - chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh thực hiện chế độ ăn uống cân đối thì không cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Ví dụ, nếu uống nhiều viatamin D và canxi sẽ sinh ra tình trạng dư thừa chất và là điều kiện dẫn đến sỏi thận. Đó là lý do chuyên gia khuyến nghị, không nên lạm dụng việc uống thuốc bổ, ăn uống đầy đủ là phương pháp cung cấp dưỡng chất hữu hiệu. Tốt nhất là nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.

Song song với việc bổ sung đầy đủ các thành phần dưỡng chất trong một bữa ăn, người bệnh cũng cần uống đủ ít nhất 2l nước mỗi ngày, tuy nhiên điều này cũng sẽ tuỳ thuộc vào từng bệnh lý. “Cần chú ý ở nhóm người lớn tuổi, nhất là ở người bị suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, đôi khi không nhớ mình uống nước như thế nào, quên uống nước, trong trường hợp này người thân nên nhắc nhở ông bà, cha mẹ mình uống nước” - BS Phương Thảo khuyến nghị.

Nguyên tắc chung về chế độ ăn uống của người bệnh thận mạn

Theo TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo: “Những trường hợp đến thăm khám và phát hiện suy thận giai đoạn 5, trong khi cơ thể không có bất kỳ biểu hiện của bệnh và có lối sống lành mạnh thường không phải bệnh suy thận cấp mà chính là suy thận mạn”.

Những người suy thận cấp thường sẽ có những biểu hiện rất rầm rộ, xuất hiện triệu chứng cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề sức khỏe. Ở trường hợp mắc bệnh thận mạn, thường sẽ không có bất kỳ biểu hiện nào, nếu người bệnh không đi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sẽ không phát hiện được tình trạng bệnh. Thậm chí đến giai đoạn 5 bệnh mới biểu hiện triệu chứng ra ngoài.

Ở những người có xuất hiện triệu chứng, biểu hiện điển hình nhất là cơ thể bị phù. Còn phần lớn người bệnh hoàn toàn sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi đi khám sức khỏe và làm các xét nghiệm.

Việc thực hiện tầm soát bệnh thận không quá đắt tiền hay tốn kém, rất dễ làm, có thể làm xét nghiệm ở cả những cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Khi đến viện, đầu tiên người bệnh sẽ được xét nghiệm nước tiểu, và hai là xét nghiệm máu để đo lường chức năng thận (xem creatinin máu tính trên độ lọc cầu thận).

Sau thực hiện các xét nghiệm, nếu phát hiện có bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh nên điều trị như thế nào. Trong trường hợp trở nặng - đã đến giai đoạn cuối, người bệnh phải thực hiện lọc cầu thận. Dựa theo từng cấp độ của bệnh thân, chế độ dinh dưỡng và việc ăn uống sẽ khác nhau ở mỗi giai đoạn” - BS Phương Thảo cho biết.

Chuyên gia nhấn mạnh, không có một chế độ ăn chung nào cho mọi bệnh nhân mắc bệnh thận mạn. Bởi vì mỗi một bệnh nhân sẽ có một bệnh lý, mức độ suy thận riêng biệt và hoàn cảnh kinh tế, xã hội khác nhau.

Hơn nữa, bệnh nhân có thể nấu kết hợp bữa ăn chung cùng với gia đình, không cần nấu riêng hay ăn thức ăn đắt tiền. Điều cần nhớ là nên ăn đúng giờ, không được bỏ bữa trong ngày. Khi dùng bữa nên ăn chậm, nhai kỹ, điều này giúp cơ thể hấp thu được hết tất cả các chất dinh dưỡng có trong thức ăn và giúp cho việc tiêu hóa được diễn ra tốt nhất.

Cuối cùng là nên hạn chế ăn hàng quán bên ngoài, những món ăn được bày bán ở ngoài thường sẽ được nêm nếm đậm đà và bỏ nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe người bệnh.

>>> Tầm soát bệnh thận mạn chỉ với 2 xét nghiệm cơ bản ở đâu cùng làm được

>>> Các thuốc mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

>>> 8 nguyên tắc “vàng” bảo vệ thận

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X