Ngay khi phát hiện tăng huyết áp phải tầm soát bệnh thận mạn
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tăng huyết áp là đối tượng nguy cơ của bệnh thận. Do đó, người tăng huyết áp chưa có bệnh thận vẫn bắt buộc phải tầm soát bệnh thận. Hiện nay, chỉ với 70.000 đồng đã có thể tầm soát bệnh thận nhờ xét nghiệm máu và thực hiện tổng phân tích nước tiểu.
1. Mắc đồng thời tăng huyết áp và bệnh thận mạn sẽ đem đến khó khăn gì trong điều trị?
Theo nhận định của BS, việc mắc đồng thời cả 2 bệnh sẽ đưa đến những khó khăn ra sao trong điều trị cũng như khả năng tuân thủ của bệnh nhân ạ? Hướng điều trị dành cho người mắc kèm cả 2 bệnh thế nào ạ?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Mắc cùng lúc bệnh thận và tăng huyết áp là vấn đề rất khó khăn trong việc điều trị. Thứ nhất, kiểm soát huyết áp ở người bệnh thận rất khó, thường gọi là tăng huyết áp kháng trị. Nghĩa là một người bệnh thận thì toa thuốc rất dài, để kiểm soát huyết áp thường dùng ít nhất 3 loại thuốc trở lên.
Thứ hai, việc dùng các thuốc hạ huyết áp có thể gây ra những biến chứng trên người bệnh thận như tổn thương thận cấp (chức năng thận đột ngột nặng lên bất ngờ) nếu không đối phó kịp sẽ rơi vào suy thận giai đoạn cuối. Biến chứng của thuốc hạ huyết áp trên người bệnh thận có thể gặp như tăng kali máu, nếu kiểm soát không kịp sẽ tử vong ngay lặp tức.
Đó là những khó khăn khi điều trị tăng huyết áp nên nếu bệnh nhân vừa bị tăng huyết áp, vừa bị bệnh thận nên đến bác sĩ để được khám, tư vấn, dùng thuốc. Việc theo dõi định kỳ rất quan trọng, nhiều người cho rằng đi khám 1 lần thấy khỏe, huyết áp ổn định, về nhà đo huyết áp tốt nên lấy toa đó tiếp tục mua uống sẽ rất nguy hiểm.
Khi điều trị cho bệnh nhân vừa tăng huyết áp, vừa bệnh thận bác sĩ luôn luôn phải nghĩ cách làm sao để đạt huyết áp mục tiêu. Bên cạnh đó, phải dùng các thuốc làm chậm tiến triển bệnh thận, tránh nguy cơ suy thận về sau, cũng như tránh các nguy cơ về nhồi máu cơ tim, tử vong do tim mạch.
Đôi khi đi khám cũng phải làm lại xét nghiệm về chức năng thận, kali máu, về nước tiểu để xem xét đến các biến chứng, từ đó gia giảm thuốc hoặc thay đổi thuốc cho phù hợp.
2. Lựa chọn thuốc trong điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân có bệnh thận, cần dựa vào các nguyên tắc nào?
Gan, thận là 2 cơ quan đào thải thuốc chủ lực của cơ thể. Vậy xin nhờ BS giải thích cụ thể hơn, lựa chọn thuốc trong điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân có bệnh thận, cần dựa trên những nguyên tắc nào ạ?
- Khuyến nghị huyết áp mục tiêu trên người bệnh thận (bao gồm chưa lọc máu, lọc máu, thận ghép) có khác biệt so với người mắc tăng huyết áp đơn thuần, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Gan và thận là 2 cơ quan đào thải chính. Tăng huyết áp và bệnh thận liên quan chặt chẽ với nhau rất nhiều và có những loại thuốc ảnh hưởng đến áp lực cầu thận. Do đó, việc lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp ở người bệnh thận sẽ tập trung vào làm chậm tiến triển bệnh thận. Tức là các thuốc sử dụng đã được chứng minh làm giảm được tỷ lệ diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối, giảm Albumin niệu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cũng như tử vong do tim mạch.
Ở người bệnh thận rất khó kiểm soát huyết áp cũng như có nhiều bệnh đồng mắc, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, việc kiểm soát huyết áp ở người bệnh thận phải chặt chẽ, thường xuyên và tránh những dao động bất ngờ như quá cao hoặc quá thấp đều không tốt đối với thận. Trong khi người chỉ có tăng huyết áp, chưa có bệnh thận sẽ dễ dàng hơn. Ở người không có bệnh thận đôi khi 3 - 6 tháng khám một lần nhưng những người bệnh thận phải khám thường xuyên hơn.
3. Người tăng huyết áp chưa có bệnh thận vẫn bắt buộc phải tầm soát bệnh thận
Như vậy, làm sao để nhận biết bệnh thận trên người bệnh tăng huyết áp từ sớm, thưa BS? Ngược lại, trên người bệnh thận, làm thế nào để nhận biết sớm tăng huyết áp ạ?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Tăng huyết áp là đối tượng nguy cơ tầm soát bệnh thận. Do đó, đối với người tăng huyết áp chưa có bệnh thận vẫn bắt buộc phải tầm soát bệnh thận. Rất nhiều người chỉ tập trung vào tăng huyết áp nhưng trước khi bắt đầu điều trị tăng huyết áp phải tầm soát xem bệnh nhân đó có bệnh thận hay không.
Sau khi tầm soát nếu không có bệnh thận thì phải làm sao đừng để mắc bệnh. Bác sĩ thường khuyên thay đổi lối sống như: tập thể dục, ít tĩnh tại, chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) ngăn ngừa tiến triển của tăng huyết áp như giảm muối, tăng cường rau, trái cây, ít đạm động vật,…
Ngoài ra phải kiểm soát huyết áp để đạt mục tiêu (dưới 130/80 mmHg) cũng như thường xuyên theo dõi để tránh xảy ra những tổn thương trên cơ quan đích như mắt, não, thận, tim,…
4. Người bệnh tăng huyết áp bao lâu nên kiểm tra sức khỏe chức năng thận 1 lần?
Theo BS, người bệnh tăng huyết áp bao lâu nên kiểm tra sức khỏe chức năng thận 1 lần? Mỗi lần khám này sẽ gồm những cận lâm sàng nào ạ?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Nếu lần đầu tiên biết tăng huyết áp nên tầm soát bệnh thận ngay. Để tầm soát bệnh thận hiện nay theo Hội Thận học Thế giới có 2 xét nghiệm cần làm là xét nghiệm máu đo Creatinin và sau đó tính độ lọc cầu thận ước đoán khoảng 20.000 đồng và thực hiện tổng phân tích nước tiểu, cũng như tính tỷ lệ Albumin/Creatinin nước tiểu (ACR) khoảng 50.000 đồng. Như vậy tổng chi phí chỉ khoảng 70.000 đồng.
Sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính không mắc bệnh thận thì những người tăng huyết áp tối thiểu mỗi năm nên tầm soát lại một lần. Nếu có bị bệnh thận thì theo giai đoạn bệnh sẽ có chu kỳ tầm soát ít nhất từ 1 - 4 lần/năm.
5. Phòng ngừa thế nào để không mắc tăng huyết áp và bệnh thận cùng lúc?
Phòng ngừa bệnh thận trên người bệnh tăng huyết áp thế nào? Và ngược lại người bệnh thận làm thế nào để đừng mắc kèm bệnh tăng huyết áp ạ?
- Làm sao thế nào để hạn chế tác động lên thận khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp ạ?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Trong điều trị, uống thuốc mỗi ngày là điều bắt buộc. Không thể thấy huyết áp bình thường mà ngưng thuốc vì đây là huyết áp bình thường trên nền đã uống thuốc, nếu ngưng uống huyết áp sẽ cao trở lại và có những biến chứng.
Việc lựa chọn thuốc cần phải theo dõi bởi bác sĩ tổng quát hoặc bác sĩ tim mạch để chọn những thuốc tốt và ít biến chứng lên thận nhất. Quan trọng là người bệnh phải theo dõi biến chứng lên thận. Nên tầm soát biến chứng thận 1 năm/lần để xem có ảnh thận đến thận không và thay đổi thuốc. Thông thường bà con cô bác hay nghe người thân, bạn bè uống thuốc đó hợp và mình cũng bệnh giống vậy nên cũng uống theo là điều nên tránh.
>>> Phần 1: 10% dân số mắc đồng thời tăng huyết áp và bệnh thận mạn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình