8 nguyên tắc “vàng” bảo vệ thận
Trong chương trình tư vấn với chủ đề “Những tiến bộ mới trong làm chậm tiến triển bệnh Thận mạn” nhằm hưởng ứng ngày Thận thế giới do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức ngày 16/3/2024, BS.CKI Phùng Vĩnh Khương - Khoa Nội thận Thận nhân tạo đã đề cập đến 8 nguyên tắc quan trọng cần nhớ để bảo vệ thận. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần quan tâm đến bệnh lý này trên người bệnh tăng huyết áp và tiểu đường.
Trong đó, nguyên tắc thứ nhất được BS.CKI Phùng Vĩnh Khương khuyến nghị là thường xuyên tập thể dục, việc này giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm huyết áp và giảm các nguy cơ của bệnh thận mạn.
Thứ hai là chế độ ăn lành mạnh, tuân thủ nguyên tắc này sẽ giúp duy trì cân nặng, giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tiểu đường và những tình trạng liên quan đến bệnh thận mạn.
Vị chuyên gia chia sẻ, cần giảm lượng muối ăn hàng ngày trong khoảng từ 5-6 gram (tương đương một muỗng cà phê chia 3 bữa trong ngày). Đồng thời, nên hạn chế đi ăn nhà hàng và không nên ăn các thực phẩm đã chế biến sẵn như đồ hộp, giò lụa, xúc xích, cá khô vì chúng chứa rất nhiều muối. Không nên thêm muối vào thức ăn và nên tự nấu ăn bằng những nguyên liệu tươi ngon.
Thứ ba, cần thường xuyên kiểm tra và kiểm soát đường huyết. BS.CKI Phùng Vĩnh Khương cho biết: “Có đến khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường không biết bản thân họ mắc bệnh này. Do đó cần kiểm tra đường huyết mỗi khi đi khám sức khỏe tổng quát. Điều này đặc biệt quan trọng cho những ai đang ở tuổi trung niên và tuổi già”.
Ông nhấn mạnh, khoảng một nửa số bệnh nhân mắc đái tháo đường đều diễn tiến đến tổn thương thận. Vấn đề này có thể hạn chế nếu đường huyết được kiểm soát tốt. Ngoài ra, nên kiểm tra chức năng thận đều đặn bằng xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ để tránh diễn tiến bệnh thận mạn đến giai đoạn nặng.
Thứ tư, bệnh nhân cần kiểm soát tốt huyết áp, 50% số bệnh nhân mắc huyết áp cao không biết bản thân bị tăng huyết áp, do đó cần đặc biệt chú ý đến nhóm người này. Huyết áp của người bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp được chẩn đoán khi đo ở hai ngày khác nhau, trong đó huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg.
Đặc biệt, đối với người trẻ, nếu huyết áp tăng, cần đi khám bác sĩ ngay vì thường có các bệnh lý đi kèm gây ra cao huyết áp ở người trẻ. Lúc này, người bệnh cần điều chỉnh lối sống và điều trị bằng thuốc để ổn định huyết áp.
Năm 2017, Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (AHA) và Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC) đã đưa ra hướng dẫn về tăng huyết áp, và đề xuất rằng tăng huyết áp nên được điều trị sớm nhờ thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc nếu mức huyết áp khoảng 130/80 mmHg. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ tim mạch và bệnh thận.
Việc uống nước đầy đủ được bác sĩ đề cập trong nguyên tắc thứ năm. Theo đó, lượng nước phù hợp cần uống cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Luyện tập, thời tiết, tình trạng sức khỏe, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Trong điều kiện khí hậu bình thường, mỗi người sẽ cần khoảng 2 lít nước (8 ly nước) cho một ngày. Tuy nhiên, lượng nước này cần điều chỉnh đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn. Đặc biệt là ở giai đoạn 4, giai đoạn 5, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận tư vấn về lượng nước phù hợp dựa trên xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân.
Nguyên tắc thứ sáu là tuyệt đối không hút thuốc lá, vì sẽ giảm tưới máu đến thận, giảm chức năng thận. Đồng thời, việc này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thận lên 50%. Thứ bảy là không tự ý mua thuốc kháng viêm, giảm đau tại nhà thuốc, vì có thể làm hại thận. Đặc biệt, chỉ cần uống một lượng nhỏ thuốc giảm đau cũng có thể gây hại thận nếu bạn có bệnh thận hay chức năng thận suy giảm.
Cuối cùng, cần kiểm tra chức năng thận định kỳ nếu bạn có một hay nhiều hơn các yếu tố nguy cơ cao, bao gồm: Tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh thận.
>>> Tầm soát bệnh thận mạn chỉ với 2 xét nghiệm cơ bản ở đâu cùng làm được
>>> Các thuốc mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn
Trong chủ đề BS.CKI Phùng Vĩnh Khương mang đến lần này đã thu hút một số thắc mắc và câu hỏi đặt về cho vị chuyên gia. Trả lời cho câu hỏi “Thời gian khám thận định kỳ là bao lâu?”, BS.CK1 Phùng Vĩnh Khương cho biết: Việc khám định kỳ sẽ phụ thuộc vào chức năng thận của người bệnh, và thông thường là nên đi khám theo ngày hẹn của bác sĩ. Đối với bệnh nhân mắc bệnh thân mạn do các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận nặng giai đoạn 4, giai đoạn 5 thì nên đi khám hàng tháng theo ngày hẹn tái khám. Còn nếu chức năng thận ổn định hơn kèm các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến tiến triển bệnh thận chậm thì chu kỳ khám sẽ kéo dài hơn. Câu hỏi “Thời gian chuyển từ suy thận cấp qua suy thận mạn là bao lâu?” được chuyên gia giải đáp: Từ suy thận cấp chuyển qua suy thận mạn có rất nhiều nguyên nhân. Khi bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, cần đến gặp bác sĩ và điều trị tốt nguyên nhân suy thận cấp để ổn định ngay chức năng thận. Nếu để chần chừ qua thời gian 1-2 ngày cũng có thể gây ảnh hưởng đến thận và gây di chứng của bệnh thận mạn sau này. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình